Đời Sống Trại – Chương IV

Chuyên Mục: Tác phẩm 172 0

(tiếp theo và hết)

CHƯƠNG BỐN

I/ Mối quan hệ giữa Đời sống trại và Trại trưởng

Trại trưởng là người đứng đầu và thay mặt Ban quản trại chịu trách nhiệm trước tập thể về sự thành công hay thất bại. Đời sống trại là người thay mặt Ban quản trại điều hành mọi hoạt động của trại. Vì vậy nên mối quan hệ giữa Đời sống trại và Trại trưởng là thiết thân.

Trại trưởng là người có thể làm việc với bất cứ Đời sống trại nào. Nhưng Đời sống trại thì có thể bằng lòng cộng tác với Trại trưởng này mà không bằng lòng cộng tác với Trại trưởng khác. Do phương pháp đào tạo, huấn luyện, phương pháp làm việc thiếu tâm đắc, tâm lý thì mâu thuẫn giữa hai vai trò này nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của Đời sống trại, có ảnh hưởng đến cách thế giải quyết mọi công việc trên đất trại. Trong tất cả các mẫu thuẫn giữa 2 nhân vật này, chúng tôi cho mâu thuẫn về phương pháp huấn luyện, giáo dục là quan trọng hơn cả.

Ở đây, chúng tôi hoàn toàn không có nhận xét nào quá gay gắt, nhưng chỉ trình bày trên thực tế đã có vài trường hợp đã xảy ra là: Nói đến Trại huấn luyện là phải nói đến một phương pháp giáo dục rèn luyện nó vừa khế cơ, khế lý lại mang được ý nghĩa của giáo dục. Có Trại trưởng có đủ điều kiện về tổ chức, cấp bậc để nhận lãnh trách nhiệm thế thôi, chứ nói đến lĩnh vực giáo dục, tâm lý thì không sành mấy. Hơn nữa, mỗi cấp độ Trại huấn luyện có một tập thể đối tượng khác nhau. Nó chỉ khác nhau về phương pháp, chứ mục đích đạt đến chỉ là một.

Chính cái “chỉ một” đó, nó đặt ra cho Trại trưởng một vấn đề, một trách nhiệm không phải nhỏ. Vì vậy, đây là Trại đào tạo nên những phần tử tiếp nối, kế thừa. Nếu gặp một Đời sống trại chưa đủ khả năng đối với nhiệm vụ phải hoàn thành thì mọi việc đều do Trại trưởng đặt ra và quyết định. Trường hợp gặp một Đời sống trại đúng nghĩa thì sẽ xảy ra tâm lý mâu thuẫn giữa hai vai trò.

Khi đã “tuy một mà hai” rồi thì mối tình này chắc chắn sẽ gượng ép. Do đó, việc điều hành mọi hoạt động trên đất trại cũng sẽ mâu thuẫn.

Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng không tốt trong đời sống của Trại sinh. Phần Đời sống trại cũng bị giao động về tâm lý, anh ta sẽ không mấy phấn chấn trong hoạt động, làm tác hại đến không khí chung của trại.

Cho nên, việc lựa chọn một Đời sống trại thật đúng vai trò, chức năng của nó, là một công việc của Trại trưởng. Trước hết phải chọn người tâm đắc với mình trên mọi khía cạnh để cùng hợp tác hoàn thành nhiệm vụ. Trại trưởng cũng phải “biết” người cộng tác đắc lực của mình như thế nào để có những thái độ vừa hợp lý, vừa tôn trọng lẫn nhau. Đó là chưa nói đến nhiệm vụ của Trại trưởng là phải quan tâm đến một số vấn đề cần thiết cho Đời sống trại, làm cho Đời sống trại được an tâm và phấn chấn. Một quan niệm xưa về cách xử thế của người trên kẻ dưới là “Quân sử thần dĩ lễ, Thần sự quân dĩ trung”. Tuy trong các sinh hoạt trong GĐPT không đến nỗi như thế, nhưng đại loại là trong mối quan hệ giữa con người và con người nó cũng có những đòi hỏi tương đối nào đó.

Trại trưởng hiểu Đời sống trại qua nhiều mặt thì Đời sống trại có tiếc chi một chút tài năng nghệ thuật mà không đem ra. Vả lại, việc đào tạo huấn luyện là trách nhiệm chung của những người đi trước đối với thế hệ theo sau.

Cho nên, một Trại huấn luyện thành công là mỗi thành viên trong Ban quản trại hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà trước hết là vai trò Trại trưởng và Đời sống trại phải là tâm đắc.

Tuy nhiên, đã nhận lãnh vai trò Đời sống trại, là một Huynh trưởng đã có tầm vóc. Nếu gặp phải một Trại trưởng thiếu tâm đắc, một là không cộng tác ngay từ đầu. Trường hợp đã lãnh trách nhiệm thì phải cố hết sức vận dụng, hết sức tế nhị và cũng hết sức tích cực bằng hoàn cảnh và khả năng nhất thiết phải vượt qua các trở ngại để đưa trại đến thành công đúng nghĩa của nó. Tất cả mọi vấn đề chúng ta đều có thể “Hạ hồi phân giải”. Có trại, cần giữ kín một vài mâu thuẫn giữa Trại trưởng và Đời sống trại. Có trại như Huyền Trang, việc giữ thái độ bình thường là cần thiết, trường hợp Trại sinh có biết cũng không tác hại bao nhiêu, có khi lại giúp ích cho Trại sinh suy nghĩ về các nội dung đưa đến mâu thuẫn. Nếu cần thì cả Trại trưởng và Đời sống trại cùng tiếp xúc với Trại sinh trình bày thật vì sao có mâu thuẫn để cùng nhận xét suy nghĩ. Trường hợp này đã xảy ra ở trại Huyền Trang IV Trung ương tổ chức tại miền Vạn Hạnh (Quảng Tín) năm 1974. Sau khi trình bày quan điểm giữa Đời sống trại và Trại phó, ban đầu phản ứng tâm lý của Anh chị em cũng không khác mấy các trại dưới, nhưng sau khi được nghe trình bày trực tiếp, công khai hoá, anh chị em lại thấy rằng đây cũng là một bài học ngoại khoá quý và uy tín chúng ta cũng không vì thế mà suy giảm.

II/ Để giữ đúng thời khoá biểu:

Giữ đúng thời khoá biểu trên đất trại cũng là một vấn đề. Nếu nó không thành vấn đề thì chúng tôi có đặt ra đây làm gì? Có rất nhiều trường hợp làm cho thời khoá biểu bị lệch lạc. Chúng tôi tham dự rất nhiều trại, và những trại này tôi đều nhận Đời sống trại. Có những trường hợp vừa khách quan vừa chủ quan. Vị chủ toạ buổi lễ khai mạc đến trễ, hay một vài nhân vật chủ yếu cũng tương tự như thế. Đi trễ là một thói quen của bà con chúng ta. Dự trù thời gian của lễ khai mạc thiếu chính xác. Chúng tôi đã nhắc đến lễ khai mạc ở trước. Buổi lễ khai mạc là mở đầu cho khoá huấn luyện nếu cứ kéo dài, giãi đãi chờ đợi là mối nguy ngày đầu của trại.

Các khoá giảng thường lấn thời gian của nhau. Mỗi khoá giảng thường là 2 giờ, Đời sống trại hay Trại sinh trực, theo dõi đồng hồ để thổi còi báo trước cho Giảng viên 5, 10 phút trước đó. Thế mà có rất nhiều Giảng viên, một là “tỉnh bơ” khi đến giờ, hai là có ý xin thêm thời gian vì nói chưa hết những gì muốn nói. Trong các Trại huấn luyện, chúng ta thường có một số Giảng viên như thế.

Chúng tôi vừa nêu ra một vài trường hợp điển hình, còn có những trường hợp đột xuất và khách quan. Ví dụ, có một vị nào đó tình cờ đến thăm và muốn tiếp xúc với Trại sinh v.v…

Đứng trước tình hình như thế, Đời sống trại phải làm gì để giải quyết vấn đề một cách tương đối?

a, Giải quyết từng buổi:

Buổi nào đó có thời gian, Đời sống trại sẽ thông báo đến Trại sinh, hoặc tự giải quyết bằng cách gói trọn trong buổi ấy. Có thể giờ ăn trễ hơn 1 chút. Không nên để thời gian lấn vào buổi khác.

b, Giải quyết trong ngày:

Có khi không thể giải quyết trong nội trong một buổi, thì Đời sống trại phải lo sắp xếp giải quyết nội trong ngày đó đừng để khoá học ngày hôm nay phải còn lại vào ngày mai.

Muốn tránh trường hợp này xảy ra, trước hết Ban quản trại nói chung, Đời sống trại nói riêng cần phải đặt nguyên tắc cho Khối Giảng Huấn lưu ý với các giảng viên tôn trọng thời khoá biểu. Chỉ có Đời sống trại là người có thể linh động từ 5 đến 10 phút. Vì sao Đời sống trại lại được như thế? Sau khi quan sát tình hình chung, không khí trại, nếu thấy cần để cho Trại sinh nghỉ ngơi, giải trí thì Đời sống trại xen kẻ vào một sinh hoạt khác, như điều khiển một vài trò chơi nhỏ để thay đổi không khí trại. Và cũng trong buổi hay ngày ấy, Đời sống trại cũng phải tìm cách hoãn lại món nợ thời gian của trại. Nếu phải đền bù vào thời gian xen lẫn nhau, thì không nên để về đêm, thức khuya, Trại sinh mệt mỏi vì còn nhiều công việc của Trại sinh nữa. Chỉ nên dứt điểm vào buổi xế chiều, vì thời điểm này mọi người thường thoải mái hơn.

GĐPT là một tổ chức có kinh nghiệm về các mặt tổ chức, kế hoạch. Người Huynh trưởng để được rèn luyện về mọi mặt. Một việc thông thường là giữ đúng thời khoá biểu trên đất trại cũng không phải là việc làm lúc nào cũng được mọi người tôn trọng. Trên thực tiễn vẫn có những trường hợp như chúng tôi vừa trình bày.

Đây cũng là một trong những bài học ngoại khoá của Trại sinh. Vì vậy, Đời sống trại cần phải tranh thủ nhiều mặt để thời khoá biểu của trại được tôn trọng.

III/ Câu chuyện lửa tàn:

Trong Hoạt động thanh niên, Lửa trại là bộ môn có phần hấp dẫn nhất. Câu chuyện lửa tàn không phải nó mang tính độc lập mình nó, nhưng nó lại liên hệ đến một chương trình các mục vui của đêm lửa trại.

Vì vậy, trước khi lửa tàn, chúng ta hãy bắt đầu từ ngọn lửa TRẺ.

Đức Phật dạy rằng, Ngài cũng phải nể các thứ trẻ là con rắn trẻ, Tu sĩ trẻ và ngọn lửa trẻ. Ngọn lửa trẻ là ngọn lửa vừa bùng lên mang ý nghĩa cả một sức sống mãnh liệt. Vậy cho nên Đời sống trại có điều khiển các mục vui của lửa trại cũng phải hoà nhịp vào khí thế của ngọn lửa lúc ban đầu bằng những tiết mục tập thể rầm rộ v.v… Nếu có hát thì nên ca những bài nhịp đi, hùng tráng, các vở kịch vui, hài hước v.v…

Khi đêm đã về khuya, cảnh vậy trở về với yên tĩnh, thì các tiết mục trong đêm lửa trại cũng theo đó giảm bớt cường độ, cho đến khi, cũng như tiếng đàn, chỉ còn lại âm thanh ngắn vút đến êm ắng hoàn toàn.

Đây là thời điểm để bắt đầu câu chuyện lửa tàn kết thúc một đêm vui bằng lửa trại.

Giờ thì bối cảnh đã có, nhưng con người nói câu chuyện lửa tàn cũng phải chuẩn bị từ phong cách, ngôn ngữ, chuẩn bị 1 nội dung câu chuyện thật hàm súc ý nghĩa. Có chiều sâu để nó có thể lắng đọng trong tâm tư mọi người những hình ảnh đã qua, những thiết tha, lưu luyến trong thời gian gặp gỡ nhau trong tình thân ái đậm đà. Tôi đã chứng kiến, có một vài Anh chị thật kinh nghiệm khéo léo trình bày, diễn đạt nội dung như thế và sau khi chấm dứt câu chuyện bằng âm thanh cuối cùng để ai nấy trong lặng lẽ trở lại mái lều xinh xinh của mình. Có người đã tấm tức khóc, nhất là các Nữ Trại sinh.

Và, đêm nay, không như mọi đêm. Có người say sưa trong giấc ngủ, có người mang một niềm vui khó nói, những cũng có người lưu luyến, thiết tha, bởi vì: “Rồi mai đây Bắc – Nam đôi đường. Ngày giờ đây khắc sâu can trường.” mà lăn lóc không thể ngủ được, và cũng chính đêm nay, một sự ồn ào mới không như những ồn ào của trước đây, mà nó ồn ào trong êm ắng, tĩnh mịch.

 

Vạn Hạnh, mùa Vu Lan PL 2526

Nguyên Trừng Nguyễn Văn Quýnh

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi