Tài liệu tu học bậc Lực – Kinh Hoa Nghiêm phần 5 – Phẩm Nhập Pháp giới

Chuyên Mục: Phật Pháp 496 0
  1. Lược giảng Phẩm Nhập Pháp giới:

Như chúng ta đã thấy  Kinh Hoa Nghiêm ghi lại những lời Phật thuyết giảng  diễn ra trong 9 hội Hoa Nghiêm. Hội thứ 9 là hội Nhập Pháp Giới, cũng là Phẩm Nhập Pháp Giới – phẩm thứ 39 của kinh.

Riêng Phẩm Nhập Pháp Giới nói lên con đường cầu đạo, tu đạo, và từng bước để đạt đến vô thượng Bồ Đề của Bồ tát, mà ở đây lại là một đồng tử Thiện Tài đã cầu đạo 53 thiện tri thức. Từ những bậc Bồ tát như Di Lặc bồ tát, Quán Tự Tại bồ tát, Văn Thù Sư Lợi bồ tát, Phổ Hiền bồ tát, cùng các bật Tỳ Kheo: Thiện Trụ tỳ kheo, Hải Tràng tỳ kheo, Hải Vân tỳ kheo, Đức Vân tỳ kheo… Cầu học ở hàng Cư sĩ : Cư sĩ Minh Trí, Cụ túc Ưu bà di, Bất Động Ưu bà di.Cho đến cầu đạo ở các cô bé, cậu bé như Từ Hạnh đồng nữ, Tự tài Chủ đồng tử..Thậm chí cầu đạo với ngoại đạo:  Bà la môn Thắng Nhiệt, Bà la môn Tối Tịch Tịnh, và  Kỷ nữ Bà-Tu-Mật-Đa..

Lúc bấy giờ bồ tát Văn Thù rời khỏi Thiên Trụ lâu các, dẫn vô số Bồ tát đi về phương nam để đến Ta La thực hiện chương trình hoằng hóa.Tôn giả Xá Lợi Phất dẫn 6000 tỳ kheo trẻ tuổi đến rừng Thệ Đà ở Ta La thì gặp Văn Thù Sư Lợi đang giáo hóa chúng sanh. Xá Lợi Phất giới thiệu 6000 tỳ kheo trẻ tuổi và tán dương một con người siêu việt có trí tuệ tuyệt luân, có tâm lượng mở bao dung: Bồ tát Văn Thù. Nhân đấy Bồ tát dạy 6000 đệ tử phải biết khiêm hạ, kham nhẫn, và tâm nguyện không bao giờ biết mệt mỏi trong hành trình tu tập và phục vụ Đạo Pháp, phục vụ chúng sanh.

Tại đạo tràng này Văn Thù bồ tát thuyết giáo cho vô số cư sĩ nam nữ, vô số thanh niên nam nữ.Trong đó Ngài chú ý đến một cậu bé có tư cách đặc biệt, đó là Thiện Tài đồng tử, bằng im lặng nhưng  ngời sáng cá tính đặc thù.Văn Thù bồ tát nêu lên tính cách thâm sâu và quảng đại của Phật Pháp, sự thành tựu cao cả của Phật thừa, chí nguyện bao la không cùng tận của Bồ tát đạo, gợi lên ở mọi người tâm tự giác vô thượng, chí nguyện vị tha vĩ đại. Rồi Ngài bỏ đi. Thiện Tài nhìn theo.Lý tưởng Phật thừa và chí hướng Bồ tát đạo đã được khơi dây trong lòng Thiện Tài đồng tử. Thiện Tài vội vã theo gót Văn Thù mong cầu được chỉ dạy con đường học hỏi và thực hiện Bồ tát đạo.

Bồ tát quay lại nhìn Thiện Tài  ca ngợi chí nguyện cao cả rồi chỉ giáo vắn tắt: “Gần gũi và phụng sự các thiện tri thức, là nhân duyên tối sơ để thành tựu nhất thiết trí, do đó đừng bao giờ mệt mỏi với điều này”

Bồ tát Văn Thù còn dạy thêm: “Muốn thành tựu Nhất thiết trí cần phải quyết định tìm đến chân Thiện tri thức,với những bạn hiền, đừng bao giờ mệt mỏi trong việc tìm bạn và không bao giờ xao lãng những điều khuyên bảo tốt đẹp của bạn hiền,cũng đừng bao giờ tìm tòi những khuyết điểm của bạn hiền.Rồi Ngài chỉ đường cho Thiện Tài đi về hướng nam để học hỏi những điều cần học.

Phần chính văn trong kinh như sau (bản dịch của hòa thượng Trí Tịnh):

***… Bồ Tát Văn Thù đi qua phương Nam, tới Phước Thành Ngài dừng lại ở cửa phía Đông, an trụ nơi đạo tràng trang nghiêm trong rừng Ta La. Nơi đó có một ngôi cổ tháp rất to lớn. Đây là nơi trước kia Đức Phật đã trải qua nhiều kiếp an trụ để giáo hóa chúng sanh. Đây cũng là nơi mà xưa kia Đức Thế Tôn đã từng tu hạnh Bồ Tát thường xả bỏ vô lượng những điều khó bỏ. Cho nên chỗ này được khen ngợi và nổi tiếng khắp cả mười phương thế giới Chư Phật và đây cũng là nơi tất cả trời rồng cùng tất cả các bộ thần, phi nhơn đều đến cúng dường. Ngài Văn Thù biết số người trong Phước Thành đã nhóm họp đông đủ. Trong những thanh niên đến nghe pháp, Ngài chú ý đến một thiếu niên có những tư cách đặc biệt, đó là Thiện Tài Đồng Tử.

Thiện Tài Đồng Tử khi mới sanh ra thì châu báu từ dưới đất trồi lên đầy nhà nên cha mẹ đặt cho ông tên này, đây là phước đức của một người đã từng cúng dường vô số chư Phật. Đồng Tử có nghĩa là trẻ thơ, trẻ thơ là biểu tượng của một người đã đạt đến tâm bình đẳng vô lo, vô phân biệt, tượng trưng cho căn bản trí.

Ngài lại quán sát rõ biết Thiện Tài nhiều kiếp đã từng cúng dường quá khứ chư Phật, trồng các căn lành, đức tin rộng lớn, sức hiểu biết cao xa. Thiện Tài cũng thường hay gần gũi vui ưa vị Thiện Tri Thức, thân, ngữ, ý nghiệp không hề sanh lỗi quấy. Đồng Tử luôn thực hành Bồ Tát đạo, cầu nhất thiết trí, thành tựu pháp khí, tâm tánh thanh tịnh cũng như hư không.

Bồ Tát Văn Thù nhận thấy Đồng Tử có những cá tính sáng ngời, sau này sẽ thành bậc đại Bồ Tát, xiển dương Phật Pháp, hóa độ chúng sanh, có đầy đủ ba yếu tố hành Bồ Tát đạo: sức khoẻ, công đức và trí tuệ. Có sức khoẻ mới vượt qua được khó khăn gian khổ đầy dẫy của cõi Ta Bà này; có công đức mới dám vào cảnh đới ngũ trược; có trí tuệ mới không sa vào cạm bẫy của ngũ dục thế gian và phát sanh được đức nhẫn.

Đầu tiên, Thiện Tài gặp Văn Thù tức là căn bản trí. Văn Thù tiêu biểu cho trí tuệ nên khởi đầu chúng ta tu học đến với Đức Phật bằng tri thức, không có tri thức thì không vào được đạo. Nhờ tri thức rọi sáng tâm ta, nếu không có chúng ta dễ thành người mê tín tà đạo. Thiện Tài là người có tri thức gặp được Văn Thù đã từng bước thâm nhập giáo lý Phật.

Dưới sự chỉ bảo của Văn Thì Sư Lợi Bồ tát, Thiện tài vô hình trung đã đặt bước chân đầu tiên vào “pháp giới”, bắt đầu cuộc hành trình tìm cầu Thiện Tri Thức để học Bồ tát đạo, tu Bồ tát hạnh sau khi đã phát tâm Bồ Đề. Không cần biết sẽ mất bao lâu, không quan tâm là sẽ gặp những ai, cứ ở đâu có Thiện Tri Thức là Thiện Tài tìm đến với một tinh thần cầu học, một niềm khát khao tri thức để đạt được cảnh giới Bồ tát giải thoát.

Khác với Thiện Tri Thức trong đời thường, Thiện Tri thức trong kinh Hoa Nghiêm là những người thông đạt giáo lý, có trình độ tu chứng đắc các pháp môn tam muội, pháp môn giải thoát, thiền định và trí tuệ. Nhờ sự giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình của họ mà Thiện Tài tiến tu, sự giác ngộ của Thiện Tài được tăng trưởng. Chính vì vậy, có thể nói, Thiện Tri Thức là yếu tố thứ hai sau yếu tố tiên quyết: phát Bồ Đề Tâm. Thiện Tri Thức là người trợ duyên đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo tri thức cho Thiện Tài Đồng Tử.

Giờ đây, một “pháp giới” rộng lớn mở ra, bên trong có các “pháp giới” khác nữa thể hiện trong 53 lần tham vấn đạo của Thiện Tài.

Pháp giới là gì? Pháp là các Pháp, Giới là Cảnh giới, giới hạn. Pháp Giới là cảnh giới chung của chúng sinh. Dù người hay vật đều cùng có tánh lành như nhau. Các Pháp Đều có thể tánh riêng, do cảnh giới không đồng cho nên phải phân ra từng cảnh giới. Mỗi cảnh giới là một Pháp Giới như mười cảnh giới: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh Văn, Trời, Người, A-Tu-La, Qủi, Súc Sanh, Địa Ngục gọi là mười Pháp Giới.  

Nói một cách tổng quát tất cả các pháp trong thế gian, sự vật trong vũ trụ, đều gọi chung là Pháp Giới. Trong vũ trụ vô cùng vô tận, trải qua thời gian, lúc nào và nơi nào cũng có Phật Pháp, gọi chung là Pháp Giới (cõi Pháp của Phật). Trong đời thuyết pháp độ sinh của Đức Phật, Ngài dạy vô số pháp môn, tất cả những Pháp Môn ấy cũng gọi là Pháp Giới. Tất cả những Sự, Lý trên đời đều gọi là Pháp Giới.

Trong phần mở đầu của Pháp hội Pháp giới Thể tánh vô phân biệt, kinh Đại Bảo Tích do pháp sư Mạn-đà-la đời Lương dịch, Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thuyết pháp:

“Đức Phật dạy: Ông nên nói về nhân duyên pháp giới thể tánh.
Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả các pháp giới là pháp giới thể tánh. Ngoài pháp giới không có cái gì để được nghe. Vì sao Đức Thế Tôn bảo nhân nơi pháp giới mà nói về pháp?


Đức Phật nói: Này Văn-thù-sư-lợi! Chúng sanh kiêu mạn nếu nghe pháp này sẽ sanh lòng kinh quái.

Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp giới thể tánh không có kinh quái. Sự kinh quái ấy tức là pháp giới thể tánh”. Pháp giới là vũ trụ, gồm cả vô tình và hữu tình. Pháp giới thể tánh là thể tánh của vũ trụ. Lời thuyết pháp đầu tiên của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi là “Tất cả các pháp giới là pháp giới thể tánh”.

Tất cả các vũ trụ, tất cả những gì hiện hữu, sắc thanh hương vị xúc pháp, mắt tai mũi lưỡi thân ý, căn trần thức tổng cộng là 18 giới, tất cả không gian thời gian là thể tánh của pháp giới. Nói cách khác, tất cả các hiện tượng đều là bản thể, tất cả mọi tướng xuất hiện đều là thể tánh.

Không có một cái nghe, cái thấy, cái hiểu, cái xúc chạm nào có thể ở ngoài pháp giới, nghĩa là ở ngoài pháp giới thể tánh. Tất cả các tướng đều là tánh, tất cả các pháp đều là “pháp giới tánh” (chữ của kinh). Đây là cái thấy trực tiếp của một vị Đại Bồ-tát. Nhưng khi nói ra sự thật này, những người còn chìm đắm, còn bị chấp chặt không thể không kinh quái. Sở dĩ kinh quái vì chúng ta đã ở quá lâu trong một thế giới phân biệt, các sự vật tách lìa nhau, chống trái nhau vì sự cứng đặc nặng nề của chúng. Đây là do cái thấy lầm tất cả có bản chất riêng, bản tánh riêng, tự tánh riêng. Sống quen trong thế giới của sự khác biệt do vọng tưởng như vậy nên khi nói tất cả là pháp giới thể tánh, nghĩa là tất cả là một thể tánh, và thể tánh ấy là vô phân biệt, thì người bình thường kinh sợ, quái lạ.

Trong pháp giới thể tánh không có nhiễm hay tịnh, vì điên đảo vọng tưởng mà chúng sanh tưởng ra một thân và một tâm, cho là có ngã của mình, từ đó có tưởng tôi (ngã tưởng) và cái khác với tôi (tha tưởng). Đã có tâm thì có các hoạt động của tâm (tâm sở) dựa trên các đối tượng hư vọng, từ đó có ra các hành động (nghiệp) thiện và bất thiện. Vòng sanh tử luân hồi xoay mãi như vậy.

 

Thiện Tài đồng tử vốn đã đắc Căn bản trí, không bị đắm nhiễm, phân biệt, cố chấp nên an nhiên đi vào Pháp giới cầu đạo vô thượng. Giờ đây, một “Pháp giới” rộng lớn mở ra, bên trong có các “pháp giới” khác nữa thể hiện trong 53 lần tham vấn đạo của Thiện Tài.

 

Phước Châu

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi