Âm nhạc truyền thống thể hiện Phẩm hạnh và dụng tâm!
Trước khi tìm hiểu về Lễ nhạc dân tộc qua Phật Giáo Việt Nam chúng ta hãy tham khảo các sự kiện và chỗ dụng tâm của âm nhạc Trung Quốc thời Xuân Thu (LTG)
Cầm Kỳ Thi Họa là 4 loại tài nghệ mà người quân tử từ xưa đến nay cần phải thông hiểu. Cổ cầm là một loại nhạc khí thiết yếu mà người quân tử thời cổ đại thường mang theo bên mình, và cũng là biểu tượng của thánh hiền và người quân tử. Âm nhạc của chiếc đàn cổ dung nhập vào truyền thống văn hóa bác đại tinh thâm, phản ánh một phong cách trang nhã yên hòa, điềm đạm đôn hậu, hướng về cảnh giới cao xa tĩnh lặng. Cổ nhân chú trọng phẩm hạnh đạo đức, dù là việc gì họ cũng coi trọng sự chú ý và dụng tâm. Câu chuyện xưa về học đánh đàn cầm là một câu chuyện đáng cho người đời sau phải suy ngẫm.
Thời Xuân Thu, Sư Văn người nước Trịnh muốn học đánh đàn Cầm. Ông ta nghe nói nhạc sư Sư Tương nổi tiếng trong khi đánh đàn cầm thì chim chóc kéo đến bay múa, cá tôm cũng nương theo tiếng đàn mà bơi về lắng nghe, chú tâm hướng về giai điệu tiếng đàn. Thế là Sư Văn bèn tới nước Lỗ bái Sư Tương làm thầy.
Sư Tương dạy cho Sư Văn xác định nốt nhạc, đánh đàn và chỉnh dây âm, nhưng những ngón tay của Sư Văn quá cứng nhắc, học suốt 3 năm, cuối cùng ngay cả một đoạn nhạc cũng không đàn nổi. Sư Tương nói với Sư Văn: “Con có lẽ là thiếu ngộ tính, học đàn không đủ chuyên tâm”.
Sư Văn nói: “Con hoàn toàn chẳng phải là không thể đánh đàn được tốt và không thể xác định được chuẩn âm, cũng không phải là sẽ không thể đàn được trọn một bài nhạc. Song điều con hằng chú tâm không chỉ là so dây đàn, điều con hướng đến cũng không phải chỉ là âm điệu tiết tấu. Điều con thực sự theo đuổi là muốn dùng tiếng đàn để biểu đạt được tiếng lòng của con. Khi con không thể khiến âm nhạc phát xuất ra từ nội tâm và cảm ứng được nhạc khí (bên trong đắc tâm, ngoài ứng với khí), thì con không dám buông tay mà gảy đàn. Xin thầy hãy cho con thêm một thời gian nữa, để xem có thể tiến bộ được hay chăng?”
Sư Văn tĩnh tâm lại, hàng ngày dốc lòng học tập, dụng tâm dùng âm nhạc để biểu đạt ý cảnh, không ngừng hoàn thiện tu dưỡng. Qua một thời gian, ông trở lại bái kiến Sư Tương. Sư Tương hỏi: “Giờ con đánh đàn như thế nào?”. Sư Văn đáp: “Thưa đã đắc tâm rồi, xin cho con thử đàn một khúc vậy”. Sư Văn bắt đầu lướt tay đánh đàn, đầu tiên tấu nhạc dây Thương thuộc về âm Kim, đánh ra khúc nhạc thể theo nhạc luật Nam Lữ tiêu biểu cho tháng 8 của năm. Lập tức nghe tiếng đàn dào dạt như gió thu lướt qua mặt, cỏ cây như đều muốn trưởng thành kết trái.
Đối diện với sắc thu mùa lúa chín vàng óng ánh, ông bèn đàn dây Giác thuộc về âm Mộc, khiến cho nó diễn tấu ra khúc nhạc theo nhạc luật Giáp Chung tiêu biểu cho tháng 2 của năm. Tiếng đàn nghe như gió xuân ấm áp vang vọng bên tai, tức khắc diễn xuất ra một cảnh sắc mùa xuân muôn vật đổi thay muôn trùng tươi đẹp.
Tiếp theo, Sư Văn tấu dây Vũ thuộc về âm Thủy, khiến cho nó phát ra khúc nhạc theo nhạc luật Hoàng Chung tiêu biểu cho tháng 11, chỉ trong chốc lát đã khiến cho người ta cảm thấy như sương tuyết cùng xuất hiện, sông lớn đóng băng, trước mắt như hiện ra cảnh tượng xơ xác tiêu điều.
Tiếp nữa, ông lại đánh dây Chinh thuộc về âm Hỏa, phát ra khúc nhạc thể theo nhạc luật Nhuy Tân, khiến người ta phảng phất nhìn thấy mặt trời gay gắt như lửa, băng cứng tiêu tan.
Ở khúc nhạc cuối cùng, Sư Văn tấu âm Cung là chủ của Ngũ âm, khiến cho 4 dây Thương, Giác, Chinh, Vũ hòa âm hòa điệu, lập tức ở bốn phía gió Nam nhẹ thổi, mây lành lượn lờ trôi, giống như sương ngọt từ trời cao giáng xuống, dòng suối trong lành từ lòng đất tuôn ra.
Sư Tương cực kỳ cao hứng, ca ngợi Sư Văn :“Con đánh đàn thật quá tuyệt diệu! Khiến cho người ta như đứng trong cảnh ấy, cảm thụ được cái đẹp chân chính là như thế nào!”. Sư Văn về sau trở thành nhạc sư vĩ đại nhất nước Trịnh.
Câu chuyện xưa về Sư Văn học đánh đàn đã nói rõ: Dù là học tập bất kỳ nghệ thuật nào, không phải bằng kỹ xảo bên ngoài, mà là ở chỗ lĩnh ngộ được hàm ý biểu đạt ở bên trong. Cần như Sư Văn nghiên cứu tinh thâm cái lý của đàn, quyết chí không thay đổi, đề cao sự tu dưỡng và ngộ tính. Sự cao siêu của nghệ thuật âm nhạc, điều quan trọng không phải là ở dây đàn, không phải ở thanh âm, mà là ở chỗ “Đắc tâm ứng thủ” (Trong tâm nghĩ thế nào thì liền đánh ra được như thế). Bắt chước hình thức bề ngoài thì ai cũng có thể làm được, nhưng có thể lĩnh hội được cái hồn của âm nhạc và thông qua thủ pháp để biểu đạt tâm ý, nếu không phải là người phi thường thì không cách nào làm nổi. Ý nghĩa của đàn cổ siêu việt rất xa khái niệm về âm nhạc, và đã trở thành biểu tượng của nhân cách lý tưởng và văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nó biểu đạt ra hàm ý đạo lý bên trong, là sự nối liền tâm linh và sự đồng cảm giữa con người với con người, là biểu hiện của con người dùng tâm linh thuần chính tốt đẹp để cảm hóa vạn vật xung quanh.
Bài của Trí Chân