Thế gian pháp về Dưỡng sinh – Đức Quảng

Chuyên Mục: Báo Chí 6 0

Từ vài ngàn năm xưa các vị tiền hiền đã hiểu biết các diệu dụng của hệ miễn dịch trong cơ thể mà ứng dụng thực hành trong đời sống thường nhật để tự bảo vệ mình. Đông y gọi tuyến nước bọt là Ngọc Dịch, nước bọt tiết ra từ trong miệng rất quí giá, chức năng điều hòa các hệ thần kinh – tiêu hóa – tuần hoàn – bài tiết;  nếu sử dụng đúng cách có thể tiêu trừ bá bệnh do tà khí, ôn dịch bên ngoài xâm nhập vào: Thường xuyên nuốt nước bọt, ăn phải nhai cho kỹ để thức ăn nhuyễn nát với nước bọt. Uống nước từng ngụm một để nước bọt thông qua tuyến giáp dẫn xuống dạ dày là cách tập cho trẻ có thói quen từ bé để tạo sự khỏe mạnh cho kháng thể từ hệ miễn dịch.

Theo Wiki, Có rất nhiều tuyến nước bọt, gồm các tuyến nước bọt chính và các tuyến nước bọt phụ. Các tuyến nước bọt chính bao gồm: Tuyến mang tai: Là tuyến lớn nhất, là tuyến nước bọt tiết thanh dịch, ống tiết là ống Stenon, chạy ở mặt ngoài cơ cắn, đổ vào miệng ở mặt trong má tương ứng vị trí răng số 7 hàm trên Tuyến dưới hàm: Là tuyến nước bọt hỗn hợp, ống tiết là ống Wharton Tuyến dưới lưỡi: Bao gồm rất nhiều tuyến nhỏ, là tuyến nước bọt hỗn hợp. Y khoa thực nghiệm nhận thấy tuyến nước bọt có những chức năng sau:

Vai trò nội tiết: Mới được phát hiện ở tuyến nước bọt. Nó đảm bảo sự tăng sản những tổ chức trung mô như sụn, xương răng, sợi chun, hệ thống lưới nội mô, tổ chức liên kết và tạo máu. Hormon tuyến nước bọt là parolin

Vai trò tiêu hóa: Nước bọt làm ướt và tan thức ăn, củng cố vị giác, thủy phân tinh bột

Vai trò bảo vệ: Cuốn trôi vi khuẩn, tạo pH kiềm, hỗ trợ tái khoáng men răng, và có các chất diệt khuẩn, kháng thể

Vai trò bài tiết: Những chất ngoại lai đưa vào cơ thể có thể nhanh chóng tìm thấy ở nước bọt

Đạo gia gọi hệ nước bọt này là Thiên hà, nối liền hệ não bộ, thần kinh (100 tỷ tế bào não tượng trưng cho vũ trụ thiên hà) xuống cái lưỡi gọi là Ô thước kiều, nơi tụ tiết ra nước bọt, là chất liệu chính để các nhà tu tiên tu luyện nội đan – nên những người tu theo đạo Lão rất kiêng kỵ phải nhổ nước bọt ra ngoài làm hao tổn nguyên thần. Các vị Thiền giả khi tĩnh tọa hay vận động thể dục trợ luân đều cong đầu lưỡi lên hàm trên để khai thông nguồn thánh thủy này. Nếu người đời cho rằng nước bọt của loài yến tạo ra những yến sào nho nhỏ rất bổ và khá đắt đỏ thì nước bọt của con người há không quí hơn sao!

Các phái Yoga, vài ngàn năm trước tại Ấn Độ đã dùng phương pháp nắm lưỡi cà vào răng hàm dưới nhiều lần cho rách mô dưới lưỡi ra (hiệu ứng tạo tín hiệu hỏng hóc kích thích não bộ hoạt động mạnh hơn), cách này để kích thích tuyến nước bọt dưới lưỡi tràn ra tăng sức bảo vệ cơ thể. Tôi đã thực hành nhiều lần thì phát giác cảm giác, vị giác vẫn không bị trở ngại gì khi ăn uống; nếu không tiếp tục cà lưỡi các mô rách liền lại rất mau. Sau một đêm dài ngủ nghĩ, nước bọt tiết ra trong miệng lại rất quí giá nên về sau người ta khuyến khích nên uống một ly nước lọc để đưa nước bọt vào lại cơ thể trước khi súc miệng.

“Nhai cho kỹ và đừng ăn nhiều quá” từ lâu đã thành câu phong dao dạy trẻ ăn uống cho điều độ. Cho đến khi phương pháp dược thực của Oshawa lan truyền thì câu quy tắc lúc nào cũng phải nhớ là “Ăn đồ uống và uống đồ ăn”; có nghĩa là nhai thức ăn cho thành nước và uống nước từng ngụm nhỏ – Vấn đề này các nhà dưỡng sinh đều nhận ra ngay là thường xuyên vận dụng tuyến nước bọt để trị bệnh.

Nếu muốn ăn lấy no mà bỏ qua giai đoạn quan trọng nhai cho kỹ do cái dục về thực phát sinh, không có sự an tâm khi ăn, cho nên “thực bất tri kỳ vị”. Chúng ta chịu khó nhai cho kỹ những miếng cơm không nhuyễn thành nước, rõ ràng là có vị ngọt ngào chứ không phải vô vị – Nhà Phật xem cơm và thức ăn là thuốc trị bệnh nên bữa ăn ngọ gọi là quá đường, thức ăn dù ngon dù dỡ cũng được nhiếp tâm trong chánh niệm và chỉ có một vị  đó là Thiền duyệt thực, ngon hay không ngon tự biết mà không vướng chấp vào vị giác.

Đấy cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tiêu hóa nặng nề mạn tính trở thành đau bao tử của trẻ trưởng thành. Thói quen “đốt thời gian” khi ăn như học bài, đọc sách, xem TV, nói chuyện nhiều trong bữa ăn.. do không sử dụng hệ nước bọt để trợ tiêu hóa.

Xưa kia vua Càn Long nhà Mãn Thanh sống trên 80 tuổi vì đã sớm biết tận dụng các phương pháp dưỡng sinh của Đạo gia mà phương pháp đầu tiên là thường nuốt nước bọt. Nếu không thường xuyên điều chỉnh hệ nước bọt tuyến Giáp sẽ dễ bị suy yếu!

Tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp, một tuyến hình bướm nằm ở cổ, đóng vai trò điều hành sự trao đổi chất. Tuyến giáp không hoạt động hiệu quả có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sức khỏe, và đặc biệt ở cân nặng, mức độ trầm cảm và năng lượng.

Tuyến giáp còn giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể phù hợp môi trường, giữ cho não

luôn minh mẫn, tim đập đều… Khi tuyến giáp phải hoạt động quá mức, bị suy yếu, đó là do nó không tiết đủ hormon T4 cho cơ thể gây bệnh suy giáp. Ngược lại khi tuyến giáp tiết quá nhiều hormon, sẽ dẫn đến tình trạng tuyến giáp phải hoạt động quá mức sinh ra bệnh cường tuyến giáp.

Thông thường hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn, virus từ môi trường gây bệnh, nhưng đối với chứng viêm tuyến giáp thì hệ thống miễn dịch lại sinh ra những kháng thể tấn công các cơ quan trong cơ thể trong đó có tuyến giáp. Bệnh diễn tiến âm thầm nên người bệnh không thể nhận biết được sớm.

Cho nên khi có biểu hiện sốt, ho mùa Covid 19, người ta phải súc và khò miệng bằng nước muối với hy vọng sát khuẩn xâm nhập qua đường mũi, miệng; đồng thời phải mang khẩu trang bịt kín mũi, miệng vì loại virus này lơ lửng và sống khá lâu trong không khí. Con số chết chóc và lây nhiễm vì loại ôn dịch này đã gây ra thảm cảnh cho nhân loại địa cầu từ cuối năm 2019 đến nay vẫn chưa dừng nghỉ mà còn có những biến thể tạo sự truyền nhiễm nhanh và  mạnh hơn. Mỗi người phải tự bảo vệ chính mình khi Y khoa hiện đại chưa tìm ra được nguồn gốc, nguyên nhân gây bệnh và thuốc đặc trị.

Nhân đây chúng ta cần phải hiểu biết thêm những kiến thức cần thiết để ứng dụng vào sự thiền tập tu trì của Phật tử

Cơ thể chúng ta có khoảng 70.000 tỉ tế bào. Mỗi loại tế bào lại có một vòng đời dài ngắn khác nhau. Chẳng hạn mỗi ngày có tới 40.000 tế bào da chết đi vì chúng có vòng đời chỉ chừng 2 tháng. Hãy tưởng tượng chỉ sau 2 tháng, bộ da mà chúng ta đang có đây đã hoàn toàn được thay thế bởi những tế bào mới.

Như một chiếc xe liên tục được thay phụ tùng, chúng ta có một bộ xương mới trong vòng 10 năm, một bộ gan mới sau chừng một năm, và lớp da quanh dạ dày chỉ sau một ngày.

Nhưng có một bộ phận cơ thể mà những tế bào một khi đã chết đi thì không thể thay thế. Đó là bộ não. Khi hài nhi sinh ra thì bộ não đã có đủ 100 tỷ tế bào thần kinh đi kèm, riêng cấu tạo võ não đã chiếm 20 tỷ. Hệ thần kinh này đi theo ta đến hết cuộc đời “không tăng thêm” nó có thể bị các chất say, nghiện, kinh sợ làm suy yếu và lão hóa dần rồi mất đi

Hãy tưởng tượng khi chiếc xe mất đi những chiếc đinh vít và dây nối quan trọng nhưng không thể tìm được đồ thay thế. Chính vì vậy, những căn bệnh liên quan đến não bộ thường để lại di chứng nghiêm trọng như stress, trầm cảm, mất ngủ, hay tổn thương tâm lý.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một niềm hi vọng lớn. Dù 100 tỷ nơron không thể tái tạo, nhưng phía sâu trong lòng não bộ, ở vùng Hồi hải mã (hippocampus), các nhà khoa học mới phát hiện ra sự sản sinh của những nơron mới.

Các hải mã là một cấu trúc não là một phần của hệ thống limbic và có chức năng chính là sự hình thành các ký ức mới – định hướng – và định hướng không gian.

Vùng Hồi hải mã có vai trò tối quan trọng trong việc giúp con người ghi nhớ, học hành và điều khiển cảm xúc. Theo ước tính, mỗi ngày một người khỏe mạnh có thể sản sinh ra 700 nơron mới ở khu vực này. Tức là chỉ trong vòng vài chục năm, chúng ta hoàn toàn có thể có một vùng đồi hải mã mới.

Hãy so sánh với bộ nhớ của một chiếc máy tính hằng ngày hằng giờ được cập nhật và một bộ nhớ chạy cả đời không bảo hành sửa chữa, chúng ta sẽ hiểu tầm quan trọng của 700 nơron mới mỗi ngày.

Phát hiện khoa học này đã tạo tiền đề cho một chuyên ngành mới ra đời có tên là neurogenesis. Trong hình trên, chúng ta có thể thấy những tế bào gốc (stem cell) di chuyển lên phía trên bề mặt và chuyển hóa thành nơron, như những hạt mầm nảy chồi thành cây xanh nuôi dưỡng cho não bộ.

Vậy làm thế nào để 700 nơron ấy được sản sinh đều đặn? Làm thế nào để ươm trồng và khiến cho các tế bào gốc nảy chồi thành tế bào thần kinh nơron mà không phải một dạng tế bào nào khác?

Học hành những môn mình “thích”,kết hợp với sự vận động cơ thể – tạo ra tín hiệu hỏng hóc (hơi quá sức) khi vận động để các neuron bồi bổ, thiết lập hệ thống phòng thủ vững chắc trở lại

Như các môn thể dục trợ luân Yoga, Dịch cân tẩy tũy kinh, khí công hay luyện võ thuật, chạy bộ, đi bộ…Khi thấm mệt chính là lúc các neuron tế bào thần kinh điều binh khiển tướng đến các vùng có tín hiệu bị hỏng hóc của cơ thể để điều trị – Hiện tượng này gợi chúng ta nhớ đến chức năng siêu việt của A lại da thức, thức thứ tám của mỗi người.

Bài viết trên đây là phối hợp các nguồn tài liệu tôn giáo, khoa học, và sự hành trì của bản thân, chỉ mong anh chị em huynh trưởng đoàn sinh chú ý đến những điều cần thiết để sắp xếp đời sống thứ lớp lành mạnh và.. an lạc.

Đức Quảng

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi