Tuệ Kiếm – Đức Quảng

Chuyên Mục: Câu chuyện dưới cờ 43 0

Khi chưa học Phật, chúng ta hiểu từ ngữ “Trí Tuệ” chỉ dùng để diễn tả những người thông minh, những nhà thông thái có khả năng về tư duy, minh triết nhạy bén, sáng tạo và áp dụng thực tiễn hữu dụng cao tột hơn người bằng tri thức của tự mình. Đối với thế học “Tri thức là sức mạnh”.
Khi học Phật rồi, Phật tử thay đổi chiều hướng vào đạo học, vẫn nhận ra rằng học thức rất cần thiết, và tri thức cũng rất cần để phận biệt thiện – ác; chính – tà; thực – hư; lớn – nhỏ; thiên – viên.. Tựu trung vào hai câu đầu tiên của Phật Ca Diếp khi Phật tử quy y Tam bảo: “Chư ác mạc tác – chúng thiện phụng hành”, những Phật tử có “lợi căn” học một hiểu mười. đầu óc lanh lợi nhạy bén, nói năng lưu loát, ứng phó, hùng biện đại tài thường được liệt vào hàng “thông tuệ”. Nhưng chư tổ đức vẫn có câu: “Tu mà không học, tu mù – Học mà không tu, đãy sách”, ngày xưa đi đâu, các nhà trí thức thường quãy theo cái “đãy sách” tức là cái tri thức của mình, để thực hành và làm lợi cho người về những điều hay lẽ phải, vì mình thường tự biết, nếu một mình mình tốt thì chưa đủ, làm sao phải làm cho người người cùng tốt thì cộng đồng xã hội mới hoàn thiện. Vấn đề của giáo dục lại đòi hỏi những tấm gương chuẩn mực để người ta noi theo, bao điều phiền trách cho những ai thường tự phạm lỗi lầm ngay vào những điều mình răn dạy cho người, nói nôm na là “Có học mà không có tu”, bởi vì nếu không thực tu thì sẽ chẳng bao giờ rèn được một món thần binh, lợi khí sắc bén, đó là “tuệ kiếm” dùng để đốn phá vô minh.
Thế học sẽ khai mở tâm ý mỗi người để hòa đồng vào trong nhân quần xã hội, người có ý chí cầu học để được làm người hữu dụng lớn và tự vượt lên thân phận mỗi người, tuy nhiên thế học cũng hướng về Chân-Thiện-Mỹ để xây dựng một xã hội công bình, bác ái, hướng thiện…, có thể điều này xã hội còn lâu mới đạt đến nhưng cũng đã khơi dậy những ý niệm về lý tưởng sống không thể thiếu vắng trong nền giáo dục thanh, thiếu niên – Đạo học tuy cần khả năng thế học nhưng ý chí lại tựu trung vào một hướng khác đó là đoạn diệt phiền não vượt thoát khổ đau.
Nhát kiếm thứ nhất mà chàng vương tử Tất-đạt-đa chém xuống trong đêm mồng tám tháng hai đã đoạn lìa tất cả các tình cảm lưu luyến trói buộc một đời và đời đời, kiếp kiếp đã diễn ra như vậy, những tình cảm cha mẹ, vợ chồng, con cái trói cột vào nhau. Ai có đủ những thứ tình cảm đó thì tạm gọi là “hạnh phúc”; trái lại là những nỗi đau “bất hạnh”. Chàng vương tử đã phát hiện ra sự thật sinh, già, bệnh, chết sẽ chẳng buông tha một ai và cái thứ hạnh phúc ấy sẽ rã tan như giấc mộng. Sau bao ngày suy tư chàng đã chọn một con đường để thoát ra các ảo tưởng ấy bằng cách vung kiếm đoạn lìa tình ái để ra đi. Nhát thứ nhất có thể gọi là “Dũng kiếm” dứt khoát đoạn lìa mắt xích ái – thủ – hữu trong thập nhị nhân duyên, từ đây những cái gì gọi là của ta có, sở hữu của ta đều bị vứt bỏ, buông xả không một chút tiếc nuối – có thế Ngài mới dũng mãnh bước ra khỏi căn nhà thế gian “xuất thế gian gia” để tâm ý rỗng rang tìm đạo. Các vị xuất gia từ đó về sau đều phải tuân theo sự thị hiện xuất trần của Ngài, đoạn lìa tất cả sở hữu thế gian trên đường cầu đạo. Tuy nhiên nhát kiếm này vẫn chưa đủ oai lực để đoạn trừ phiền não để đời sống được thường tại trong an lạc, hạnh phúc đích thực.vanthu
Sự thường tại, hằng hữu, bất biến vốn sẵn có, hiện diện khắp nơi nhưng bị vô minh che khuất. Vô minh, chính là mắt xích trọng yếu, đầu tiên trong thập nhị nhân duyên đồ – khi Vô minh khởi thì duyên với Hành; Hành khởi thì duyên với Thức; Thức khởi thì duyên với Danh Sắc, Lục nhập….. Bồ tát vương tử đã trải qua 5 năm cầu đạo và chứng minh rằng Tứ Thiền Thiên của cõi trời Vô sắc cũng chỉ là mặt tương phản của “phúc báo hữu lậu”, hết vui rồi lại khổ theo quy luật vận hành, trừ phi đốn phá được Vô minh. Mà muốn đoạn lìa được Vô minh thì phải rèn luyện thành công được “Tuệ kiếm” bằng kim cương, bằng Bát nhã trí.
Trong Thập đại đệ tử của đức Phật, tôn giả Xá Lợi Phất được tán dương là Trí Tuệ bậc nhất – song, chỉ là bậc nhất trong hàng Thanh Văn. Khả năng trừ diệt rốt ráo, đoạn tận được các ái kiến có thừa nhưng vẫn chưa đủ oai lực để đốn phá Vô minh như Phật. Thế nên, từ ứng thân Thích Ca Như Lai đã xuất hiện một Pháp vương tử tên là Văn Thù Sư Lợi cưỡi trên thân Sư tử xanh và tay mang Tuệ kiếm với một oai lực vô biên, vô hạn. Tuy nhiên, Lúc Văn Thù Sư Lợi xuất hiện thì Pháp vương tử Đại Hạnh Phổ Hiền cũng cưỡi voi sáu ngà xuất hiện để tạo lập thế cân bằng dạy cho Phật tử con đường vào lục độ, tức là rèn luyện khả năng sử dụng được Tuệ kiếm như Ngài Văn Thù – nếu như không có công phu hàm dưỡng uyên thâm như thanh thép quý được trui rèn trong lửa tam đồ thì không thể chịu được ánh sáng phát ra từ Tuệ kiếm, và cũng không thể nào nhấc nổi Tuệ kiếm.
Thiền môn khẳng định một phương ngôn đã nêu trong kinh “Bát đại nhân giác” chính là “Duy tuệ thị nghiệp” – Chỉ lấy trí tuệ Phật Đà làm sự nghiệp chính là nói đến “Tuệ kiếm” này. Muốn rèn luyện được Tuệ kiếm trước phải mở rộng lòng bao dung, dẫu cho bao chướng nạn, khó khăn xảy ra đều phải tập thỏng tay buông xả; nhẫn chịu trăm nghìn khó khổ mà tự biết rằng báo chướng phải trực diện đối đầu; tu hành tự kiến tánh không sinh diệt trong vạn loại huyễn tướng sinh diệt, từ cái chớp cánh bay của côn trùng đến cái vẫy đuôi của con cá nhỏ đều có khả năng tạo ra xung lực chập chùng trong lý duyên khởi của trùng trùng duyên khởi nơi rừng sâu, giữa biển khơi hay trong ngoài vũ trụ nơi nào có khởi tức có vô minh; chỗ ở của vô minh chính là nơi tuệ kiếm đốn phá để làm hiển lộ niết bàn.

Đức Quảng

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi