Mơ ước đến Bồ Đề Đạo Tràng – Đức Quảng

Chuyên Mục: Báo Chí, Hồi ký 86 0

Tôi chuyển sinh hoạt từ gia đình Phật tử Giác Đạt, chùa Linh Quang Gia Định qua đơn vị Chánh Thọ tại chùa Vạn Thọ vào mùa hè 1969, lúc đó lẽ ra tôi được nhập đoàn Nam Oanh Vũ nhưng do dáng người hơi “ phốt phát, đẫy đà” nên các anh Thiếu nam đã kéo tôi vào đoàn dù biết tôi còn nhỏ tuổi, thế là tôi đã trở thành đoàn sinh Thiếu nam trước tuổi.

Còn nhớ ngày ấy khi bước vào Đoàn quán gia đình Chánh Thọ, ấn tượng nhất là nhìn thấy một bức tranh nổi (3D) vẽ hình đức Thích Ca thành đạo khá lớn. Gọi là tranh nổi  vì hình đức Phật ngồi vẽ riêng chiều cao hơn 2m và ghép khối khung thiếc dày khoảng 10 cm ép vào phối cảnh cội bồ đề  bên dòng Ni Liên Thuyền theo nguyên tác của họa sĩ Ấn Độ. Ngoài khuôn diện trầm tư điềm tĩnh của Thế Tôn ra tôi rất thích đôi tay mềm mại như buông thỏng rất hiền của Ngài để từ đó tôi ước mơ có một ngày sẽ được đến chiêm bái nơi cội Bồ đề thành đạo.

Lễ Đức Phật Thích Ca Thành Đạo là ngày Chu niên của Gia đình. Ngày ấy, mùa chu niên nào đoàn thiếu nam chúng tôi cũng đem theo chăn màn vào chùa ngủ trước mấy ngày để trang trí sức sống gia đình và góc đoàn, đem tài liệu theo ôn tập để chuẩn bị thi vượt bậc trong hình thức trại cuối năm. Đêm đến cả đám thiếu nam nằm chung chăn chiếu nhưng chẳng ngủ nghê gì được, mỗi lần huynh trưởng trực bước ra khỏi cửa là tung chăn ngồi dậy kêu nhau nói cười thỏa thích, huynh trưởng trực nghe ồn quay lại thì chúng tôi lại giả vờ ngáy ngủ o..o.. cho đến khi mệt nhoài tới gần sáng thì ai nấy cũng từ từ ngủ thiếp đi.

Còn nhớ một năm đó,1973! Cũng vào mùa Thích ca Thành Đạo. Ban Hướng Dẫn Sài Gòn đã tổ chức trại Sala cho toàn thể các gia đình trong miền Quảng Đức tại Chùa Pháp Vân, Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Các huynh trưởng nam và đoàn sinh thiếu nam đã mượn chiếc xe “ba gác đạp” chở tre, tầm vông, dây nhợ… và bức tranh họa phối cảnh Thành Đạo trong đoàn quán chạy từ Tân Định, quận Nhất lên tới trường TNPSXH qua ngõ Cầu Tre, Bình Tiên-Chợ Lớn (lúc đó hướng ngã tư Bảy Hiền qua Hương lộ còn là đồng ruộng rất khó đi) Bác Gia Trưởng Lệ Trí-Hoàng văn Liên làm Trại trưởng – tuy bác đã già  nhưng rất xông xáo chỉ huy các gia đình dựng cổng trại chung cao hơn 4m; rộng 8m, lo thức ăn nước uống.. còn hơn những huynh trưởng trẻ. Nhìn qua Gia đình Ngưỡng Quang (Thiện Hoa 1 ngày nay), bác gia trưởng bên đó để ria cá chốt còn “ngầu” hơn ông tướng! Trang bị dây TAB quân đội thắt quanh lưng với bidon nước, lưỡi lê nhà binh, như sắp sửa xông pha trận mạc tới nơi.

Khu đất trại của Gia đình Chánh Thọ gồm bàn thờ Phật dựng trên sàn đã khá lớn rồi nhưng nhìn qua gia đình Chánh Đạo bên cạnh dựng lên một cái tàu biển hải quân rất to với tháp chỉ huy kéo cờ hiệu hải quân giăng ngang đủ màu đọc theo mẫu tự Alphabet sử dụng trong truyền tin hàng hải, Chúng tôi lấy tài liệu truyền tin cờ hàng hải ra đọc và ráp chữ, hàng cờ ấy  là “GĐPT Chánh Đạo” Đêm đó các gia đình biểu diễn văn nghệ trên sân khấu của trường, Gia đình Chánh Đạo trong bộ đồng phục hải quân trắng toát đã trình diễn vũ khúc “Dừng bước giang hồ” của nhạc sĩ Hoàng Trọng với những bước nhảy Passodouble cũng thật nhịp nhàng, sinh động và đẹp mắt, anh Lê Văn Thảo của Chánh Thọ cũng đơn ca bài “Một sớm mai vui” giọng miền Trung của anh vang vang rất đặc biệt….. Cũng đêm hôm đó trời trở lạnh đột ngột, đoàn thiếu nam chui xuống dưới cái trại sàn nơi thiết bàn Phật để trùm chăn chung mà ngủ, nhưng chăn không đủ nên suốt đêm cứ kéo qua, kéo lại hoài… cho đến khi có người ngủ say thì người còn thức lén nhẹ kéo chăn qua mà đắp…kéo qua kéo lại cho tới sáng.

Vui nhất là những ngày Thành Đạo lo Chu niên, mỗi đoàn được chia một góc trong đoàn quán đã đành, nhưng mỗi ngành còn được phân các khu vực rộng trong sân chùa để làm đủ thứ chuyện. Ngành Oanh Vũ thì làm  2 cái tổ rơm lớn có sức chứa cả đoàn. Thiếu Nam thì làm trại sàn trên cây si; thiếu nữ thì thêu thùa vẽ vời đủ thứ màu sắc. Đặc biệt trong sân chùa Vạn thọ có trồng cây Bồ Đề giống Tích Lan đến nay vẫn còn, nhưng hồi đó bên cạnh cây Bồ Đề chùa có trồng thêm một cây Si cổ thụ nữa! Ngụ ý của thầy tổ nhắc nhở: “Khi si mê là chúng sinh – giác ngộ (Bồ đề) là Phật”. Mỗi lần thiếu nam chúng tôi có ai đó buồn phiền riêng tư thường bị chọc là “trồng cây si” , ngày đó ngây thơ tôi chưa hiểu nghĩa gì!

Bây giờ Chùa Vạn Thọ đã thay đổi, vươn cao như đóa sen hồng hoành tráng bên bờ kênh Nhiêu Lộc, cây Si được đứng gần cây Bồ Đề trước giảng đường cổ tự, có thể HT đã lãnh hội giữa si và giác chỉ cách nhau một tí.. xíu,  mỗi lần trái si rụng là đỏ tím loang lỗ dưới cội Bồ Đề, cây Vú sữa mấy mươi năm tuy rất già nhưng vẫn sống như trông chờ những cánh chim phiêu bạt chân trời mỗi dịp Thành Đạo về, chu niên đến, năm 2019 cây vú sữa vẫn còn.

Đầu năm 1974, gia đình cử chúng tôi gồm chị Tôn Thể Vân, Nguyễn Tánh, Đỗ Văn Đoàn tham dự trại Anoma Ni Liên tại chùa Pháp Vân, mẹ tôi cấm không cho đi nên làm xong việc nhà tôi trốn đi trại cả mấy ngày, khi về đứa em gái nấu canh bị phỏng cả chân làm lòng tôi áy náy suốt thời gian dài. 8 giờ tối tôi và Đoàn mới nhập trại, lúc đó chị Vũ Lan thu gạo, tiền và đưa chúng tôi vào đội của trại.

Rồi  nhớ cuối năm 1974, đoàn thiếu nam có 4 đội trưởng: Anh Phạm Văn Hồng, Nguyễn Kim Hòa, Đồng Minh Quang, Phan Thế Tài; bên nữ là…, được cử đi học trại huấn luyện Lộc Uyển lưu động do BHD Sài Gòn tổ chức, lúc đó anh Hồng đi huấn luyện Đồng Đế, một anh Hòa đi huấn luyện Phù Cát..  tương lai là ly tan vì quân ngũ các bạn ơi!  Xong trại rồi chẳng ai chịu lên huynh trưởng cả cho đến sau ngày 30 tháng 04/1975 cả đoàn kéo nhau đi làm chung một cơ quan hồi hương Quận Phú Nhuận do một anh cựu huynh trưởng chủ quản, chủ nhật lại kéo nhau về đủ  để sinh hoạt, nên mặc dù tình hình giao thời sinh hoạt khó khăn, Ủy ban quân quản có vài lần vào chùa làm khó dễ nhưng chính quyền địa phương đa số là những cán bộ cơ sở xưa nên hiểu chuyện  đã giải thích để cho gia đình Chánh Thọ vẫn hoạt động bình thường – đa số cư dân xóm chùa cũng xem việc GĐPT sinh hoạt hằng tuần là chuyện bình thường nên khi các cấp chính quyền vào trong xóm tra hỏi họ đều có thể trả lời thay cho gia đình Chánh Thọ “Xưa nay Phật tử vẫn sinh hoạt như vậy, con cháu chúng tôi nhờ đó mà không hư hỏng, tốt chứ sao!” cho đến năm 1987, sau khi Hòa Thượng Bửu Tuyền viên tịch thì họ mới ra tay gây khó khăn gắt gao hơn. có một giai thoại là anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ nhận làm Gia trưởng Chánh Thọ suốt 10 năm, BHD Sài Gòn cũng từ đây mà tái sinh.

Năm 1976, các gia đình trong miền Quảng Đức tập họp lại sinh hoạt với tên gọi là GĐPT Quảng Đức sinh hoạt tại Cô Nhi viện Quách Thị Trang (Hồ Kỳ Hòa ngày nay), thường thì di chuyển lên Thiền viện Vạn Hạnh hay chùa Giác Ngộ Chợ Lớn. Phương cách này duy trì sinh hoạt GĐPT Quảng Đức cũng được vài năm. Riệng GĐ Chánh Thọ đất địa vẫn bình yên nên cách tuần đều về chùa sinh hoạt. Lúc đó có phong trào tăng gia sản xuất, xây dựng các vùng kinh tế mới khắp nơi, Hòa Thượng Bửu Tuyền hướng dẫn gia đình lên canh tác đất rẫy trên chùa Báo Ân (Tân Bình) dọn cỏ, lên giồng trồng khoai lang, khoai mì cũng gọi là có tham gia sản xuất!

Tháng 4 năm 1977 tôi rời xa gia đình  hơn ba năm, những chiều Chủ Nhật tận những nơi xa chùa tôi đều chào Sen trắng, rồi Chánh Thọ ca – mùa Vu Lan còn hát thêm bài Bông hồng cài áo, Bông trắng cài áo… tưởng chừng như mình vẫn sinh hoạt thường xuyên với gia đình Chánh Thọ. Một hôm, có người về lại thành phố hỏi tôi có nhắn gì với GĐ Chánh Thọ không? Như một thói quen tôi trả lời liền không suy nghĩ: “Xin nhắn giùm với gia đình rằng lễ Thành Đạo năm nay tôi sẽ về ” đó là một niềm tin rất đơn giản mà hằng hữu trong tôi.  Không ngờ lễ Thành Đạo năm ấy tôi được trở về dưới mái chùa xưa thật, ngày đó là đầu năm 1981, và càng không ngờ cuộc đời tôi càng gắn bó bền chắc hơn không những với một GĐ Chánh Thọ mà còn có bao nhiêu GĐPT khác nữa. Với tôi và nhiều anh chị em Chánh Thọ ngày Thành Đạo Chu Niên quả thật thiêng liêng và kỳ vĩ trong đời áo lam, rồi mơ ước có một ngày nào đó chúng tôi sẽ đến được Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật hàng phục 10 đạo ma binh trong đêm Thành Đạo, ngày đó thật là hạnh phúc biết bao! Cứ mơ ước đi rồi sẽ có ngày!!!

Năm 1982 do đoàn quán bị mưa dột và bức tranh Thành Đạo cũng bị mối mọt tàn phá, không sao! Vì bây giờ tôi đã học xong các khóa hội họa và có thể tự mình vẽ được những bức phối cảnh y như vậy, Tuy chưa vẽ được cho đoàn quán nhưng tôi nhận vẽ cả chục bức tranh để chùa tặng cho các đạo tràng khác. Còn đoàn quán, từ năm 1988 đoàn quán được chùa trưng dụng làm phòng y tế, rồi lớp học tình thương nên không thể thực hiện được bức tranh Thành đạo ấy cho đến hôm nay.

Cuối năm 2004, một đại nhân duyên đã biến giấc mơ của tôi thành sự thật, đưa chúng tôi sang Ấn Độ và nơi chiêm bái đầu tiên là Phật tích Bồ Đề Đạo Tràng, bang Bihar. Không phải là tưởng tượng nữa, đích thực chúng tôi đang đứng ở đây, cội Bồ Đề nơi đức Phật Thành Đạo của 26 thế kỷ trước.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Buổi sáng, tháp đại giác và tượng kim thân đều hướng mặt trời mọc ánh sáng chói chang vô lượng, còn cây Bồ Đề lại mọc bên phía Nam tháp đại giác, Kim cang tòa nơi đức Phật thiền định dưới cội bồ đề  đặt nằm bên trong tức là đức Phật ngồi nhìn từ phía nam tháp sau cội Bồ Đề, theo dòng Ni Liên thuyền chảy từ Tây Tạng xuống – khác với những phối cảnh diễn tả của bức tranh do họa sĩ Ấn Độ đã vẽ! Tuy nhiên, do dòng sông Ni Liên đã khô cạn từ lâu và chung quanh đất đã bồi khá cao biến Bồ Đề Đạo tràng thành một khu trũng thấp nên cũng khó mà xác định lưu vực của dòng sông, có một cây cầu khá dài bắt qua một bãi cát thấp mênhmông qua bờ bên kia dòng sông Ni Liên – tháng 11 dòng sông phơi cát vàng như sa mạc, xa xa có vài vũng nước, người thì tranh nhau tắm giặt, mấy đàn bò cũng  bình thản chờ đợi lần lượt tắm và uống nước ở đó. Thầy Hạnh Nguyện dẫn đoàn nói với chúng tôi rằng, trước kia đức Thích Ca thiền định bên này sông, các vị thổ thần nghe đất đai rung chuyển chịu không nổi nên thỉnh Ngài qua bên kia sông là nơi Bồ Đề Đạo Tràng bấy giờ. Cảm giác tôi nghe nơi nầy rất thân quen có lẽ là do học lược sử đức Phật khi sinh hoạt ngành thiếu, cũng có thể ở một tiền kiếp nào đó từng sống ở nơi này, nhưng có một điều tôi cảm biết là mình đã trở về nơi mà ngày xưa từ ấy đã bỏ ra đi! và từ đây chúng tôi đã cùng hơn trăm thành viên của GĐPT Việt Nam khắp thế giới đi chiêm bái – hành hương bốn nơi Động Tâm đức Phật và đi khắp cõi nước Ấn Độ, tính luôn các nước Phật giáo Cambodia, Thailand và Népal, một lần đi qua 4 quốc gia.

Thoắt một cái đã  50 năm tính từ ngày tôi gia nhập GĐ Chánh Thọ. Mỗi khi Thành Đạo về lại nhớ đến Chu niên, còn cảm nghe nguồn sóng dạt dào vô tận tỏa ra từ cội Bồ Đề  thành đạo. Tôi làm báo cũng lấy tên Lữa Dũng, viết nên những nhạc phẩm cũng đặt tựa là Lửa Dũng, bài ca Gọi lửa mang tinh thần Dũng, gọi ánh sáng trí giác về hàng phục ma quân, hay kêu gọi hồn thiêng sông núi của ba ngàn thế giới hội tụ… đều lấy nguồn cảm hứng từ đêm Thành Đạo. Ở phương diện tinh tấn, dũng mãnh, vô ngại, vô úy…. càng thấy mình phải có bổn phận giữ gìn và lưu truyền nguồn sống và hạt giống lành từ kỳ tích Thành Đạo sao cho chánh Pháp này lan tỏa khắp nhân gian.

 

Đức Quảng

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi