Ký sự – Nỗi niềm trên đất Phật – Diệu Hồng

Chuyên Mục: Hồi ký, Văn Thơ 9 0

Nói đến Phật Giáo, hay nói đến người Phật Tử, mọi người đều nhớ nghĩ đến vị Phật hiện tại : Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đức Phật là một nhân vật có thật trên trái đất này, không phải là một vị thần thánh trong huyền thoại, mà là một đấng Cha Lành  hầu hết những người con Phật đều biết và cúng bái vái lạy hằng ngày. Hẳn nhiên ai cũng mơ tưởng một ngày nào đó được đặt chân đến nơi, đến chốn mà Đức Từ Phụ của mình đã được sinh ra, đã trưởng thành, đã có cuộc sống như mọi người, đã đi tìm Chân Lý để cứu chúng sinh thoát khổ và sau cùng đã thành Đấng Vô Thượng  Chánh Đẳng Chánh Giác!!!

Ai cũng mơ, cũng ước và mong muốn được đến nơi chốn linh thiêng mầu nhiệm đó. Và ai cũng tưởng chỉ là một giấc mơ như bao giấc mơ khác, hoặc chỉ là những điều mong ước như bao điều mong ước khác… rồi sẽ tan biến vào hư không!

Các Anh Chị Em GĐPT Áo Lam chúng tôi cũng không ngoại lệ: năm 2000, một số anh chị em Lam viên đã  ao ước rằng 4 năm sau, tức năm 2004, mong sẽ được hội tụ dưới cội Bồ Đề, nơi Đức Phật đã thành Đạo.

Để rồi tưởng rằng niềm mong ước đó sẽ tan biến thành mây khói!

Thời gian qua nhanh, thấm thoát đã đến năm 2004!

Không ngờ điều mơ ước của các Anh Chị Em Áo Lam mong  cùng nhau đoàn tụ dưới cội Bồ Đề nơi Đức Phật Thành Đạo đã trở thành hiện thực vào đầu tháng 11 năm 2004.

Giấc mơ đã thành sự thật!

Quý hóa vô cùng!

Một Lễ Hội Hành Hương lịch sử của GĐPT trên Thế Giới đã được tổ chức tại đất Phật!

Những Áo Lam với Huy Hiệu Sen Trắng, một Tổ Chức có mặt trên trái đất này từ hơn 60 năm, nay được cùng nhau hòa mình dưới ánh Hào Quang của Đức Phật suốt khắp cuộc hành trình đến các Thánh Tích nơi Ngài đã có mặt .

Nơi tôi hằng mơ ước được có duyên lành chiêm bái Thánh Tích của đấng Cha Lành khắp trời người từ bao lâu nay. Đó là Thánh Tích của Đức Bổn Sư  Thích Ca Mâu Ni Phật.

Để cho chuyến đi tham dự Lễ Hội Hành Hương lịch sử của GĐPTVN này được lợi lạc hữu ích cho bản thân, tôi đã tự nhắc nhở mình và cũng không quên nhắc nhở các bạn của mình  hãy cùng nhau Định Tâm Thanh Tịnh và mở rộng Tâm Đại Từ Đại Bi  hầu hưởng được  trọn vẹn năng lực nhiệm mầu của Đức Như Lai luôn sẵn sàng trao truyền cho chúng ta.

Ai cũng nghĩ rằng Đức Phật là một đấng cứu khổ thì nơi Ngài đã sinh ra, đã trưởng thành và đã thành Đạo sẽ là một nơi tràn đầy sung sướng , giàu sang phú quý ….! ! !!

Nhưng không, ai cũng  ngỡ ngàng từ lúc bước chân đến New Delhi, một thành phố được mệnh danh là Kinh-thành thứ hai của xứ Ấn Độ lại bụi bặm, nhà cửa cũ kỹ hư hỏng không được sơn phết tu sửa!!! Giống như một khu phố nghèo nàn, nếu so sánh với một xứ văn minh hiện đại thời nay!

Sau đó, trên đường đi đến Bồ Đề Đạo Tràng, thì hỡi ôi! Tôi chưa từng thấy một xứ nào nghèo nàn như vậy: vùng ngoại ô, dọc theo 2 bên đường có những đống rác khổng lồ chưa từng thấy !!! Hình như dân bản xứ không có thùng rác ??? ! ! ! Và hình như họ cũng không biết áp dụng cách vứt rác vào thùng rác nữa !!! Có vị đi hành hương đã kể lại rằng “chúng tôi đã bỏ rác vào một cái túi, buộc lại và vứt vào một cái thùng đàng hoàng, thế mà sau đó họ đến lục lọi, mở banh ra, nhặt những gì họ cần, hoặc ăn những gì có thể còn ăn được … rồi những thứ còn lại họ quăng bừa bãi tứ tung ra ngoài …” Tôi có cảm giác là mình đang lùi lại 100 năm trước. Vì nửa thế kỷ trước, khi tôi còn bé, đã sống ở xứ Á Châu mà đã sạch sẽ và tươm tất hơn đây nhiều …Trình bày ra đây không phải để khinh bỉ chê bai người Ấn, mà để nghiệm xét vì sao họ chịu sống hoặc phải sống trong khung cảnh như vậy.

Khi đến Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật Thành Đạo, tôi lại càng ngạc nhiên hơn …Kẻ ăn xin đầy dẫy ….những đứa trẻ thơ chạy theo xin tiền …

Mỗi sáng, từ 5 giờ, sớm tinh sương, từ Trung Tâm Viên Giác, tôi cùng các bạn tôi đi bộ ra cây Bồ Đề làm lễ. Trời khá lạnh, tôi phải mặc 3 chiếc áo mới đủ ấm, thế mà hai bên đường những người lớn và trẻ thơ nằm ngủ la liệt, cuộn tròn trong một tấm khăn mỏng trên mặt đất! Không nhà, không chăn, không chiếu !!

Thảm thương thay !!!

Trước cảnh ngộ đó, không một ai có thể cầm lòng được trước tình cảnh nghèo nàn và những bất hạnh này. Người thì nước mắt tuôn trào; người thì khóc trong lòng, gắng gượng cười nhưng lòng đau đớn như bị cắt xé !

Chúng tôi muốn giúp những người này thoát khỏi cảnh khổ đó. Nhưng giúp bằng cách nào đây ????

Có điều khiến tôi chú ý là 2 bên đường có những sạp quán buôn bán hàng hóa, khi tối đến những người bán hàng chỉ bao phủ lên 1 miếng vải nhựa rồi lấy dây buộc thắt lại, để như vậy, đến sáng hôm sau mở ra bán tiếp. Không một ai bị mất cắp gì cả ! !!

Và tôi được biết thêm có những vị lái buôn người Tây Tạng khi hết mùa buôn bán họ trở về nước, để hàng họ lại Ấn Độ, không cần thuê nhà kho để chứa hàng mà chỉ đào một cái hầm, bỏ hàng hóa vào đấy, đậy nắp hầm lại, về xứ, sang năm trở qua Ấn Độ, mở nắp hầm, lấy hàng hóa ra tiếp tục buôn bán …

Tôi chứng kiến tận mắt, những người ăn xin bên đường, có người đi qua đi lại quăng tiền vào bát ăn xin của họ, khi tiền bị rơi rớt ra ngoài, có một em bé người Ấn đi ngang qua nhặt đồng tiền đó bỏ vào bát cho người ăn xin !! Rồi tiếp tục đi !

Những điều trên đây, cho tôi thấy rằng, họ nghèo nhưng  tâm hồn rất thanh sạch, không trộm cắp, không tham lam !! Thật đáng kính trọng !!

Thêm nữa, dân Ấn Độ đa số đều ăn chay, ít người  ăn thịt cá, suốt những chặng đường tôi đi qua rất hiếm có tiệm bán thịt cá !! Thật là điều đáng quý !

Có người  hỏi rằng, tại sao họ thanh sạch chất phác như thế mà họ phải chịu cảnh khổ vậy ??? ! ! !  Đó là do Duyên Nghiệp họ đã tạo tác từ kiếp trước mà thôi! Cũng chỉ vì do Thân, Khẩu, Ý và Mạn  tạo ra bao cảnh khổ đau lòng!

Nhìn thấy những cảnh khổ của họ, và đồng thời nhận thấy sự thanh sạch của họ, tôi vừa thương vừa kính trọng họ. Tôi muốn giúp họ thoát khổ, nhưng phải làm sao đây?  Tôi biết rằng không phải chỉ cần cho họ một số tịnh tài, một ít cơm ăn, một số áo mặc, thì họ sẽ hết khổ đâu! Tôi biếu tịnh tài cho họ, tôi chỉ được Phước Đức phần tôi thôi, còn phần Nghiệp Khổ của họ sẽ vẫn còn mãi mãi …muôn đời… muôn kiếp. Tôi nhớ lời Phật dạy rằng : Muốn Nghiệp Chướng tiêu trừ, phải tự người đó phát Tâm, thì Nghiệp của họ mới tiêu . Khiến tôi chợt nhớ đến mẩu chuyện đạo  “ Bà lão ăn mày nghèo nhất !”

Câu chuyện như vầy : “Đức Phật muốn cứu một Bà lão ăn mày  ra khỏi cảnh khổ, vì Ngài biết rằng đời đời kiếp kiếp bà ấy sẽ khổ mãi và khổ cùng cực: Kiếp này, bà ta không nhà ở, đi xin ăn không ai cho, phải đi lục thùng rác nhặt thức ăn dư thừa trên những mảnh bát vỡ. Bữa đói, bữa no. Còn có cảnh nghèo khổ nào khổ hơn cảnh này nữa? Cũng chỉ vì tánh keo kiệt của Bà từ bao kiếp trước đã đưa dẫn Bà vào cuộc sống khổ cùng tận này.

Đức Phật động lòng thương xót muốn cứu bà, nên đã phái Ngài Xá Lợi Phất giả dạng thành một người ăn xin, đến xin bà. Bà ấy trả lời rằng  “Tôi nghèo quá chẳng có gì cả, đến nỗi phải đi lục ăn trong thùng rác thì làm sao mà tôi có gì để cho ông đây ?” Người ăn mày « giả » liền nói rằng: “Bà có thể cho tôi bất cứ cái gì mà Bà cảm thấy quí giá đối với Bà” . Bà lão nhìn quanh chẳng có gì quí giá đối với Bà để cho người ăn mày.  Chợt Bà nhìn thấy trên một mảnh bát vỡ còn dư thừa một ít thức ăn, trong khi đó Bà chưa ăn uống gì cả, bụng đang đói, nên miếng thức ăn thừa trong mảnh bát vỡ đó là một bữa ăn rất quí giá của Bà. Nhưng Bà nghĩ người ăn xin này còn khổ hơn Bà, đến nỗi phải xin Bà, thế là Bà trao mảnh bát vỡ có miếng thức ăn thừa đó cho người ăn xin, và người ăn xin nhận lấy ăn liền. Sau đó, người ăn xin tức là Ngài Xá Lợi Phất giả dạng đã nói thật rằng Ngài làm thế là để giúp Bà phát Tâm rộng lớn. Dù là một miếng ăn nhặt được từ của thải bỏ, nhưng đối với Bà rất quí; Bà đã đem cho, mặc dù Bà cần để sinh sống, cần để dinh dưỡng cho thân Bà. Do hành động và sự phát Tâm ấy mà Bà đã được tiêu Nghiệp Nghèo Khổ cùng cực. Sau đó Bà trút hơi thở cuối cùng, xong một kiếp Nghèo Đói và tái sanh lên cõi Trời hưởng Phước.

Câu chuyện trên cho tôi thấy rằng, Đức Phật là một Đấng Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác, Ngài thương chúng sanh vô cùng tận, Ngài là đấng cứu khổ muôn loài. Thế mà trước cảnh khổ vô cùng tận của Bà lão ăn xin, Ngài đâu thể dùng cây đũa thần, hoặc phép lạ để trao cho Bà lão một căn nhà, một bữa ăn, hoặc một đống châu báu !! Mà Ngài đã tìm cách cứu giúp Bà phát Tâm để Bà thoát khỏi cảnh nghèo khổ vô cùng tận này… mãi mãi… muôn đời muôn kiếp sau.

Bởi vì Ngài muốn cứu chúng sanh, Đức Phật đã chỉ dẫn đường đi, đó là: cách thức tu sửa Tâm Tánh, tu tập từ Thân, Khẩu và Ý . Nhưng chúng sanh phải siêng năng thực hành, phải kiên trì tiến bước thì mới có kết quả hữu hiệu toàn vẹn

Trong những ngày tại Bồ Đề Đạo Tràng, lòng tôi  nôn nao không biết làm cách nào giúp những người nghèo khổ trong muôn một tại đây! Tôi cũng không quên lời dặn dò của Thầy Hạnh Nguyện, trưởng đoàn Hành Hương của chúng tôi, luôn nhắc nhở chúng tôi rằng không nên cho tiền họ, vì cho như thế cũng như khuyến khích họ làm nghề  ăn xin suốt đời, và sẽ chỉ giúp hội ăn xin thêm bành-trướng rộng lớn mà thôi. Bởi vậy, mỗi sáng sớm tinh sương, đi bộ ra làm lễ ở cây Bồ Đề, tôi và các bạn  tôi không ai đem tiền theo cả.

Một sáng nọ, một em trai bán hoa súng chạy theo chúng tôi nài nỉ mua hoa như mỗi sáng, tôi biết tánh chất các em bán hoa và xin tiền bên đó là nếu trả lời thì các em càng bám theo, nên tôi chỉ ra hiệu lắc đầu chứ không lên tiếng. Thế là các trẻ không dám bám theo tôi, phần cô bạn của tôi thì giải thích bằng tiếng Anh cho em ấy hiểu là không thể mua hoa vì không có tiền trong túi. Nhưng cậu bé này cứ bám theo nài nỉ mua hoa giúp. Khi đến trước cổng Tháp, nơi cây Bồ Đề, em này vẫn bám theo cô bạn tôi, rồi em nói bặp bẹ mấy câu tiếng Anh vừa ra dấu rằng cho em gởi hoa cúng Phật trong Tháp (luật lệ tại Tháp Bồ Đề Đạo Tràng nói riêng, hoặc tại Ấn Độ nói chung,  rất nghiêm-nhặt, phân chia giai cấp nặng nề, những người bán hoa và ăn xin không được vào bên trong sân Tháp, do đó em này không được phép vào trong  Tháp, không được vào lễ lạy cây Bồ Đề ). Khi em có ý định trao hoa cho cô bạn tôi miễn phí nhờ cúng dàng dùm, thì cô bạn tôi không dám nhận, vì biết em nghèo cần bán hoa để có tiền. Nhưng em cứ năn nỉ, đưa bông hoa cho cô bạn tôi, ra dấu đem vào cúng Phật, rồi chỉ vào em bặp bẹ tiếng Anh  « For me, please ! ». Bạn tôi ngần ngại nhìn tôi hỏi:  “Làm thế nào đây chị ? Có nên nhận không ? Không đưa tiền cho em ấy, em ngại quá !” Tôi liền khuyên cô bạn  “ Em ấy có Tâm cúng dàng Phật thì nên nhận cho em ấy được tiêu Nghiệp, và em ấy sẽ được Phước Đức vô lượng” Thế là bạn tôi nhận bông hoa của em trao. Em vui mừng, miệng cười thật tươi !!  Bạn tôi đem vào chánh điện Tháp dâng lên cúng Phật. Tôi chợt nhớ lại mấy  mẫu chuyện Đạo  “Bà già ăn mày” , “Bà già cúng đèn”, và “Người cúng hoa” … Lòng tôi  vui mừng khôn xiết !

Sáng hôm sau, lại gặp em nữa, em lại chạy theo mời mua hoa, lần này bạn tôi cũng từ chối như hôm trước, nhưng em cũng cứ bám theo và trao một bông hoa và cũng nài nỉ như hôm trước với câu tiếng Anh « For me, please ! ». Bạn tôi lại nhận, em bán hoa lại vui mừng cười tươi như hoa!

Tôi chứng kiến cảnh tượng đó với niềm hân hoan vô tả !!!

Tôi và bạn tôi vào làm lễ xong, đi nhiễu quanh Tháp, bất chợt tôi thấy em bán hoa đang đứng trong sân Tháp với một bông hoa trong tay, em chúm chím cười, nhìn tôi, tôi đang ngạc nhiên tự hỏi làm thế nào em lại được phép vào đây ?? ! ! ! Thì ngay khi đó tôi hiểu nguyên do: 2 ông người Đại Hàn đang sắp xếp cho em đó và các em khác, tất cả  khoảng 10 em nam đứng sắp hàng, 1 ông trao cho mỗi em 1 bông hoa, còn phần  nắm hoa to tướng còn lại ông phân phát tất cả cho những người đi hành hương mỗi người mấy bông (theo tôi hiểu là 2 ông Đại Hàn đã mua tất cả những hoa của các em bán hoa, và đưa các em vào sân Tháp). Rồi 2 ông hướng dẫn cho các em đi nhiễu vòng quanh Tháp cùng với chúng tôi. Khi đi nhiễu Tháp 3 vòng xong, chúng tôi đồng quỳ xuống trước cây Bồ Đề lễ lạy, thì  2 ông Đại hàn cho 10 em bán hoa ngồi thành hàng, 2 ông tụng bằng tiếng Đại Hàn trước rồi cho các em lập lại.

Tôi vui mừng vô cùng tậ!! Vì tôi biết là các em đã được tiêu trừ Nghiệp Chướng, đang trên đường tiến dần đến Đạo Giải Thoát. Tôi hân hoan cầu nguyện trong sự xúc động tuyệt vời, rằng cho các em mãi mãi gặp Phật Pháp và cho các em đừng bao giờ quên thực hành Phật Pháp để các em được thoát khổ muôn đời, muôn kiếp sau .     Đó là hình ảnh vui nhất mà tôi gặp tại Bồ Đề Đạo Tràng và  chắc chắn suốt đời tôi sẽ không quên!

Mãi nói chuyện nghèo khổ tại xứ Phật, mà tôi chưa nói đến niềm hân hoan xúc động của những người Áo Lam khi gặp nhau.

Ngày đầu tiên, tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng, niềm vui đầu tiên của tôi như từ trên trời rớt xuống, đó là được gặp 2 người em mà tôi chưa hề gặp!!

Chúng tôi chỉ biết nhau thân thiết qua sự liên lạc trên  Internet. Tôi quý mến em qua sự tu tập siêng năng của em, và sự sốt sắng của em lo cho Tổ Chức Áo Lam trên đường hướng Thiện và hướng Thượng. Nhưng khi đến New Delhi,  tôi được tin các em không đi được, tôi buồn nản quá chừng, bất mãn trách sao sự thế lại phũ phàng, những người có Tâm thành thật giúp nhau làm điều Phước Thiện, cùng gieo rắc ánh Đạo Từ Bi, đem vui cứu khổ đến mọi người mà sao lại bị cấm cản ! !

Đang buồn nản vì tưởng rằng sẽ không gặp được người em mà tôi hằng mến trọng !! Nên khi tôi được giới thiệu trước người em đó tại Trung Tâm Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng, tôi sững người, không tin tai mình nghe thật, tôi tưởng mình đang mơ  !! Tôi hỏi lại “Em thật đây sao ?? ! … ” Mà thật vậy, em đang đứng trước mặt tôi, bằng xương bằng thịt đó !! Hỏi ra mới biết do sự Kiên Trì em đã vượt qua tất cả để đến tụ họp với các Anh Chị Em Áo Lam bốn phương trời, về sum họp trong ánh Hào Quang và trên mảnh đất của Đức Như Lai. Quý hóa thay !!!

Chị Hằng Nga cùng 2 người em từ Việt Nam qua tại tu viện cổ Nalanda

Còn nữa…. niềm vui chưa hết, tôi được gặp lại những người Anh khả kính … những người Chị thân thương…và những người Em thương mến …cùng hưởng những giây phút tràn ngập niềm xúc động trong buổi lễ thọ Cấp Dũng của người Anh Cả Áo Lam Hải Ngoại  dưới cội Bồ Đề, nơi Đức Phật thành Đạo từ hơn 2500 năm trước….Những hàng nước mắt chảy dài với niềm hân hoan vì tất cả đều thật tâm với Tổ Chức … thật tâm với Chánh Pháp, cùng Chí…cùng Tâm…vượt khó về cùng họp mặt, để cùng nhau hợp tác hướng dẫn giúp đỡ mọi người tránh tạo Nghiệp Ác, cùng tạo Nghiệp Lành, cùng giúp nhau tự kiểm Thân, Khẩu và Ý , để cùng nhau và cùng tất cả chúng sinh đồng được hưởng Hạnh Phúc vĩnh cửu thật sự. Tôi chợt nhớ đến mấy câu trong một bài hát văng vẳng vang lên trong Tâm mình  “Dù bao nhiêu gian khổ, dù gặp điều nguy khó, lý tưởng chúng con vẫn tôn thờ …”.

Trong cuộc hành trình này, tôi thấy được sự thật tại xứ Ấn Độ, tôi hiểu vì sao Đức Phật chọn xứ này để sanh ra và thành Đạo tại đây, và nhìn lại các anh chị em Áo Lam đoàn tụ tại đây, tôi nhận ra được rằng lời Phật dạy thật đúng: “Bên cạnh Phật, mà không tin, không hiểu Phật thì cũng ví như nghìn trùng xa cách….vẫn khổ… vẫn tiếp tục tạo Nghiệp Khổ mà không hề hay biết.  Ngược lại, dù cách xa ngàn vạn dặm, nhưng với Tâm thành chân chánh tin cẩn, thực hành lời Phật dạy, mở rộng Tâm Từ Bi đến mọi người, thì Đức Phật đang luôn luôn ở  bên cạnh mình” Lòng tôi dạt dào dâng lên niềm cảm xúc. Nghĩ đến Tổ Chức Áo Lam, cùng nhau thực hành lời Phật dạy và đem gieo rắc tình thương với Tâm Phật đến mọi người cùng khắp. Hẳn nhiên, thời gian tại nơi nhiệm mầu linh thiêng, đầy năng lực của chư Phật sẵn sàng trao truyền cho những ai có  tâm thành, không ích kỷ nghĩ cho riêng cá nhân mình. Tôi tin chắc rằng các anh chị em Áo Lam đã hấp thụ được những năng lực mầu nhiệm tại đất Phật. Cùng nguyện cầu cho  tất cả chúng sinh đều Tỉnh Thức, tránh tạo sự khó khăn phiền khổ cho người khác, hầu tất cả  không bị sống trong Nghiệp Khổ tự mình tạo tác. Để mọi người đều được sống trong An Vui, Hòa Bình và Hạnh Phúc trường cửu. Ngày xưa, Ngài Huyền Trang phải vượt bao gian nguy thử thách để đến đất Phật. Ngày nay, tôi nhận thấy rằng chỉ cần giữ Tâm Thanh Tịnh và thực hành Tâm Đại Từ Đại Bi, hoan hỷ thông cảm trên suốt nẻo đường đi chẳng cực khổ  nhọc nhằn bao nhiêu thì đã hưởng được nguồn năng lực nhiệm mầu vô biên của Đức Từ Phụ, để khi  trở về trú xứ sẽ tiếp tục nhờ nguồn năng lực đó mà tu tập, luôn luôn nhớ  tự kiểm Ý Nghĩ, Lời Nói và Hành Động. Thật là điều hữu ích cho bản thân và đồng thời giúp sự Tỉnh Thức Giác Ngộ  đến mọi người quanh mình hầu cùng nhau hưởng niềm Hạnh Phúc thật sự.

 

Diệu Hồng ( Pháp)

 

 

 

 

 

 

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi