Đại hành giả đi qua.. những cơn đau – Đức Quảng

Chuyên Mục: Báo Chí, Văn Thơ 15 0

Tôi biết anh Nguyên Mẫn Lê Viết Lâm từ cuối thập niên 1994 anh chị về thăm GĐPT Quảng Đức Sài Gòn, khi đang mở trại huấn luyện Đội chúng đàn trưởng tại chủa Hưng Quốc, Quận 11, năm đó tôi 34 tuổi; năm nay tôi đã 63.Theo sự hướng dẫn của Chị Xuân Hòa, lúc đó anh đang định cư tại Úc, đã bị tai biến đi lại khó khăn rồi. Anh cũng giống như anh Lương Hoàng Chuẩn năm xưa, đến thăm và tặng cho các em nhỏ, cùng huynh trưởng chúng tôi mỗi người một món quà tinh thần như huy hiệu hoa sen hay hình Phật; riêng tôi được anh tặng một bức ảnh Quán Thế Âm nho nhỏ, mặt sau có thần chú Đại Bi.

Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên thoáng chốc đến đại hội GĐPT trên Thế giới lần thứ II tại Bangkok năm 2008 chúng tôi mới được tái ngộ cùng anh tại khách sạn Sirida place, lúc này bên trái của anh tuy yếu nhưng cũng tự đi lại được và anh em cũng có nhiều thời gian để hàn huyên những công việc liên quan đến phần hành chánh đại hội, từ đó anh em mới thường liên lạc với nhau qua E.mail, thường thì tôi sẽ thiết kế cho anh những cánh thiệp xuân và anh hay gởi “chút quà” mỗi năm cho tôi về sau anh bị tái đi tái lại nên sức khỏe càng kém đi.

Gặp lại anh chị trong Đại hội GĐPTVN Trên Thế giới cũng tại Bangkok, Thailand 2016; chị dắt tay anh nương theo cây gậy, lúc này tuổi cao nên anh càng yếu hơn. Chị Thủy rất hiền hòa đầm thắm đi bên cạnh anh và biết trước những điều anh muốn để giúp đỡ đúng lúc. Anh chị cao niên thuở đó đặt cho anh chị là LÂM CHI THỦY (anh Lâm chị Thủy), nước trong rừng, suốt thời gian dài nồng ấm tương thông. Năm 2017, gặp lại anh lần cuối khi anh chị đi châm cứu dưỡng bệnh tại tư gia của chị Phượng Liên, đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận, lần này anh em mới có nhiều chuyện hàn huyên.

Nghe anh tâm sự về tình trạng những lần tái tai biến cùng những cơn đau đớn dày vò, hành hạ anh theo những chu kỳ bệnh lý mạn tính và sự thay đổi.. thời tiết; có nghĩa là sự đau đớn, dày vò lúc nào cũng chực chờ bên cạnh.

Sinh lão bệnh tử vốn là lẽ thường, nhưng khi gặp những căn bệnh không thường, hành hạ nhức mỏi, đau đớn thân thể thì mình phải quán chiếu về những biệt nghiệp của bản thân. Tuổi già, các cơ quan tạng phủ theo hệ thống, thời gian mà nối nhau suy kiệt, nên mỗi khi cảm giác theo hệ thần kinh báo động rồi những cơn nhức mỏi, đau đớn kéo dài càng lúc càng nghiêm trọng hơn. Tôi có kể cho anh nghe câu chuyện về Ngài Xá Lợi Phất cùng Đại đức Anan đến thăm bệnh trưởng giả Cấp Cô độc mà tôi được thầy giảng lúc đang học Bậc Định huynh trưởng GĐPT tại chùa Vạn Phước Sài Gòn 11:

Khi ấy Xá-lợi-phất đang ở trên chỗ ngồi, nói với trưởng giả Cấp Cô Độc: “Bệnh của ông nay có thêm bớt gì không? Có thấy đau nhức bớt dần mà không tăng thêm nặng không?” Trưởng gỉả đáp: “Bệnh của con giờ rất ít hy vọng. Chỉ cảm thấy tăng chứ không cảm thấy giảm.”

Xá-lợi-phất nói: “Bây giờ Trưởng giả hãy nhớ tưởng Phật, rằng Như Lai là bậc Chánh đẳng – Chánh giác, hội đủ mười Phật hiệu. Ông cũng hãy nhớ tưởng Pháp, rằng Pháp của Như Lai rất sâu thẳm, đáng tôn, đáng quý, không gì sánh bằng, là điều mà Hiền Thánh tu hành. Ông cũng hãy nhớ tưởng Tăng, rằng Thánh chúng của Như Lai hòa thuận trên dưới, không tranh tụng, thành tựu pháp tùy pháp. Thánh chúng ấy thành tựu giới, thành tựu tam muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Đấy gọi là Thánh chúng của Như Lai đáng tôn, đáng quý, là ruộng phước vô thượng của thế gian. “Này Trưởng giả, nếu ai tu hành niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ kheo, phước đức ấy không thể tính kể, đạt đến chỗ cam lộ diệt tận. “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, niệm Tam tôn Phật, Pháp, Thánh chúng, mà đọa vào ba nẻo dữ, không có trường hợp ấy. Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy tu niệm Tam tôn chắc chắn đi đến cõi lành, sanh lên trời, trong loài người. (phải chắc tin như thế!)

Bệnh này là bệnh nơi thân nên thân đau đớn; không ảnh hưởng gì đến Tâm, nên Tâm không đau đớn. Thế nên khi nhãn căn tiếp xúc sắc trần, không nương thức mà khởi nơi sắc; tai không nương âm thanh mà khởi nơi thức; mũi không nương mùi hương mà khởi nơi thức; lưỡi không nương vào vị mà khởi nơi thức; khi tiếp xúc không do mềm, mịn, thô nhám mà khởi nơi thức; ý không do các hành trạng mà khởi nơi thức. Không khởi đời này, đời sau; cũng không y đời này, đời sau mà khởi nơi thức.. tất cả đều do nhân duyên của các pháp tụ hội. Đoạn tuyệt hết mọi nhân duyên, Này Trưởng giả, đó gọi là pháp hành KHÔNG đệ nhất”

Trưởng giả Cấp-cô-độc lần lượt quán chiếu vô động nơi các thức, thời thấy thân tâm không còn đau đớn, bổng nhiên rơi lệ nói rằng “Xưa con đã nhiều lần thừa sự Phật, cũng tôn kính các Tỳ kheo trưởng lão, nhưng trước đây chưa hề nghe được pháp tôn quý như vậy, như những điều mà Xá-lợi-phất giảng dạy.”…

Những người tu hành miên mật theo lý Bát Nhã đều biết  cách “chiếu kiến Ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” hay “Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền” mà khi vướng mắc đều lập tức xả ly. Em cũng tùy hành vào cách này mà chữa lành được chứng đau đầu kinh niên từ lúc nhỏ và vài chứng đau đớn khác của thân thể cũng mau qua, anh cũng nên thường tùy hành như vậy theo Phật Pháp, chắc anh biết rõ hơn em!.

Hai anh em bịn rịn hồi lâu.. dó là lần cuối cùng chúng tôi gặp anh và có cơ hội nói chuyện nhiều với anh.

Ai cũng biết nhà thiên tài vật lý Stephen Hawking bị xơ cứng teo cơ ALS từ năm 21 tuổi đã qua đời sau hơn 50 năm chiến đấu với hội chứng xơ cứng teo cơ một bên, vẫn thành danh trong trạng thái thường xuyên teo rút cơ và đau đớn suốt 50 năm. Đây là một hiện tượng hiếm lạ, người ta có thể ngưỡng mộ ông vì một nghị lực phi thường để vượt qua cơn bệnh ngặt nghèo này.

Trong Gia đình Phật tử, tôi biết có anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu, về lớn tuổi ngoài mang máy trợ tim còn có chứng bệnh về bạch cầu phải thường xuyên hóa trị, xạ trị và những cơn đau đớn vẫn thường trực bên mình; ngoài ra anh còn vướng bận lo toan nhiều chuyện tư gia. Nhưng ý chí của anh dũng liệt, đã mở một con đường hòa hợp GĐPT Việt Nam trên Thế Giới  để khai thông cho các chướng nạn, gai góc gian nan của GĐPT trong nước. Lần cuối cùng chúng tôi được thưa chuyện cùng anh là  tháng 10 năm 2012 tại trung tâm Thiền Bangkok, Thailand; sau đó anh về lại Mỹ và từ chối điều trị cho đên khi lâm chung.

Người thứ ba, là anh, Nguyên Mẫn Lê Viết Lâm, sống với những cơn đau bất chợt và thường xuyên cho đến khi cuối đời. Tôi gọi các anh là: “Đại hành giả đi qua những cơn đau”!!!

Anh Nguyên Mẫn Lê Viết Lâm mệnh chung vào lúc 17:30 ngày 7.7.2021 tại Sydney, Australia. Hưởng thọ 89 tuổi. Hơn 40 năm đi trongcơn đau, và đi qua những cơn đau để tận lực hy sinh phụng sự.  Thật buồn vì đang trong tình trạng Việt Nam đang bùng phát ôn dịch Covid 19 mạnh nhất từ năm trước đến nay. Thành phố Sài Gòn là nói hẹp; Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay rất rộng lớn với dân số trên dưới 10 dân, toàn bộ đang trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm diện rộng liên tục và sự đi lại dường như là bị đình chỉ. Thế mà giờ này anh lại ra đi làm trong nỗi lo càng bị lắng đọng trong sự ưu tư cho mình và mọi người.

Ngay lập tức, mọi sự cảm thán về anh đã được tôi thâu đêm viết thành bài hát, về cuộc đời anh đã đi trọn ý nguyện và con đường. Ý nguyện tạo nên Ý lực đi suốt cuộc đời đã chọn. Đời này, kiếp này và đời sau, kiếp sau.

Link video karaoke tưởng niệm anh: https://vannghe.nhacgdpt.com/nhac-phat-giao-karaoke-630-doi-lam-phung-su-duc-quang/

Đức Quảng

 tháng 9/2021

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi