Lối vào Chánh Niệm – Đức Quảng

Chuyên Mục: Phật Pháp 31 0

Cơn đại dịch truyền nhiễm toàn thế giới từ cuối năm 2019 mang tên Covid-19 đến tháng 5 năm 2022 chưa có dấu hiệu kết thúc bởi chúng biến hình tuỳ theo quốc độ mà tiếp tục lây lan. Người bệnh, người chết bất luận trẻ, già, trai gái; mọi sự hoạt động đi lại đều bị ngưng trệ, đình đốn trong những giải pháp bất toàn. Bây giờ nhân loại phải chấp nhận sống chung với đại dịch để đời sống trở lại bình thường, ai bệnh thì chữa, ai chết thì thiêu hay chôn dưới lớp vôi dày hay đống thuốc khử trùng nồng nặc. Hậu Covid hay hậu vaccine đều gây ra mọi điều tác tệ cho cơ thể. Tuy nhiên, bằng định lực và niềm tin tín ngưỡng chúng ta sẽ đi từng bước vững vàng để vượt qua cơn sóng gió kéo dài này.

Đầu tiên là ta phải tin sâu vào nhân quả báo ứng, nếu như bị nhiễm bệnh nặng hay chết vì loại siêu vi này là do các cách ăn uống hưởng thụ các loài vi sinh vật hay đã từng tạo sát nghiệp hàng loạt với chúng. Tuy nhiên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, không gì bằng tạo ra sức miễn dịch từ cơ thể bằng sự vận động, ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ hợp lý. Sự dục động, lòng ham muốn trỗi dậy sẽ làm mất đi sự cân bằng của Thân và Tâm, nhiều ham muốn mà không được như ý cũng tạo những nỗi sầu bi, phiền não; hoặc khi vui mừng trong thoả mãn, hạnh phúc, cơ thể lúc này sẽ đề kháng rất yếu trước những sự xâm nhập thường trực của các loài vi sinh.

Sẽ là một sai lầm khi chúng ta không dạy cho con trẻ siêng năng vận động, tập thể dục, thể thao từ thuở nhỏ; đây là một cách rèn luyện cơ thể tốt nhất để tạo ra năng lực đối kháng với những cơn bệnh do thụ động và lười nhác tập luyện các bộ môn thể dục. Như cây kim nhọn, dao kéo bén được rèn từ sắt thô, tuổi nhỏ được thử thách, rèn luyện sẽ tạo ra tinh thần tráng kiện cho đến lúc tuổi già; tuổi trẻ mà bạc nhược thì về già sức khoẻ rất hèn kém. Thuở bé thơ tôi thuộc lòng những ca từ trong bài hát Khoẻ vì nước của nhạc sĩ Hùng Lân “ Dân sinh yếu nhược lôi theo mối nhục vong quốc – Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc..”, sức khoẻ của mỗi công dân rất liên hệ đến sự thịnh suy của đất nước. Ngày nay, rèn luyện sức khoẻ chỉ là những phong trào nên mỗi chúng ta phải tự thu xếp dạy dỗ cho con em dựa theo nền tảng Đức – Trí-  và Thể dục mà vận động có phương pháp siêng năng đều đặn.

“Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”, đây nói về sự nhẹ nhàng hoà hợp của Thân và Tâm. Đạo Phật chú trọng đều hai phương diện này để tu hành. Những sự vận động như chấp tác, quét sân, chẻ củi, gánh nước, khất thực, phạn thực kinh hành (đi kinh hành sau ăn cơm trưa), đảnh lễ.. đều là những hoạt động cân bằng sinh thể và được hành trì miên mật trong Chánh niệm. Khi làm một việc gì chỉ chuyên chú nhiếp tâm vào việc đó với sự hiện diện của Ý thức trong thời gian hiện tại – và sẽ không bị kẹt vào khoảng cách giới hạn bởi thời gian khống chế trong tâm trạng “nhanh” hay “chậm”; “lâu” hay “mau”. Sau một thời gian thuần thục, Phật tử chỉ cần nhìn ra chỗ “phóng tâm”, tức là thất niệm do tâm hành bị hút ra ngoài chánh niệm bởi các suy tưởng khác.

“Niệm” chính là nhớ nghĩ. Đó là hoạt động thuộc phạm vi tinh thần, thuộc phạm vi tâm ý, không thuộc vật thể nên không được liệt vào ngũ giác quan, nhưng từ các cửa ngũ giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tổng hợp các giác thức mà hiện ra Ý thức, ý thức sẽ thành tư tưởng, các niệm nghĩ.  Niệm cũng chính là sự sống vi tế, thâm sâu, u uẩn nhất mà lại thường trực nhất của con người nói riêng và của tất cả chúng sinh có khả năng tư duy, tư lương nói chung. Ngay khi thân tứ đại đang có đây bị chết đi, bị hoại diệt, không còn hoạt động nữa (như khi tim ngừng đập, phổi ngừng thở…), Niệm vẫn còn hiện hữu nơi thần thức  lưu chuyển hướng tìm đến, bám trụ vào các sinh duyên mới để hình thành một sinh thể khác.  Niệm có nhiều dạng loại, trạng thái và tên gọi khác nhau trong đời sống thường ngày như tưởng niệm, mặc niệm,  suy niệm, hoài niệm, ức niệm,. .. Tức là nhiếp ý thức tập trung vào một điểm, một sự kiện mà không thể bày tỏ bằng lời nói. Trong đạo Phật, chúng ta lại thường hay nghe về khởi niệm, động niệm, tà niệm, tạp niệm, thất niệm,  vọng niệm, ức niệm, chánh niệm, vô niệm… Mà trong các pháp tu tập “Tự tịnh kỳ ý”, tức là thanh tịnh được ý thức mới đạt được trọn  cảnh giới tam nghiệp thanh tịnh

Do đó, huynh trưởng cần thường quán chiếu nội tâm bằng chánh ức niệm để tự nhìn thấy sai lầm; sai lầm không phải vì đúng sai hay do ai xúc phạm, mà nhìn thấy tại sao mình thiếu kiểm thúc để cho tham, sân hận, si mê nổi lên, để những chuyện hối tiếc xảy ra, từ đó quyết không tái phạm. Rồi từ đó mình sẽ thực tập sống trong Chánh niệm với sự hiện diện của ý thức trong “Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần từ lời nói đến việc làm”. Trong sạch tức là thanh tịnh, không bị ô nhiễm, dù ở gần mực cũng không bị đen bám, dù có nhúng vào bùn thì hương đức hạnh vẫn thơm tho.

Chúng ta lại thấy trong 37 phẩm trợ đạo, Phương pháp Chánh Niệm và Chánh Định thường xuyên được nhắm đến từ Tứ Như Ý Túc (Niệm như ý túc); Trong Ngũ Căn, Ngũ Lực (Niệm-Định căn lực); trong Thất Giác Chi (Niệm-Định giác chi) trong Bát Chánh Đạo (Chánh Niệm-Chánh Định).

Khi nói Giới – Định – Huệ là tam vô lậu học thời phải biết rèn tâm như rèn dạy một con trâu theo Giới để hoàn thiện nhân cách, thực hành  học giới nghiêm túc từ lúc buông lung cho đến khi thuần phục trong chánh pháp. Do cuộc sống bộn bề, đa đoan, huynh trưởng phải thu xếp thực tập trong những thời gian nhất định để sống trong Chánh Niệm khiển tâm ý thảnh thơi không vướng mắc bởi thời gian hay không gian; thời khắc về đêm để lắng lòng trong Chánh Định xả ly mọi vọng tưởng an nhiên. Với thời gian và sự chuyên cần tinh tấn các tập tính mê vọng sẽ được thay thế bằng các tập tỉnh giác, sống tỉnh thức ở mọi hoàn cảnh không bị gò bó chướng ngại. Từ trong sự sâu lắng như nước đục được lắng trong, tâm cơ sẽ phát ra những hiện tượng lạ kỳ như những lời diễn tả trong kinh điển, do đó phải thực tập tĩnh toạ, thiền định như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nên luyện tập ngồi toà sen (kiết già) khi còn trẻ, càng lớn tuổi sẽ càng bất kham. Cách ngồi này luôn vững chãi không bị các chướng lay động..  mới có thể làm tỉnh thức các giác tri đã từ lâu bị che lấp, ngoài ra còn thường thực tập chánh niệm, ý thức hiện diện thường trực mỗi lúc, mọi nơi.

Khi Chánh niệm không bị gò bó bởi thời gian, không gian, không chờ đợi ai, không mong chóng qua.. đồng thời Thọ uẩn cũng rời ra (Thọ tức thị không); tưởng, tư không chỗ khởi (tưởng tức thị không); Hành cũng không dán chặt vào tâm trạng (Hành tức thị không), mọi thức cũng không.. các thức dần chuyển thành Trí. Ấy chính là đi dần vào Diệt Thọ Tưởng Định, thực tập hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa.

Tôi nghĩ, huynh trưởng chúng ta rất cần thiết thực hành phương pháp sống Chánh Niệm. sống có ý thức trong mỗi hành vi, tư tưởng, hơi thở, bước đi trong giờ khắc hiện tại cho đến khi an tịnh tâm hành. An tịnh tâm hành chính là sự hạnh phúc đúng nghĩa của thiền giả, ý không loạn, lòng không xao động trong mọi trạng huống ấy chính là Chánh Định. Chánh Niệm – Chánh Định (Tam muội) thường xuyên sẽ tràn đầy ánh sáng từ tuệ căn, tuệ mạng, như quét sạch mây mù thì mặt trời quang đãng hiện ra. Điều luật thứ năm: “Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo”

Huynh trưởng GĐPT Việt Nam, nếu tự thuần hóa mình bằng cách tu tập công phu, đi từ cơ bản Phật học với đạo tâm kiên cố, niềm tin chân chánh  như chèo trên thuyền nhỏ trôi trên sông dài cho đến khi chí nguyện đại thừa dũng cường tinh tấn bất thối như thuyền lớn sẵn sàng ra biển cả mênh mông.

Như vậy, chúng ta phải bắt đầu định hướng trở lại từ bản thân. Thời suy, đạo đức suy đồi, chánh pháp bị thế quyền bức tử, Giáo hội mới chịu sự khiển dụng theo hướng thế gian. Duy Gia Đình Phật Tử truyền thống vẫn gìn giữ được bản sắc năm xưa trong các hoàn cảnh khó khăn, gian khổ.

Trong hoàn cảnh như hiện nay, mọi sinh hoạt về hình thức đều bị giới hạn tụ tập, như các lớp vỏ cây bị bóc ra, còn lại là cái cốt lõi Tu Học. Phật tử mà không tu học, thực tập hành trì thì làm gì! Thời trước trong mọi sự cấm đoán hình thức, Gia Đình Phật Tử đã phát triển Chương trình Tu học Huynh Trưởng hướng về chiều sâu tâm hồn nên thọ mệnh mới kéo dài đến nay. Tuy nhiên, kinh điển nhiều mà thiếu sự hành thâm thời cũng dễ xuôi tay “ngộ biến tùng quyền”; hiện nay, toàn thế giới bị bức bách thụ động, chúng ta phải quay về với bản tâm mà thắp đuốc sáng tự mình.  Chúng ta sinh hoạt trong sự bó hẹp khó khăn thì nên lấy đó để tự cảnh tỉnh bản thân phải tinh cần trên đường tự độ, chờ một ngày tham gia vào hàng Cư Sĩ mẫn cán mà phụng sự chánh Pháp, phục vụ tổ chức áo Lam. Mỗi chúng ta tự phát Bồ đề tâm mở rộng khung trời tự do tinh tấn trong phạm hạnh, ở đó dư luận thị phi hay bạo lực, thế quyền không xâm phạm đến được, và con đường giác ngộ trong thệ nguyện độ tận chúng sanh không bị giới hạn bởi thời gian, không gian bởi từ trong Chánh Niệm – Chánh Định các sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn chẳng khác gì không.

Chúng ta chuẩn bị mọi tư lương để đi vào biển đại trí bao la Đại thừa Bát Nhã, không rời chúng sanh không cầu Niết Bàn. Tu cần phải học để định hướng con đường, mệt thì nương các Hóa thành để thảnh thơi, nạp năng lượng qua đêm rồi đi tiếp. Đi cho đến khi gã cùng tử trắng tay trở thành người kế thừa kho tàng chánh pháp vĩ đại trong tương lai.

Chu niên GĐPT Chánh Định 27 ngày 4 tháng 5 năm 2022

Đức Quảng

 

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi