Đề tựa: Nhập Bồ Đề Hạnh luận – Bậc Định GĐPT

Chuyên Mục: Phật Pháp 157 0

Luận về đề tựa:

Nhập Bồ Đề Hạnh Luận

Năm nay, nhận hướng dẫn cho bậc Định GĐPT đề tài “ Nhập Bồ đề hạnh luận” của Shatideva – Tịch Thiên , do Hồng Như dịch Việt ngữ tôi cảm thấy chương trình Tu học huynh trưởng đã gần gũi và thiết thực hơn. Nguyên do bài “Phát Bồ đề tâm văn” của Ngài Thật Hiền đã quy nạp các khái niệm “Bồ Đề tâm” về nương tạm cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà trong khi chờ đợi  thành Phật, làm cho bài này “không liễu nghĩa” rốt ráo.

Kinh văn không liễu nghĩa, là trưng bày ra những phương pháp, phương tiện tạm dụng do tâm ý của đại chúng e ngại con đường đi đến quả vị Phật quá xa vời, không thể đạt đến ngay trong đương kiếp, tựa như nhờ đò qua sông nhưng sợ đò không chắc chắn, bắt cầu qua sông mà sợ cầu tải không nổi.. nên phải bày thêm vào phương tiện nhỏ như đường tránh, như chiếu nghỉ, như trạm dừng… dành cho những người chưa sinh trưởng một Niềm tin tuyệt đối để “Trực chỉ nhân tâm – kiến tánh thành Phật”. Theo Kinh văn của Ngài Thật Hiền thì Phát Bồ Đề tâm là tu chỉnh thân tâm rốt ráo rồi phát nguyện sinh về Tây Phương cho thoát khổ trước, tiếp tục tu tập nơi đó để kiến tánh thành Phật.

Không phải vì cảm nhận cái khổ mà nguyện lánh xa các khổ, bởi vì chỉ cần chuyên tâm ban bố cho người nhiều niềm vui thì đời này và các đời sau nữa sẽ được ân triêm pháp lạc do chính hành vi tạo phúc đời trước và đời này của mình. Từ quán và  Bi quán có công năng chữa lành những oan khiên, thống khổ đã tích lũy từ Tập đế lâu ngày, nhiều đời kiếp trước. Vì chính khi mình bao dung, tha thứ được cho người là Bồ đề tâm mình càng mở ra, rộng lớn thêm lên, hóa giải được bao oan cừu từ tích lũy nghiệp. Tuy nhiên, cái nhìn của các bậc thức giả phải xác định rõ ràng về cuộc đời để tạo một niềm tin tuyệt đối, một động lực phi thường để tìm cách mau thoát khỏi cảnh “nhà cháy” nơi Tam giới. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác của Thiền sư An Thế Cao, giác niệm đầu tiên đã đề cập về chánh tri kiến, cái nhìn của các bậc đại nhân:

Đệ nhất giác ngộ: –     Điều giác ngộ thứ nhất
Thế gian vô thường, – Phải biết Thế gian vô thường
Quốc độ nguy thúy. – Phải biết các Cõi nước nguy vong
Tứ đại khổ không, –    Hãy nhìn Tứ đại khổ không
Ngũ ấm vô ngã.       –  Để thấy Năm ấm vô ngã
Sanh diệt biến dị,     –  Hãy nhìn Sinh diệt thay đổi
Hư ngụy vô chủ.     –  Tất cả giả dối không thật
Tâm thị ác nguyên, – Tâm là nguồn ác
Hình vi tội tẩu.       – Thân bao nhiêu tội
Như thị quán sát,  –  Cứ như vậy mà quán
Tiệm ly sanh tử.   –  Dần thoát sinh tử.

Giác niệm thúc đẩu các hành giả dứt khoát lên đường với một niềm tin tuyệt đối. Sự thật tuyệt đối trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba la mật:

Nhất thiết hữu vi pháp – Tất cả các pháp hữu vi

Như mộng huyễn bào ảnh – Như  giấc mộng, như bong bóng nước

Như lộ diệc như điện – Như sương rơi, như sấm chớp

Ưng tác như thị quán – Cứ thường quán như vậy.

“Ưng tác như thị quán” Phải thường quán như vậy dù được, dù mất, nhất là nhìn những cái mình yêu thích bằng đôi mắt “kim cương năng đoạn”. Tự quán chiếu là xoay lại nhìn vào trong và quyết tâm “hạ thủ công phu” đoạn diệt các khổ thọ, trừ luôn các lạc thọ để thong dong trên Trung Đạo tiến tu.

Có như vậy, các hành giả không còn phải “chật vật” ra vào “ đôi cánh cửa tùng” để khai mở Bồ đề tâm trong mọi lúc đi, đứng, ngồi, nằm. Nếu tu hành mà không chịu mở lòng bao dung, cố chấp đúng hay sai, sân hờn, ganh ghét không hỷ xả.. thì không cần phải đọc bài này.

Bây giờ, cũng nên biết qua hành trạng, đạo nghiệp của Ngài Shatideva – Tịch Thiên. Ngài Shantideva vốn mang dòng máu đế vương. Vào khoảng đầu thế kỷ VIII tại miền Nam xứ Saurashtra (nay là Bang Gujarat tại Tây Bắc Ấn Độ), quốc vương Kalyanavarnam hạ sanh thái tử, đặt tên là Shantivarman. Từ nhỏ thái tử đã sớm hướng tâm về chư Phật trong các thời quá khứ, tự nhiên mang sẵn dòng giống Đại Thừa, dành trọn tấm lòng tôn kính phi thường cho chư Tăng sĩ, Đạo sư. Ngài phụng sự hiến cúng khắp cả, đặc biệt quan tâm chăm sóc cho người nghèo hèn, tật bệnh, đọa rơi. Với trái tim kiên định hướng về nẻo giác, ngài tích lũy tri thức, thông làu ngũ minh. Đặc biệt ngài thỉnh được nghi quỹ đức Văn Thù từ một vị khất sĩ khổ hạnh, hành trì miên mật và xem đức Văn Thù là bổn tôn.

Khi Quốc vương băng hà, vương quyền trao về cho Thái tử Shantivarman. Ngai vàng được dựng lên lộng lẫy để chuẩn bị cho lễ Đăng quang. Ngay đêm hôm trước đại lễ, thái tử nằm mộng thấy đức Diệu Âm tọa trên ngai vàng, nhìn ngài mà nói như sau:

Con yêu duy nhất, / ngai này của ta.

Ta là Văn Thù / sư phụ con đây.

Sao con có thể / sánh với sư phụ

ngang vai ngang vế / ngồi cùng một ngai?

 

Giật mình tỉnh giấc, thái tử Shantisarman hiểu rằng việc kế thừa vương vị là điều chẳng nên làm. Lòng không lưu luyến tài sản thế gian, ngài từ bỏ ngai vàng, đến học viện Na-lan-đà thọ giới cùng ngài Jayadeva, thượng thủ của năm trăm vị Hiền Thánh, và được sư phụ ban cho pháp hiệu Shantideva.

Trong thời gian tu học tại Na-lan-đà, ngài được đức Văn Thù trực tiếp truyền cho Tam Tạng kinh điển. Ngài dựa theo đó tu tập miên mật, qui nạp nội dung chánh pháp thành hai bộ luận: Học Tập Luận và Kinh Tập Luận. Mặc dù ngài Shantideva thành tựu vô lượng thiện đức từ cả hai pháp diệt và đạo đế, thế nhưng chư Tăng đồng học vẫn không hay biết, chỉ thấy người này hết ăn, lại ngủ, rồi lại đi lang thang (Kutimgata), nên gọi ngài là Bhu-su-ku. Họ vô cùng bất bình, than rằng, “cả ba việc của người xuất gia tại đây, người này chẳng được việc nào cả, sao đủ tư cách thọ trai tăng! Phải đuổi đi mới được!” Họ liền bàn cách đuổi ngài đi, bày ra việc chư Tăng thay phiên nói pháp, tin chắc rằng bao giờ đến phiên phải nói pháp, chắc chắn ngài sẽ xấu hổ mà trốn đi. Họ liên tục đến thúc dục, nhưng lần nào ngài cũng từ chối, bảo rằng không biết gì để nói. Họ kéo nhau đến thỉnh Viện trưởng ra lệnh cho ngài nói pháp. Viện trưởng vừa lên tiếng, ngài liền hứa ngay. Thấy vậy, một số tăng sĩ bắt đầu chột dạ. Để thách thức ngài, họ bày biện cúng phẩm cao như núi, mời thật đông người đến dự, dựng một tòa sư tử chênh vênh ngay chính giữa, rồi mời ngài đến. Bất ngờ thấy ngài đã tọa sẵn trên pháp tòa, họ kinh ngạc hoang mang, không hiểu ngài thượng lên pháp tòa bằng cách nào.

Lúc bấy giờ ngài Shantideva điềm nhiên cất tiếng hỏi: “Các ông muốn nghe pháp nào, pháp thường nghe, hay pháp chưa từng nghe?”

Cả pháp hội sững sờ. “Xin cho chúng tôi nghe pháp chưa từng nghe.”

Nếu thuyết Học Tập Luận thì quá dài, Kinh Tập Luận lại quá ngắn, vì vậy ngài Shantideva thuyết Nhập Bồ Đề Hạnh Luận, nghĩa rộng nhưng văn gọn. Lúc bấy giờ đức Văn Thù hiện ra ngay giữa trời không, nhiều người thấy được, tín tâm trào dâng vô bờ. Khi đọc đến chỉnh cú (kệ) 34, chương 9, “cả sắc và không / đều vắng trong tâm…”,  ngài Shantideva và đức Văn Thù cùng thăng lên không trung, cao dần, rồi biến mất, chỉ còn giọng nói ngài Shantideva vọng về cho đến cuối bộ luận.

Trong chúng hội, các vị trí nhớ phi thường liền vội vã chép lại bài pháp, nhưng các bản văn dài ngắn không đồng: có vị chép thành bảy trăm chỉnh cú, có vị chép thành một ngàn chỉnh cú, có vị lại chép thành nhiều chỉnh cú hơn. Chư Hiền giả vùng Kashmir chép thành bảy trăm chỉnh cú và gom thành chín chương, trong khi đó chư vị ở Trung Ấn (Magadha – Ma Kiệt Đà) lại chép thành một ngàn chỉnh cú gom thành mười chương. Lúc ấy, bản văn có sự bất nhất như vậy. Hơn nữa, không ai biết gì về hai bộ luận mà ngài Shantideva dặn dò là cần phải đọc, bộ Học Tập Luận và Kinh Tập Luận (xem chương 5, chỉnh cú 105-106).

Về sau, nghe nói ngài Shantideva đang ở tại bảo tháp Shrīdakṣngahiṇa, vùng Nam Ấn, hai vị hiền thánh với trí nhớ thần thông đã lặn lội tìm đến gặp, xin ngài chuẩn xác lại bộ luận. Ngài xác định bản chép của chư Hiền giả vùng Magadha là chính xác. Khi hỏi đến Học Tập Luận và Kinh Tập Luận, ngài bảo rằng hai vị sẽ tìm thấy hai bộ luận này giấu trên mái nhà trong tịnh xá của ngài tại Học Viện Na-lan-đà. Ngài cũng nhân dịp này truyền khẩu và ban lời khai thị cho hai vị.

Ngài Shantideva sau đó du hành về hướng Đông, vận dụng thần thông hàng phục cuộc xung đột nghiêm trọng, mang lại hòa bình cho cả đôi bên.

Ngài cũng độ cho năm trăm người ngoại đạo miền Tây gần xứ Magadha. Lúc ấy nhằm lúc thiên tai, cả làng lâm nạn đói. Dân làng bảo nếu được ngài cứu mạng, họ nguyện tin theo giáo pháp của ngài. Ngài khi ấy mang bình bát chứa cơm khất thực, cầm trong tay, gia trì bằng đại định. Chỉ với một bình bát, cả làng đều được thỏa thuê no đủ. Nhờ duyên lành này, cả làng bỏ mê tín để bước vào chánh pháp.

Thêm một thời gian sau đó, lại trong một nạn đói kinh khiếp, ngài đã cứu mạng một ngàn hành khất.

Về sau ngài làm cận vệ cho Quốc Vương Arivishana, lúc bấy giờ đang gặp nạn chiến tranh với giặc Machala phía Đông Ấn Độ…..

Ở đây, chúng ta quan sát hành trạng của Ngài Tịch Thiên- Shantideva đã được Bồ tát Văn Thù bí mật “giáo huấn” trong thời kỳ đang là vị vương tử cho đến khi thừa kế ngai vàng. Cũng theo lời huấn thị của bồ tát, ông đã rời bỏ ngai vàng để tu học tại tu viện Nalanda, tức là chính thức xuất gia làm học tăng tỳ kheo. Về hình thức, Tịch Thiên là một nhà sư “hết ăn, lại ngủ, không thì đi lang thang…” nhưng bến trong là cả một công phu tu trì miên mật, không ai biết với Ngài Văn Thù. Chúng ta đều biết bồ tát Văn Thù Sư Lợi là đệ nhất trí tuệ trong hàng Bồ tát, là Pháp vương tử thời đức Phật tại thế, trong kinh Hoa Nghiêm, chư Thanh văn và Thiện Tài đồng tử do ngài huấn thị mà chứng Đạo. Tuy đức Phật Thích Ca đã vào Đại diệt độ nhưng các hàng Bồ tát vẫn y nguyện mà hộ trì chánh pháp bất kể không gian, thời gian. Nếu chúng ta từ giác niệm sinh niềm tin cầu giải thoát, cầu giải thoát cứu độ chúng sinh, dứt khoát buông bỏ danh vọng, quyền lợi, thành kiến ngã chấp, mọi sự luyến ái nhất tâm hạ thủ công phu, thiền định, trì niệm, lễ bái.., hoặc như hữu duyên như lời ước hẹn thời chẳng bao lâu các vị đại bồ tát bất thối (A-bệ-bát-trí) sẽ thị hiện mà dẫn dắt, vì đây là hạnh bí mật, hành trì miên mật nên người ngoài không biết, khác với những người tu hành hình thức hiển lộ ra bên ngoài, có khi bị lây nhiễm thế tục thị phi làm xao động. Thời gian bồ tát Văn Thù thị hiện khai đạo cho Ngài Tịch Thiên là hơn 1000 năm sau Phật Thích Ca nhập diệt. Cho đến đầu thế kỷ XX bồ tát Văn Thù còn hóa hiện trên Ngũ Đài sơn (Sơn Tây, Trung Quốc) để hóa đạo cho Hòa thượng Hư Vân…

“Lúc Shantideva điềm nhiên cất tiếng hỏi: “Các ông muốn nghe pháp nào, pháp thường nghe, hay pháp chưa từng nghe?”

Cả pháp hội sững sờ. “Xin cho chúng tôi nghe pháp chưa từng nghe.”…”

Thật ra, Pháp mà Ngài Tịch Thiên sắp diễn nói là bí pháp, pháp yếu. các then chốt để mở tung những tạng kinh pháp mà đại chúng đã được học qua Học Tập Luận và Kinh Tập Luận nhưng công phu tu hành chưa nhiếp tâm, không nhìn thấy được chỗ phóng tâm nên không thanh tịnh hiển chứng mà thôi.

Hôm nay đây chúng ta có duyên lành, được nghe, được chạm đến tâm yếu của chư Phật mà khởi phát Bồ đề tâm, nhập Bồ đề hạnh để đi trên Bồ tát đạo. Một kiếp người “sinh diệt biến dị”, nơi chúng ta sống “Quốc độ nguy thúy”, Bồ đề tâm không mở là “Tâm thị ác nguyên”, Thân thể đa mang vô số tế bào chúng sinh sinh diệt “Hình vi tội tẩu”… Trải qua vô số kiếp cùng vô số thân hình không lối thoát. Sao không nhân hiện đang thọ thân này phát tâm thọ giới Bồ tát (tại gia), phát Bồ đề hành nguyện đi cùng chúng sinh cho đến khi tất cả đồng thành Phật đạo.

 

Đức Quảng

 

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi