Thọ mệnh của giáo Pháp Như Lai – Đức Quảng

Chuyên Mục: Tác phẩm 59 0

Người Việt Nam ta, do ảnh hưởng nền văn hóa Á Đông, tuổi thọ chỉ được tính khi ở tuổi tròn “Lục thập hoa giáp”, tức là nếu sinh năm Mậu Tuất – 1958, thời gian để gặp lại năm Mậu Tuất – 2018 là tròn 60 năm, tuổi âm lịch bắt đầu tính 61 (60 + 9 tháng trong thai) khác với dương lịch khi chào đời, 12 tháng sau mới tính 1 tuổi.

Nhạc sĩ Y Vân, tác giả của bài ca bất hủ “Lòng mẹ” đã dự báo trước cuộc đời mình bằng nhạc phẩm “60 năm cuộc đời” và ông đã ra đi lúc tròn 60 tuổi. Các sự kiện lìa đời vào năm tuổi rất nhiều nhưng các hạng tuổi khác lìa đời cũng nhiều như vậy nên không có chi phải lo lắng.

Đức Thích Ca nhập diệt vào năm 80 tuổi, và ông Trưởng lão Da Xá nhập diệt lúc 160 tuổi, đủ để chứng minh lời Ngài Ca Diếp quở trách Anan vốn không sai: “Tại sao khi đức Phật tuyên bố vào Niết Bàn mà ông sinh ưu não làm loạn tâm ý, sao không quỳ xuống cung Thỉnh Như Lai trụ thế thêm một kiếp nữa!” Như vậy, thời đó trung bình của một kiếp là 80 năm!

Mỗi thời nhật tụng, Phật tử thường xuyên tụng “Phổ Hiền thập nguyện” là học gương của Thiện Tài Đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm nhất tâm tu hành theo hạnh Phổ Hiền.

Trong lời nguyện thứ bảy có câu: “Thất giả thỉnh Phật trụ thế”, phải thuộc nằm lòng để ghi nhớ không quên. Khi vị Tông sư của chúng ta ngỏ ý muốn vào Diệt độ, hoặc có những hiện tượng chứng tỏ sắp ly trần thì tất cả đồ chúng, môn sinh phải tâm thành khẩn thiết cung thỉnh quý Ngài tiếp tục trụ thế làm ngọn hải đăng soi đường, làm tàng bồ đề che mát, làm chỗ nương tựa cho hàng hậu thế hành đạo, hoằng pháp.. do nhân duyên thứ bảy được tạo bởi một sự cộng hưởng từ đức tin rất mạnh mẽ và rộng lớn nên vị Tông sư sẽ hứa khả tiếp tục trụ thế hóa độ chúng sinh. Hiện tượng kỳ duyên này gần đây đã diễn ra nơi đạo tràng Trúc Lâm (Hòa Thượng Trúc Lâm 100 tuổi; đạo tràng Làng Mai, Sư ông Làng Mai trên 90 tuổi.. )

Khi vị Tông sư đã tiếp tục trụ thế thì các vị đại đệ tử phải thực hiện lời nguyện thứ sáu là: “Lục giả thỉnh chuyển Pháp luân”, nhưng cũng phải nhớ rằng tột đỉnh của Bất Nhị Pháp Môn là sự yên lặng, là đường ngôn ngữ dứt, là tâm hành xứ diệt, không phải cứ thuyết pháp hay mới là dạy dỗ bằng ngôn từ, mới là giáo hóa đồ chúng!

Cũng trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi quay đầu ngoái nhìn trong tư thế của một con voi chúa, Ngài Xá Lợi Phất và 6000 vị Tỳ khưu chứng thành đạo quả; lần thứ nhì, Văn Thù Sư Lợi ngoài lại nhìn Thiện Tài đồng tử cùng 500 vị đồng tử khác như tư thế của một con voi chúa. Thiện Tài đồng tử cùng 500 vị đồng tử đồng chứng đắc căn bản trí.. Từ đây Thiện Tài phát Bồ đề tâm lên đường trải qua 100 thành cầu học nơi 50 vị thiện hữu tri thức và ba vị bồ tát để đạt sự “Tự tịnh kỳ ý” của thức thứ sáu mà tiến đến lầu các Tỳ Lô Giá Na thể nhập Pháp thân thành Chánh giác..

Chỉ một đoạn kinh mà thâm sâu mà huyền nghĩa trải đền tận chân trời. Chúng ta thử hình dung khi con voi đầu đàn quay đầu nhìn lại thì cần phải di chuyển cả thân hình và thay đổi cả đội hình di chuyển của đàn voi. Cái ngoái nhìn tưởng như bất chợt của Văn Thù Sư Lợi bồ tát được ví như:

“ Sư tử tần thân phương thảo lục

Tượng vương hồi cố lạc hoa hồng”

(Sư tử vươn mình xanh rợp cỏ – Chúa tượng ngoái nhìn thắm hoa hồng)

Yên lặng như khi đức Thế Tôn giơ cành hoa sen lên, chỉ có Ma ha Ca Diếp mỉm cười. Thế mà Đức Phật nói: “ Ta nay đem chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm (pháp vô pháp) phó chúc cho ông :

Pháp bổn pháp vô pháp, 
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.

Riêng Tổ Ca Diếp sau khi trao truyền Y bát Phật cho Tổ A Nan liền tuyên bố đi vào Kê Túc Sơn nhập định cho đến khi đức Phật Di Lặc ra đời. Đến lúc đó tuổi thọ của tổ Ma ha Ca Diếp phải là trên 2600 hay lâu hơn nữa! Ngài sẽ bước ra khỏi núi Kê Túc để xác nhận chính đây là đức Từ Thị Di Lặc đã thành Phật, chánh đẳng, chánh giác!

Xem ra, thọ mệnh của Tổ Ca Diếp có thể sánh bằng thọ mệnh  giáo pháp của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Điều này đã thể hiện ra tướng hai bên trái tai rộng dài, một trong 32 hảo tướng của đức Phật, biểu thị tuổi thọ của chánh pháp.

Suốt 26 thế kỷ sau, với lời thọ ký của Phật Thích Ca cho Ngài A Dật Đa Bồ tát sẽ thành Phật kế tiếp với hồng danh Di Lặc Tôn Phật để các hàng Phật tử nhiều đời kiếp đặt trọn một niềm tin nơi lời phú chúc quí báu ấy mà mỗi độ Xuân về, trong đêm trừ tịch Phật tử khắp nơi nơi đều chắp tay cung thỉnh Phật Di Lặc ra đời, sẽ bày khai một đại hội Long Hoa diễm tuyệt. Thường các vị Phật “Nhất sanh bổ xứ” tương lai sẽ ngự trên cung trời Đâu Suất, giống như Hộ Minh bồ tát đản sinh xuống Lâm Tỳ Ni vậy!

Ngài Di Lặc tương lai đã có vài lần, hay nhiều lần thể nhập thế gian trong các hình tướng và sự kiện khác nhau. Ở thế kỷ thứ IV, vua Ca Nị Sắc Ca (hoàng triều Quí Sương, Ấn Độ) rất mong muốn có một hình tượng của Phật Thích Ca cho đúng để thờ phượng, ông thành tâm cầu nguyện. Một hôm, có chàng trai khoảng 17, 18 tuổi tuấn tú, thanh tao đến xin phác họa và trình bày các đường nét về tôn tượng đức Thích Ca, theo tổ tiên của anh ta kể lại. Nhà vua thấy bản vẽ rất từ bi, uy nghiêm nên rất mừng và cho tô đắp tượng Phật theo thiết kế – khi sắp hoàn thành thì chàng trai kia không đến nữa, nhà vua mới cho người đi tìm khắp nơi. Một đêm, vua nằm mộng thấy chàng trai kia xuất hiện và tự xưng là A Dật Đa bồ tát đang ở cung trời Đâu Suất, vì nghe thấy ước mong của vua là lợi ích thiết thực cho chúng sanh đời sau nên ứng hiện xuống trần mà giúp vua vậy. Tượng Phật ấy chính là Ngôi tượng Thành Đạo tôn trí trong bảo tháp nơi Bồ Đề Đạo tràng Ấn Độ từ đó đến nay.

Một câu chuyện xảy ra tại Trung Hoa là Bố Đại Bồ tát thời nhà Lương Ngũ đại:

“Tính tình của Sư rất “ngược đời”, được cho là theo tinh thần Thiền tông. Trả lời câu hỏi già trẻ bao nhiêu, Sư nói “già như hư không”. Giữa chợ, có người hỏi tìm gì, “ta tìm con người”, Sư trả lời. Một hôm có vị tăng đi phía trước, Sư liền vỗ vai ông ta nói: “Cho tôi xin một đồng tiền”. Vị tăng bảo: “Nói được thì tôi cho ông một đồng tiền”, Sư liền bỏ bao xuống đất đứng im lặng khoanh tay.

Sư có nhiều thần thông, ngủ ngoài tuyết, tuyết không rơi vào mình. Trước khi tịch, Sư ngâm câu kệ:

彌勒真彌勒

分身千百億

時時示時人

時人自不識

Di-lặc, Chân Di-lặc

Phân thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhân

Thời nhân tự bất thức.

(Di-lặc, chân Di-lặc – Phân thân trăm ngàn ức – Luôn thức tỉnh người đời -Người đời tự chẳng biết.)

Sau khi Ngài viên tịch, có người vẫn thấy Sư ở nơi khác tại Trung Quốc. Người đời sau vẽ lại hình Sư với bị gạo và từ đó tạo ra hình Bồ Tát Di-lặc như chúng ta hay sử dụng để gọi tôn hiệu “Di Lặc tương lai”.

Thời trẻ tuổi, Thiền sư Nhất Hạnh trước đau thương thống khổ của quê hương khoảng nửa thế kỷ trước đã dệt nên vần thơ bắt nguồn từ niềm tin “Di Lặc thị hiện mở hội Long Hoa”, xin thay cho lời kết:

 

…………………………

Nhưng đêm nay

Từ địa cầu quê hương tôi

Loài người mắt lệ rưng rưng

Hướng cả về mấy từng trời Đâu Suất

Tiếng kêu khóc của sinh linh ngã gục

Dưới bàn tay ma vương

Dưới bàn tay bạo lực căm thù

Trong bóng đêm

Địa cầu quê hương tôi đã mòn mỏi trông chờ

Giờ mầu nhiệm để Vô Biên hé mở

Cho bóng tối tan đi với niềm lo sợ

Cho hội Long Hoa về

Để pháp âm tiếp nối bằng lời ca tiếng hát em thơ.

………………………

 

Đức Quảng

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi