Tứ Diệu Đế và 12 hành chuyển – Phước Châu

Chuyên Mục: Phật Pháp, Tác phẩm 66 0

Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản, tối quan trọng trong hệ thống giáo lý, là tinh hoa, tâm yếu trong Phật Pháp. Trong chương trình tu học ngành Thiếu đã bắt đầu gieo hạt Tứ Đề từ bậc Trung Thiện. Ngay khi mở trại huấn luyện huynh trưởng sơ cấp Lộc Uyển, trại trường đã truyền trao bài Pháp đầu tiên này. Tuy nhiên, với thời gian có hạn, mới chỉ là biện giải khái niệm, khai khẩn đất tâm, gieo hạt, rồi chờ các duyên lành để gặt hái – cũng là tùy do căn duyên của các huynh trưởng tương lai. Nếu còn tiếp bước con đường tu học huynh trưởng, chúng ta sẽ hội ngộ bàng bạc nghị luận nhân duyên trong các kinh điển giáo lý đại thừa.

Tuy nhiên, đây là pháp hành căn bản trong sự tu tập giải thoát mà tự mình cố gắng tiếp thu, suy tư nghiền ngẫm, nỗ lực tinh cần. Nên nhớ 2600 trước Ấn Độ chưa có chữ viết hay giấy viết, chủ yếu thấy nghe, ghi nhớ là chính nên lúc năm anh em Kiều Trần Như nghe Pháp – qua mỗi đế đều trải qua ba thời kỳ: Thị chuyển pháp luân – Khuyến chuyển pháp luân – Chứng chuyển pháp luân. ấy là biểu tượng ba thời kỳ chuyển Pháp Luân, thứ tự như Văn huệ – Tư huệ – Tu huệ (văn –tư – tu theo phương pháp Phật Đà), trải qua bốn Đế, mỗi Đế đều trải qua 3 lần thị chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển như vậy, nên được gọi là tam chuyển pháp luân thập nhị hành.

Sau khi thành đạo, đức Phật liền nghĩ đến việc đem giáo lý vừa chứng đạt truyền bá cho chúng sanh. Quán sát thấy nhân duyên và căn cơ của năm anh em Kiều Trần Như có thể khai ngộ được, đức Phật đến  Lộc uyển, cách xa Bồ Đề Đạo Tràng 300 dặm, thuyết bài pháp Tứ Diệu Đế, đây là bài pháp đầu tiên. Tứ Diệu Đế là giáo lý nền tảng của Phật giáo và được xem là thiện pháp tối thắng.

Đại Đức Xá Lợi Phất (Sariputta) đã từng nhận định:

“Chư hiền giả, ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị thu nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này là to lớn trong tất cả dấu chân về mặt to lớn. Cũng vậy, chư Hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong tứ Thánh đế” — (Trung Bộ I, kinh Tượng Tích Dụ, đại kinh trang 184)

Pháp luân thường chuyển như bánh xe pháp quay, như vấn đề giáo dục và tu hành theo chánh Pháp, phải được đều đặn, liên tục, không dừng nghỉ. Trong đời, nhiều lý do bận rộn làm cho chúng ta xao lãng việc tu hành, đến khi nhàn rỗi thì tuổi tác đã cao, tinh thần khí lực đã cạn, việc tu hành càng khó hơn.

Tiếp tục tìm tòi học hỏi, các huynh trưởng GĐPT biết thêm trong thời Tứ Đế có ba lần chuyển pháp để năm anh em Kiều Trần Như đắc thánh quả A La Hán trong “Tam chuyển pháp luân thập nhị hành”

Tam chuyển pháp luân thập nhị hành: Tam chuyển pháp luân gồn có ba phần đó là thị chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển. Đây là ba lần quay bánh xe chánh pháp. Đức Phật chỉ rõ thực tướng của đời sống là khổ, nói rõ nguyên nhân dẫn đến khổ, phải dứt nguyên nhân gây khổ đó và biện pháp dứt khổ, gọi là thị chuyển. Kế tiếp khuyến tấn năm anh em Kiều Trần Như hiểu rõ nỗi đau khổ đó và khích lệ năm người bạn đồng tu phải nhận ra  nguyên nhân khổ, phải dứt trừ nguyên nhân và biện pháp dứt khổ, gọi là khuyến chuyển. Sau cùng đức Phật nói tự chính bản thân Ngài đã thực hiện và đã hoàn toàn giác ngộ – “Dĩ thân tác chứng”, lấy kinh nghiệm tu hành tự thân ra làm nền tảng bảo vệ chân lý để thuyết phục chúng sanh nỗ lực hành trì theo những gì đức Phật đã làm, đây gọi là chứng chuyển. Vì mỗi đế đều có ba chuyển nên bốn Đế cộng lại thành 12 hành; nên gọi là tam chuyển pháp luân thập nhị hành.

Đức Phật đã trình bày rõ ràng, cụ thể tri kiến như thật về Tứ Diệu Đế qua “ba chuyển “,và “mười hai hành”.

Về diệu đế thứ nhất: Khổ đế (dukkha) có ba luận điểm,”Đó là khổ (thị chuyển). Dukkha phải được hiểu (khuyến chuyển). Và Dukkha đã được hiểu (chứng chuyển)”.

Diệu đế thứ hai: Tập đế (Sameda Dukkha) có ba luận điểm, đó là “có căn nguyên của đau khổ, là sự ràng buộc của dục vọng (thị chuyển). Dục vọng phải được buông bỏ (khuyến chuyển) . Và Dục vọng đã được buông bỏ (chứng chuyển)”.

Diệu đế thứ ba: Diệt đế (Nirodha Dukkha)- Có sự đoạn trừ đau khổ của dukkha (thị chuyển). Sự đoạn trừ của dukkha phải được nhận thức (khuyến chuyển). Sự đoạn trừ của dukkha đã được nhận thức (chứng chuyển)

Diệu đế thứ tư: Đạo đế (Nirodha Gamadukkha)- Có Bát chánh đạo, đường ra khỏi dukkha (thị chuyển). Đường đi này phải được phát triển (khuyến chuyển). Đường đi này đã phát triển toàn diện (chứng chuyển)

Đạo đế còn được gọi là Thánh Đạo (Ariya Magga) hay là Chánh Đạo. Tám phương pháp chân chánh nhất để tu tập giải thoát. Để phát triển thánh trí, các phiền não đều đoạn tận, chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối và phát tâm tu trì, phải thực hành, điều khiển tâm ý từng phần, từ cạn đến sâu, đều đặn mỗi ngày, mỗi khi, mỗi lúc tâm trạng xấu hiện ta phải nhận biết để sửa đổi. Trong Bát chánh đạo, tổng quản là Chánh tri kiến (samma ditthi), cái nhìn cảm thấu về sự vật, sau mỗi tầng bậc tu tập, Chánh kiến sẽ thay đổi cái nhìn, tức là thay đổi bảy chánh còn lại, như Chánh tư duy (samma sankappa) cũng sẽ thay đổi, chánh ngữ (samma vaca)từ đó cũng thay đổi, tạo một Chánh nghiệp (Samma Kammanta) và Chánh mạng (samma ajiva) mới mẻ an lành hơn. Chánh tinh tấn (samma vayama) trong Chánh niệm (samma sati), Chánh định (samma samadhi). Hoặc có thể nói, thay đổi bảy Chánh sau theo Tam vô lậu học: Giới – Định – Huệ , sẽ ảnh hưởng đền sự thay đổi từ Chánh tri kiến. Trước sự tu tập làm ta thay đổi từ Chánh mạng với Giới đã thọ, từ đó Chánh Nghiệp sẽ bớt tội chướng, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ sẽ phát triển theo hạnh lành. Chánh Tinh tấn là tiến bước tịnh tu đều đặn theo Chánh Niệm, Chánh Định, Đến khi Chánh Tri Kiến nhìn ra thực tướng của các Pháp là.. không có gì!

Thế nên, thực hành Tứ Diệu đế trước phải lắng nghe (Văn huệ), rõ biết và xác nhận (thị chuyển), vận dụng suy tư chân chánh (Tư huệ) để quán sát, cảm thấu, thực hành (khuyến chuyển), tinh tấn tu hành (Tu huệ) trong chánh niệm, chánh định đã thuần thục (chứng chuyển). Là ba giai đoạn vận hành liên tục để đi đên Đạo đế.

Chúng ta thấy, đức Phật đã giảng dạy và hướng dẫn thực hành có hệ thống, mạch lạc qua bài Pháp Tứ Diệu Đế, khác với cách học Phật như “cưỡi ngựa xem hoa” của chương trình học Phật GĐPT đề ra về Tứ Đế.

Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng trong mọi pháp hành, đó là Thân giáo, dĩ thân tác chứng- lấy kinh nghiệm thực chứng của giảng sư mà dạy dỗ Phật tử. Sau này, có một sự tôn trọng không hề nhỏ khi chúng ta thường gọi là “chia sẻ”, thay vì giảng dạy trong các pháp thoại. Trước kia GĐPT thường thỉnh chư Tăng Ni cố vấn thuyết giảng là vì nương tựa Tăng già và kinh nghiệm tu chứng của các vị, về sau, hướng dẫn bài này thường trao cho các huynh trưởng cấp cao. Học xong bài rồi cho qua, phần thực hành lại ở những bài khác, nên không liền lạc. Lý thuyết nều không tư duy chân chánh thì sẽ không thể thấy được thực tướng của các pháp, Chánh tri kiến sẽ không suy suyển nếu ta cứ cố chấp, hoài nghi, do không tinh cần nên cũng không thấy được thực tướng vạn pháp.

Anh chị em chúng ta, có ai đã từng nếm trải qua mùi vị của “Tứ gia hạnh bị”, con đường đi đến Tứ thánh quả chưa? Có nhiều huynh trưởng do tinh tấn mà đã được nếm qua những hiệu quả tu tập của Noãn pháp, Đỉnh pháp, Nhẫn pháp, và Thế đệ nhất pháp, nếu tiếp tục tinh tấn phá được kiết sử Thân kiến, giới cấm thủ, nghi.. sẽ dần đi tới Tứ thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A La hán.

Do Tứ gia hạnh bị chỉ là những công phu “vén mây, quét gió” mở đường cho người tu tập tinh cần, nên những hiện tượng như, vầng sáng trên đỉnh đầu, bước đi nhẹ như mây, tâm định như đất, thân như tường vách.. đều không bền, còn có thể làm cho ta thoái tâm khi gặp chướng ngại, phải tinh tấn giải trừ các kiết sử (thân kiến,giới cấm thủ kiến..) tiến vào Tứ thánh quả mới thành Bất thối.

Này anh chị em, hãy cùng tôi trở về lại không gian Lộc Uyển với thời khắc mà Thế tôn thuyết pháp độ 5 anh em Kiều Trần Như với bài pháp Từ Diệu Đế,  ba chuyển và 12 hành.

Phước Châu

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi