[Kịch bản] Về Dưới Phật Đài

Chuyên Mục: Sân Khấu 105

Thể loại: Bi hùng kịch

Tác giả: Đăng Khánh

1 màn – 3 cảnh.

Nhân vật:

– Tham.
– Sân.
– Si.
– Nhà sư.
– Tiểu Huệ Tâm.
– Trưởng dân phòng.
– Bà Hồng.
– Xướng ngôn viên.
– Một số công an viên, quý bác Đạo Hữu và Đoàn Sinh GĐPT.

MỞ MÀN

CẢNH 1: (Trong một khu rừng hoang vắng, bọn Tham, Sân, Si kéo nhau ra, vừa đi vừa đốt thuốc hút).

THAM:  Ê! Sân cái iphone hôm qua mày “đua” của thằng khứa đó, tụi mình cho bay rồi chỉ còn đủ cữ này nữa thôi, không lo kiếm con mồi khác sao tụi bay?

SÂN:  Thì phần tao rồi còn gì, tới phiên tụi bay chứ. Chó! Bộ chỉ mình tao làm trâu thôi hả?

SI: Thằng này, sao mày có cái tính gì kỳ, hể mở miệng là cứ câu mâu. Bọn mình đã thề đồng sanh đồng tử với nhau, ăn đồng chia đều, hết thằng này thì tới phiên thằng khác, ra giang hồ thì có luật của nó rồi. Hôm qua, thằng Sân làm rồi thì hôm nay để đó tao lo.

THAM: Vậy thì mày lo điều nghiên kiếm mồi đi. Mà nè! Nhớ có tệ thì cũng bằng cái iphone hôm qua nha mậy, nếu gặp “xế” thì càng hay, nhưng phải bàn tính với nhau cho đàng hoàng rồi hãy hành động, chứ đừng ẩu tả như hôm trước tụi cớm nó rượt chút xíu là vô hộp nằm cả lũ, đói rã họng nha mậy.

SI: Mày lại nữa rồi, chưa làm mà mày trù ẻo rồi hà. Cái miệng mày ăn mắm ăn muối nói toàn là cái gì đâu không.

THAM: Không phải là tao trù, “cẩn tắc vô áy náy” mà, với lại hơn nữa (giọng tâm sự) suốt quãng đời của tao toàn là gặp lừa lọc, là khổ đau nên đã cho tao một ít vốn liếng kinh nghiệm trong trường đời. Nên tao…

SÂN: (Chen ngang vào) Thôi bố ơi! Con lạy bố, bố cho con xin, bố lại sắp ca vọng cổ rồi, cái bài này cũ mèm cứ xài hoài, nhức cái lỗ nhĩ quá nè. Bố khỉ! Dẹp cha nó cái giọng đạo đức qua một bên. Du đãng mà học đòi đạo đức, cầm bằng chửi bố vào mặt thiên hạ. Riêng tao thì chỉ có hưởng thụ là trên hết, cứ có cơm no, gái đẹp và nhất là không thiếu “cữ” là OK!

SI: Chà! Nghe thằng Sân nói đến ăn là tao thấy kiến bò rột rột trong bụng rồi tụi bay. Hay là mình kéo lên quán bà Hồng kiếm cái gì dằn bụng đi, còn chuyện gì thì từ từ tính sau, đồng ý không tụi bay?

SÂN: Mẹ kiếp! Tiền đâu trả cho bà Hồng mà mày biểu lên trển ăn mậy? Cả ba thằng có thằng nào còn đồng xu nào dằn túi đâu.

SI : Bộ như vậy thì bó tay chịu đói sao? Thì cứ ăn xong cái đã rồi “dĩ đào vi thượng” là xong chứ gì!

THAM: Coi bộ tụi bay tính không xong rồi nha, chọc ai chứ chọc nhằm bà Hồng có biệt danh “Hồng La Sát”, tao e nuốt không trôi đồ ăn của bả khỏi cổ đâu.

SÂN: Mặc kệ! Bụng đói thì cũng phải liều thôi chứ sao. Cứ kéo tới ăn cái đã rồi tính sau (kéo Tham và Si cùng đi vào trong).

— oOo —

CẢNH 2: (Quán nước của bà Hồng, cảnh vài cái bàn và một ít ghế, bà Hồng vừa đang lau chùi bàn ghế vừa than thở).

HỒNG: Chu cha! Bụi cái chi mà bụi quá chừng hè! Khổ với mấy cái ông tài xế xe tải này quá, nhất là mấy ông chạy xe benz, vào tới làng, tới xóm rồi mà cứ chạy hết ga, bụi mù trời mù đất. Làng con nít lại đông, chạy kiểu đó không chỉ có bụi làm ô nhiễm môi trường mà còn gây tai nạn giao thông nữa chứ chẳng chơi.

(Bọn Tham, Sân, Si kéo nhau vào).

SÂN: Ê! Bà chủ có gì ăn không?

HỒNG: Dạ! Đồ ăn dạo này bán ế quá nên tôi không bán nữa. Mấy cậu uống đỡ thứ gì nghen?

SI: Ơ! Cái bà này vô duyên! Người ta đói chứ có khát đâu mà uống.

HỒNG: Cậu, cậu nói ai vô duyên? (Giọng chanh chua) Tui bán hàng, có cái gì tui mời cái nấy, không uống thì thôi, mắc gì cậu nói tôi vô duyên hả. Mà cho dù tôi có vô duyên thì thây kệ tui, mắc mớ gì đến cậu mà cậu lên tiếng. Cha! Nhìn cậu cũng sạch nước cản lắm đó chứ, mà sao mở miệng ra không đắp bờ, đắp bụi gì hết trơn vậy?

THAM: (Chen vào can) Thôi, tụi bạn tôi nó lỡ lời, mong bà bỏ qua cho. Tui.. tui.. xin lỗi bà.

SÂN: Ê! Tham. Làm gì mà mất mặt anh hùng quá vậy mậy? Bộ bả là bà nội người ta sao mà sợ dữ vậy, mày dang qua một bên để tao nói chuyện với “mủ”. (Quay sang bà Hồng) Nè bà! Tụi này đến đây ăn uống chứ có xin bà đâu mà bà xài xể tụi tôi. Cho bà hay nha! Bà mà là đàn ông, nãy giờ tụi này “binh” bà sặc máu rồi chứ ở đó mà nói Quảng, nói Tiều nha!

HỒNG: Cha! Hăm dọa hả? Con già này đâu có ngán! Bộ tui nói như vậy không phải hay sao mà nói tui nói Quảng, nói Tiều? Cho mấy cậu hay nha! Mấy cậu bất quá đáng tuổi con của tui thôi mà sao lại vô lễ quá vậy? Mấy cậu đừng có hăm dọa con già này vô ích, nó không sợ ai đâu!

SI: Mụ này lớn lối quá. Ê! Tụi bay để tao xin bả tí huyết về làm thuốc coi (rút dao nhảy tới chỗ bà Hồng).

HỒNG: (Hoảng hốt la lên) Bớ làng xóm ơi! Bớ người ta! Tụi nó giết tôi, bớ làng nước ơi!

SÂN: (Nhảy tới đánh bà Hồng) La hả? La thì đánh cho chết luôn!

(Sân tiếp tục đánh, cùng lúc đó một toán dân phòng nghe tiếng kêu cứu chạy vào. Tham, Sân, Si vội vàng bỏ chạy vào trong. Toán dân phòng đuổi theo vào trong, có tiếng súng nổ, sau đó toán dân phòng quay trở ra dẫn theo Sân và Si).

DÂN PHÒNG: Có phải hai tên này hành hung bà không?

HỒNG: Dạ thưa phải! Đúng là hai tên này, nhưng mà còn một tên nữa.

DÂN PHÒNG: Phải! Còn một tên nữa hắn đã chạy thoát. Nhưng không sao! Hắn bị trúng đạn của tụi tui rồi, không chạy xa được đâu. Tui cho người chặn hết các nẻo đường rồi. Thôi bây giờ mấy anh dẫn hai tên này về trụ sở, số còn lại theo tôi truy bắt tên còn lại, nhanh lên.

(Khi tất cả vào trong, đèn tắt, màn hạ xuống chừa lối đi cho Tham ra, vừa chạy vừa ôm vết thương nhăn nhó tỏ vẻ đau đớn và sợ hãi. Khi Tham vừa chạy hết sân khấu thì màn được kéo lên, cảnh một ngôi chùa có thiết kế một bàn thờ Phật, Tiểu Huệ Tâm đang quét  chùa).

THAM: (Chạy vào) Chú ơi! Cứu tôi với, tôi bị thương nặng lắm.

HUỆ TÂM:  Mô Phật! (chạy đến dìu Tham đến bàn ngồi) Anh ngồi tạm đây để tôi vào trong bạch với Thầy tôi (đi vào trong, và trở ra cùng với nhà sư).

NHÀ SƯ: (Đến bên Tham xem xét vết thương) Mô Phật! Vết thương của anh quá nặng vì bị mất máu nhiều quá. Huệ Tâm, con hãy vào đem thuốc ra đây để thầy cầm máu cho anh đây, mau lên con.

(Huệ Tâm đi vào thì toán dân phòng chạy ra).

DÂN PHÒNG: A! Nó đây rồi (quay sang nhà sư chắp tay chào) Thưa thầy tên này là đồng bọn của nhóm du đãng vừa hành hung bà Hồng bán quán ở xóm trên. Xin thầy cho chúng tôi bắt hắn về trụ sở. (Quay lại thuộc cấp) Các anh giải hắn đi.

NHÀ SƯ: (ngăn lại) Khoan! Xin các anh vui lòng cho phép bần tăng được băng bó vết thương cho anh ta trước đã. Vết thương quá nặng có thể nguy hiểm đến tánh mạng của anh ta.

DÂN PHÒNG: Hừ! Thầy từ bi làm gì với tụi bất lương đó! Băng bó làm chi? Thây kệ nó thầy ơi!

NHÀ SƯ: Mô Phật! Dù sao anh đây cũng là một con người, cũng biết đau đớn như chúng ta vì vết thương hành hạ, xin quý ông hoan hỷ cho chúng tôi được làm công việc của kẻ tu hành. Huệ Tâm đem thuốc đến đây con.

DÂN PHÒNG: Được rồi! Vì kính nể thầy, chúng tôi sẽ chờ khi thầy băng bó xong chúng tôi đưa hắn đi cũng không muộn. Anh em, tất cả ra ngoài.

(Sau khi được băng bó xong, Tham nói với dáng điệu ăn năn, quỳ dưới chân Nhà Sư).

THAM: Thưa thầy! Con rất cảm động trước lòng từ bi của thầy. Thầy đã thương con, giúp đỡ con trong khi mọi người ghê tởm, khinh ghét con. Thầy là chiếc phao cứu vớt con trong lúc con đang chới với trong bể khổ trầm luân với bao cơn sóng đời dồn dập. Cử chỉ nhân từ, bác ái của thầy giúp cho con thấy được và nhận thức được những tội lỗi của mình đã gieo rắc không biết bao nhiêu nghiệp chướng trong suốt thời gian lưu lạc chốn giang hồ. Con cảm thấy ăn năn hối hận, nhưng giờ đây dù có hối hận thì cũng đã muộn rồi. Thưa thầy, trước khi bước chân vào cuộc đời mà mọi người gọi là du đãng, con cũng có cha, có mẹ, cũng có cuộc sống êm đềm, được chiều chuộng, được chăm sóc, yêu thương. Nhưng rồi người mẹ yêu thương của con không may bị tai nạn qua đời, ba con có vợ kế, người kế mẫu có ác cảm mẹ ghẻ con chồng nên đối với con rất hà khắc. Con thường bị cha con đánh những trận đòn oan uổng, nhiều lúc con không biết rằng là mình mắc lỗi gì. Thế rồi đến trường con chỉ thấy được lối học từ chương khó khăn, vô bổ. Đôi khi còn chứng kiến một vìa hành động thiếu tư cách, phản giáo dục của một vài người mang danh nhà giáo, khiến cho con chán nản. Từ học đường cho đến gia đình, con mất tất cả niềm tin. Thế rồi, đến khi con gặp một số bạn rủ rê, sẳn mang trong lòng một tâm trạng tủi hờn, thù hận. Nên con đã thoát ly ra khỏi nếp sống của gia đình. Tìm cho mình một lối sống tự do hơn. Do đó con đã bước chân vào con đường sống bui đời từ dạo ấy. Kết bè, lập đảng. Chúng con đã không ngần ngại làm bất cứ việc gì miễn có tiền để sống, vì thế cuộc sống của con ngày càng xa vào vũng lầy tội lỗi.

NHÀ  SƯ : Mô Phật! Nghe Anh tâm sự, lòng kẻ tu hành hành này còn thấy ái ngại thay, chúng ta gặp nhau đây cũng nhờ căn duyên mà có, nên Tôi muốn nói với Anh rằng: Nghiệp căn, của mọi nhân sinh trong vũ trụ cũng đều bởi Tham, Sân, Si mà ra cả. Mà tham sân si từ đâu mà có. Có phải do Thân khẩu ý làm trọ nghiệp hay chăng? Khi thân mạng ta, lời nói ta và cả những ý nghĩ, tư tưởng của ta, bị trói buộc trong sự tham lam, sân hận, si mê rồi thì kiếp nhân sinh làm sao tránh khỏi được Nhân Qủa Luân Hồi. Vì nhân quả luân hồi, là một định luật hiện thực. Hễ gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Ví dụ như hai người bạn của Anh cũng do phát xuất từ lòng tham cộng với sự sân si mà dẫn đến hành hung bà nọ. Thì sự hành hung kia là Nhân, đối mặt với vòng lao lý bây giờ là Qủa. Tuy nhiên, nhân quả tùy thời. Nếu ta biết gieo nhân lành thì gặt quả lành. Gieo nhân dữ thì gặt lấy quả dữ chẵng sai. Vậy, Tôi khuyên Anh cố tâm hướng về đường phải, nếu không sau này có ăn năn thì cũng muộn màng rồi.

THAM : Bạch Thầy! Nhờ nhân lành mà ngày hôm nay con được gặp Thầy và nghe Thầy khuyên dạy. Con xin nguyện sẽ cố tâm ghi nhớ hầu sám hối những tội lỗi mà con đã gây ra.

DÂN PHÒNG: Tốt lắm, tốt lắm. Chú mày biết ăn năn hối cải như vậy thì rất đáng khen. Nhưng bổn phận chúng tôi phải đưa chú mày về trụ sở, nhưng đừng lo. Tôi sẽ trình lên cấp trên xét lại trường hợp của chú mày.

N. SƯ: Mô Phật! Được như vậy thì quý hóa biết bao. Tôi xin thành tâm cầu nguyện cho quý ông thân tâm thường an lạc.

DÂN PHÒNG: ( Chắp tay xá Nhà Sư). Thôi chúng con xin phép Thầy chúng con về.

THAM: Con xin tạm biệt Thầy.

NHÀ SƯ: Mô Phật! Xin chào quý vị.

(Màn hạ, tắt đèn để chuyển cảnh lễ đài rằm tháng tư. Trong lúc chờ đợi có thể chen vào một tiết mục đơn ca).

— oOo —

CẢNH 3: (Thời gian 3năm sau với khung cảnh mừng Đản sanh với quang cảnh một lễ đài và sân khấu lộ thiên của GĐPT đang trình diễn văn nghệ).

XƯỚNG NGÔN VIÊN: Kính bạch Thầy! Kính thưa quý vị quan khách. Hôm nay, mùa Đản sanh Đức Từ Phụ lại về trên đất nước thân yêu của chúng ta. Qua bao nhiêu năm dài đau thương tang tóc, bởi khói lữa chiến tranh. Để góp vào niềm vui chung của nhân loại. GĐPT chúng con, dù hoàn cảnh thiếu thốn nhưng cũng cố gắng tổ chức một đêm văn nghệ để ca ngợi niềm vui đó. Vì thế trong chương trình, không ít thì nhiều cũng mắc phải nhiều khuyết điểm. Nhưng chúng con tin tưởng mãnh liệt rằng, với hoàn cảnh hiện tại chắc chắn quý Bác luôn luôn sẳn sàng tha thứ mọi khiếm khuyết của chúng con. Và để mở đầu chương trình chúng con xin được giới thiệu nhạc phẩm…..do….trình bày.( vừa hát xong thì Tham đi vào với một cánh tay cụt, trong bộ quân phục bỏ áo ngoài quần, vì mới được giải ngũ).

THAM: Kính chào Thầy, kính chào quý Bác, chào các anh chị, chào các em(chắp tay xá mọi người).

NHÀ SƯ: ( Tỏ vẻ ngạc nhiên và sững sốt vì cánh tay của Tham bị cụt) Trời! Anh đây có phải là Tham không?

THAM: Bach Thầy chính con đây ạ!

NHÀ SƯ: Tại sao, thân thể Anh lại ra nông nổi này?

THAM: Bạch Thầy! Sau khi được Thầy cảm hóa, con vô cùng ăn năn hối hận và cũng để đền bù những tội lỗi của con. Sau khi thi hành xong án phạt vì sự viêc đáng tiếc năm xưa. Thì con xin nhập ngũ để đóng góp sức mình cho đất nước, trong một trận đánh con bị thương và được giải ngũ, con liền cố gắng về thăm Thầy trong dịp Phật đản này, con cầu xin Thầy cho con được sống mãi bên Thầy.

NHÀ SƯ: Được như vậy thì quý hóa biết bao nhiêu, Thầy rất hoan hỷ chấp nhận đạo tâm của Anh.

XƯỚNG NGÔN VIÊN: Kính bạch Thầy, Kính thưa quý Bác, quý vị quan khách. Thế là chúng con vinh dự đón tiếp hai tin vui cùng một lúc. Cái vui thứ nhất là mừng ngày Đức Bổn sư giáng sanh, thứ hai là mừng anh Tham trở về thoát khỏi lối sống lầm lạc. Chúng con xin phép Thầy, xin phép quý Bác, chúng con xin được mời anh Tham cùng tham gia vào chương trình văn nghệ mừng lễ Phật đản hôm nay. ( tất cả cùng vỗ tay đồng ý)

THAM: Xin cám ơn Thầy, cám ơn lòng ưu ái của quý vị, con xin được góp vào phần văn nghệ hôm nay nhạc phẩm VỀ DƯỚI PHẬT ĐÀI sáng tác của Nhật Thành để đánh dấu ngày trở về hôm nay.

(Hát hết bài và có thể kết thúc luôn chương trình văn nghệ).

MÀN HẠ NHANH.

 Hoàn thành ngày 29/04/1973

ĐĂNG KHÁNH

Bài Viết Liên Quan