Tâm tình với Phụ huynh đoàn sinh

Chuyên Mục: Câu chuyện dưới cờ 83 0

Kính thưa quý phụ huynh đoàn sinh,

Cùng các em thân mến.

Mùa Vu Lan báo hiếu do Gia đình Phật tử tổ chức cũng chính là ngày họp mặt quý phụ huynh đoàn sinh hằng năm. Quý đạo hữu Phụ huynh có thể an tâm khi gởi con em mình đến sinh hoạt tu học trong Gia Đình Phật Tử. Nơi đây các em được học hành ứng dụng những điều giáo huấn của đức từ phụ Thích Ca Mưu Ni từ hơn hai ngàn năm trước vào đời sống thường nhật để thành những Phật Tử chân chánh hữu dụng mai sau, góp phần làm cho xã hội “bớt xấu” đi.Phat 196_n

Vì  muốn đem thân giáo dạy dỗ về đạo hiếu cho nhân loại mà giữa đường đức Phật đã quỳ lạy đống xương khô, “Thầy là từ phụ ba phương bốn loài, cớ gì phải lạy đống xương khô?” Câu hỏi của đại đức A Nan đã “mở toang” một khung trời cao rộng về ân cha nghĩa mẹ cần phải khắc ghi và tìm cách báo đền.

Tình thương rộng lớn và vô điều kiện của các bậc làm cha mẹ là một “Thiên chức” rất tự nhiên hầu như hiện hữu trong vạn loại chúng sinh, tình thương như nước nguồn trên cao đổ dồn xuống thấp, nhưng muốn con cái thương kính và báo hiếu, đền đáp ân cha nghĩa mẹ thì rất cần phải dạy dỗ đúng phương, theo pháp – không phải con cái nào cũng biết “hiếu kính” với mẹ cha. Hiện thời, bây giờ trong xã hội chúng ta quý đạo hữu có thể chỉ cho chúng tôi biết nơi nào giáo dục Đạo hiếu bền bỉ, dài lâu tốt hơn Phật giáo, tốt hơn Gia Đình Phật Tử mà con em quý đạo hữu đang sinh hoạt, chúng tôi xin nghiêng mình học hỏi! Làm sao để gần 100 triệu con dân Việt Nam đều được giáo dục về tình thương, về đạo hiếu từ thuở còn bé thơ thì xã hội chúng ta sẽ bớt đi biết bao gánh nặng về những hành vi bất lương, gây tội ác, vô đạo đức, thất nhân tâm, hay con cái ngỗ nghịch với cha mẹ.

Câu trả lời của đạo Phật trước sau vẫn là duyên, là nợ, là nhân quả, nghiệp báo…Trước mình đã đối đãi rất tốt, hay tệ bạc với người nên nay làm con cái, làm cha mẹ bám theo để làm cha mẹ vui lòng hay làm cho cha mẹ buồn khổ! Cho nên mục đích chánh pháp hiện diện ở đời cốt cũng để “hóa giải” những ân oán, oan trái đó bằng tình thương như câu “Lấy ân báo oán oán tiêu tan” Phật đã dạy. Những người con đang mang nặng oan trái tiền khiên có thể thay đổi “định kiến” để sống tử tế hơn với cha mẹ, nhất là không gây thêm sự buồn đau cho hai đấng sinh thành.Me 33_n

Mỗi lần hoài thai, cưu mang chín tháng thân gái yếu mềm đi đường xa càng mang càng nặng, đến lúc lâm bồn sinh con ra, nước cuồn cuộn trào, đau như xé thịt, thừa chết thiếu sống mà vẫn không hề sợ hãi, sanh đứa thứ nhất, rồi đứa thứ hai, thứ ba… Ca dao Việt có câu: “ Đàn ông đi biển có đôi – đàn bà đi biển mồ côi một mình” Nỗi đớn đau nhục nhằn này chỉ có những bà mẹ “sanh” mới biết, mới hiểu được.

Ngày xưa cha mẹ còn sinh ra cả chục  đứa mà mẹ vẫn không lấy đó làm sợ, không giống như người bình thường mỗi lần bị mổ xẻ là lo sợ đớn đau ngày này qua ngày khác. Chính điểm này đã làm cho các bà mẹ trở nên “vĩ đại” nếu các con mà chịu “nghĩ lại” thì sẽ không làm cho người mẹ buồn khổ vì mình.

Ngày nay các nhà khoa học vẫn không chấp nhận cách sinh mổ vì đứa bé khi ra đời sẽ yếu ớt, kém phát triển…nếu không được người mẹ “tống đẩy” tự nhiên; và điều thứ nhì họ không chấp nhận và cho là không có sữa nào tốt hơn sữa mẹ – vì trong sữa mẹ có một tố chất đặc biệt mà các loại hữu tình khác không có, đó là tình thương. Tình thương và lời hát ru sẽ ươm mầm cho hoa trái tình người và tâm hồn dân tộc.

Từ khi trẻ lớn đón đưa đến trường học là hơn 20 năm, trong thành phố xô bồ này hay những thành phố khác trẻ con mở mắt thức dây chỉ biết học…và học, khi học hành xong đến tuổi cập kê lấy chồng, lấy vợ – cha mẹ thì mãi nhọc nhằn nuôi lớn các con, đâu có thời gian trọn vẹn mà dạy dỗ gia phong, đạo học cho con cái! Nhưng các em ngồi đây cũng phải hiểu rằng đến một lúc nào đó phải sinh con  gặp cơn đau như xé thì phải nhớ nghĩ đến Mẹ mình đã từng chịu đau như vậy để sinh mình ra; cánh đàn ông khi ra đời phải làm lụng cực nhọc, bị người ta lăng nhục mà cũng không dám bỏ việc làm vì phải kiếm tiền nuôi gia đình thì phải nhớ ân đức của người cha cũng kham khổ vì con như vậy, lúc đó bao lần vấp ngả là bao lần phải tự đứng dây trưởng thành, chính trường đời đã dạy dỗ cho các em.

Nhưng tới lúc đó đâu có thì giờ, đâu có dư thừa tiền bạc để nhìn lại mà báo hiếu lên cha mẹ vì phải lo toan đủ thứ cho con cái mình, thế mới nói tình thương của cha mẹ như nước trên cao đổ xuống thấp là vậy.

Cho nên, lễ báo hiếu do Gia Đình Phật Tử tổ chức hôm nay để con cái nói nên lời thương kính cha mẹ; để con cái tri ân như trời biển của cha mẹ; để sám hối những lỗi lầm những khi làm buồn khổ mẹ cha… Mai sau nếu có điều gì hối tiếc thì các em phải nhớ đến giây phút này đã được dạy dỗ về Hiếu Đạo mà ráng sống cho tử tế.

Đức Quảng

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi