Câu chuyện lửa tàn – Dũng 2017 – Đức Quảng

Chuyên Mục: Câu chuyện lửa tàn 162 0

Thoát sự “trói cột”

 D 03721364_n

Kính thưa quý anh chị,

Cùng các trại sinh thân mến.

Giờ này, ánh lửa đã dần tàn, cuộc vui dù có thâu đêm rồi cũng phải kết thúc, trả cho đêm thâu sự tĩnh lăng cố hữu của nó. Chúng ta đang có sự tĩnh lặng hiện diện và soi chiếu tâm hồn đang lắng dần sau một ngày hoạt động thân tâm không ngừng chuyển động để chúng ta tự hỏi tại sao mình lại có mặt trong rừng sâu đêm nay!

Ngọn lửa nhiệt thành từ các em đã bốc cháy vô tư, không lo lắng, không tính toán trong lửa trại đêm nay để cân bằng, điều hòa những áp lực học đường, xã hội từng ngày qua gây bao sự âu lo thường trực ngày đêm trong tâm trí các em, từng ngày qua chúng ta bị trói buộc vào những cổ xe và phải kéo lê chúng trên những con đường gai góc. Tuổi trẻ tại các thành phố lớn, mặt trời chưa lên đã phải thức dậy đi học, học chính, học phụ, học thêm có khi đến đêm tối mới về; ngày nghỉ, ngày lễ, nghỉ hè.. đều phải tập trung để học. Các bậc phụ huynh ngoài cái nuôi ăn, nuôi học cho các em ra còn phải tự mình đưa đón suốt thời kỳ mẫu giáo, tiểu học, trung học, cho đến đại học – giờ mở trường, tan trường lúc nào đường cũng chật cứng xe của các vị phụ huynh. Chung quy cũng chỉ một chữ “Lo”, lo các em lêu lỏng, lo các em gặp bạn xấu.. là rắc rối hỏng đời – Gái đã lo, trai càng lo hơn!

Thời đại này, trên tay mỗi người từ già đến trẻ đều có thể nắm “thế giới” trong một lòng bàn tay! Đó là chiếc điện thoại Smart phone lắm trò, đủ kiểu – khiến cho một gia đình tuy ngồi chung với nhau mà mỗi người mỗi chăm chú vào màn hình điện thoại tìm thú vui riêng mà kém ý thức về sự đoàn tụ quay quần tạo niềm vui cho nhau, đó cũng là một cách bị “bắt làm nô lệ” nếu mình không tự chủ, và ý thức đã vắng mặt trong đời sống.

Hôm nay, có một đoàn áo lam đã từ bỏ những thú vui, nỗi lo của cuộc sống và chúng ta đang ngồi bên nhau quanh bếp lửa tàn – ở đây không có máy điều hòa, quạt điện, phòng ốc, giường ngủ … tiện nghi. Đêm nay, chúng ta cùng màn trời chiếu đất, lều trại, võng giăng trong rừng sâu này cùng nghỉ qua đêm, mai lại lên đường đi tiếp, để cuộc đời chúng ta bớt.. hư hỏng vì lệ thuộc đời sống tiện nghi. Tôi nhớ, lúc thiếu thời, sáng hay chiều đều tập thể dục, chạy bộ và các tư thế Yoga, sức đi bộ vác nặng có khi đi đến 15, 17 Km – tôi cho giai đoạn đó là “trui rèn” thể lực để có khả năng chịu đựng bền bỉ đến lúc tuổi già, nhưng có giai đoạn thể lực tôi bị “hư hỏng” là lúc tôi không đi bộ, đi xe đạp nữa mà lúc nào cũng chạy xe gắn máy và làm việc không ngừng; Chân bị nhỏ dần và đầu óc lại “to ra”, sức khỏe càng lúc càng giảm sút.

Giáo dục ngoài đời hay trong đạo đều chủ trọng đủ ba phương diện: Đức – Trí – Thể dục. Đức là đạo đức, lễ nghĩa, là tư cách con người; Trí là học vấn, là tri thức nâng cao trình độ và làm người hữu dụng với cái học của mình; và Thể dục là luôn rèn luyện sức khỏe bản thân – sức khỏe của tuổi trẻ các em có sự tương quan mật thiết đến sự cường thịnh hay suy vong của đất nước cùng nhiều thế hệ về sau. Thế nên các em phải đưa lịch thể dục, rèn luyện thân thể của mình mỗi ngày thành nề nếp thường nhật. Thiếu cái này, các em tuy khỏe mà không bền, sức chịu đựng không nhiều, làm nặng hay đi xa rất dễ thấm mệt, càng lớn tuổi càng dễ bị suy vi. Hiện nay, trong các thành phố lớn đang phát triển loại thể dục, phòng gym, Yoga từ cao cấp đóng phí vài ba triệu đến dạy miễn phí để giúp người ta xả stress, cân bằng đời sống và tăng sức đề kháng, nhưng chính vì miễn phí hay học phí rẻ mà chúng ta có thể bỏ dỡ việc tập luyện – không có nề nếp, thói quen tốt, học sinh ngày nay có thể ngủ sâu đến trưa trong những ngày nghỉ học, sự tăng trưởng các tuyến nội tiết về nam nam – nữ nữ dễ bị rối loạn! Hiện tượng này càng lúc càng rộng lớn như vết dầu loang trên khắp thế giới.

Các nhà sư Tây Tạng, Bhutan… vùng cao nguyên Hymalaya nghìn đời nay vẫn tuân thủ phương pháp thể dục Yoga gọi là “Suối nguồn tươi trẻ” Các vị tăng Việt Nam có phương pháp “Đảnh lễ Vạn Phật” đều đặn mỗi sáng.. đều là những phương pháp hữu hiệu rèn luyện thân thể chúng ta phải tìm hiểu và thực hành. Mới đây, có những thanh thiếu niên tuổi đời như hoa, như mộng vì mắc bệnh hiểm nghèo mà sớm bạc mệnh lìa đời. Đau xót lắm phải không? Tuy chúng ta có thể nói là nghiệp, là thọ mệnh ngắn ngủi, nhưng mình có thể làm được những điều gì để phòng bệnh, để tăng thêm năng lượng,  sức đề kháng thì không nên từ nan.

Các em đến chùa là học cách giải tỏa và đối trị các phiền não của tâm. Biết giảm chế sự tham dục mong cầu là nguồn gốc gây đau khổ làm ngạ quỷ; biết hóa giải sự nóng giận, ganh tỵ để giảm bớt sức nóng của địa ngục; biết tỉnh giác khi mình bị si mê hấp dẫn cuốn hút mình vào sa đọa vào loài súc sinh; biết dũng mãnh đối diện với sự thật và chấp nhận trải qua trăm ngàn nguy khó để làm.. Phật tử chân chánh. Các em thường xuyên đến chùa mà không rèn tập được các đức tánh từ năm hạnh có phải là uổng phí lắm không!

Đêm nay, trong trại này. Chúng ta không thiếu những bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, trưởng phòng, giám đốc… có học vị cao và điều kiện sống hưởng thụ cao trong xã hội, nhưng tất cả khi mặc áo màu lam đều biết ăn cơm bụi, phân biệt các loại rau rừng, đều cùng ngủ chung.. màn trời chiếu đất, và đều biết nhoẻn miệng cười dù trong trăm đắng ngàn cay. Đêm đã khuya và lửa đã tàn chúng ta cùng hát chung bài ca cuối lửa trước khi lặng im  đứng lên và thong thả đi về lều trại.

Đức Quảng

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi