Tố Chất…Tình Thương

Chuyên Mục: Văn Thơ 25

TỐ CHẤT TÌNH THƯƠNG

Có một vài quyển sách nhi khoa viết cho các bà mẹ dạy cách nuôi dưỡng con nhỏ đã ghi một đoạn rất “dzí dỏm” như sau: ” trẻ con rất cần đến Vitamin T, thiếu chất này các bé khi lớn lên dễ lạnh lùng, chai đá”. Rồi sách thêm phần chú giải, vitamin T đó chính là Tình thương !!! Tình thương của người mẹ. Gọi giọng văn này “dzí dỏm” bởi vì trong khoa mục dược liệu không có bất cứ loại sinh tố T nào đó – nhưng sẽ không hài hước chút nào nếu chúng ta hiểu rằng cuộc đời mà thiều tình thương của mẹ là thiếu cả nguồn sống, tình người.

Thiền sư Nhất Hạnh viết trong quyển bông hồng cài áo: “ Rủi mai này mẹ hiền có mất đi, Như đóa hoa không mặt trời – như trẻ thơ không nụ cười …”. Đóa hoa và đứa trẻ đồng một trạng thái còi cộc tâm hồn không phát triển được vì không được ấp ủ bởi một nguồn sống bao la: Tình Thương.

Nhưng tình thương ấy biết bao nhiêu cho vừa vì không phải lúc nào những đứa con của Mẹ cũng cảm nhận được tình thương.

Theo lời TT Tuệ Sỹ giảng giải:” tuy lễ nghi phong tục Á Đông bị phê bình là khuôn phép, là chật hẹp, thủ cựu, là đối đãi phân biệt nam nữ, nhưng nhìn kỹ thì thấy rõ xã hội thời đó phân công theo thể trạng, tinh thần rất rõ ràng. Đàn ông mạnh mẽ, sức vóc phải ra ngoài gánh vác việc nước, làm những công việc nặng nề, còn phụ nữ chân yếu tay mềm phải quanh quẩn, quán xuyến mọi việc trong nhà, nhất là chăm nuôi lo dạy con cái – và con cái được tưới tẩm hằng ngày, hằng giờ tình thương của mẹ “ cho nên tục ngữ Việt Nam có câu :” Con hư tại mẹ – cháu hư tại bà “ có nhiều bà mẹ cảm thấy bị “ tổn thương ” vì câu nói này, bởi con cái hư hỏng đâu phải nhất thiết do người mẹ. còn cha, còn cô dì, còn bạn bè, làng xóm, do hoàn cảnh , do thời thế … nói chi thì nói, người mẹ vẫn là người cảm thấy lo âu, đau đớn và chịu trách nhiệm trước tiên khi con cái có chuyện. Và cũng chính người mẹ sẽ khoan dung tha thứ, thậm chí là bao che đầu tiên cho các điều lầm lỗi của con cái.

Tình thương nếu được tinh lọc từ nhận thức tự nhiên, đúng đắn, người mẹ hiền sẽ dẫn dắt và đưa vào đời những bậc hiền nhân, những công dân lương thiện, như bà mẹ của thầy Mạnh Tử dạy con và vì con là một điển hình. Sự nuông chiều con cái quá mức phần đông sẽ làm cho chúng hư hỏng, như cây bị chết úng vì nhiều nước hay nhiều phân u-rê quá. Tình thương ấy đã bị vẫn đục do đời sống ngũ dục lẫn lộn vào.

Thượng tọa cũng giải thích tại vì sao các vị tỳ kheo thì giữ 250 giới, còn quý tỳ kheo Ni phải chịu ràng buộc đến 348 giới. có một số giới điều ràng buộc phải kính lễ chư tăng và ngay cả… các chú Sa di !!! Bởi vì quý tỳ kheo ni là nữ giới – chân yếu tay mềm, không làm việc nặng được, không tự bảo vệ mình được, không thể đường hoàng giao tế, đối ngoại được, nên không thể  tách rời và phải nương cậy vào chư Tăng. Sự tôn trọng, kính lễ là một khối cứng chắc của niềm tin nếu bị vỡ mảng nào thì lòng kính trọng đương nhiên sẽ sa sút và bị xem nhẹ.

Tuy giới luật rất nghiêm khắc nhưng tình thương của Đức Phật là vô cùng

Danh từ “ Mẹ “ không những cao quý tại nhân gian mà đối với đạo Phật càng cao quý hơn khi đức Thế Tôn, bậc thầy của ba cõi hạ mình lễ lạy đống xương khô: “ này A Nan, ông nên biết trong đống xương này nhiều đời kiếp từng có những người SINH RA TA và những kẻ TA SINH RA” chỉ một câu nói này mà làm cho các hàng Phật tử xúc động và cảm thấy mình phải có bổn phận “ báo hiếu với tất cả chúng sanh”.

Đối với chư Phật, chư Bồ tát vốn không có biên hạn giữa sinh và tử – giữa cõi này hay cõi khác nên Phật Thích Ca hiện thần thông lên cung trời Đao Lợi vị thánh mẫu đã thác sanh mà thuyết pháp, hay ngài nhìn thấy phụ vương Tịnh Phạn sẽ sanh lên cõi trời Quảng Quả Thiên và nếu muốn ngài vẫn có thể thăm cha ở nơi ấy. còn chúng ta, phàm nhân. Nếu rủi mai này cha mẹ khuất núi rồi, chúng ta sẽ tìm thấy cha mẹ nơi nào ?

Trước khi lên đường cầu đạo với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, lục tổ Huệ Năng đi xin tiền và thu xếp cho mẫu thân được yên nơi chốn,từ ấy về sau không có diễn tả hành trạng “mẹ” suốt trong các chương ngữ lục.

trong kinh Duy Ma Cật cũng xưng tán, :” Trí độ là Mẹ bồ tát”. Kinh Thắng Man ca tụng:” tình thương của chư Phật, Bồ Tát thương chúng sanh như mẹ hiền thương con đỏ …”. Hầu như tất cả các kinh đều nêu cao tình thương của đấng từ phụ, cha lành – Tình Mẹ hiền minh. “ Thiên kinh vạn điển hiếu vi tiên”. Tố chất tình thương tỏa ra từ những bậc cha lành, hiền mẫu … Thường xuất sanh những người con hiếu, không những hiếu với cha mẹ mà còn hiếu với tất cả chúng sinh.

Đức Quảng

 

Bài Viết Liên Quan