Văn Nghệ GĐPT Việt Nam… Bửu Ấn

Chuyên Mục: Âm Nhạc 276 0

Văn nghệ GĐPT Việt Nam cho tuổi trẻ hôm nay
(Đơn cử từ một bộ môn điển hình: Văn nghệ)

Nguyên Định Bửu Ấn

 

Kính thưa…

Cuộc sống của tuổi trẻ hôm nay – so với vài ba thập niên trước – đã có quá nhiều sự xáo trộn đổi thay (cả vật chất lẫn tinh thần). Chúng ta phải làm cách nào để phát huy được hiệu quả tốt nhất cho bộ môn VĂN-NGHỆ theo đúng đường hướng Văn-Nghệ GĐPTVN: Phật-giáo, Dân tộc với Tuổi-trẻ-Hiện-tại, bởi Văn-nghệ GĐPT (mà Ca-nhạc là xung kích) đóng vai trò mạnh, hấp dẫn trong vui chơi giải trí, đồng lúc phải là một phương tiện huân tập sâu sắc – nhẹ nhàng mà vững chắc, để thấm sâu tinh thần Phật-Giáo-Dân-Tộc từ tuổi hoa-niên khi đi vào đời.

Trong không khí cởi mở thân tình của nội bộ ÁO-LAM, Trước sự bao dung của Quý Thầy Cô, của Quý Anh Chị Huynh-trưởng trong tổ chức. Chúng tôi xin phép trình bày đôi điều trăn trở, chủ quan của mình.

Thiền-sư Suzuki có viết: “… Con người sinh ra không phải ai cũng trở thành nhà khoa học được, song tất cả đều có thể thành… Nghệ-sỹ”. Câu nầy có “hạ giá” nghệ thuật và “Nghệ-sỹ” hay không?- Xin được trình bày vài thiển-nghĩ:

Vì… nó “tự-nhiên” đến như vậy, nên có hai trường hợp:… Văn-nghệ chẳng có gì phải… để ý, hoặc là rất… Phải-để-ý – (khi còn nghĩ đến việc Giáo-dục: là sự dưỡng-nuôi, hướng dẫn cho “nó” tốt hơn)

Vì Nghệ-thuật là tiếng nói của tình cảm, là sự cảm nhận, là sự “nghe-thấy” dù có Biết-Nói lên hay không) bởi có Ai là người không tình cảm – Nhưng cái cảm nhận về Tốt, Xấu, Hay, Dở… không phải tự nhiên mà có – Nó có là do đã được Huân-tập từ rất lâu (vô thỉ) – mà sự Giáo-dục tốt, xấu… có thể chuyển-hóa: đưa nó về phía nầy, hay đẩy nó qua phía bên kia.

Vì thế, đặt vấn đề Hội-nhập chính là sự tích cực, mang tinh thần TINH-TẤN, bao hàm việc Bảo-tồn-Truyền-Thống và Phát-triển-Thích-ứng với Bối-cảnh-Xã-Hội hiện tại; còn với danh xưng GĐPTVN ở đây xin “tạm” có khái niệm gọn là: “Phật-Giáo, Dân-Tộc… cho Tuổi-trẻ-Hôm-nay”. Như vậy chúng ta có ba mảng lớn – nhưng chúng ta chỉ nói “Chuyện Nhỏ” trong phạm vi GĐPTVN mà thôi.

1/ Về TRUYỀN THỐNG: (Phật-Giáo và Dân-Tộc),Chúng ta bằng cách nào thuyết phục nhất (Phương-pháp) để đem Tinh-Hoa của Ông-Cha mình truyền lại cho đàn Em – trong nghĩ suy nầy chúng ta phải chấp nhận một sự thật khách quan là: Xã-hội hôm nay đã có nhiều thái độ thờ ơ, xem thường rồi bỏ quên những cái họ gọi là Cũ (hay Cũ-Rích!) và điều nầy “hình như ” đã càng ngày càng lây lan!

2/ TUỔI-TRẺ + HIỆN-ĐẠI (với nhiều Ưu-điểm) – Bởi không có “Tuổi-trẻ-Xưa” – Tuổi-trẻ-Xưa chỉ là chuyện… cổ tích; Đừng mặc cảm (Tôn hay Ti) mà phải đến gần những ưu-điểm đó, học hỏi để Hòa-Nhập, xây dựng và góp thêm “nội lực” cho tuổi trẻ phát triển ở ngày hôm nay.

3/ Xử dụng NGÔN-NGỮ-NGHỆ-THUẬT (Cũ+Mới) cho Văn-nghệ GĐPTVN sau nầy được phát triển mà không bị mất gốc, thì ít-nhiều phải biết gom góp từ cái kho tàng của Cha-Ông để lại, đó là “Hạt Châu” của Gia đình mà mình được thừa kế, đó là cái vốn cho mình sẽ làm ăn phát đạt – chẳng cần vay mượn Tây, Tàu… (bởi vay mà… ăn trọn được à! Hay “Xí” luôn làm của mình! Dễ dàng thế!); đồng thời phải nắm bắt, và tìm cách khai thác những thành tựu, những phương tiện, những khuynh hướng mới tiến bộ. Vì nhờ có vững vàng mới không bị lôi đi xềnh-xệt, không đua đòi theo thị hiếu dễ dãi, thoái hóa – Trái lại cũng đừng bảo thủ nguyên-xi, cục bộ; nếu cứ phải giữ đủ 100% cho mỗi nguyên tố tạo thành, thì còn “cái kẽ” nào để Hòa với Hợp!

1.Về TRUYỀN-THỐNG: Phật-Giáo-Tính trong Văn-Hóa Việt-Nam ngày nay đã là sự dung-hợp, dung hóa nhuần nhuyển trên hai ngàn năm qua – điều nầy đã được nhiều học-giả trong và ngoài nước nghiên-cứu, xác nhận… có lẽ chúng ta chẳng nghi ngờ gì mà phải bàn sâu vào việc nầy, vì chúng ta đã nhìn thấy trên thực tế: Tinh-thần Phật-Giáo biểu-hiện bao trùm khắp các lĩnh vực Luân-lý, Phong-tục, Tập-quán, Ngôn-ngữ… của dân tộc Việt. Nó vừa toả rộng lại vừa đi sâu, Nó tiềm ẩn trong mọi tầng lớp dân chúng – kể cả các tín đồ đã theo một tôn giáo nào khác… nếu có ai không tin, chúng tôi chỉ xin ở người đó “một phút yên-ắng”- (cho tâm bình tĩnh) – lắng nghe những câu nói của Ông Bà, Cha Mẹ… những thành viên ngay trong gia đình mình, lắng nghe bên nhà hàng xóm, ngoài chợ búa… v..v… chúng ta sẽ nhận ra: trong những câu nói hết sức bình thường đều ít nhiều đã có mang “dấu-ấn” tinh thần Phật-Giáo (Pháp-Ấn): Vô-Thường, Vô ngã, Thọ nhiều-khổ nhiều (tham-sân-si)… lý Nhân-Quả, Duyên-Sinh… các danh từ Hỷ-xả, Từ-bi, Thanh-tịnh, Giải-thoát, Cực-lạc, Niết-bàn, Luân-hồi (kiếp trước kiếp sau) Phước, Nghiệp… .rồi trong quan hệ xã hội – hình như người Việt luôn luôn thích “Bà-con”, chỉ muốn “nhận đại” người dưng làm thân thích, nên với ai, dù mới gặp ngoài đường lần đầu cũng cứ… “nhào dô” mà xưng hô: Chú,Bác, Cô, Dì, Anh, Chị, Em… “lung tung”… Còn ở đâu có tính… “hoà-bình” thân thiện hơn cái-xứ Việt-Nam nầy? (Phải chăng, là do lời Phật dạy: Chúng-sanh trong nhiều đời nhiều kiếp đã từng là Ông, Ba,ø Cha, Mẹ, Anh-chị-em… họ hàng thân thích của nhau) – Và cũng nên nhớ: theo sử học: Phật-Giáo có mặt ở Việt-Nam đã hai ngàn năm rồi (gần hơn thì xem tài liệu về các vị Sư Mâu-Bác, Khương-Tăng-Hội… vv… ) chứ Phật-Giáo-Việt-Nam không phải hòan toàn bị ảnh hưởng ở Phật-Giáo, hay rập khuôn Tam-Giáo-Đồng-Nguyên củaTrung-Hoa – Trong Văn-nghệ nhân gian hình ảnh “BỤT” bao dung, che chở mà gần gũi thân thương – trước khi ta làm quen với danh từ “Phật” từ Trung-Hoa đưa sang…

… Cái linh hồn chung để trở nên cá-tính của một Dân-tộc hẳn nhiên còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: nguồn gốc giống nòi, hoàn cảnh địa lý khí hậu, lịch sử đấu tranh từng cá nhân, rồi dựa vào nhau tìm nơi nương tựa, mà thắt chặt dần sự đoàn kết để bảo vệ nhau, bảo vệ sự tồn tại của một cộng đồng… rồi tự mình làm chủ một hoàn cảnh, rồi cùng nhau tạo nên một lịch sử riêng… phải nổ lực tiến bộ không ngừng mới khỏi bị tiêu diệt, khỏi bị đồng hóa… và trong tình tự Dân-tộc thì Ngôn-Ngữ đóng một vai trò rất quan trọng, vì nó bắt, nối trực tiếp cho chúng ta một cây cầu gần gũi nhất để chúng ta trở về với truyền thống, để còn liên-hệ, biết tôn kính, yêu thương lịch-sử, là “Nhịp cầu qua-lại” với tiền-nhân… để còn… “khóc-cười theo mệnh nước” (Chúng tôi nghĩ: nếu sau nầy, với ai đó chỉ… nghiên cứu về văn-hóa, lịch-sử của dân tộc mình qua Bản-dịch thì thật là khó có được sự cảm thông… đến nơi-đến chốn!), do đó khi nói về Truyền-thống Dân-tộc – ở các lãnh vực Giáo-dục, Tôn-giáo, Văn-chương, Nghệ-thuật… cả Chính trị nữa đều phải chú ý đến cái trọng tâm nầy (như hiện nay, tại các ChùaVN và các đơn vị GĐPT VN tại hải ngoại, đều có lớp học Việt-Ngữ)… Khi gộp chung nhữõng cái đó lại một cách hài hòa, có một cái gì đó bao trùm, bàng bạc như một Linh-Hồn cho một thân thể thì đó là Văn-Hóa-Tính của một dân tộc… .Đến đây, chúng tôi xin nói sớm một chút về dân-tộc-tính trong Âm nhạc: Âm nhạc và hát ca, ngoài chữ nghĩa, thơ văn, còn phải giữ gìn “cái giọng-nói” mang linh hồn dân-tộc. Vì vậy, sau nầy chúng tôi có đặt vấn đề: đưa ngay “Thang-Âm”, “Điệu-Thức” Ngũ-cung VN vào sâu trong hồn trẻ, từ những bài học nhạc đầu tiên – mặc dầu vẫn học dưới hình thức “Âm-nhạc phổ thông quốc tế”. Còn vấn đề “Âm-Nhạc-Phật-Giáo” xử dụng cho ai? nên hay không nên? thì lâu nay đã có nhiều sự giải đáp và nhất trí, nên bây giờ có lẽ không còn phải bàn cải nữa!

… Chúng tôi không dám nói nhiều về những điều mà ai cũng biết, chúng tôi chỉ muốn nhân đó để nói về truyền thống Văn-Hoá Việt-Nam và Văn-Hoá Phật-Giáo ở VN có sự quyện chặt – mặc cho mọi ý đồ muốn loại bỏ nó (cố nhiên bất cứ nền văn-minh, văn-hóa nào cũng phải có nhiều sự giao lưu, tiếp thu các nền văn hoá khác) Nhưng trong phạm vi Truyền thống văn-nghệ rồi thu hẹp hơn nữa là: Văn nghệ-SINH-HOẠT cho tuổi trẻ GDPT (cụ thể là Ca-hát) thì chưa cần phải đi sâu vào những chi tiết đặc trưng của từng thành tố… cái đó để dành về sau cho những tác phẩm lớn – trong đó có Âm-nhạc-Phật-Giáo-Việt-Nam… Còn hiện tại, Ca-Nhạc Sinh-Hoạt (không chỉ riêng cho những bài “hoạt-động Thanh-niên”) của GĐPTVN. Mà còn có Lễ-nhạc, Kinh-nhạc… Nếu không làm được gì nhiều thì cũng đừng phá hoại tôn-chỉ trên

2.Về TUỔI-TRẺ+HIỆN-ĐẠI: Chúng ta đều đã được học, được đọc, được nghe nói rất nhiều về đề tài nầy, nên chúng ta không đi sâu vào phân tích (vì lạm bàn!) chúng ta chỉ nói về đôi hiện tượng thực tế mang tính phổ biến và mong tìm hiểu chút ít về nó, để tiếp cận dễ dàng hơn với các đối tượng thanh, thiếu, đồng niên trong hoàn cảnh xã hội hiện tại. Đặc biệt chúng ta nên lưu ý đến các ưu điểm có được ở lớp trẻ ngày nay và tìm phương pháp xử dụng nó, hầu lấp bớt những hiện tượng trống trải về tinh thần, do xã hội mới quá đặt nặng đến vật chất, mà xem nhẹ phần tâm linh tình cảm, đẩy đưa đến việc phát sanh nhiều tiêu cực.

Hiện-Đại: (Nếp-sống) Với khoa học, kỹ thuật đã và còn phát triển vượt bực, cho phép con người hưởng thụ mọi thứ vật chất, nhưng với điều kiện phải làm ra rất nhiều tiền, vì nhiều đến bao nhiêu cũng có chỗ để tiêu và, chỗ để… nợ! Nếp sống dần dần rập khuôn, nên lúc ta bước vào xã hội làm một cái mắc-xích trong một cổ máy lớn chúng ta không thể nào biết hết, chúng ta chỉ thấy tốc độ của nó càng ngày càng tăng, mà không một người nào có thể”phanh” nó lại được… từ đó chân đi cũng vội vàng hơn, ăn, chơi cũng vội vàng hơn… tình cảm cũng phải… nhanh hơn… thì giờ nào cho sự nghỉ ngơi thật sự (thanh thản), thì giờ nào cho việc tu dưỡng Tâm-linh “để nâng cao thêm chất-NGƯỜI trong cái CON (con+người)”, bởi thế không có gì phải ngạc nhiên khi luân-lý đạo-đức, tôn-giáo… bị đẩy lùi ra xa, mà Tuổi-trẻ là đối tượng đầu tiên và trực tiếp bị cuốn hút vào trong cổ máy đó.

Tuổi-Trẻ: Ngày nay tỷ lệ Tuổi trẻ có trình độ và bằng cấp cao – so với thời Cha-Anh rất nhiều, lại được làm thân quen – (từ học hỏi say mê – đến phục tùng) máy móc, thích “tiêu chuẩn-hóa” mọi thứ, xem cái gì trên đời cũng… “hình như ” biết rồi! nên ít muốn “nghe-thêm” một cái gì nữa – nhất là những cái “chưa được cuộc đời… tiêu-chuẩn”, chưa được hoan-hô (quảng-cáo)! Hôm qua trên thế giới vừa xảy ra chuyện gì, hay hằng trăm triệu năm trước có cái gì trên… trái đất, họ đều… “biết hết”, nhưng trong giây phút hiện tại, và trên dưới hai mươi năm qua có mấy lần họ quay lại… nhìn, để biết về mình không?

Lớp trẻ bây giờ được huấn luyẹân năng nổ, làm việc nhanh, bởi từ nhỏ, ngay trong các trò giải trí, trên TV, trên phim ảnh, trò chơi điện tử … vv… cũng như ở các sân chơi tập thể, các Em đã được làm quen với tốc độ, với cảm giác mạnh, với tiếng ồn, Rồi tính hiếu kỳ được khai thác tối đa để yêu thích những cái lập dị, yêu thích những con vật dữ dằng, kỳ quặc, ma quái, ăn thịt người máu me rùng rợn (mà ngày xưa cả người lớn lẫn trẻ em đều khủng khiếp)… từ đó những “cái đẹp của dân-tộc Việt” dành cho sự cân xứng, nhẹ nhàng, tươi sáng, thanh thoát, cái cao cả sâu lắng mênh mông… để đến với cái… yên lặng tuyệt vời… hình như rất khó tìm được một vị trí – (dù là khiêm tốn) trong… não bộ của một số người tuổi trẻ hôm nay… còn ở ngày mai thì thật là “hết biết” (nếu như hiện tại không có biện pháp giáo dục kịp thời). Có người nghĩ rằng đó chỉ là hiện tượng ở các nước “Văn-minh” hải-ngoại, Họ quên ở Việt-Nam các thanh thiếu niên nam nữ tại các thành phố có… chịu thua đâu! bởi Việt-Nam đang chạy đua “Văn-minh-nước-rút” cùng nhiều thứ mặc cảm được che đậy! Nên cái gì rồi cũng … Sẽ và… sẽ vượt bực cả!!!

… Trong sự giáo dục: là Giáo dục cái Chưa tốt, phải thấy, phải biết cái chưa tốt, nhưng đừng nhìn chăm bẳm (như nhìn vào các chỗ rách-vá nơi chiếc áo của người khác đang mặc), mà phải nhìn ra cái liên đới trách nhiệm của “người lớn” trong sự suy thoái tinh thần của các em. Các em mất quá nhiều niềm tin ở các thế hệ trước: từ trong gia đình bất hòa, đến nhà trường “khô khan”, Một phần không nhỏ: đến trường là chạy đua theo bằng cấp, dốc hết năng lực tuổi xuân vào đó – với bất cứ giá nào, để mong kiếm được một “cái cần câu” tốt (đa-năng) mà vào đời! Khi nhìn vào xã hội thì nhan nhản những cảnh bon chen, lừa đảo,bất công, và tội ác quá nhiều. Tuổi trẻ là tuổi có nhiều ước mơ, thích tạo cho mình một vài… thần tượng – Và họ hay đua đòi, nặn ra, đặt sẵn để thường xuyên ngắm nghía trên đường đi tới tương lai của họ – nhiều nhất là ở lảnh vực nghệ thuật và ca nhạc “Trẻ” (bởi vì ở đây thể hiện tính dễ dãi, lười biếng nhất: có thể “đùng một cái” là thành danh nhân (!) – đó là những ấp ủ đã và đang đâm chồi nẩy lá trong lòng – mà hầu hết các thần tượng nầy (ở xã hội ngày nay) đều sụp đổ – bởi do lợi nhuận, mà nền “Kỹ nghệ” Quảng cáo xâm nhập vào tất mọi sinh hoạt của đời sống, từ cá nhân đến đoàn thể, để rồi hôm nay “lăng-xê” lên, ngày mai lại phanh phui những xấu xa tệ hại để hạ bệ “thần-tượng” đó xuống mà thay các”con bài” khác… tất cả, tất cả chỉ vì đồng tiền, Đồng tiền là trên hết – Không có đồng tiền DƠ hay SẠCH – không có Đạo đức ở đây! Rồi Chính-trị nhào dzô, một số lãnh đạo các Tôn-Giáo cũng chẳng… dại gì mà không”Biết” lợi dụng niềm tin của tín đồ để khai thác tài lực của họ cho mục đích trục lợi bành trướng và quảng cáo cho mình!… Một điểm không kém quan trọng nữa là:”hiện nay ít có NGƯỜI-LỚN NÓI DỞ” – Ai cũng “thuộc-bài”, “giảng-bài” vanh vách, nhưng… thích “Đứng-Ngoài” (!) nên tuổi trẻ… hoang mang!

Phải thành thật mà nói: Trong tổ chức của chúng ta – Những người vì Tuổi-trẻ, tình nguyện “làm-công-quả” mà nhập cuộc, cho đến nay: trên có Quý Thầy, Cô và các Anh Chị lớn, thứ đến chúng ta – những Huynh-trưởng GĐPT từ hai mươi cho đếùn năm, sáu mươi ngồi đây, hoặc đã và đang được huấn-luyện, hay thường xuyên sinh hoạt với các đơn vị GĐPT ở khắp nơi… quả thật là quá ít ỏi; trong khi công việc hướng dẫn tuổi trẻ của GĐPT luôn luôn gặp trở ngại nên cũng chưa phải là cái gì được phổ biến rộng rãi cho mọi người biết đến; Bởi thế, theo chúng tôi, trong sự “Dạy-Dỗ” người Huynh-trưởng GĐPT nên chú trọng đến “sự Dỗ” trước khi “Dạy” (cũng đừng lầm lẫn là: chìu chuộng, dụ-dỗ: lấy lòng) vì đối với thành phần tuổi trẻ nêu trên là một trong những đối tượng mà chúng ta phải nổ lực tiếp cận hằng ngày – bằng tất cả tình thương, hiểu biết và trân trọng – vì các Em là những tài năng, là rường cột sau nầy… và hơn chúng ta nhiều mặt.

Kính thưa…

Với các phần trên: nói ra thì thừa, mà không nói thì thiếu, nhưng do: cần có chỗ dựa để trình bày đôi điều về “vấn-đề” Văn-Nghệ GĐPTVN: Xưa, Nay và Ngày mai mà đành phải rườm rà (xin được thông cảm)

3. VĂN-NGHỆ GĐPTVN. Xin nói riêng phần Ca-Nhạc: với những bước đầu tiên là học cách xử dụng ngôn ngữ Âm-nhạc Cũ-Mới.

Một số Thanh niên Nam-Nữ “thời-đại” và không thiếu những người “thích đứng-ngoài” hay nói: Văn-nghệ GĐPT chỉ là thứ vui chơi chốc lát, bắt chước bên nầy một chút, bên kia một chút… và những cái “sáng tác nghiệp dư ” đó, thì có gì mà phải rườm rà… về truyền thống, về hiện đại!… Chúng ta không thanh minh với những vị đã “cố tình Chạy-Xa” (vì nói chưa hết câu họ đã chạy mất rồi)

Chúng ta chỉ muốn nói với các Em mình, để – các Em đang sống trong hiện tại: biết chan-hòa với quá khứ, biết định hướng tương lai, bằng trái tim “Bé-nhỏ”… . “Cũng-Đã-Biết” mở rộng của Mình.

-Chúng ta đã, và vẫn còn phải nói: Bộ môn CA-NHẠC trong Văn-Nghệ GĐPTVN là một “ngôn-ngữ ” cho tuổi trẻ, nó phải bao gồm tính Truyền-thống và Hiện-đại. Về Truyền-thống chúng ta đã có khái niệm lướt qua (chúng ta sẽ trở lại vấn đề nầy). Còn tính “Hiện-đại” trong Âm nhạc, chúng ta cũng nên thống nhất đôi điều sơ-đẳng – hầu có sự dễ dàng cho các phân tách sau nầy.

-Đối với một số người còn nặng mặc cảm “nhược-tiểu” (!) cho mình là con ếch dưới giếng thì ít dám… đụng tới từ nầy! còn như hiểu bình-thường thì Hiện-Đại chỉ là: Tính-cách (xu hướng, thành quả… ) của Thời-đại-Hiện-nay, ví dụ:

Xu-hướng (con đường) Âm-nhạc Châu-Á hiện nay là Tìm cách phát triển nhạc truyền thống dân tộc bằng sự học hỏi các phương pháp sáng tác, lý luận, nghiên-cứu, kỹ thuật, Âm-thanh-học… vv… của người phương Tây, để tìm một ngôn-ngữ-mới phù hợp cho con người thời đại của Dân-tộc mình (với sự giao-lưu trong cộng đồng nhân-loại)… .Hiện nay đã có rất nhiều người châu Á thành công, được mời giảng dạy khắp nơi trên thế giới. Nếu kể ra thì không thể nào hết – vì nhiều lắm, chỉ xin kể đôi vị tiêu biểu như: Người Việt-Nam có G.s Trần-văn-Khê: được mời thỉnh giảng trenâ 42 quốc gia, Viện sĩ viện Khoa-học, Văn-chương, Nghệ-thuật châu Âu, ủy viên danh dự hội đồng quốc tế Âm nhạc, kiêm chủ tịch diễn đàn Âm-nhạc Châu Á; Nhạc sư Yoshiro Irino, Nhật-Bổn nổi tiếng với vở Đại-nhạc-kịch (opéra) “Chiếc trống lụa”, sáng tác theo lề lối phương Tây, nhưng mang nét đặc thù của truyền-thống Nhật-Bổn (lối hát Nôh); Điệu tụng “Eumpal” trong truyền thống Phật-giáo Triều-Tiên thì được nhạc sỹ Kyu-young-Chin (Hàn-Quốc) đưa vào làm chủ đề cho tác phẩm “Trầm-Tư “; Bà Chủ tịch hội Âm-nhạc Quốc-tế HIỆN-ĐẠI Mã-Lai: Valérie Ross phối hợp Trống Ấn-Độ, chuông Trung-Quốc, cồng Mã-Lai với tinh thần triết lý, âm-hưởng Phật-giáo tạo nên một tác phẩm độc đáo nổi tiếng có tên là “Nghiệp-chướng – KARMA” (Mã-Lai có ba dân tộc sống chung là: Trung-Quốc, Ấn-Độ, Mã-Lai)… Còn Trung-Quốc thì rất nhiều, Đài-Bắc, Hồng-kông… rồi Ấn Độ… vv… Còn có trường hợp đặc biệt: Tại hội nghị Âm-nhạc Wellington-Tân-Tây-Lan, Nhạc sỹ Nguyễn-Cường người Việt-Nam, (quốc tịch Tân-Tây-Lan) đã đoạt giải thưởng Quốc-tế về Âm-nhạc nhờ sáng tác theo tinh thần Âm-điệu bài “Phụng-Vũ” trong nhạc cổ Việt- Nam -… .Cô Diệp-Minh-Mỹ (Yip-Ming-Mei) cha Hoa, mẹ Việt, là Giáo-sư, Tiến-Sỹ Âm-nhạc Đại học Sorbonne (Pháp) đã tổ chức tại Hồng-Kông nhiều cuộc hội thảo về Âm-nhạc-Tôn-Giáo tại châu Á… vv… (theo lời kể của G.S Trần-văn-Khê về “Diễn đàn Âm-nhạc Quốc-tế tại UNESCO-Paris, 1991)

…Thôi, chúng tôi chỉ xin phép trình bày tàm-tạm như vậy. Chúng tôi càng không hề có ý định so sánh to với lớn gì, mà chúng tôi chỉ muốn nói với tuổi trẻ Việt-Nam: “Chính cái Truyền-thống đang làm nên cái Hiện-đại”, còn ngoài ra chỉ là phong trào, là nhất thời…

-Để cho khỏi thiếu thì cũng xin nói một chút về:

-Xu-hướng Âm nhạc Hiện-Đại Phương Tây

Trên 300 năm nay Âm-nhạc phương Tây (ở các mặt) đều phát triển rất mạnh – theo đà của khoa học kỹ thuật, trong đó có nhiều cái “bị Ép” vào “công-thức”, ví dụ như : Thang-Âm (bình quân luật), Điệu-Thức (trưởng, thứ tương đối), Cấu-tạo và liên kết Hợp-Âm Kế-cận, Sức-Hút với công năng T-S-D (tonique-Sous dominante-Dominante)… vv… Từ đó họ có nhiều Nghệ-sĩ thiên tài cho cả thế giới… Cho đến hôm nay hình như các khuôn-mẫu về các công-thức đó đã bị khai thác quá nhiều, đã thành quá quen và… “nhàm” (kiểu: Biết rồi – nói mãi!) Nên cũng gần Trăm năm nay (những người tiên phong) họ cố tình… phá đi, hoặc thoát khỏi các “công-thức” đó bằng cách… tìm những công-thức khác – Chi ly hơn – vì nhờ Máy-móc càng ngày càng “tinh-vi” hơn!… Rồi các thể loại Âm-nhạc mới được hình thành: “Nhạc-mười-hai cung”, “Nhạc-Toàn-cung”, “Nhạc-Vi-cung”, “Phức-cung”, … “Đa-cung-thể”, “Nhạc Cụ-thể”, “Nhạc Điện-tử “… dần dần đến chỗ: không cần nhạc-khí, không cần nhạc-công, không cần bài bản-nốt nhạc, không cần nhạc-sĩ… chỉ cần máy móc và… 1 kỹ-sư… .Họ đưa vào máy tính vài “dữ-kiện” tình-cờ (không thể nói là tùy-thích được, vì có biết cái gì sắp xãy ra đâu mà… thích với không thích!) rồi từ máy đưa ra hàng loạt “các phương-trình” (như kiểu toán-học)… tha hồ mà chọn lựa, gia giảm, thêm thắt thành… tác phẩm. Thế nhưng, những phong-trào cấp tiến nầy rất… ư là mau xẹp, vì cái thứ “tình-cảm” (nghệ-thuật) đó, có lẽ dùng để “tâm-sự “- (nói)- với máy (còn Người thì lo… cải nhau về: đúng, sai) hơn là nói với… “Nhau” -Ngoài những nhà sáng tác quá nặng về Lý-tính, Những Nghệ-sĩ “Hiện-Đại Thật-sự ” đang tìm kiếm chất liệu “Mới” ở Âm-nhạc truyền thống của các dân-tộc trên thế-giới, đăïc biệt là có rất nhiều nhà Văn-Hóa, Nghệ-thuật hết sức say mê đang đi về Phương-Đông học hỏi-nghiên cứu – Trong đó có nền Văn-Hoá-Phật-Giáo, Văn-Hóa Á-Châu… là một mục tiêu lớn, cho sự tìm tòi “Chất liệu Mới”, Hầu hết họ tin rằng những chất liệu “Mới” nầy sẽ đem lại cho những phát triển Hiện-Đại tính cân bằng và đem nhiều lợi ích thiết thực cho con người…

Tóm lại: ” Tất cả những cái cũ không phải là bỏ đi – hay phải “Xấu hổ” về nó (!) -Như vậy khi nói về Văn-nghệ, Văn-hoá Hiện-Đại: chính là sự chọn lọc ở cái cũ, cái truyền-thống mà tạo cho được thành cái Mới.

Sau đây, Chúng tôi muốn nhắc các Anh Chị Huynh-trưởng trại sinh nói với các Em của mình về những cái mà các Em đoàn-sinh chưa biết hay còn thắc mắc trong Ca-Nhạc-Sinh-hoạt GĐPT. (bởi ngày hôm nay các Em có biết, có hiểu rõ thì mới thật sự có tình-yêu-thương mà trân trọng gìn giữ nó)

Trước tiên: Nhạc GĐPTVN có hơi hướng truyền-thống gì không, hay cũng chỉ có “Chất Tây”- mà lại “Tây-Xưa” (!)- Vì các Anh, chị lớn đều theo Tây-Học. Điều nầy cũng đã được trả lời nhiều rồi, nhưng lại quá chú trọng đến “nội-dung-lời-ca”. Nên hôm nay chúng tôi xin nói đôi điều về “nội-dung-Nhạc” Rất tiếc là khuôn khổ bài viết, và buổi nói chuyện không cho phép dài dòng (nên rồi đây chúng tôi sẽ viết thành nhiều bài)

Có nhiều Tác-giả Huynh-trưởng GĐPTVN là những nhạc-sư, nhạc sĩ nổi tiếng (cả với nước ngoài) về nhạc cổ truyền và tân-nhạc Việt-Nam như: Nguyễn-hữu-Ba, Bửu-Bác, Thẩm-Oánh, Lê-cao-Phan,… (trong đây có hai người đã chính thức nhận lảnh cương vị Uỷ-viên Văn-Nghệ GĐPTVN trong suốt mấy mươi năm qua: là Huynh-trưởng Nguyễn-Hữu-Ba (đã mất) và Lê-cao-Phan. Các lớp Huynh-trưởng nhạc sĩ tiếp theo cũng là những người có tên tuổi như: Lê-mọâng-Nguyên, Hoàng-thi-Thơ, Phạm-mạnh-Cương, Hoàng-Cang, Dương-thiện-Hiền, Đổ-kim-Bảng, Tâm-Hòa, Nguyễn-Hiền, Hoàng-Nguyên, Lê-mộng-Bảo, Trần-nhật-Thành, Phạm-thế-Mỹ… Các huynh-trưởng và các Đoàn-sinh GĐPTVN thời đó, trong sinh-hoạt ca-hát, vui chơi cũng ít khi nhắc đến chuyện truyền-thống – vì ít nhiều chúng ta đã được sống ấp ủ, trong sự Giáo-dục Huân-tập ở nhiều môi trường mang tính truyền-thống rồi (còn bây giờ chúng ta phải khẩn-thiết nhắc lại cho các Em mình: là vì Ba mươi năm qua đã có nhiều xáo trộn lớn lao xãy ra trong Xã-hội, mà tuổi trẻ Việt-Nam hôm nay không tránh khỏi bị ảnh hưởng sâu đậm từ căn bản… (dù đang ở trong nước, hay đã ra hải-ngoại)

Vì vậy, chúng ta cũng nên dành ít phút để nói sơ lược – riêng về “Nội-dung-Nhạc”… (có cái gì đó) – ở các bài ca GĐPTVN mà nó “cứ đi theo ta” suốt… mãi cho đến hôm nay. Xin đơn cử vài bài mà bất cứ một đoàn sinh nào cũng biết:

Bài Phật-Giáo Việt-Nam của Lê-cao-Phan với thang âm Ngũ-cung: Đô-rê-mi-sol-la (không có nốt fa và nốt si) Xin thưa ngay tại đây: Đừøng nghĩ đơn giản: Ngũ-cung là chỉ giới hạn trong 5 nốt (như vậy là … nghèo hơn Tây-phương 2 nốt!). không phải vậy đâu mà “Ngũ-cung biến hóa… thần sầu quỉ khốc” khi biết “chuyễn-hệ”, thay đổi Âm-gốc hay Âm thức (đề nghị tham khảo tập 1 “sinh hoạt Văn-nghệ GĐPT” /chương 3- từ trang 50: Âm-nhạc truyền thống VN)

Bài Sen-Trắng, nhạc Ưng-Hội, theo cung cách “Âm-thể Trưởng”: 2 câu đầu lặp lại nhau, cũng dạng 5 cung gốc sol (sol-rê-la–Si) nhưng giấu kín nốt mi để làm một chất liệu mới cho câu 3, cùng lúc xử dụng thêm nốt Fa#, tạo một quãng ½ (nửa) cung từ sol đi xuống – như đổi qua hợp-âm Mi thứ tương đối (kiểu nhạc phổ thông quốc tế) và cuối cùng còn nốt Đô cũng được “kín đáo” lướt xuống (đặt ở phần Yếu của phách Yếu) mà chấm đứt đúng “bài-bản”. Đây là cách viết Tây – mà không Tây lắm nên rất được giới Thanh niên yêu thích.

Bài Gia-Đình Thân-Ái của Lê-mộng-Nguyên: Nghe vui, trong sáng và rất mới từ bốn ô-nhịp đầu bằng một hợp âm trưởng, chấm dứt theo giai-kết-trọn (với 2 hợp âm trưởng-bậc-5 và trưởng bậc1 nối kết nhau) nhưng toàn bộ bài hát thì chỉ xử dụng có 5 cung ( cụ thể: 5 nốt)

Bài Mầm-Măng và bài Chim bốn phương của H. Tr Nguyên-Phương Hoàng- Cang cũng chỉ viết có 5 cung. Mầm-Măng: nếu chọn Âm gốc là RÊ thì không có nốt quãng 4 (sol) và nốt quãng 7 (đô#) của nhạc phổ thông 7 nốt điều-hoà.

-Đặc biệt nhất là “Chim-bốn-phương”: vẫn là 5 cung (theo nguyên-tắc hình thành – phát triển của giọng nói) nhưng tác-giả “chỉ cần Xài” có 4 nốt, nếu hát với “tông Fa” thì chúng ta có: fa-sol-la-đô, trong lúc 3 nốt fa+la+đô được xem như là “một” – theo luật Côïng-hưởng – (“Bội-Âm” của khoa Âm-học)- có thể thành lập hợp âm Fa trưởng. Như vậy Anh Hoàng-Cang chỉ còn “vốn-liếng” là 1 nốt sol để … chạy tới, chạy lui, thì phải kể là rất tài!

Bài Em đến Chùa của H.Tr Thiện-Hiền Dương-xuân-Nhơn với giai-điệu hết sức mềm mại mượt mà, mà cũng rất trong sáng đơn giản cho tuổi thơ, vẫn chất liệu 5 cung (đô-rê-mi-sol-la) chỉ một lần dùng đến nốt Si (quãng 7) như một “nốt bắt cầu” lướt-liền-xuống rất êm-ả làm cho câu mở đầu thanh thoát hẳn lên – theo tôi đó là một mẫu mực cho nhạc Oanh-Vũ (… Xin mở dấu ngoặc ở chỗ nầy: nếu chúng tôi vì sự thành thật mà có phạm đến hạnh khiêm-tốn của Quí Anh Chị -thì xin quí Anh Chị tha thứ) *Bài Đoàn Áo-Lam (Trai đoàn Áo-Lam) của Phạm-mạnh-Cương là sự phát triển từ 5 cung sang 6 cung mà ta tìm thấy trong vài bài Dân-caVN sau nầy như : “Se chỉ luồn kim”, “Con gà rừng” (chèo)… Chúng tôi không nói bài nầy có tính dân-ca, chúng tôi chỉ nói về một cách “làm” của tác giả mà thôi: đó là từng bước tìm thêm các chất liệu mới một cách hợp lý

Bài Kết-Đoàn của Anh-Lạc cũng khai thác 6 nốt nhưng khác với “Đoàn Áo-Lam”: Đoàn Áo-Lam xử dụng quãng-bảy có bán-cung mà tránh né quãng 4 (có nữa cung); “Kết-Đoàn”: có 4 câu nhạc thì 3 lần dùng Giai-kết-trọn (chấm câu) mà không dùng nốt quãng 7 – lại trọng dụng nốt quãng 4.

… Nhờ vậy mà số đông – những bài nhạc viết cho các sinh-hoạt trong GĐPTVN tuy có cung cách thông dụng của loại “Nhạc-Chủ-Âm” nhưng không bị lai-căng, cho đến sau nầy nhiều bài xử dụng đầy đủ 7 nốt “Gam-Điều-hòa” của Phương Tây nhưng vẫn mang Âm hưởng VN, ví dụ:

Bài Kính mến Thầy của H.Tr Dương-xuân-Dưỡng có ai dám nói là “lai-căng” đâu – mặc dù Anh đã xử dụng “Gam-Thứ tự-nhiên” rất phổ cập cho các loại ca nhạc dân gian Châu Âu. Hay…

Bài Vui dựng Gia-Đình của H.Tr Đỗ-kim-Bảng thì đã phong-phú (… giàu có) rồi: Bài hát xem như viết với “cung-Thứ”, nhưng nếu “nhắm-mắt” đệm hợp-Âm với công-thức nhạc nhẹ phổ thông thì… đau-khổ cho bài hát lắm!… Bài nhạc bắt đầu sau hai lần rải hợp âm Rê-thứ (Dm:rê-fa-la), bỗng nhiên nét nhạc có sức mạnh đẩy lên, vươn thẳng tới: rất đẹp, rất lạ, mà cũng rất quen với Quãng 6-trưởng (nốt Si bình trong gam Dm). Nói LẠ: là vì bất ngờ, QUEN: là vì trong điệu thức Dân-ca Việt-Nam – ở miền Trung và miền Nam đã từng xử-dụng cái quãng 6-trưởng nầy, (hơi tương tợ “gam Dorian” thời cổ Hy-Lạp) … đến chỗ cao trào (lời: ta chung đắp xây) anh lại đưa thêm nốt Do# vào theo kiểu nhạc “Thứ-Hòa-Điệu” (từ đây anh đem giấu bặt tăm nốt Si, mà ta chỉ còn đoán là: chắc nó đã trở về với Rê-thứ – nghĩa là Si phải giảm – theo như ở bộ-khóa (armature). “Họ” tưởng Anh chơi trò “Đánh-đố” nên có người hỏi: … ở khóa nhạc có để dấu Si-giảm, nhưng có vài nốt Si thì “ổng” cho “bình” hết rồi, “còn nốt Si nào đâu mà giảm”… *Ngoài ra còn có nhiều bài nhạc giữ nguyên chất cổ truyền VN mà vẫn được Thanh-thiếu niêu yêu thích như : Ngày Đản-Sanh (vui mừng gặp ngày nay… ) Ngũ-Giới (muốn tu lòng diệu-minh, phải giữ Giới, Luật cho rành… ) Bài Tụng Sám-Hối ( Đệ tử kính lạy Đức Phật Thích-Ca, Phật A-Di-Đà… ) (củaNguyễn-hữu-Ba)… .các bài dân-ca cải-biên: Lý Con-Chuột, Lý con-Khỉ, Lý Cây xanh, Mê mải … lu bu…

Kính thưa… Nói ra thì còn quá nhiều…

…Tóm lại, thì Nhạc GĐPTVN đều có nguồn gốc Âm-Giọng từ Ngôn-ngữ Thi, ca, Hò, Vè, Lý, Ru, Ngâm, Tán, Tụng… được ký hiệu cụ thể bằng: Thang-Âm, Điệu-Thức Ngũ-cung VN … Về Hình thức mới, thì chúng ta học cách cấu trúc gọn gàng, chia thành từng vế, từng câu, từng đoạn… Học “Giải-Kết Âm-nhạc” để xử dụng như cách: Chấm, Phẩy, Xuống dòng, Dấu than! Chấm hết trong văn-chương. Mô phỏng các Âm-hình Giai-điệu, Âm-hình Tiết-tấu… vv… để triển-khai chủ đề Nhạc cho thêm mạch lạc, sinh động, dễ thuộc dễ nhớ… . Bằng cách làm nầy, Chúng tôi nghĩ là vẫn còn nên tiếp tục nhưng đồng lúc (bây giờ)phải đào sâu hơn tìm cái cốt lõi, bỏ bớt các chi tiết, và nắm bắt cho kỳ được các chất liệu mới tiến bộ (về hòa-âm, về phối-nhạc, về tiết-điệu, phức-điệu, đa-cung-thể… ) mà cuộc sống hiện đại đang cung cấp cho chúng ta.

Bây giờ, đến công việc khó khăn nhất là tìm một “Phương-pháp Khả-thi”: để đưa được các tính cơ-bản trên của Văn-nghệ GĐPTVN làm một phương tiện tốt cho hôm-nay và Ngày-mai trong việc đem lại sự yêu-thích, gần-gũi đúng đắn, mà hổ trợ việc Học-Phật cho tuổi trẻ thêm sinh động và phổ cập. Theo chúng tôi: muốn làm việc gì tốt, trước tiên đều phải học – đừng đóng khung Văn-nghệ chỉ là giải-trí (!) – Vì ngay cả “Giải-Trí”-dù đã Hay, Đúng mà thiếu sáng tạo, cập nhật hóa (nhiều mặt để cấu-thành “cái-Trò-đó”) thì cũng bị “vô-thường” sa thải. Muốn khỏi bị “Vô-thường” (nghĩa thấp và nghĩa hẹp) thì phải chuẩn bị “chuyển-hóa” tích cực từ hiện tại cho nó, vì nó – bởi nó là gốc gác.

Chúng tôi thấy một số bài ca GĐPT hiện nay đang còn hát ở các đơn vị Gia-đình quả là quá ít ỏi, chưa nói là sai lạc! Như vậy: ngay đến cách làm tiêu cực nhất của chúng ta là: “chỉ bảo tồn Nguyên-xi” cũng không làm được! Bao nhiêu bài đã được Ban-Hướng-Dẫn các cấp sưu tập lại, và in ra phổ biến đến các đơn vị. Nhưng các nơi tập hát kiểu truyền khẩu – không đọc đúng được nốt nhạc! Đàn thì rất rầm rộ, có thể đúng tên nốt mà chẳng đúng nhịp (hình nốt) Đừng lầm lẫn (nhất là đừng tự ái, mà bào chữa): Vì đánh “tiết tấu” (Rythme) đệm hát không phải là nhịp căn-bản của bài hát (!) Thứ nữa các tiết tấu kèm với hợp âm để đệm hát thông dụng hiện nay lại là của loại nhạc “nhảy-đầm” hoặc của nhạc trẻ thời trang hay kích động… chúng ta còn gặp một trở ngại khác là: một số “cây-văn-nghệ” nầy thường “che đậy”, luôn luôn tìm cách chê bai, công kích những gì mà họ không “quen” (!)

Điều nầy không có gì lạ, vì ca nhạc cũng có nhiều xu-hướng, nhiều phong cách khác nhau – khi chúng ta xử dụng mà chưa giới thiệu, bày vẽ gì cho các em, thì trách làm sao được (ngay 1 trò chơi cũng thế thôi)

Ngày xưa sống ở Quê-hương, nó khác: từ nếp sống tình cảm, nghĩ suy… từ bụi chuối sau hè, từ trăng treo ngọn trúc, bài dao ca ru con, tiếng chuông khuya, tiếng gà gáy sáng, rồi giọng hò câu hát … vv… rõ ràng lúc ấy trừ các nhà nghiên cứu, còn chúng ta … hơi ít nói đến truyền thống. Bởi vì không phải ngẫu nhiên mà dân miền Nam thích ca-nhạc-tài-tử hay khoái Vọng-cổ; miền Trung tụ họp nhau… hò hụi, hay ca- thính-phòng, Hò Huế, nghe nhạc-cung-đình, xem Tuồng; người miền Bắc hát Quan họ, múa Chèo… Hát-đám, Hát-hội… vv…

Còn bây giờ tuổi trẻ VN (dù ở đâu) cũng đang bị bứng dần ra khỏi gốc rễ – trước sự tấn công ồ ạt của Văn minh thương mải, vật chất – Như vậy chúng ta không còn cách nào khác hơn là phải học (không phải chỉ có chơi như trước) – nếu chúng ta còn cho rằng: việc tôn trọng gìn giữ những giá trị tinh thần của tiền-nhân phải là một, trong các mục tiêu của tổ chức GĐPTVN

Chúng tôi có Dự-thảo một chương trình học nhạc cho GĐPTVN có Hệ-thống, và dài ngày xin được trình bày ra đây vài điểm chính: Về Thời-gian, Về chương trình: (những cái căn bản cần phải học và hành), Về H.Tr phụ trách bộ môn ca-nhạc…

*Về Thời-gian: Suốt thời kỳ Oanh-Vũ ngoài các bài ca ngắn, vui chơi giải trí, thỉnh thoảng tập cho các em môn “Xướng-nhạc-tiết” và tập nghe phân biệt âm thanh cao thấp, độ ngắn độ dài… biến các bài học thành những trò chơi: xử dụng các pháp khí (chuông, mõ, tang, trống… ) từ gõ đều, đến gõ đan-chen và kết hợp phức tạp dần… Tập đọc các dấu-giọng Tiếng-Việt (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã, không dấu) theo vài ba dạng thang âm Ngũ-cung đơn giản nhất. (các em học thực hành mà chẳng cần phải “Hiểu-Nhạc”). Sau đó mới tập đọc qua thang âm 7 nốt điều hòa Tây phương.

…Rồi ở ngành Thiếu, ngành Thành, Chương trình Lý-thuyết và thực hành về nhạc truyền thống và nhạc Tây phương được tiến hành song song và nâng cao dần (xin xem chương trình dự thảo đính kèm)…

…học “Chính-qui” thì chỉ xin chen vào thời gian học “Trường-Kỳ” của các Huyng-trưởng: cụ thể ở bậc Kiên (1 năm) Bậc Trì (2 năm), Định (3 năm), Lực (5 năm) và 4 bài đúc kết từng giai đoạn cho các trại Huấn-luyện: Lộc-uyển, A-Dục, Huyền-trang, Vạn-hạnh. Tất cả đều Học kiểu Hàm thụ, theo từng “Chúng”, có Bảo-Huynh, Bảo-Tỷ nhắc nhở, chỉ “lên-lớp” khi có sự Hội-học của “Cấp”. Chúng tôi thấy cái khó không phải ở thời giờ, mà khó vì thiếu quyết tâm, không đều đặng, bỏ bớt bài, không thực tập,… nước đến chân mới học lướt qua để lên trình độ tiếp theo… “Âm-nhạc là thực hành không phải lý thuyết mà thành bài bản được”. Để khuyến khích việc học, cũng xin BHD cấp chứng chỉ cho mỗi trình độ.
Hoang Cang
Về Chương trình: Vì không học CHUYÊN (sâu) mà chúng ta phải học “Rộng” hơn: Vừa Truyền thống, vừa Hiện đại. lại phải nhắm vào cả 3 đối tượng: “Thưởng-ngoạn” “Sáng-tác” “Biểu-diễn”. mà “Thưởng-ngoạn” được đặt lên hàng đầu: Vì nếu có được lớp người Thưởng-ngoạn đúng đắn, thì mới có hy vọng uốn nắn hai lớp người kia (người sáng-tác, người biểu-diển) – khi họ vì danh, vì lợi vì cả… bất tài mà tự đánh mất Tính-Văn-Hóa (đây là điều đáng buồn cho một số “thần-tượng” hiện nay, đã thật sự đem đến nguy hại và đảo điên cho tuổi trẻ! hôm nay)

Bởi vậy chúng tôi nói: “Phải biết vỗ tay như Chánh-Pháp” – Vì “vỗ A-dua” “vỗ Tầm-bậy” “vỗ lợi-dụng” – là “vỗ-có-Ý-đồ”,… . là đang tiếp tay giết chết những cái tốt đẹp còn lại của Xã hội… nghiã là: làm cho tất cả mọi thứ: Giáo dục, văn-nghệ, văn-hóa, tôn-giáo, chính-trị… vv… đều bị nguy cơ suy thoái…

-Áp dụng vào chương trình chúng tôi đề-nghị: Vẫn học nhạc theo các phương thức dạy nhạc phổ thông, và qua mỗi bài nâng cao trình độ, chúng ta đặc biệt chú ý đến việc giảng-giải và thực hành những Giai-Điệu với Thang-âm, Điệu-thức VN: từ “Nhị-cung”… ..vì đó là Âm-giọng tiếng nói của con người được phát triển tự nhiên, từ 2 cho đến 5 độ cao (điều nầy mang tính chung-chung của khoa vật-lý) bên cạnh đó là tìm hiểu sự thay đổi “Các Dạng” của Thang-Âm, sự biến chuyển của Điệu-thức để thấy cách sáng tạo tuyệt diệu của Tổ-Tiên mình: làm giàu “Ngũ-cung” bằng những tố chất ở giọng nói của từng địa phương, có ảnh hưởng của môi trường địa lý, phong thổ, nếp sinh hoạt (làm việc, nghỉ ngơi… ) của các vùng, của các miền, mà tạo nên rất nhiều thể loại Văn-nghệ, văn-hóa dân-gian… giàu đến mức vô-cùng-tận!… trong đó có thể nhìn rất cụ thể ở bình diện Âm-nhạc là: sự biến hóa nhuần nhuyển của “6 dấu giọng Tiếng-Việt” (huyền, sắc, nặng hỏi, ngã và không dấu), cộng với đôi tiếng lót, tiếng đệm và luyến, láy… đã góp phần lớn trong sự kỳ diệu nầy…

… Nếu Chúng ta làm được điều nầy, chúng ta sẽ đạt được 2 kết quả rõ rệt:

1/ lần hồi đưa vào tiềm thức lớp trẻ sự phong phú về “Âm-giọng”, về “Âm-điệu” mang tình cảm cùng “hình-ảnh” của các miền Quê hương VN… từ đó các em dễ quay về với mọi cái của dân tộc Mình – Nhân tiện, chúng ta có thể hướng dẫn thêm cho các Đoàn sinh “cách làm Thơ”: (về Gieo Vần, Đối, về Luật, Niêm, Bố-cục… ) Rồi các Em sẽ Quen, sẽ Hiểu, và sẽ Yêu thương chân thành, để tự dưỡng-nuôi, tự bảo vệ cho tâm hồn mình trong xã hội mới mà vẫn giữ được sự dịu dàng, đằm-thắm… chan chứa tình Quê-hương. (Ở chỗ nầy học các âm điệu ngũ-cung có thể bổ sung cho các lớp học Việt-ngữ của các GĐPTVN ở hải ngoại)

2/ Bớt đi được tinh thần vọng ngoại cho một số thanh niên theo Tây-học “Cái-gì-cũng-biết-hết”: nhất định Âm-nhạc truyền thống VN phải tự chết thôi, “nghèo-nàn” quá mà. Cứ thử “Đếm” xem (họ là người thích-đếm) Một bên chỉ có 5 nốt, còn “người-ta” có đến 7 hay 12 nốt – Ai hơn ai nào! (Đáng tiếc là anh bạn ấy còn chưa biết gì về “vi-cung” (người ta đã chia một cung ra thành mấy mươi phần nhỏ nữa) nhưng nguyên nhân sâu xa của nó chính là “sự bế-tắt”. Vì thực tế loại Âm nhạc tràn lan khắp thế giới hôm nay cho “lớp-trẻ” hầu hết vẫn còn nằm trong: chỉ có 2 Âm-thể-chính là “Trưởng” và “Thứ” (!)

Ở phần Nhịp-điệu: Tập “đếm”, tập gõ các loại “Phách”, “Nhịp” … từ chậm đến nhanh, từ đơn giản đến phức tạp. Học hỏi, xử dụng các loại Pháp -khí của Chùa. Dựa vào “tính-chu-kỳ” của các loại nhịp 2/x, 3/x, 4/x, … “nhị phân” (binaire) hay “tam phân” (ternaire)… nhịp đơn, hay nhịp kép mà sáng tạo nên những tiết tấu mới để… giảm bớt sự “độc-tôn” của các tiết tấu khiêu-vũ, nhạc trẻ kích động… .mà hiện nay các “cây Văn-nghệ” GĐPT hay hỏi lại các Anh Chị: “Nếu không dùng NÓ (!) thì dùng cái gì để đệm hát, đệm múa trong sinh hoạt hay trong Lễ-cúng!”…

Tuổi trẻ hôm nay không thích chịu “sự Áp-đặt” : “Các Em phải chọn cái nầy, không được thích cái kia!”… Chúng ta phải cho các Em trực diện… rồi phân tách, dẫn giãi để thuyết phục… Như vậy về căn bản, ít nhất các Em phải có một sự hiểu biết phổ thông về: nhạc cổ-điển (phương Tây), nhạc nhẹ, nhạc trẻ, nhạc nhảy, nhạc Jazz, nhạc thời trang… .vv… và cũng chính ở đây chúng ta sẽ rút ra một số điều cần phải tiếp thu học tập. (tham khảo ch/tr học Nhạc của Bậc Định 3 năm) (Tất cả những cái TƯƠNG-ĐỒNG và DỊ-BIỆT đó phải được Giảng giải, So-sánh – Đối chiếu cùng một lúc, trong mỗi tiết học)

… Tương lai chúng ta sẽ có một đội ngũ sáng tác Âm-nhạc Phật-Giáo (nói chung) Không-chuyên nhưng vững vàn để tiếp nối bước đi của các Anh Chị mình một cách xứng đáng, và để “Xây dựng xã-hội trên tinh thần Phật-Giáo” (Hiểu-biết và Thương-yêu)… các đề tài bài hát cũng phải mở rộng, đi vào mọi tầng lớp sinh hoạt quần-chúng – từ khi sinh ra cho đến khi chết… biết bao là”hiện-tượng” Được-mất, Khen-chê, Vinh-nhục, Khổ-vui (Bát-phong)… tất cả, tất cả đều không thiếu lời Phật-dạy… Chúng ta phải đem cho được những Lời-dạy quí báu nầy vào thẳng trong kiếp sống nhân sinh mà “Phục-vụ-Xã-Hội”- đây là tinh thần “Tứ-Nhiếp-Pháp”. Và GĐPT là thành phần đến học đạo ở chùa, mà… không được ở chùa – Phải trở về nhà, Vào… chợ, thì cũng nên có những “bài-hát” để hát… ngoài chợ, trong nhà… chứ những “bài ca sinh-hoạt nội bộ” thì đã để lại ở chùa, mỗi tuần mới được hát 1 lần … 5, 10 phút… mà tuổi trẻ thì… .thèm ca hát lắm!

Kính thưa

… Cũng có thể coi như từ đầu đến giờ, chúng tôi nói rặt toàn là lý-thuyết – (nếu như không có con người cụ thể để thực hiện), Chúng tôi cũng biết: đề nghị một cái gì mới đã khó, mà chuyển đổi một cái gì đó đã thành nếp thì còn khó hơn, và kết cục thường là thất bại trong sự thờ ơ của nhiều người… Chúng tôi đã gặp câu hỏi: Thôi thì cứ cho là “Nó hay đi” nhưng các Gia-Đình lấy đâu ra số H.tr hạt nhân văn-nghệ “Mới” để hướng dẫn chương trình học nhạc “kiểu-đó” (!) … Chúng tôi xin thưa theo lời Phật dạy: “Nếu suy nghĩ mới – thì thành con người mới – chứ mới ở đâu ra” bởi vì: chỉ cần người hướng dẫn thực hành “Đúng” được từng ký hiệu căn bản của nhạc phổ-thông là có thể xem sách và theo bài soạn sẵn mà học và dạy được – không có gì là khó khăn cả, cái khó duy nhất vẫn là sự cực đoan – chen kẽ với sự che đậy: Vì, “Cái gì cũng biết hết – nên cái gì cũng cần phải chê”!…

… Do có nhiều trăn trở, mà chúng tôi mạo muội trình bày những thiển-ý trên, chắc chắn nội dung đã có nhiều điều sai lầm… nhưng vẫn hy vọng trong tinh thần “Kiến-hòa đồng giải”, “Ý-Hòa đồng duyệt”… và sự lớn mạnh của tổ chức mà sẽ giúp nhau tìm ra một giải pháp cho việc phát triển Nhạc GĐPTVN và Nhạc Phật-Giáo V.N (nói chung)…

Cũng đừng quá … Tùy-duyên – “mà đợi cái Thuận-duyên”, Cũng đừng quá dễ dãi mà nghĩ đơn giản la:ø “chúng ta có thể đem “NHẠC-TRỜI” đến cho bất kỳ cái đám đông ồn ào nào”, vì giữa sự “Phát và Thâu” của một âm thanh – đều phải có một tần số thích hợp… .Đã thế “Nhạc-trời” của chúng ta càng ngày càng hiếm hoi, thậm chí có một số “bài ca Phật-giáo” hình như là… cương ra, “nghiển” ra mà hát! (nghiển-ra chứ không phải nghĩ-ra) (!) Bởi vì có nghĩ suy mà ghi lại, thì dù chưa hay cũng có thể gọi là một “sáng-tác”… . như của chúng tôi!

KẾT LUẬN

Vấn đề Văn-nghệ – nhất là ca nhạc cho tuổi trẻ hôm nay – Ví như hình ảnh một đám cháy lớn, với một nhóm người có ít cái gáo dừa trong tay, bên cạnh một cái giếng hoang (vì bỏ quên) nhưng đầy nước trong mát… Họ cảm thấy chưa thể… “An-vui” được, tay chân còn muốn… ngọ-nguậy, vì họ thấy… phí thời-gian-sống quá, nên chẳng sợ quí vị trí giả “thức-thời”, (đứng ngoài và đứng xa) lắc đầu, cười chê… Họ cùng nhau tẩm ướt các cây xanh chung quanh vùng lửa, dù ít nhiều thì vẫn còn hơn cứ im lặng… mà đợi chờ. Đợi chờ cái… “Thành-Trụ-Hoại-Không” (!) (như một số “cao-kiến” hay khuyên lơn họ!) Bởi thật ra làm gì có “cái KHÔNG” – vì nếu có “một cái không” thì đã thành một tỷ cái có rồi!… Nên họ cám ơn, và vẫn cần mẫn tiếp tục tìm cách vượt qua từng khó khăn, trên bước đường 60 năm theo các Thầy, Cô và các Anh-Chị-Em của mình.

… Nhưng, dù sao hôm nay Chúng ta cũng đã có một niềm vui lớn, với một hình ảnh hiện thực là: GĐPTVN mỗi ngày mỗi lớn, đang dang rộng vòng tay kết nối – thân ái Lục-Hòa ở mọi chiều, mọi hướng trên nhiều châu lục bằng con đường Bi-Trí-Dũng.

… Trên tinh thần phấn chấn, củng cố để mở rộng, Chúng tôi trình bày bài viết nầy như một tham luận, mong được sự chỉ dẫn, góp ý của Quí Thầy, Cô, của các Anh, Chị lớn, Cùng toàn thể Anh-Chị-Em Huynh-trưởng GĐPTVN.

Trân-trọng

Nguyên-Định Bửu-Ấn
Leesburg, Virginia, july 29, 2003

 

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi