Đời Sống Trại – Tài liệu GĐPT

Chuyên Mục: Tác phẩm 1.762 0

MỞ ĐƯỜNG

 

Đời sống trại Gia Đình Phật Tử (ĐST GĐPT), mẫu người được thực hiện ra đầu tiên trong trí óc khi có ý niệm mở ra một Trại huấn luyện. Mời một vị Trại trưởng, thật ra không khó mà tìm một Đời sống trại (ĐST) lo cho trại thật lắm đắn đo suy tính.

Đời sống trại là con tim của trại, là nguồn sống của trại, biến những lý thuyết khô khan thành sức sống, không phải chỉ có hiệu quả trong thời gian trại mà quan trọng hơn là động cơ chuyển động tổ chức sau khi rời khỏi trại.

Không ai nghĩ rằng chỉ có mấy ngày thụ huấn ở trại, Trại sinh có thể trở thành những người điều khiển lành nghề cho Đội, cho Đoàn. Thổi vào óc Trại sinh những lý thuyết, những thực tập cho dù hay ho đến mấy đi nữa, cũng chưa phải là mục đích chính yếu của một Trại huấn luyện, bất cứ cấp nào. Những gì mà trại muốn thắm biên vào óc, vào tim, vào máu tủy Trại sinh là … LÀ NGUỒN SỐNG MÃNH LIỆT DẠT DÀO TRONG CƠ THỂ SAU KHI TRẠI SINH NHẬN LÃNH ÁNH SÁNG TRUYỀN ĐĂNG.

Tạo nên nguồn sống đó, phần lớn, nếu không phải là Đời sống trại thì còn là ai? Hỡi các Anh các Chị đã làm Đời sống trại và đang nuôi hy vọng cầm còi cho trại? Hỡi các Anh, các Chị Trại trưởng nát óc chọn lựa 1 Đời sống trại đúng danh nghĩa Đời sống trại?

Như thị:

Quả vậy, Trại: Ban quản trại (điều hành + huấn luyện) và Trại sinh sẽ rời rạc, phân cách biết mấy, có khi trở thành 2 khối mâu thuẫn. Nếu không có Đời sống trại tạo thành một khối thống nhất trọn ý chí, hài hòa trong nếp sống. Cả ba: Ban quản trại, Trại sinh, Đời sống trại, tuy ba mà một. Một lý tưởng, một mục đích, một Phật chất. Có năng hành (Đời sống trại biểu hiện cho Ban quản trại) đó, có sở hành (Trại sinh) đây. Này Anh, này Chị Đời sống trại GĐPT, hãy tụng câu :”Năng lễ sở lễ tánh không tịch.” Để chỉ đạo cho suy tư, cho hành động của mình khi cầm còi  đối diện với Trại sinh, trong cùng vòng tay với Trại sinh.

Quả vậy, Đời sống trại GĐPT là chiếc cầu để Trại sinh đến với Ban quản trại và ngược lại, Ban quản trại đến với Trại sinh. Một chiếc cầu không phải ghép bằng tre, bằng gỗ, bằng … … mà bằng Thân, bằng Khẩu, bằng Ý của chính mình. Thân hoà đồng trú, dĩ nhiên, vì đó là “chúng” của trại, “Chúng” theo nghĩa của Shangha, của hoà hợp. Khẩu hoà vô tránh, trong tập thể chúng sanh ấy, làm sao tránh khỏi những va chạm trong đời sống hàng ngày? Va chạm giữa Năng – Năng, va chạm giữa Sở – Sở, có khi giữa Năng – Sở. Ý hoà đồng duyệt, Trại huấn luyện thiên về lý. Có một khoá học nào mà không thấm vào nó một lý thuyết, một ý thức? Lý trí dễ gây xung động. Nếu chỉ nặng về lý, mầm mống của mọi bất đồng, cố chấp, thiên kiến, biên kiến… đủ điều.

Này Anh, này Chị Đời sống trại! Anh Chị là chiếc cầu của Thân hoà, của Khẩu hoà, của Ý hoà… Vị trí của Anh của Chị là Năng cũng có khi là Sở, tuỳ duyên để thực hiện trách nhiệm của Anh Chị.

Quả vậy, trên nguyên tắc, thì Anh thì Chị ở trong phạm vi điều hành, mà trong thực tế, trong thực chất nữa thì Anh thì Chị là một Huấn luyện viên, một Huấn luyện viên 24/24. Không phải thế sao? Đời sống trại sống thường trực với Trại sinh, với Ban quản trại. Tôi nói Sống là Sống hết mình. Nếu Anh nếu Chị là một Đời sống trại có ý thức, thì Sống là Huấn Luyện, Huấn luyện ngay trong nếp sống, trong vị trí Đời sống trại của mình. Sống là sống với Thân, với Khẩu, với Ý, thì dùng Thân giáo, Khẩu giáo, Ý giáo để huấn luyện. Mỗi một cử chỉ dù chỉ là cử chỉ cầm còi để thổi, mỗi một lời nói dù chỉ là một tiếng hô khẩu hiệu của trại, mỗi một ý nghĩ dù chỉ là mống tâm thiên lệch về một Trại sinh thuộc gia đình mình… Mỗi mỗi đều chứa đựng chủng tử giáo dục, tác dụng huấn luyện có ảnh hưởng đến Trại sinh.

Trên đây, khi nói đến người tạo nên “Nguồn sống cho trại”, tạo nên phần lớn thành công của trại không ai khác hơn là Đời sống trại. Do nhân duyên này, Anh Chị cứ chiêm nghiệm xem. Đời sống trại có sống mãi trong lòng Trại sinh hay không, phát xuất từ đấy.

Đến đây, tâm Anh tâm Chị thì náo nức với nghề Đời sống trại. Cái nghề vô cùng nhọc nhằn mà cũng vô cùng sống động mà chân Anh chân Chị thì không dám bước, rụt rè, e sợ. Không sợ sao được khi đã hiến dâng cho Nghề rồi, khi đã mang lấy cái Nghiệp vào thân rồi, thì phải đổi mới cả cuộc đời, khi xuất thế ở trại cũng như tại thế ở gia đình, ở xã hội. Này Anh này Chị, Bồ Tát Thường Bất Khinh đang ở trước mặt Anh, trước mặt Chị chấp tay nghiêm chỉnh: ”Tôi không dám khinh Anh khinh Chị vì trong Anh trong Chị còn có Phật tính.” Phật tính mà ta còn đạt tới được, sá gì Đời sống trại. Đừng ngại! té xuống đất thì chống đất mà dậy. Thất bại diệt thì kinh nghiệm sinh. Kinh nghiệm chồng lên kinh nghiệm, thành quả nối liền thành quả… lo gì?

Một trợ duyên cho Anh cho Chị đang nằm trong tay Anh Chị với tập sách “Đời sống trại” của Anh Nguyên Trừng – Nguyễn Văn Quýnh. Với những kinh nghiệm rất sống động, Anh Nguyễn Văn Quýnh đã làm nên hương hoa cúng dường, để Báo Ân nhân mùa Báo Hiếu Vu Lan 2526, báo ân trong niệm “Phụng Trần Sát”.

Tôi nghĩ rằng, tập sách Đời sống trại này là một cái Nhân,và tôi xin trân trọng giới thiệu cái nhân – lành này để góp phần chút đĩnh niệm Báo ân với Anh Nguyễn Văn Quýnh cùng với nguyện cầu an lành và siêu thoát cho tất cả Đoàn Viên GĐPT.

Trân trọng.

Như Tâm  Nguyễn Khắc Từ

 

 

 

LÁ THƯ THAY LỜI TỰA

 

 

Chú Chơn Thuần thương mến!

Tập sách nhỏ này vốn định viết cách đây 8 năm. Một số anh chị em Huynh trưởng yêu cầu tôi viết lại những kinh nghiệm của mình trong “Nghề” Đời sống trại.

Gọi Đời sống trại là cái “Nghề” cũng phải. Vì nó tốn rất nhiều thời gian suy tư và công phu rèn luyện, họa hoằng lắm mới có một Anh Chị nhận lãnh vai trò này, có khi không phản ảnh được vai trò mà còn tác hại đến cho số đông, nhất là các Trại huấn luyện Huynh trưởng. Bởi vì nơi đây tập trung toàn là người trưởng thành cả, có Trại sinh lớn tuổi hơn cả Đời sống trại, như vậy thấy cũng khó khăn trong việc điều khiển.

Cho đến nay, 8 năm qua mau, tôi cứ ngỡ là những gì mình kinh nghiệm ắt nó đã tiêu ma từ lâu. Không ngờ mấy tuần trước đây, được sự khích lệ của Anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ và anh em cho biết hiện nay anh em đang thiếu nhiều tư liệu về GĐPT. Một điều quan trọng nữa, tôi được nghe chú Chơn Thuần đang bận rộn nhiều công việc, thế mà chú vẫn dành thì giờ tổ chức GĐPT ở địa phương.

Nhờ những khích lệ đó thôi thúc tôi phải làm một công việc gì để đền đáp công ơn của các Anh các Chị trưởng GĐPT Chơn Tri ở Huế, nơi đã đào tạo cho tôi trở thành một Huynh trưởng, một Đời sống trại từng được Trại sinh các cấp thường cổ vũ. Tôi xin nhớ ơn các Anh các Chị đã dìu dắt tôi trong mấy chục năm qua, tôi xin nhớ ơn tất cả các Trại sinh trong các Trại huấn luyện mà tôi đã nhận lãnh vai trò Đời sống trại. Nhờ tất cả, hôm nay tôi mới có một ít kinh nghiệm điều khiển, tổ chức và lãnh đạo. Nhưng kinh nghiệm là gì? Theo tôi nghĩ, đó là một khái niệm vừa mang nỗi hạnh phúc lại vừa mang ý khổ đau. Bởi vì, khi ta có kinh nghiệm có nghĩa là ta đã chết nửa thân mình để đổi nó.

Tôi tự thấy, mỗi khi nhìn lại dĩ vãng, nhìn lại chặng đường mình đã đi qua và nhất là đã chứng kiến khá nhiều Trại huấn luyện của nhiều nơi, tôi có cảm nhận  vai trò của Đời sống trại – thật quá khó và không biết rồi đây, có Anh Chị nào sẽ đồng tình với tôi để đảm nhận công việc đầy khó khăn vất vả này không? Nhưng tôi tin chắc một điều, nếu Anh Chị nào chịu khó nhận lãnh vai trò Đời sống trại với tất cả tâm huyết của mình, chắc chắn các Anh Chị đó sẽ nhận được những niềm vui khôn tả và cũng chắc chắn một điều trước khi các Anh Chị nhận được những niềm vui ấy, các Anh các Chị ít ra cũng phải có một lần “Chết nửa thân mình”.

Ngôn ngữ cũng khó mà diễn đạt hết những kinh nghiệm phong phú và nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, tập sách nhỏ này vẫn hoàn thành bằng những nỗ lực bất ngờ.

Với tâm thành, tôi hy vọng tập sách nhỏ này là một đóng góp dù ít ỏi, nhưng nó sẽ giúp cho các Anh Chị trưởng mới bước chân vào nghề điều khiển không ít.

Tập tài liệu này không phải chỉ dành riêng cho ai muốn trở thành một Đời sống trại, chính nó đã tổng kết những kinh nghiệm từ khi mới còn là một Đoàn sinh, một Đội Chúng trưởng (Cher Groupe), một Đoàn trưởng (Leader). Là những kinh nghiệm tiếp nối qua từng trách nhiệm, từng vai trò khác nhau với từng chặng thời gian khác nhau liên tục tiếp nối.

Tôi xin gửi đến chú Chơn Thuần để đọc và tìm hiểu. Sau đó, nếu có dịp tốt, chú có thể phổ biến rộng hơn.

Tôi xin gửi đến chú Chơn Thuần niềm thương mến và biết ơn.

Xin hồi hướng công đức này đến mười phương chư Phật.

Vạn Hạnh

                                                                                       Mùa An Cư 2526 – 1982

 

Nguyên Trừng Nguyễn Văn Quýnh

 

CHƯƠNG MỘT

I/ Tổng quát các môn học:

Trong chương trình tu học của GĐPT, nhằm đào tạo cho Đoàn sinh về cả 3 môn học: Giáo lý cơ bản, Văn nghệ và Hoạt động thanh niên, xã hội.

Tuy nhiên trong 3 môn học này, từ trước tới nay cũng có một số tài liệu nêu lên mối quan hệ của chúng, nhưng thực ra các tài liệu ấy chưa đặt vấn đề đúng mức hoặc chưa làm nổi bật sự quan hệ mật thiết của nó để cho Huynh trưởng vận dụng triệt để trong việc giáo dục Đoàn sinh.

  1. Về giáo lý:

Thường thì mỗi gia đình đều cố gắng mời một thầy Cố Vấn Giáo Hạnh cho gia đình và vô hình chung Thầy Cố Vấn trở thành Giảng viên cho môn học này. Sở dĩ như vậy là do trong Huynh trưởng không có ai có trình độ nghiên cứu để có thể hướng dẫn cho các lớp giáo lý của Đoàn sinh. Trường hợp, nếu có Huynh trưởng có khả năng và trình độ hướng dẫn Phật pháp thì sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các em. Bởi lẽ, Anh Chị trưởng là người đã trải qua quá trình điều khiển nên đã nắm được phần “Tâm lý trẻ”. Nhờ vậy mà việc giảng dạy cho các em sẽ dễ dàng phù hợp với các em. Trong lúc đó, nếu gặp được một Thầy Cố Vấn vừa nắm vững phần nội điển lại sành tâm lý trẻ thì thật đáng quý trên thực tế, cũng có thầy chỉ có khả năng về kinh điển, nhưng lại không có những hiểu biết liên quan đến các hoạt động khác của Thanh Thiếu niên.

GĐPT là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo, lấy giáo lý của Đạo Phật làm cơ sở. Vì vậy, nên môn học này trở thành quan trọng hàng đầu trong nội dung chương trình. Nhưng không phải vì thế, chúng ta lại nhồi nhét vào đầu óc tuổi trẻ một mớ kiến thức tôn giáo đặt nặng từ chương và giáo điều. Cũng có một số Anh Chị nghĩ rằng, cho Đoàn sinh học càng nhiều giáo lý càng tốt nên đã có lúc, có khi đã chiếm hết thời gian của các môn học khác. Sự kiện này đã đánh mất mối quan hệ mật thiết giữa các môn học. Giờ giáo lý, học giáo lý đã đành rồi, nhưng chúng ta cũng cần phải nghĩ rằng, có khi trong giờ Phật pháp nhưng các em lại khó tiếp thu nội dung. Ngược lại, trong các bộ môn khác nếu Huynh trưởng chúng ta biết vận dụng một cách sâu sắc thì Đoàn sinh không những chỉ học môn học này mà trong đó vẫn có thể truyền đạt giáo lý một cách nhẹ nhàng.

Trong các môn học, người Huynh trưởng đều phải thấy tầm quan trọng của từng môn, không nên chỉ thiên trọng môn này, xem thường môn khác mà phải đánh giá đúng mức của mỗi môn học và vận dụng chúng thật sắc sảo trong mỗi thời khắc và hoàn cảnh, nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Đó là chưa nói đến một vài sai lầm mới nhìn qua tưởng chừng không quan trọng, những thực ra nó có tác hại khá sâu xa đối với Đoàn sinh, nhất là lứa tuổi còn Oanh vũ, sự sai lầm này, phát sinh từ trình độc giáo lý của người hướng dẫn không được xác chứng về những kiến thức Phật pháp để có thể đảm bảo được chánh kiến, gây hoài nghi cho các em. Không hiểu biết tâm lý trẻ, lại tưởng nhầm rằng bản thân mình đã được trang bị những kiến thức rộng rãi dễ dàng đáp ứng với mọi yêu cầu của Đoàn sinh nên đã gợi ý cho các em đặt nhiều vấn đề khác nhau và những vấn đề đó sẽ được giải thích tại chỗ. Chúng tôi cho đó là một sai lầm nghiêm trọng, nguy hiểm. Có khi uy tín của người giảng dạy bị đốt cháy chỉ trong một nháy mắt. Có khi nào chúng ta lại trả lời trôi chảy một câu hỏi?

Đức Phật là một vị Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài đã thực chứng hết thảy các Pháp, là người được tôn xưng mười danh hiệu, nhưng Đức Phật cũng không phải là một cái máy trả lời bất cứ câu hỏi nào được đăt ra từ các vị đệ tử, từ các du sĩ ngoại đạo… có những vấn đề Ngài trả lời ngay, nhưng có những vấn đề Đức Phật phải hướng tâm đến vấn đề đó, sau đó Ngài mới trả lời.

Đức Phật có 4 phương pháp để trả lời một câu hỏi. Có câu hỏi cần trả lời trực tiếp, Ngài trả lời trực tiếp, có câu hỏi cần phải phân tích, Ngài phân tích câu hỏi, có câu hỏi cần đặt lại câu hỏi, Ngài đặt lại câu hỏi đối với người đã nêu câu hỏi, có câu hỏi cần trả lời bằng cách im lặng, Ngài trả lời bằng sự im lặng. Thái độ im lặng của Đức Phật cũng biểu lộ trí tuệ của Ngài.

Chúng ta thì không thể so sánh với Đức Phật, làm sao một Huynh trưởng lại có thể đáp ứng tất cả những yêu cầu kiến thức của Đoàn sinh? Cho nên, thay vì thái độ ngông nghênh muốn tỏ ra mình là một người Anh, người Chị có đầy đủ kiến thức, một sự hiểu biết rộng rãi. Nhưng kỳ thật, nếu có thái độ ấy chỉ biểu lộ sự non nớt, yếu kém của mình.

Về nội dung bài học, có Anh Chị nắm rất vững vấn đề, nhờ có học hỏi nghiên cứu. Có Anh Chị chỉ nắm được vấn đề một cách rất hời hợt, thiếu tư duy, thậm chí cũng có Anh Chị nắm vấn đề một cách lệch lạc, nếu không nói là tà kiến. Vả lại, trình bày một bài học giáo lý để cho người nghe tiếp thu và nắm được cũng là một vấn đề không phải là một công việc bình thường.

  1. Về văn nghệ:

Nội dung chương trình văn nghệ được soạn ra cho mỗi cấp và bao gồm nhiều bộ môn khác nhau. Các bộ môn này mang tính chuyên môn nên nó đòi hỏi người hướng dẫn giảng dạy cần bảo đảm khả năng chuyên môn theo từng môn học. Mới nhìn qua, chúng ta chỉ thấy phần đơn giản của nó mà chưa thấy phần phức tạp của môn học. Môn học thì mang tính chuyên môn, nhưng thực tế thì chúng ta rất hạn chế về nghiệp vụ.

Tập một bài hát là công việc tương đối giản đơn. Nếu chúng ta nhìn công việc này qua tầm mắt chuyên môn, chúng ta sẽ thầy rõ tính phức tạp của nó. Đó là chưa nói đến các môn học khác liên quan đến Văn nghệ GĐPT.

Văn nghệ trong GĐPT là một bộ môn có nhiều hấp dẫn đối với các lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì nó đáp ứng được phần nào tâm lý các em. Vì vậy, hằng năm trong các ngày lễ lớn của Phật giáo, hay kỷ niệm thành lập gia đình (chu niên), chúng ta thường tổ chức văn nghệ, triển lãm, báo chí v.v… Và cứ đến mùa này, sức sống của các Đoàn cứ như cây cổ thụ đến màu đâm chồi nảy lộc, mùa thay áo của đoàn, của đội… sau một thời gian hạn hán khô cằn. Khắp trụ sở đều âm vang tiếng hát, không khí sinh hoạt sôi động hẳn lên. Cũng trong mùa hoạt động này, cũng trong sức sống ấy, nếu Anh Chị bình tâm xem xét, theo dõi, chúng ta cũng sẽ thấy có một hiện tượng gì phiền toái sắp diễn ra cho Đội, cho Đoàn. Về phần Ban Huynh trưởng cũng chuẩn bị giải quyết những vấn đề phiền toái ấy xảy ra. Tùy theo mức độ, các mâu thuẫn cũng tuần tự chớm dậy, có khi gây tan rã cho cả một tổ chức.

Một Huynh trưởng có nhiều kinh nghiệm và nhiều khả năng sẽ vận dụng được các bài học Phật pháp vào các bộ môn văn nghệ. Dùng Văn nghệ như lớp đường bọc liều thuốc đắng. Đây là một trong những phương pháp hướng dẫn Đoàn sinh thường được nhắc nhở trong các Trại huấn luyện.

  1. Hoạt động thanh niên, xã hội:

Là môn học gây nhiều hứng thú cho Đoàn sinh ở mọi lứa tuổi. Có ảnh hưởng nhiều trong cuộc sống hiện thực, làm phát triển nhanh chóng những khả năng của Đoàn sinh vốn tiềm ẩn từ lâu, tạo được không khí tươi vui, sống động và hồn nhiên. Khơi dậy tình yêu thiên nhiên và cuộc sống, yêu núi sông, yêu quê hương và đậm đà tình bằng hữu.

Từ khả năng thu hút của tuổi trẻ đối với bộ môn này, chúng ta lại càng phải vận dụng khế cơ để hỗ trợ cho 2 môn học trên thì quả thật là lợi ích.

Hoạt động thanh niên cũng bao gồm nhiều mặt. Tùy theo tâm lý tình cảm của từng lứa tuổi để đào tạo, hướng dẫn làm cho Đoàn sinh phát triển những khả năng chuyên biệt.

Trên đây là những nhận định khái quát của các môn học trong GĐPT. Đối với chương trình tu học của GĐPT chúng ta, đến nay cũng đã nảy sinh ra nhiều suy nghĩ đối với nội dung chương trình ấy. Đây là việc làm cần phải tập trung trí tuệ cao của cả một tập thể. Phải tốn nhiều suy tư, nghiên cứu của những Anh Chị có nhiều kinh nghiệm và nhiều kiến thức về tâm lý giáo dục, chứ không phải là một công việc tầm thường và trách nhiệm thì của tát cả chúng ta.

Những nhận xét đại loại như chúng tôi vừa trình bày, không phải không cần thiết cho nhiệm vụ của một Đời sống trại sau này.

Cùng một chức năng, một nhiệm vụ là người Anh người Chị hướng dẫn Đoàn sinh. Nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ của một Đời sống trại, nhất là Đời sống trại trong các Trại huấn luyện. Chúng ta có nhiều Trại huấn luyện để đào tạo các cấp Huynh trưởng, nhưng chúng ta chưa hề có một Trại huấn luyện nào để đào tạo Đời sống trại.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng: không thể đào tạo Đời sống trại được! Hay nói cách khác chúng ta không thể đào tạo một con người để đảm nhận nhiệm vụ Đời sống trại trong các trại được. Nó là cái gì đó thuộc về bẩm tích mà đã được hun đúc, tổng kết nhiều kinh nghiệm trong hoạt động của tự thân, là một vai trò luôn luôn sáng tạo và nhuần nhuyễn trong điều khiển. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không thể trao truyền một số “bí quyết” để người khác có thể kế thừa. Một khi đã kế thừa được cái “Lý” của Đời sống trại thì chắc chắn sự vậy xuất hiện sau sẽ có những khả năng phong phú hơn nhiều đối với sự vật trước.

Chúng tôi sẽ đề cập nhiều hơn khi đến mục bàn về những đức tính của một Đời sống trại và xem nó như có tính nguyên tắc.

II/ Các loại trại:

Trong sinh hoạt thanh niêm, chúng ta thấy có những loại trại như sau:

– Trại đội chúng trưởng.

– Trại đoàn hay liên đoàn.

– Trại họp bạn.

– Trại bay.

– Trại hội thảo.

– Trại huấn luyện…

Mỗi loại trại đều có mục đích khác nhau, thời gian khác nhau, chương trình sinh hoạt và tầm hoạt động cũng khác nhau. Có những trại không cần phải có một Đời sống trại chuyên môn và đúng nghĩa của nó, mà chỉ cần một Huynh trưởng có uy tín cũng điều hành được.

Đối với các trại họp bạn, hội thảo đông đảo nhất là với các Trại huấn luyện thì không những chỉ có một Đời sống trại chuyên môn mà cần phải có thêm nhiều phụ tá, vì thời gian nhiều ngày. Các phụ tá của Đời sống trại cũng phải là những Đời sống trại đúng nghĩa.

Có khi người phụ tá lại có những xuất sắc hơn Đời sống trại chính lại càng quí, vì nó sẽ bổ sung cho các mặt ấy hoàn chỉnh hơn.

III/ Vai trò Đời sống trại:

Kể từ khi có chức vụ này trong Ban quản trại, chúng ta đã thừa nhận vai trò, chức năng và nhiệm vụ của nó đối với trại. Đặc biệt là Trại huấn luyện.

Trại trưởng Chịu trách nhiệm tổng quát trước tổ chức và tập thể Trại sinh. Là người điều hành, lèo lái từ giờ phút khai mạc đến giây phút bế mạc của trại. Nhưng kết quả của trại như thế nào về chất lượng, về giá trị của trại và là người lăn lóc, sống chết cho trại chính là Đời sống trại.

Một Đời sống trại với đầy đủ tinh thần trách nhiệm phải luôn luôn khám nhẫn, tìm tòi học hỏi thường xuyên. Đây là nhiệm vụ có tính chuyên môn. Đời sống trại là người nắm trọn sinh mệnh của trại là một con người phải đáp ứng được những yêu cầu của Trại, nhất là Trại sinh. Từ những sinh hoạt vật chất đến những sinh hoạt tinh thần, từ những việc nhỏ đến những việc lớn của trại, hầu như Đời sống trại là người giải quyết tất cả những sự kiện phát sinh trên đất trại. Mỗi một sự kiện đều trước hết thông qua Đời sống trại. Đời sống trại là gạch nối rất thiết thân giữa Ban quản trại và Trại sinh. Anh ta là con người có đầy đủ tư cách để giải quyết mọi vấn đề, chỉ trừ khi, có sự kiện nào không thể giải quyết được thì Đời sống trại trình với Ban quản trại để tìm cách giải quyết.

Giải quyết vấn đề có nhiều cách, Đời sống trại chọn một cách nào đó mà kết quả của nó có ảnh hưởng tốt trước hết cho Ban quản trại và cho cả Trại sinh.

Đời sống trại giỏi thì Trại trưởng sẽ không lo lắng gì cả. Trại trưởng cũng không mất công tìm hiểu Trại sinh cũng như tình hình chung  của trại, chỉ cần qua Đời sống trại, Trại trưởng có thể nắm được tất cả tình hình một cách chính xác.

Lâu nay, chúng ta cho rằng giữa Trại trưởng và Đời sống trại có một khoảng cách nào đó? Trại trưởng không thể thay thế vai trò của Đời sống trại, trường hợp này là có thể xảy ra. Nhưng Trại trưởng không tham gia những cuộc vui nhộn của trại là điều không thể hiểu nổi. Có người cho rằng cần phải đảm bảo phong thái nghiêm túc của Trại trưởng thì chúng tôi chưa hiểu được khái niệm thế nào là nghiêm túc? Ngược lại, Đời sống trại có thể làm bất cứ công việc gì nếu anh ta có khả năng.

Chúng tôi nghĩ rằng, trong thời gian huấn luyện, Trại trưởng xuất hiện trước Trại sinh ở dịp nào và trong thời gian nào. Bởi vì Trại trưởng khác với vai trò Đời sống trại. Tuy nhiên không phải vì thế mà Trại trưởng lại không thể cùng sống với Trại sinh những lúc thấy cần thiết. Phong cách trang nghiêm không phải là vắng nụ cười trên môi Trại trưởng. Gây cho Trại sinh ấn tượng lo âu, sợ hãi là tín hiệu báo một sự thất bại của trại. Đặt nặng vấn đề thi cử, đậu hỏng cũng chưa phải là mục đích của Trại huấn luyện thanh niên. Vấn đề là không phải trúng cách hay không trúng cách, chính là mỗi Trại sinh có đem hết tinh thần và nỗi lực để học hỏi, sinh hoạt ở trại chưa? Làm cho Trại sinh an tâm trước bất cứ vấn đề gì trên đất trại là nhiệm vụ của Đời sống trại. Đây không phải là việc làm đơn giản mà nó còn đòi hỏi Đời sống trại phải quan tâm, theo dõi, tìm hiểu phải có tầm nhìn bao quát tất cả. Phải hiểu từng thành phần Trại sinh, biết tâm sự của họ và nhất là phải xóa tan mọi mặc cảm của Trại sinh nhất là đối với thành phần Trại sinh có trình độ văn hóa thấp.

Nói tóm lại, Trại trưởng có thể không có khả năng của một Đời sống trại, nhưng một Đời sống trại cừ có thể hoàn thành nhiệm vụ của Trại trưởng hay bất cứ trách nhiệm nào trong Ban quản trại.

Vai trò của Đời sống trại thật quan trọng, có thể nói rằng con người này mang tính quyết định về sự thành công hay thất bại của trại. Có Đời sống trại chỉ thành công ở trại này mà không thành công ở trại khác. Chúng ta có nhiều Trại huấn luyện cho nhiều cấp khác nhau. Tùy theo mỗi trại mà chọn Đời sống trại có khả năng thành công trong các loại trại đòi hỏi phải hội đủ một số điều kiện cơ bản, đồng thời anh ta phải nắm vững tinh thần của mỗi loại, mỗi cấp huấn luyện.

  1. Đối với Trại huấn luyện đội chúng trưởng:

Với lứa tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết, mạnh động, hiếu thắng và nhạy bén này, làm Đời sống trại tương đối dễ thành công về mặt “Động” nhưng lại thất bại về mặt “Tĩnh”. Cũng có khi phải thất bại về cả mặt “Động” nữa.

Đây là trại đầu tiên của các em tham dự, được Ban Huynh trưởng chọn lựa gửi đi dự trại nên từ phút đầu tiên đặt chân lên đất trại, Trại sinh thấy niềm tự hào, vừa mang nhiều hy vọng. Trại sinh sẽ ham học, ham hiểu biết, tính hiếu kỳ xung động, khả năng tiếp thu nhanh chóng vì tuổi trẻ của các em đang trong thời kỳ phát triển.

Thường thì có một vài quan điểm cho rằng đây là Trại huấn luyện Đoàn sinh nên chỉ cần lo một Đời sống trại trẻ, miễn là có khả năng điều khiển, có kiến thức tương đối cũng được. Chúng tôi cho quan điểm này không được chính xác.

Trong vấn đề giáo dục cũng vậy. Một nền giáo dục hoàn chỉnh, người ta rất quan tâm đến các lớp mẫu giáo. Giáo viên của mẫu giáo là những giáo viên có học vị cao, có kiến thức rộng và chuẩn xác. Trong GĐPT cũng vậy, Huynh trưởng điều khiển oanh vũ phải là những Anh Chị trưởng có tuổi tác, có kiến thức nhiều mặt, giỏi về tâm lý thanh thiếu nhi, có khả năng về tâm lý giáo dục mới hy vọng hướng dẫn Đoàn sinh có kết quả.

Trại huấn luyện Đội Chúng trưởng là trại náo nhiệt và có sức sống nhất. Người Đời sống trại cần phải thận trọng trong việc xử thế, lại càng không được xem thường. Dù Trại sinh còn trẻ, nhưng lứa tuổi của các em trên đà phát triển như một người lớn về cả các mặt. Việc hướng dẫn, điều khiển, nói năng luôn luôn chuẩn xác.

Đối với các Anh Chị trưởng chưa từng trải kinh nghiệm, nhất là kiến thức chưa già dặn không nên phân công nhận việc huấn luyện trại này. Riêng về các Chị trưởng cũng nên quan tâm sử dụng các Chị trưởng có uy tín nhiều mặt mới có thể khắc phục được những trở ngại phát xuất từ phía Trại sinh.

Trại này tập trung một số Trại sinh đã được lựa chọn từ các nơi, đã sinh hoạt lâu trong tổ chức, đã tiếp thu một số kiến thức các mặt do Huynh trưởng của các em hướng dẫn. Nên Đời sống trại của trại này phải là một con người trước hết là đã có uy tín, có khả năng và dạn dày trong sinh hoạt trại.

Với lứa tuổi này chỉ cần vẫy bàn tay, hay tiếng còi vừa chấm dứt thế là Trại sinh đã phóng ngay về phía trước. Với sức bật như thế, Đời sống trại khó có thể khắc chế nổi Trại sinh nếu chúng ta không đặt ra một số nguyên tắc để từ đó vận dụng trong các Trại huấn luyện nói chung và Trại Đội Chúng trưởng nói riêng. Chúng tôi đề nghị 3 nguyên tắc sau đây mà chúng tôi đã áp dụng thành công.

Trong 3 nguyên tắc này, không nhất thiết phải chọn 1 hay 2, mà có khi phải vận dụng tất cả, tùy theo tình hình hiện thực của trại.

a, Nguyên tắc thứ nhất:

Lấy “Động chế động”. Đối với sức bật rất nhanh của Đội Chúng trưởng, hơn nữa số lượng Trại sinh thường thì rất động. Áp dụng nguyên tắc này trong các trò chơi nhỏ hoặc các trò giải trí khác trên đất trại rất dễ thành công vì tuổi của các em vốn động là cơ bản. Nắm được yếu tố tâm lý này Đời sống trại tỏ ra thật linh hoạt nhuần nhuyễn trong điều khiển Trại sinh không còn làm chủ được mình.

b, Nguyên tắc thứ hai:

Lấy “Động chế tĩnh”. Tùy theo tình hình và không khí sinh hoạt của trại và Trại sinh, người Đời sống trại thấy cần phải vận dụng nguyên tắc này để khắc chế, làm quân bình các sinh hoạt trại.

c, Nguyên tắc thứ ba:

Lấy “Tĩnh chế Động”. Vận dụng nguyên tắc này có phần phức tạp hơn cả. Đòi hỏi Đời sống trại phải có nghệ thuật khá tinh vi. Không cần phải có nhiều động tác, có khi hầu như không có động tác nhưng Đời sống trại làm chủ tất cả. Người điều khiển ở trong trạng thái tĩnh nên việc kiểm soát Trại sinh dễ dàng, nhận xét rất chính xác nhưng Đời sống trại lại không phí sức khỏe.

Nguyên tắc này áp dụng vào trại Đội Chúng trưởng rất có hiệu quả. Lứa tuổi này vốn động, sức khỏe lại trong thời kỳ sung sức nếu chúng ta cũng động như Trại sinh thì chắc chắn ta không động bằng các em, đó là chưa nói đến số lượng. Nó sẽ diễn ra cảnh “Nhứt mãnh hổ nan địch quần hồ”.

Trong các trò chơi, nếu xét về giá trị thì nó rất tầm thường, nhưng chúng tôi ấp dụng nguyên tắc này, trò chơi trở nên linh hoạt lạ thường. Không những linh hoạt mà Đời sống trại đang đứng vững ở thế chủ động.

Như đã đề cập ở trên, không nhất thiết chọn 1 trong 3 nguyên tắc. Đời sống trại cần nắm vững mọi hoạt động của trại, nắm được yếu tố tâm lý của Trại sinh rồi tùy nghi để áp dụng. Đời sống trại là chủ nhân của trại, cả 3 nguyên tắc này có khi nó quyện với nhau thành một, khi thì chia cách, là một nghệ thuật điều khiển và có tính nghệ sĩ. Chính vì vậy, lúc điều khiển, Đời sống trại tùy theo tình hình mà tung ta từng “Chưởng” một, vận dụng từ ít thành công lực đến cao. Nếu cần thì tung ra ngay một lúc nhiều “Chưởng” là cho đối phương không biết đâu mà đề phòng.

Do đặc điểm của trại Đội Chúng trưởng nên chúng ta chọn một Huynh trưởng có nhiều kinh nghiệm, có tuổi tác dày dạn, chững chạc, nghiêm túc nhưng vui vẻ, kỷ luật nhưng khoán hòa. Phải là một con người nếu anh muốn động thì anh sẽ quay cuồng như con vụ, thu hút cả vòng tròn động theo. Ngược lại, khi anh cần tịnh thì trở thành bất động. Như vậy, không có nghĩa là mọi người sẽ như gỗ đá mà cái “Lặng” của Đời sống trại làm cho Trại sinh phải cuốn hút theo.

Trong các loại Trại huấn luyện, Trại Đội Chúng trưởng là phức tạp hơn cả vì thành phần Trại sinh đều chưa lớn nhưng tuổi ấu thơ đã qua rồi. Mỗi Anh Chị trong Ban quản trại, trước hết là một Huấn luyện viên, là Huấn luyện viên cũng có nghĩa là người giáo dục hay ít ra cũng đang áp dụng những phương pháp giáo dục mà tiêu biểu nhất là Đời sống trại. vai trò này phải là người nắm vững những nguyên tắc và tâm lý giáo dục. Đừng bao giờ dùng uy quyền của mình đối với Trại sinh, hay nói cách khác là cái kiểu “túng làm càn” gặp khi đuối lý chỉ có cách là sử dụng uy quyền bắt Trại sinh phải tuân phục. Đây là thái độ phi giáo dục. Đời sống trại cũng chẳng bao giờ gây cho Trại sinh những ấn tượng sợ hãi, sợ mình, sợ Ban quản trại mà trên đất trại chỉ có 2 nhiệm vụ, một là của tập thể đang huấn luyện và một là đối tượng đang được huấn luyện. Sống với nhau trong tình Anh em, cảm thông, giao hòa, cởi mở, phóng khoáng, dễ tha thứ cho nhau và lòng kính phục lẫn nhau. Đã là tổ chức giáo dục huấn luyện thì cũng rất hiếm là huấn luyện 1 chiều mà ở đây là sự huấn luyện qua lại bổ sung cho nhau tỏng ý nghĩa của “Duyên sinh”.

  1. Đối với trại Lộc Uyển:

Nếu chúng ta so sánh sức sống và khả năng sinh hoạt giữa Trại Đội Chúng trưởng và Lộc Uyển, chúng ta thấy rõ sức sống của Trại Đội Chúng trưởng hơn Lộc Uyển nhiều, mặc dù so với tuổi tác xấp xỉ. Trại Đội Chúng trưởng thuần nhất một lứa tuổi, ngược lại, trại Lộc Uyển bao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Tuổi vừa đủ là 18 nhưng cũng có Trại sinh tuổi đã lớn và đã có gia đình, thậm chí cũng có rải rác dăm ba Bác Gia Trưởng tham gia học tập.

Trong số Trại sinh Lộc Uyển, có một số Trại sinh hôm qua còn là ngành thiếu nhưng sáng nay sau giờ khai mạc họ là một Huynh trưởng. Đời sống trại càng phải tế nhị, không còn xem là Đoàn sinh nên cách xưng gọi trên đất trại cũng cần thận trọng. Tất cả đều là Anh là Chị. Gọi Trại sinh Lộc Uyển không phân biệt lớn hay nhỏ tuổi, bằng “Anh”, bằng “Chị” cũng là một trong các phương pháp tâm lý giáo dục. Gọi như thế là đã gián tiếp trao thêm gánh nặng để Trại sinh thấy hẳn vai trò của mình trong quan hệ, trong học tập và trong trách nhiệm nữa. Dù đậu hay hỏng, kể từ nay họ là Huynh trưởng và con đường trách nhiệm này đang mở ra và đang chờ đón họ.

Về khả năng, trình độ của Trại sinh Lộc Uyển cũng khá phức tạp. Thường thì các Trại sinh nhỏ tuổi lại là số Trại sinh xuất sắc về nhiều mặt. Số Trại sinh này đã là sinh hoạt ở địa phương từ ngành thiếu, đã tham gia nhiều trại, đã dự Trại huấn luyện đội chúng trưởng nên các môn học đều am hiểu. Xuất sắc nhất là các môn Hoạt động thanh niên, có khi, cả phần giáo lý nữa. Vả lại, thành phần này hầu hết là học sinh trung và đại học. Trong khi đó, một số Trại sinh khác là công nhân hay thợ thủ công lại vừa đến sinh hoạt với tư cách là “bạn đoàn” hay là Huynh trưởng tập sự nên còn xa lạ với mọi sinh hoạt của trại.

Chúng ta vừa phân tích khái quát về thành phần Trại sinh. Nắm được tình hình này mới hy vọng diều khiển được trại, mới hy vọng trao đến cho từng đối tượng Trại sinh những kiến thức chuyên môn. Chúng ta chưa nói đến tâm lý Trại sinh về một số bài học cơ sở của môn hoạt động thanh niên mà trong đó có một số Trại sinh như đã đề cập trên, xem thường và tỏ thái độ tự mãn. Đời sống trại tinh tế là phải khắc phục ngay tâm lý ấy. Chặn đứng ngay thái độc xem thường bộ môn huấn luyện đã sắp vào chương trình. Chúng tôi không muốn nói rõ phải khắc chế như thế nào? Nó hết sức đơn giản, chỉ cần nhận xét tinh vi và tế nhị của Đời sống trại là đủ để cho số Trại sinh này phải quy phục và thấy rõ môn học ấy rất cần thiết đối với họ. Xin các Anh, các Chị muốn trở thành một Đời sống trại hãy vận dụng trí tuệ để xử lý như thế nào?

Nhiệm vụ của Đời sống trại Lộc Uyển là phải dẫn dắt các Trại sinh mới vào đoàn đi từ những bước đầu, đồng thời số Trại sinh cũ vẫn nhận thấy bài học không dễ dàng gì nếu họ không quan tâm. Cần phải đánh thật mạnh vào thái độ xem thường, tự kiêu có khi đến ương ngạnh của số ít Trại sinh có tài nhưng lại kém đạo đức.

Đây là Trại huấn luyện đầu tiên của Huynh trưởng, Đời sống trại là người nắm vững tình hình chung, nắm được tình hình riêng, thậm chí phải nắm vững tâm lý từng Trại sinh, không thể có tình trạng xem thường các môn học, có thể có Trại sinh xem thường một vài giảng viên của trại nhất định là phải tung “Bửu bối”, phóng nhiều “Chưởng” một lúc với cả 10 thành công lực, cho số này phải “Đo ván” tức khắc, chỉ có đau đớn mới thức tỉnh. Tuy vậy, Đời sống trại vẫn luôn luôn sống với tình thương yêu đối với mỗi Trại sinh. Điều đáng nói là tùy theo từng căn cơ mà áp dụng phương pháp huấn luyện (chứ không phải là tìm cách trả thù vì thành kiến). Ở bất cứ trường hợp nào Đời sống trại cũng phải giữ thái độ khách quan và hết lòng dẫn dắt những Anh Chị đi sau tiến lên phía trước bằng một số kinh nghiệm sống động.

Như trên đã trình bày, đo tình hình, khả năng, trình độ của Trại sinh Lộc Uyển chênh lệch khác nhau. Số Trại sinh trả lại có năng lực nhiều mặt, số Anh Chị lớn tuổi thì quá mới mẻ, chưa có kiến thức bao nhiêu. Trước tình hình đó, người Đời sống trại, một mặt bám sát số trẻ để cho họ thấy rằng sự hiểu biết của họ cũng chưa đến đâu, nhưng cần phải tế nhị. Mặt khác phải nâng dần số Anh Chị lớn tuổi, nhất là quan tâm đến một vài Trại sinh kém nhiều mặt (cả trí lẫn thể).

Đời sống trại cần vận dụng khả năng sinh hoạt của số Trại sinh trẻ, họ là những nhân tố rất tốt cho sinh khí trại. Vì sao Đời sống trại phải khai thác khả năng của thành phần Trại sinh này. Không khác mấy đối với trại đội chúng trưởng, số Trại sinh này vốn “động” nhiều hơn “Tĩnh”, Đời sống trại cần dùng không khí trại lên cao, nhất là ngày đầu tiên của trại để thu hút số Trại sinh đã đứng tuổi. Chúng tôi sẽ bàn đến phương pháp xây dựng sức sống của trại trong một mục tiếp theo.

Là Trại huấn luyện Huynh trưởng đầu tiên nên người Đời sống trại của trại này phải là một Huynh trưởng thiện xảo nhiều bộ môn, có kiến thức tương đối đầy đủ, nhất là phải nhuần nhuyễn các môn Hoạt động thanh niên, hiệu lệnh tập họp, các đội hình v.v… Vì phải thường xuyên dẫn dắt Trại sinh trong những giờ sinh hoạt ngoài trời. Giải trí sau 2 thời gian học tập lý thuyết. Giảng dạy, nhưng Trại sinh cứ tưởng là đang dự cuộc vui, chú ý lắng nghe Đời sống trại tưởng là sắp dự cuộc vui nhưng không ngờ trong những giây phút ấy. Trại sinh lại học được những bài học không có đề tài nhưng lại rất sống động, thực tiễn. Đó là nghệ thuật của một Đời sống trại giỏi. Truyền và giáo dục khả năng chịu đựng cho Trại sinh là nhiệm vụ của trại nói chung và Đời sống trại nói riêng.

Tôi còn nhớ có một Trại huấn luyện Lộc Uyển. Sau khí xét duyệt hồ sơ Trại sinh về các điều kiện dự trại, trong đó có 2 hồ sơ của 2 nữ Trại sinh thiếu tuổi, trình độ văn hóa học lớp 11 phổ thông, sinh hoạt trong đoàn từ khi là một Đoàn sinh, tôi mời 2 Chị này đến giải thích và cho biết trại sẽ không nhận những Trại sinh như thế. Thật ra về tuổi tác dù có thiếu 5, 7 tháng cũng có thể chấp nhận, vì chúng ta có nhiều cách để giải quyết hợp pháp. Hoặc là cấp giấy chứng nhận sau khi trúng cách (đậu), hoặc chỉ thừa nhận Huynh trưởng sau khi đã đủ tuổi đời v.v… Nhưng ở đây, chúng ta làm trắc nghiệm thử. Một trong 2 nữ Trại sinh mạnh dạn trình bày nguyện vọng một cách bình thường sau khi nghe ý kiến của chúng tôi, còn nữ Trại sinh kia vừa mới nghe trại không nhận đã rơm rớm nước mắt. Tôi liền dứt khoát cho Trại sinh “mu khóc” ấy về luôn và quyết định cho nữ Trại sinh tỉnh táo kia tiếp tục dự trại.

Sau trại bế mạc là 1 Huynh trưởng điều khiển 32 Đoàn sinh, nếu cứ mỗi lần có việc gì ngoài ý muốn mà Chị trưởng đã khóc, thế thì ai là người “dỗ” Đoàn sinh khi các em khóc?

Là một Huynh trưởng trong một tổ chức thanh niên, trước hết là phải biết tính nguyên tác của một tổ chức và phải tôn trọng, bảo vệ tính nguyên thấy là nhiệm vụ của mỗi Huynh trưởng.

Chúng ta muốn trắc nghiệm để hiểu biết thêm mà ấp dụng các nguyên tắc giáo dục. Cách nào chúng ta cũng áp dụng được Trại sinh nếu chúng ta quan tâm. Trường hợp của một nữ Trại sinh trên đây, chúng ta là một cách để giáo dục, bởi vì sự kiện xảy ra đã là một bài học quí giá đối với đương sự. Phải là một kỷ niệm đến muôn đời không thể nào quên.

Vả lại, Đời sống trại còn phải xem xét hoàn cảnh của mỗi địa phương gửi Trại sinh đến tham dự trại. Hơn ai hết, Anh Chị Liên Đoàn trưởng là những người nắm vững nguyên tắc, nội qui của tổ chức. Khi gửi Trại sinh như vậy là cả một sự cần thiết có Huynh trưởng hợp pháp để phụ trách Đoàn. Đó là chưa nói đến địa phương đã chọn lựa khả năng, nhất là tinh thần tích cực và niềm tin đối với lý tưởng thanh niên. Cho nên, nguyên tắc là nguyên tắc, việc vận dụng nguyên tắc tùy theo hoàn cảnh và môi trường hợp là việc khác.

Trên đây là một số nét đặc biệt của trại Lộc Uyển mà Đời sống trại cần nắm vững để có thể điều hành trại một cách thành công.

  1. Đối với trại A Dục:

Trại huấn luyện Huynh trưởng A Dục nhằm đào tạo Trại sinh trở thành đoàn trưởng để cầm đoàn. Hầu hết Trại sinh đã kinh qua nhiều trại. Khả năng của Trại sinh tương đối đồng đều, thuần phục, không phức tạp như Trại sinh Lộc Uyển. Mỗi Trại sinh đều có trình độ hiểu biết tương đối, có những kinh nghiệm sinh hoạt ở đoàn, phong cách điều khiển có phần nhuần nhuyễn, có thể có những tài năng chuyên biệt đang trên đà triển nở.

Đối với trại này, Đời sống trại không đến nỗi vất vả như trại Lộc Uyển. Tuy nhiên, chọn lựa Đời sống trại A Dục cũng phải cần tôn trọng nguyên tắc. Trước hết là một Huynh trưởng có cấp tín hay ít nhất cũng là một Huynh trưởng đã tham dự Trại huấn luyện Huynh trưởng Huyền Trang, có uy tín trong tổ chức. Trại càng cao thì nhiệm vụ giáo dục càng nặng nề và trách nhiệm truyền thụ các kiến thức càng đòi hỏi nhiều ở Ban quản trại. Nói như vậy, cấp bậc của một Huynh trưởng nó chỉ biểu hiện rõ nét về mặt tổ chức, nhưng lại không liên quan gì đến khả năng chuyên biệt của Đời sống trại cả. Tuy nhiên, kết hợp được 2 yếu tố này vào một con người Đời sống trại thì lại càng hoàn chỉnh, đảm bảo được nhiều mặt.

Các thành phần Trại sinh A Dục là những đương kim Đoàn phó thực thụ, hay cũng đang nhận nhiệm vụ Đoàn trưởng ở địa phương, là những người đã được giao trách nhiệm của một đoàn. Dựa vào tinh thần trách nhiệm này, Đời sống trại cần phải khai thác triệt để những khả năng chuyên môn của họ, đôi khi chỉ bộc lộ ở địa phương. Khi mới đến đất trại chưa có dịp để thi thố, hoặc giả vì một yếu tố tâm lý nào đó nên họ chưa bộc lộ ra ngoài. Nhiệm vụ của Đời sống trại là khơi dậy nguồn cảm hứng, khơi dậy ý thức trách nhiệm của Trại sinh. Quy chế huấn luyện A Dục cũng chưa triệt để giao trách nhiệm cho Trại sinh gánh vác trước Ban quản trại và sức sống cũng như sự thành bại của trại nên chưa có hội đồng Trại sinh.

Sự tác động qua lại giữa Đời sống trại và Trại sinh trong trại A Dục lại càng rõ  ràng hơn. Đời sống trại sẽ được học hỏi nơi mỗi Trại sinh một vài cái mới. Là những thành phần ở nhiều địa phương khác nhau, nó sẽ được biển hiện nhiều về trên đất trại. Qua đó, Đời sống trại sẽ tiếp thu được nhiều sắc thái sinh hoạt khác nhau thật là phong phú. Không những học tập lẫn nhau về các mặt ưu điểm, chính những nhược điểm cũng giúp cho nhau có những nhận xét khá sâu sắc.

Chúng tôi nhận thấy cũng cần nhắc lại ở đây rằng, là Trại huấn luyện, chưa phải giảng viên là người Huấn luyện viên và Trại sinh là đối tượng được huấn luyện, mà nó là nơi tác động qua lại. Về mặt chủ quan, Đời sống trại phải là một huấn luyện có nhiều kiến thức ngoài những kiến thức chuyên môn, học hỏi nhiều nơi, từ các Anh Chị đi trước, tà các Anh Chị đi sau. Đời sống trại không phải là cái “lò” sản xuất lúc nào cũng có sản phẩm mới, nếu Đời sống trại không có một lối điều khiển mang sắc thái đặc thù thì chỉ có kết quả trong 1 hay 2 Trại huấn luyện cùng một địa phương mà thôi, các trại khác không dễ gì còn hấp dẫn nổi. Điều đáng chú ý, sau khi thu nhặt đề tài từ những người khác, phải vận dụng như thế nào đó để nó trở thành cái riêng biệt của chính mình, có khi làm kinh ngạc đối với các tác giả của cái đó mới là việc đáng làm đáng quan tâm của Đời sống trại. Điều này cũng không đơn giản như chúng ta thường nghĩ mà là một vấn đề khá sâu sắc, nếu Anh Chị nào đã nhận lãnh vai trò này đôi ba lần sẽ “Ngộ” liền. Khi đã “Ngộ” rồi thì chẳng khác gì dòng nước đã được khai thông thì cứ thế tuôn chảy mãi và cuối cùng sẽ tìm về với đại dương mênh mông không bờ bến. Từ đây chỉ còn lại một vị mặn của nước biển.

  1. Đối với trại Huyền Trang:

Là Trại huấn luyện Huynh trưởng cao nhất ở cấp tỉnh. Đào tạo Trại sinh trở thành Liên đoàn trưởng ở địa phương. Sau khi đỗ sẽ được điều chỉnh là Huynh trưởng cấp Tín.

Hầu hết Trại sinh của trại, có từ 25 tuổi đời trở lên, có Anh Chị đã có 4 – 5 mặt con, có Anh Chị là những thành phần trí thức, nhà giáo, có Anh Chị đã là những Liên đoàn trưởng, có Anh Chị là ban viên Ban hướng dẫn, có Anh Chị đã là giảng viên, ban viên Ban quản trại các Trại huấn luyện cấp dưới. Cho nên, về kiến thức của Trại sinh Huyền Trang phong phú nhiều mặt. Đời sống trại Huyền Trang phải tinh tường nhận xét, tổng hợp cho được những kiến thức, những khả năng, cần phải học tập những khả năng cá biệt ấy.

Trước hết, Đời sống trại Huyền Trang phải là một Huynh trưởng cấp Tấn, trường hợp thiếu Huynh trưởng có cấp, có thể sử dụng một Huynh trưởng có cấp Tín lâu năm, có uy tín và có khả năng nhiều mặt.

Đời sống trại Huyền Trang là một gạch nối giữa Ban quản trại và Trại sinh, Đời sống trại thay mặt Ban quản trại quan hệ với hội đồng Trại sinh để cùng chịu trách nhiệm thành bại của trại. Sinh hoạt của trại này hoàn toàn dân chủ. Mối quan hệ là quan hệ như tình cảm anh em. Tuy nhiên, Đời sống trại cũng còn là một con người mẫu mực cho Trại sinh ở nhiều mặt và cũng là trại mà uy tín của Đời sống trại dễ bị suy giảm nếu sơ suất trong quan hệ, hoặc xử lý một sự kiện thiếu tế nhị.

Nhiệm vụ của Đời sống trại Huyền Trang là sắp đặt, tổ chức trại cũng như các sinh hoạt trên đất trại trong 24 giờ đầu kể từ khi nhập trại. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, một mặt Đời sống trại phải lo ổn định cơ bản Đời sống trại sinh, đồng thời phải dựng một không khí hưng phấn cho toàn trại, trong 24 giờ đầu làm mẫu mực cho những ngày kế tiếp.

Quan tâm đến các cuộc bầu cử Hội Đồng Trại sinh, nhất là Hội đồng Trại sinh đầu tiên của trại. Phải cổ súy, vận động để có tối thiểu hai liên danh ứng cử trong tinh thần hết sức dân chủ làm cho cuộc vận động, bầu cử hội đồng Trại sinh này thật sôi động đưa tinh thần và không khí trại lên cao.

Từ những đặc điểm này, Đời sống trại giải quyết các vấn đề phát sinh trên đất trại cũng khác biệt với các trại cấp dưới. Là một tập thể người lớn, có trình độ hiểu biết nên cách thể xử sự cũng cần nhẹ nhàng, tinh vi, tế nhị.

Cũng có người cho rằng, vai trò của Đời sống trại Huyền Trang ít vất vả hơn các trại khác. Điều này trên thực tế và ở một vài lãnh vực xét thấy cũng có như vậy. Nhưng mỗi Trại huấn luyện có một sắc thái riêng, có một nỗ lực mới và bất cứ một Đời sống trại nào cũng phải triệt để vận dụng nếu muốn đưa trại đến thành công và bản thân hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước Ban quản trại.

Kể từ ngày thứ 2 trở đi, Đời sống trại đã bớt trực tiếp cầm còi điều khiển. Mọi điều hành công việc trên đất trại đã có hội đồng Trại sinh lo liệu. Đời sống trại phải bám sát, có những nhận xét sâu sắc về mọi hoạt động của hội đồng Trại sinh để tham gia ý kiến sau một ngày (nhiệm kỳ của hội đồng Trại sinh). Đời sống trại phải theo dõi tình hình tổng quát, bám chặt với thời khóa biểu, theo dõi các khóa giảng và nội dung giảng dạy cũng như phương pháp giảng dạy của mỗi giảng viên, tinh thần học tập của Trại sinh, nhất là sinh khí của trại. Cố tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột. Không khí trại nên xây dựng từ thấp lên cao, không quá thái mà cũng không bất cập, giữ được nếp sống quân bình. Nơi nào, lúc nào thấy cần thiết thì Đời sống trại phải lăn vào trực tiếp điều khiển, vừa làm mẫu mực vừa tạo được nhựa sống cho Trại.

Ngoài trách nhiệm lo lắng về đời sống tinh thần, Đời sống trại còn phải quan tâm đến đời sống vật chất, sức khỏe của Trại sinh. Không thể để cơm khê 2 lần trong một ngày trại. Chú ý đến ẩm thực vừa có ý kiến ngay đối với ban quản lý. Kiểm tra từng ấm nước, chất lượng của thức ăn…

Chúng tôi đã chứng kiến, có những Trại huấn luyện là nơi hành khổ Trại sinh và cho đó là huấn luyện gian khổ cho Trại sinh. Theo thiên ý của chúng tôi, đây là một Trại huấn luyện, chỉ trong vòng 5, 7 ngày đòi hỏi mỗi Trại sinh vừa tiếp thu phần lý thuyết, vừa theo dõi thực hành, phần khác còn lo mỗi phần thu hoạch kết quả từng ngày. Do đó, sức khỏe của Trại sinh cần phải đảm bảo đúng mức. Vả lại, quan điểm hành khổ, hay hành xáo Trại sinh làm lệch lạc nguyên tắc huấn luyện.

Sau mỗi ngày trại, Đời sống trại gợi ý cho Trại sinh góp ý kiến trong mọi sinh hoạt trại và giảng dạy, về ẩm thực, về thái độ của mỗi giảng viên v.v… trong tinh thần tôn trọng sự thật và cởi mở. Nhờ vậy mà Ban quản trại sẽ bổ khuyết tức khắc những khuyết điểm trong ngày, không còn những dấu vết đó đến ngày hôm sau.

Với trình độ và khả năng phong phú của trại Huyền Trang. Nếu 1 Đời sống trại không hội đủ những đức tính cần thiết thì làm sao mà điều hành và điều phục Trại sinh.

Một trong những nguyên tắc của Đời sống trại là Đời sống trại không có khóa giảng, nhưng bất cứ lúc nào và ở đâu cũng là kháo giảng của Đời sống trại. Khóa giảng của Đời sống trại không phải 1 phút, 5 phút, 1 giờ hay 2 giờ mà suốt cả thời gian của khóa huấn luyện. Lúc nào khóa giảng đó cũng phong phú, hấp dẫn đối với Trại sinh là một trong những thành công của Đời sống trại.

Trại sinh nhìn vào Đời sống trại như là người tiêu biểu cho Ban quản trại, từ cung cách điều khiển, từ ngôn ngữ, từ tác phong, từ nghệ thuật … tất cả đều đập vào mắt Trại sinh, nhất là Trại sinh Huyền Trang lại có những nhận xét tinh tường, chính xác.

Trên đây là những nhận định về mỗi cấp Trại huấn luyện từ đội chúng trưởng đến Huyền Trang.

Mỗi trại có một tập thể người mang tâm lý khác nhau, kiến thức và khả năng khác nhau, tuổi tác khác nhau… Đời sống trại là người cần nắm vững những nét khác biệt đó. Có nắm được như thế mới áp dụng được các phương pháp huấn luyện thích hợp với mỗi đối tượng. Làm được như thế, chính là đã thực hiện tinh thần khế cơ của Phật giáo. Cũng có người cho rằng, mỗi Đời sống trại chỉ thích hợp với một Trại huấn luyện nào đó mà thôi. Điều này cũng có thật đối với một vài Anh Chị Đời sống trại chưa nắm vững tính chất của từng trại, chưa có những kinh nghiệm cơ bản và khả năng thì bị hạn chế. Nếu Anh Chị nào đã đạt được cái “Đạo” Đời sống trại tồi thì bất cứ ở trại nào cũng có thích nghi cả. Ví như người đi xe đạp một cách thiện xảo thì dù người có nghiên bên này, bên kia nhưng xe thì vẫn giữ được thăng bằng.

Khi chưa đạt được cái “Lý” đó thì tiếp tục suy tư, khoan nói chuyện “hạ sơn”, đem tài cứu khốn phò nguy. Nếu bạn có nôn nao hành hiệp thì xin mời bạn cứ lên đường vì “Khổ đau cũng chính là hạnh phúc, Niết bàn cũng từ trong khổ đau”.

Câu chuyện dưới cờ:

Mỗi buổi sáng trước khi đi vào học tập trên đất trại, chúng ta thường có những câu chuyện dưới cờ.

Chuyện dưới cờ là một câu chuyện ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, có nội dung giáo dục tùy theo dụng ý. Chọn một Câu chuyện dưới cờ có ý nghĩa cho một ngày trại, có khi còn ảnh hưởng suốt thời gian huấn luyện, thậm chí có những mẩu chuyện dưới cờ ảnh hưởng suốt cả cuộc đời.

Câu chuyện dưới cờ, mở đầu cho sức sống của trại trong ngày hôm đó. Nó là luồn sinh khí thổi vào cho toàn trại. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta không chú ý đến nội dung hoặc người phụ trách không đạt được nội dung, thiếu nghệ thuật, không hấp dẫn thì có thể gây mệt mỏi, chán nản cho Trại sinh.

Vì vậy, chọn người nói “Câu chuyện dưới cờ” là nhiệm vụ của Ban quản trại, không phải Anh Chị nào trong Ban quản trại cũng có thể phụ trách “Câu chuyện dưới cờ” kể cả Anh Chị Trại trưởng. Có một điều đáng trách là đừng bao giờ phân công việc này cho những Anh Chị lúc nào cũng muốn dài dòng. Có bắt đầu câu chuyện nhưng chờ đến kết thúc có khi phải sốt cả ruột lại còn hồi hộp nữa. Thời giờ trên đất trại rất bận rộn và sít sao. Lỡ một giờ học là lỡ cả chương trình ngày trại. Gây khó khăn cho Đời sống trại trong việc điều hành chương trình chung.

 

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi