Tâm Tịnh thì Độ Tịnh – Kinh Duy Ma

Chuyên Mục: Phật Pháp 36 0

“Tâm tịnh thì độ tịnh”, đây là pháp yếu trong phẩm Phật Quốc, Phật dạy trong kinh Duy Ma Cật sở thuyết. Tịnh là thanh tịnh không ô nhiễm, không sinh khởi lay động; Độ là cõi giới, vùng, miền. là không gian, là tâm không vọng tưởng.

Đức Phật thuyết kinh này nơi Thành Tỳ Xá Ly, vườn cây Am la. Do lời thỉnh cầu của  Trưởng giả tử Bảo Tích, bạch Phật rằng : “’Bạch Thế Tôn ! Năm trăm vị Trưởng giả tử nầy đều đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác nguyện nghe cõi Phật thanh tịnh, cúi mong Thế Tôn dạy cho những hạnh của Bồ Tát được Tịnh độ (quốc độ thanh tịnh).”

Phật bảo : “Hay thay Bảo Tích ! Ông lại vì các vị Bồ Tát mà hỏi Như Lai những hạnh được Tịnh độ, vậy hãy lắng nghe chín chắn, suy nghĩ kỹ nhớ lấy, ta sẽ nói cho ông rõ”.

Lúc ấy Bảo Tích cũng 500 vị Trưởng giả tử vâng lời Phật dạy, cung kính lắng nghe.

Phật dạy rằng : “Này Bảo Tich ! Tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ Tát. Vì sao? – Bồ Tát tùy chỗ giáo hóa chúng sanh mà lãnh lấy cõi Phật (Tịnh độ); tùy chỗ điều phục chúng sanh mà lãnh lấy cõi Phật; tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào vào trí tuệ của Phật mà lãnh lấy cõi Phật; tùy chúng sanh ưng theo quốc độ nào phát khởi căn tánh Bồ Tát mà lãnh lấy cõi Phật. Vì sao thế ? – Vì Bồ Tãt lãnh lấy cõi Phật thanh tịnh đều vì muốn lợi ích chúng sanh. Ví như : Có người muốn xây dựng cung nhà nơi khoảng đất trống, tùy ý được thành công, nếu xây dựng giữa hư khỏng quyết không thành tựu được ; Bồ Tát cũng thế, vì thành tựu chúng sanh nên nguyện lãnh lấy cõi Phật – Nguyện lãnh lấy cõi Phật chẳng phải ở nơi rỗng không vậy.

Bảo Tích, ông nên biết ! – Trực tâm là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh không dua vạy, sanh sang nước đó. Thâm tâm là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh đầy đủ công đức sanh sang nước đó. Bồ Đề tâm là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh có tâm đại thừa sanh sang nước đó. Bố thí là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh hay thí xả tất cả mọi vật sanh sang nước đó. Trì giớí là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh tu mười điều lành, hạnh nguyện đầy đủ, sanh sang nước đó. Nhẫn nhục là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh đủ 32 tướng tốt  trang nghiêm sanh sang nước đó. Tinh tấn là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh siêng tu mọi công đức sanh sang nước đó. Thiền định là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh đủ 32 tướng tốt trang nghiêm sanh sang nước đó.  Trí tuệ là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh được chánh định sanh sang nước đó. Tứ vô lượng tâm(Từ, Bi, Hỷ, Xả) là Tịnh độ của Bồ Tát ; Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh thành tựu từ, bi, hỷ, xả sanh sang nước đó. Tứ nhiếp Pháp là Tịnh độ của Bồ Tát ; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh được giải thoát sanh sang nước đó. Phương tiện là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh khéo dùng đặng phương tiện không bị ngăn ngại ở các pháp, sanh sang nước đó. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật chúng sanh đầy đủ niệm xứ, chánh cần, thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, sanh sang nước đó. Hồi hướng tâm là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, được cõi nước đầy đủ tất cả công đức. Nói Pháp trừ tám nạn là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước không có ba đường ác và tám nạn. Tự mình giữ giới hạnh không chê chỗ kém khuyết của người khác là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước không có tên phạm giới cấm. Mười điều lành là Tịnh độ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh sống lâu, giàu to, phạm hạnh, lời nói chắc thật, thường dùng lời dịu dàng, quyến thuộc không chia rẻ, khéo giải hòa việc đua tranh kiện cáo, lời nói có lợi ich, không ghét không giận, thấy biết chân chánh sanh sang nước đó.

Như thế, Bảo Tích! Bồ Tát tùy chỗ trực tâm mà hay phát hạnh, tùy chỗ phát hạnh mà được thâm tâm, tùy chỗ thâm tâm mà ý được điều phục, tùy chỗ ý được điều phục mà làm được như lời nói, tùy chỗ làm được như lời nói mà hay hồi hướng, tùy chỗ hồi hướng mà có phương tiện, tùy chỗ có phương tiện mà thành tựu chúng sanh, tùy chỗ thành tựu chúng sanh mà cõi Phật được thanh tịnh, tùy chỗ cõi Phật thanh tịnh mà nói Pháp được thanh tịnh, tùy chỗ nói Pháp thanh tịnh mà trí tuệ được thanh tịnh, tùy chỗ trí tuệ thanh tịnh mà tâm thanh tịnh, tùy chỗ tâm thanh tịnh mà tất cả công đức đều thanh tịnh. Cho nên, Bảo Tích này! Bồ Tát nếu muốn được cõi Phật thanh tịnh, nên làm cho tâm thanh tịnh; tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh.

Đoạn kinh văn trên đây chủ đích nhấm vào Tâm: Trực tâm là tâm ngay thẳng chân chánh; Thâm tâm mong cầu Phật quả cao thâm; Bồ đề tâm bao dung vô lượng. Thu nhiếp chúng sinh bằng các phương tiện thiện xảo và các phương tiện thiện xảo đó như Tứ vô lượng tâm, Lục độ, tứ nhiếp pháp, 37 phẩm trợ đạo…  đưa chúng sinh đến chỗ thanh tịnh, và phương tiện nào cũng là Tịnh độ của Bồ tát.

Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử học hạnh tu Cư sĩ mẫu mực thuần thành phải hành trì pháp tâm giữ gìn Tâm hạnh này. Như Lục Tổ Huệ Năng gợi ý: “Hạnh thẳng ấy là giữ giới – Tâm bình ấy đã tu thiền..”, Như thế Trực tâm chính là Hạnh thẳng, sống chân chính, ngay thẳng không sai phạm làm cấu uế chân tâm. Tu hành miên mật công phu, có lỗi thì sám, không cần hình thức khoe khoang, cốt làm sao thoát phiền não, ấy là Thâm tâm. Mở lượng bao dung, kham nhẫn những điều khó nhẫn, bao dung những sự khó dung làm cho tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả trở nên vô lượng. Ấy là xây dựng Tịnh độ ngay trên đất tịnh. Tâm tịnh thì Độ tịnh.

Đức Quảng (ghi)

 

 

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi