Thành Đạo – Con đường Thực Chứng – Đức Quảng

Chuyên Mục: Phật Pháp, Văn Thơ 32 0

Đức Thích Ca Thành Đạo dưới cội Bồ Đề suốt trong đại định 48 ngày đêm thắng phục nội ma, ngoài chướng tuần tự chứng đắc: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.. đến khi sao mai mọc (ngày thứ 49) Ngài chứng đắc A Nậu Đa La Tam miệu Tam bồ đề – Chánh đẳng, chánh giác thành Phật hiệu Thích ca Mâu Ni…

Chúng ta học Phật hiểu biết các sự chứng đắc ấy qua ngôn từ, qua các cấp độ, nhưng sẽ không bao giờ hiểu được Ngài đắc cái gì, qua các trạng thái gì! Chỉ cảm nhận những cấp chứng đắc đó dần đi tới chỗ siêu đẳng, toàn giác.

Phật giáo Nguyên Thủy khi làm lễ thường niệm câu xưng tán đức Phật:

“Namo Tassa Bhagavato Arahato Sama Sambuddhassa” Kính lạy đức Thế Tôn (Tassa Bhagavato) Như Lai Ứng cúng (Arahato – Ngài cũng là bậc A La Hán) Chánh đẳng chánh giác (Sama Sambuddhassa – Tam miệu Tam bồ đề)

Nguyên ủy của câu niệm này là sau khi biết Ngài đắc đạo Ánh sáng giác ngộ đó được lan tỏa khắp cả Tam thiên đại thiên thế giới. Đầu tiên lan tỏa lên cõi Tứ Đại Thiên Vương, Đạo Lợi, Dạ Ma v.v. và lan lên cõi Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Nghe tin Đức Thế Tôn thành đạo, Dạ Xoa đại diện cho cõi trời Tứ Thiên Vương, A Tu La đại diện cho phái Bất thiện, Vua trời Đế Thích đại diện cho cõi Đạo Lợi, Phạm Thiên đại diện cho 16 cõi trời Sắc giới và 4 cõi Vô Sắc, tất cả đều chúc tụng Ngài vừa thành đạt ngôi vị Thầy của Chư Thiên và Nhân loại (Satthādevamanussānam), bằng các lời chúc tụng nêu trên.

Đại Phạm Thiên Vương đã xưng tán Phật câu Chánh đẳng chánh giác – Tam miệu Tam bồ đề (Sama Sambuddhassa). 2600 năm về trước tức là thời cổ đại, chữ viết chỉ là ký họa, chưa có giấy viết, nên khi nói đến con số rất nhiều không thể tính đếm đức Phật thường dùng từ ngữ “Hằng hà sa – nhiều như cát sông hằng” để diễn tả. Cách nói này vượt ra ngoài suy tưởng của nhân loại, nhưng đúng thật là nghĩa đen khi nói đến các dãy thiên hà trong vũ trụ. Bậc A La Hán nhìn thấy vũ trụ giới hạn trong sắc giới qua Thiên nhãn; đức Phật nhìn toàn thể sắc giới và vô sắc giới bằng Phật nhãn vô biên hạn.

Với đà phát triển của khoa học hiện tại – càng ngày, người ta càng chứng minh được những điều Phật thuyết là thậm thâm vi diệu, ví như thuyết Vô Ngã nhìn thấy qua Duyên khởi, không có một thành tố nào có một tự thể, nguyên tố độc lập, nên khi gọi là nguyên tử (Atom) cũng là tạm gọi trong thuyết tương đối.

Từ thế kỷ XIX ý niệm về vũ trụ các nhà khoa học thực sự choáng ngợp khi tìm hiểu về đạo Phật. Họ thấy rằng, bây giờ con người mới tạm hiểu một phần nào đó, nhưng hơn 2600 năm về trước, đã có đức Phật và các vị A La Hán, Bồ tát pháp vương tử.. hiểu và nói về điều này một cách tường tận, thấu đáo. Vì thế, người ta càng tin rằng đạo Phật thực sự được mở ra bởi một đấng giác ngộ siêu việt. Đây cũng là lý do mà nhà bác học Albert Einsteins tuyên bố “Phật giáo chính là khoa học”

Qua thế kỷ XXI, mỗi người chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh và đối thoại với người thân quen trong phạm vi địa cầu, những nơi có phủ sóng Wifi qua một chiếc hộp nho nhỏ, dẹp dẹp cầm trong tay, thậm chí có thể mở một phòng họp mặt, nhìn tận mặt nhau đến vài trăm người. chục năm trước người ta đã thích thú với sự kết nối qua các “cầu truyền hình”, nhưng vài năm sau, mỗi người ai cũng có thể cầm điện thoại “live stream” vừa quay vừa tung lên sóng, hay tổ chức các hoạt động trực tuyến. Nếu đem các sự kiện này về thời quá khứ trước năm 2000 tự kể cho mình nghe thì đúng là chuyện khó tin, hoặc nghĩ là trò chơi của những kẻ lắm tiền. Có điều, muốn sử dụng được phương tiện này ta phải lệ thuộc vào nhiều thứ hỗ trợ, điện từ, sóng wifi.. cáp mặt đất, cáp ngầm đại dương, vệ tinh, máy chủ khiển dụng khổng lồ.. mất một thứ, chúng ta coi như.. đứt phim.

Thuở đức Phật ngự tại vườn Kỳ Hoàn, Thắng Man Phu nhân từ hoàng cung vua Hữu Kiến hướng về đức Phật mà thỉnh cầu, đức Phật thùy từ ai mẫn thị hiện chứng minh bố Pháp – hai bên đều thể hiện hình ảnh âm thanh và cảnh trí rõ ràng.. để hoàn tất bộ kinh Thắng Man Sư Tử Hống truyền lại hai ngàn năm sau. Chúng ta có thể hiểu điều này, Thắng Man Phu nhân đã dự vào hàng Tam Minh, bậc A La hán, dụng Thiên nhãn yết kiến đức Phật; điều này phải đạt thiên nhãn thông, 2600 năm sau nhân loại mới phổ biến qua điện toán, cellphone thế hệ mới (2021)hay wifi!

Giai thoại về đức Phật hiên thân tại Tích Lan (Srilanka) một hòn đảo phía Nam Ấn Độ:

Lần đầu tiên, Đức Phật hiện thân đến Mahinyangana của đảo quốc – nơi tụ lạc Yaksa vào tháng Duruthu (tháng Giêng) ngày rằm (528 B.C) sau 9 tháng Ngài thành đạo. Tại đây, Đức Phật đã chiến thắng và quy y cho những Yaksa cũng như vua Rồng Maniakkhika từ Kelaniya đến Mahinyangana để diện kiến và quy y theo Phật.

Lần thứ hai là 5 năm sau ngày Đức Phật thành đạo ( 523 B.C). Bằng thần thông, Đức Phật thấy cuộc chiến tranh do mâu thuẫn giữa hai chú cháu vua Rồng Culodara và Mahodara giành ngai vàng, ngài đã đến Nagadipa (đảo Rồng, nay thuộc tỉnh Jaffna) hòa giải tranh chấp và trao lại ngai vàng cho vua Rồng Maniakhika ở Kelaniya.

Lần thứ ba, Đức Phật đến theo lời mời của vua Rồng Maniakkhika đến Kelaniya vào năm 9 B.E (khoảng 519/520 B.C) cùng với 500 vị đệ tử của Ngài. Trong lần viếng thứ ba này, Đức Phật đã in bàn chân trái của Ngài lên trên đỉnh núi Sumanakuta (nay là Samanalakanda) theo lời thỉnh nguyện của thái tử Rồng tên Sumanasaman. Đỉnh Sumanakuta sau thời thuộc địa đổi tên thành Adam’s Peak. (Đạo Phật ngày nay)

Nghe thật huyền hoặc, phải không? Khi cơ duyên giáo hóa đã đến, đức Phật hiện thần thông lên cung trời Đao Lợi, Đâu Suất, Dạ Ma, Tịnh Cư.. (cõi Dục giới) để thuyết pháp chúng ta không lạ, thì hiện thân đến một đảo nhỏ Tích Lan có gì đâu khó!

Tôi nhớ, có một trang báo đưa tin, một ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam trên bia đá khai sơn có khắc tên họ của Đại đức Mihinda, và Ni sư Singhamiha hai người con của vua Asoka sau Phật nhập diệt hơn 200 năm, là hai vị thánh tăng A La hán, có thể là 2 vị thánh tăng đã đên nơi này! Hiểu được điều này chúng ta sẽ thông suốt hơn, do nhiều người cho là huyền hoặc (khi nói về Ấn Độ thì nơi đó có cả giỏ thần thông)

Cái thấy biết của một vị A La Hán, như Ngài A Nậu Lậu Đà (Anuruddha) đắc A La Hán và chứng được cả Thiên nhãn đệ nhất. Ta biết vị A La Hán nào cũng chứng Thiên nhãn thông, còn gọi là Thiên nhãn minh, nhìn được tất cả các cõi (nhìn lên tới cõi trời, nhìn xuống tới cõi địa ngục, nhìn tam giới thấy hết). Duy chỉ có Ngài A Nậu Lâu Đà thấy vượt hơn tất cả. Ngài thấy được cõi Tam thiên đại thiên thế giới như nắm một trái Amla trong lòng bàn tay. Nghĩa là Ngài thấy rõ mọi điều của một thiên hà trong cái nhập định chỉ mất 1 niệm, nơi mà ánh sáng đi từ đầu này đến đầu kia phải mất 22 ngàn năm. Vậy nên, cái biết – cái cảm ứng của một vị A La Hán vượt hơn cấp độ ánh sáng rất nhiều lần.

Ánh sáng thuần túy phát sinh từ mặt trời, tuy nó làm chủ trong mọi sự lưu chuyển trong thái dương hệ nhưng cũng là sắc huyễn, những hạt ánh sáng hội tụ với nhiều bậc khác nhau với các khối năng lượng hạt khổng lồ bao trùm khắp cả sắc giới, hiện diện luôn ngay trong thất đại trong dạng hạt và sóng, và đi với tốc độ rất nhanh (300.000Km/gy), và chắc chắn những hạt ánh sáng cũng không có tự thể trong lý duyên sinh. Có những cõi Phật không cần đến ánh sáng bên ngoài, như chư thiên nơi cõi thiền Quang âm, những vị nơi đó tự phát ra ánh sáng với năng lượng mạnh mẽ, từ cõi Vô sắc giới, dù không ánh sáng, Phật nhãn đều thấy rõ.

Thuyết kinh Thủ Lăng Nghiêm, vũ trụ không qua 18 giới bao gồm trong thất đại: Đất, nước, gió lửa, kiến đại, thức đại, và không đại. Xem ra Không đại này phải hội đủ Kiến đại và Thức đại để nhận diện ra nó; vì không đại cùng hội hợp cùng đất, nước, gió lửa mới thành. Không khí nằm trong Không đại cũng gọi là sắc, tuy không nhìn thấy nhưng con người và các loài động vật thiếu oxy hay oxy bị ô nhiễm là khó sống; chúng ta thải ra carbon thì các loại thực vật khi quang hợp hít vào khí carbon thảy trả lại cho chúng ta oxy vậy, các loại khí khác như hydrocarbon, metan, Clour, Fluor.. Đức Phật đã nhìn thấy sự tương quan mật thiết của vạn loại theo lý Bát Nhã, cái này có thì cái kia có; cái này không thì cái kia không. Tùy theo môi trường các loài nào có khí thở nấy và trả lại cái khí khác, chim thường cũng không bay qua khỏi tầng không khí loãng, mây trời cũng vậy, nơi cao thì kết tủa, mây thấp mới bay theo chiều gió. Vậy nơi mà các khí trong không gian hoàn toàn không hiện hữu mới gọi là Chân không, tịch diệt không có duyên khởi (thuật ngữ chỉ nơi hoàn toàn không có không khí và ánh sáng).

Như vậy, khi các vị A La Hán vượt tầng không đến cõi giới khác như cung trời trên cao, hay Long cung dưới biển không bị ảnh hưởng bởi các khí thở (Atmosphere) và áp suất nơi đây ra sao. Như khi Ngài Mục Kiền Liên đắc Lục thần thông, bèn vượt ra không gian xem sức bay của mình bao xa, chừng đáp vào cõi Phật Bất Động, hình dáng vị tỳ kheo nào cũng cao to sáng đẹp, họ còn nhìn Mục Kiền Liên nhỏ xíu và đầy lông như một con sâu! Do sự yêu cầu của Bất Động Như Lai, dùng thân thông, Mục Kiền Liên liền biến hiện thành cao to sáng đẹp như họ ngồi chung một đạo tràng cùng chư Tăng..

Chuyện 500 vị vương tử Ca Tỳ La Vệ được Ngài Mục Kiền Liên thu nhỏ vào bình bát gởi tỵ nạn trên cung trời, chừng chiến tranh chấm dứt, vua Lưu Ly bị hỏa thiêu chết, mới đem về mở bình bát ra thì các vị này đã biến thành máu hết!

Vậy chuyện Ngài Long Thọ xuống Long cung thỉnh bộ kinh Hoa Nghiêm, hay Thập Thiện Nghiệp đạo lên cõi Ta bà có gì đáng ngạc nhiên! Hãy tiến tu thành bậc A Na Hàm, tốt nhất chứng A La Hán tất biết và biết hết thảy.

Không-đại, hiện diện bao gồm tịch lặng, chân không, hư không, huyễn không, quang năng.. càng hiện hữu suốt trong tứ đại – ánh sáng cũng vậy, cực kỳ quan trọng cho mọi sắc tướng. Ngọn lửa cháy mà không có không khí thì không thể, trong gió cũng có không khí hỗ trợ theo chiều cho lửa cháy lớn thêm. Dưới đất, trong nước, trong bùn đều có hiện diện của không khí, không có khí này thì cũng có khí khác nên các sinh loại mới thở mà sống được, kiến thức khoa học thời đó cũng không đủ để tiếp nhận và lý giải. Còn nhiều hiện tượng như “lưới đế châu”, ý thức (diệu quan sát), Mạt na thức (phần mềm), A lại da thức (phần cứng), thiên bá ức ứng thân Phật Thích Ca.. (100 tỷ neuron tế bào thần kinh trong bộ não mỗi người) dần dà khoa học đã tìm ra và ứng dụng phổ quát trong đời sống trong nhiều lĩnh vực.

Cốt tủy và cứu cánh của đạo Phật tu là để giải thoát luân hồi sinh tử, giải thoát khổ đau phiền não, không một vĩ nhân nào có thể mang theo cái tri kiến ưu việt của mình để nhập vào cõi tịch diệt vô biên mà thành Phật, thế nên cần Giải thoát Tri kiến để có thể viên thành đạo quả:

“Tịch diệt thể vô đắc

Chân không tuyệt thủ phan”

(Tịch diệt vốn có sẵn – chân không chặt đứt các duyên)

Nên vướng mắc thần thông như Ngài Uất Đầu Lam Phất, sau khi hết phước phải đọa làm loài phi ly (chồn bay), lúc tu thiền tâm sinh phiền não khi nghe được tiếng chim, cá. Loại chồn bay này ở rừng Việt Nam cũng có, thân chồn, hai bên cánh xếp như cánh dơi, có thể bay từ độ cao để bắt chim và lướt trên nước để bắt cá.

Sau khi thành đạo, dù muốn đem diệu pháp để cứu độ chúng sinh, Ngài ngồi im lặng, không khởi tâm giáo hóa. Khi đó, Vua cõi trời Phạm Thiên biết Đức Phật nghĩ như vậy, liền từ trên trời bay xuống tận nơi, tới trước làm lễ, rồi quỳ gối chắp tay cung kính thưa với Ngài rằng:

– Kính lạy Đức Thế Tôn! Vừa đây con được biết ý niệm của Ngài, vì thấy chúng sinh điên đảo khó giáo hóa, nên Ngài muốn vào Niết Bàn, vậy con tới đây xin cầu thỉnh Ngài ở lại truyền Pháp cho đời, khiến ánh sáng chân lý lan tràn khắp cõi nhân gian thiên thượng muôn loài được thấm nhuần đức hóa, thoát qua khỏi luân hồi sinh tử trong sáu thú, đời đời được an vui tự tại nơi Phật quốc. Kính xin Ngài hoan hỷ nhận lời thành kính cầu thỉnh của con.

Lời nguyện thứ 6 – 7 của Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta không quên là “Lục giả thỉnh chuyển Pháp luân – Thất giả thỉnh Phật trụ thế” để tạo duyên khởi cho đức Phật hiện hữu. Ngài ca Diếp có trách đại đức A Nan rằng “ Sao khi nghe Phật tuyên bố nhập Niết Bàn ông lại không thỉnh Phật trụ thế trong một kiếp nữa?”

Đức Phật hứa trụ thế thuyết pháp do nhân duyên cầu thỉnh của Phạm thiên, Ngài đã bước vào hành trình 49 năm hóa đạo rồi nhập Niết bàn. Bằng Thời kỳ thuyết Hoa Nghiêm 21 ngày tại Bồ Đề Đạo Tràng – chúng ta theo dõi cảnh diễn tả Pháp hội hoành tráng bao gồm các vị Bồ tát quá khứ hiện tại, tương lai (không có Ma ha Ca Diếp do thiếu duyên lành) như trong một vũ trụ thiên hà thu nhỏ.

Đức Phật trọn đủ 32 tướng tốt, thể hiện đạo hạnh tu trì giữ giới suốt 4 A tăng kỳ kiếp (số 4 và 40 con số 0 – Phật học tự điển Đoàn Trung Còn) theo nhân quả thiện báo. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm A Nan đã nguyện “Bất lịch tăng kỳ hoạch Pháp thân” Nhờ có Phật ra đời giáo hóa mà chúng Phật tử không cần phải trải qua một thời gian lâu (A Tăng kỳ) như vậy để đạt được thể Tịch diệt như Pháp thân.

Đức Phật đã tịnh hóa chúng sanh trược nơi châu thân và đã nhìn thấy Phật tánh trong mỗi mỗi chúng sanh. Từ các bậc Bích Chi Phật, A La Hán, A na hàm.. cho đến chúng sinh thọ hình trong vô gián địa ngục đều có khả năng phát nguyện và tu hạnh Bồ tát cho đến khi thành Phật.

Một vị tu hạnh Bồ tát, trước hết phải mở ước mơ của mình đến vô biên, mở bồ đề tâm đến vô tận và đều đặn hành trì không chán mỏi, gián đoạn để đi trên con đường vô giới hạn. Tuy nhiên, sự thực chứng trong quá trình tu tập, niềm tin vững chắc không bị lung lay khi gặp thử thách chướng ngại không phải là hão huyền. Bồ Tát có thể mở được Bồ đề tâm vô tận vì đã thấy được sắc – không chung ở cùng, đã định được Thọ, Tưởng, Hành Thức không bị bó hẹp vào thời gian hay không gian. Từ tâm vị kỷ đã mở rộng thành tâm vị tha. Lúc đó, mọi giới hạn đều bắt đầu tan rã.

Trong thân phận con quỷ đốt lò, thương xót cho chúng sanh thọ khổ mà con quỷ đó đã phát nguyện chịu tội thay; sự phát nguyện lớn lao này đã nâng tâm thức quỷ lên hàng thánh nhân, và sau này thành Phật. Như vậy sự cứu chuộc, xin gánh tội thay người khác cũng là đại nguyện của các vị Bồ tát trong câu: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Nghĩa là tâm của Bồ tát khởi lên một mục tiêu vô biên vô lượng. Đây cũng là cái nhân đầu tiên để đắc quả thành Phật.

Khi tâm vị tha mở ra, trong mắt, trong tâm các vị Bồ tát chỉ thấy vô lượng chúng sinh với Bình đẳng tánh trí – các kiến không khởi phân biệt. Hành trình giáo hóa chúng sinh, làm lợi ích cho chúng sinh vì thế mà đi trong vô lượng kiếp không chán mỏi.

Có thể nói, không có đức Phật thời chân lý vẫn thường tại; nhưng những ai thấu đạt được chân lý đó, người ấy chính là Phật.

 

Đức Quảng

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi