Tu hành bắt đầu từ đâu? – Đức Quảng

Chuyên Mục: Phật Pháp 43 0

Tu hành bắt đầu từ đâu?

Nếu nói Phật Pháp tinh yếu từ lúc sơ chuyển pháp luân khai đạo nơi Lộc uyển cùng Pháp Tứ Diệu Đế, thì cũng có thể nói tu Giới,  căn bản cốt yếu nằm nơi Ngũ giới. nếu không giữ được Ngũ giới thì vô cùng khó khăn để đạt đến sự bình an của thân tâm, không thể tinh tấn để đạt đến Thập Thiện, Bồ tát giới… đi đến tuệ giác tối thượng.

Điều luật thứ nhất trong Gia đình Phật tử: “Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện” Phải quy y tam bảo với Bổn sư truyền giới, được thọ và nguyện giữ ngũ giới mới được công nhận là Phật tử, là tín đồ Phật giáo; phát nguyện theo Phật Ca Diếp thực hành ba điều:

Chư ác mạc tác – Không làm các điều ác

Chúng thiện phụng hành – Nguyện làm các việc lành

Tự tịnh kỳ ý – Tự giữ gìn tâm ý thanh tịnh

Thị chư Phật giáo – Chư Phật dạy như vậy.

 

Khi vào Gia đình Phật Tử , mỗi bước đều phát nguyện:  Phát nguyện đeo hoa sen, phát nguyện lên đoàn, phát nguyện làm huynh trưởng, phát nguyện thọ cấp… mở rộng trách nhiệm, tăng trưởng tín tâm trên đường tu học theo phương pháp Gia Đình Phật Tử.

Giới thứ nhất Không sát sanh là tối quan trọng, đứng đầu trong các giới, giữ gìn sự bình an của Thân, của hoàn cảnh gia đình, xã hội..  Bất sát thì không phải chịu đựng sự đau khổ của sát sanh, của chiến tranh, của bệnh khổ, của xa lìa quyến thuộc, bị thương tổn, ác bệnh, bị giảm thọ.

Trong Ngũ dục, thích ăn ngon là đặc tính của Thực dục. Khi đói lòng người ta ăn gì cũng thấy ngon; lúc no đủ, thực phẩm dư thừa thì nhu cầu ăn ngon càng tăng lên, rồi cứ thế mà “Tâm thị ác nguyên – hình vi tội tẩu”[Tâm là nguồn ác – thân vô số tội]. Do tập quán, thói quen lâu đời của nhân loại, hành vi sát sinh các loài ngư, cầm, điểu, thú, hưởng dụng thịt cá đã thành chuyện bình thường. Cho đến khi đức Phật ra đời thì thế giới này mới được giảm trừ tai ương vì họa sát sinh do thấm nhuần giáo lý từ bi Phật hóa. Thế giới văn minh có nhiều cách vi tế để săn bắt, giết mổ những lượng thịt cá khổng lồ mỗi ngày mà không thấy sự tác hại từ nhân quả báo ứng cũng to lớn không kém là do Phật pháp chưa thấm nhuần, chuyển hóa được tâm tính của nhân loại.

Ngày nay, khoa học đã chứng minh cách ăn uống tốt nhất là ăn vào buổi sáng vì lúc này enzym từ trong tuyến mật hoạt động mạnh mẽ nhất để nạp năng lượng tích lũy cho hoạt động cả ngày. Buổi trưa thì nên ăn vừa phải, và buổi tối càng phải ăn ít lại vì lúc này tuyến mật hầu như hoạt động rất yếu, ăn nhiều chỉ có hại! Và chúng ta suy ngẫm cách ăn theo nếp sống Thiền môn hơn 25 thế kỷ, chư Tăng chỉ ăn ngọ, ăn uống thọ dụng coi như “quá đường”, dù ngon dỡ cách mấy cũng chỉ có một vị “thiền duyệt thực”, dừng lại chốc lát rồi đi, ngon dỡ cũng không vương chấp. Nếu quá ngọ là phi thời không ăn.

“Buổi sáng chư Thiên ăn, buổi trưa chư Phật ăn, buổi chiều súc sinh ăn, tối khuya ngạ quỷ ăn” . Buổi sáng ai cũng phải vội vã đi làm, đi học nên chỉ ăn “điểm tâm – breakfast” ăn ít và ăn nhanh; buổi trưa ăn nhiều thì buồn ngủ lúc này độ tiêu hóa của mật đang ở dạng trung bình (Trung đạo về thọ thực), chư Tăng thọ dụng theo thức ăn trong bình bát “ứng lượng khí” vừa phải ở thời này và sau phạn thực là kinh hành “phạn thực kinh hành” để giữ gìn sự tỉnh táo không sa vào hôn trầm. Buổi chiều ăn loãng như uống, hoặc ăn rất ít nên còn gọi là tiểu thực, dược thực. Thường chúng ta chỉ ăn thịnh soạn, ăn nhiều, ăn ngon, tiệc tùng vào lúc chiều tối nên hậu quả kéo theo bao nhiêu thứ bệnh từ tuổi trung niên trở đi.

Tuy chúng ta thọ Tam quy y, giữ Ngũ giới, Thập Thiện…, giữ gìn những ngày trai, ăn chay và không tự mình sát sanh, nhưng do tập quán, thói quen và do tâm lý thụ hưởng, thích ăn ngon nên có khi mình nướng hay hấp luộc cua, tôm, nghiêu, hàu mà vẫn không có ấn tượng rằng mình đang khai sát giới. Thì đây, các vị Thiền sư xưa đã quán tưởng tô canh như thế này:

“Thiên bách niên lai oản lý canh,  
Oán thâm tự hải hận nan bình.
Dục tri thế thượng đao binh kiếp,
Thả thính đồ môn dạ bán thanh!”

Nghĩa:

“Ngàn năm oán hận ngập bát canh,
Oán sâu như biển, hận không tan.
Muốn biết vì sao đao binh khắp,
Lắng nghe lò thịt tiếng nửa đêm!”

Có nhiều Phật tử nói rằng đức Phật không có cấm ăn mặn, vì chư Tăng có thể thọ dụng Tam tịnh nhục (Không giết, không xúi, không nghi), nhưng khi Phật tử thương chư tăng (Nam tông) tụ hội an cư đông đủ trong ngày tự tứ nên ra sức tìm kiếm những thức ăn thịt cá ngon để dâng cúng, có khi đặt nhà hàng, lò mổ làm cả trăm con gà luộc, hàng trăm cái đầu heo… thì vô lẽ, Phật tử vì thương các thầy mà phải mang sát nghiệp hay sao? Một bát canh mà gây đao binh kiếp thì bao nhiêu sát sinh là bây nhiêu kiếp chịu đao binh! Do ăn chay không quan trọng nên ít ai để ý đến dân số Ấn Độ cả tỉ người nhưng 75% là đã ăn chay, nguyên nhân do đâu! Đức Phật Thích Ca thuyết trong các phẩm Bổn sanh, chuyện tiền thân Ngài đã trải qua bao nhiêu thân côn trùng, cầm thú.. làm con rận trong áo nhà tu, con chim Oanh Vũ cứu rừng, con cá lớn cứu dân làng, con voi hiếu nghĩa, con Sư tử Kiên Thệ…. Cùng những chuyện nhân quả nhãn tiền như vua Ba Tư Nặc giết các con của bà Tỳ Xá Khư, các vương tôn trong thành Ca Tỳ La Vệ bị vua Lưu Ly dìm chết, Đại Mục Kiền Liên tự nguyện xả thân cho ngoại đạo lăn đá, Ương Quật Ma La giết hại cả trăm người…. đều là những quả báo do sinh sự, sự sinh, tùy duyên mà báo ứng. Thí dụ như xưa, các con của bà Tỳ Xá Khư sát hại con trâu nhờ bà nấu nướng, thì sau này con trâu tái sinh làm vua Ba Tư Nặc được duyên với các con bà mà ra tay sát hại không thương tiếc là do sát nghiệp đã đủ điều kiện để cộng báo chứ không luận kiếp trâu hay người, hoặc thời ấy khác thời nay…

Đối với các loài súc sinh, khả năng phòng vệ rất cao mà vẫn bị giết thịt như rắn rết, hùm beo, rùa, gấu, trút… thì chúng mang mối căm thù cho cả những người sát hại và ăn thịt chúng – giết mạng thì đến mạng đã đành, còn những người ăn thịt chúng phải mang ác bệnh khó chữa đến chết. Chuyện máu rắn căm thù thấm vào ba trang sách giết hại ba đời công thần Nguyễn Trãi trong chuyện Lệ chi viên là một ví dụ.

Sáu nẻo luân hồi đâu đó, gặp nhau thiện là duyên mà ác cũng là duyên. Biết rồi thì tránh đi để không có ác báo. Trong điều luật thứ 2 của Gia Đình Phật tử: “ Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống” Chính là khuyên răn các đoàn sinh đình chỉ giới sát, mở rộng lòng thương đến với mọi loài. Thế giới này có lẽ không bao giờ hết binh đao, khổ nạn nên những chúng sinh không có sát nghiệp sẽ quy tụ về những nơi yên tịnh thái bình.

Giới thứ hai là không trộm cắp, xâm hại sở hữu của người khác làm họ đau buồn bao nhiêu thì chính mình cũng sẽ bị mất mát đau buồn như thế, huống chi là cướp giật, lừa đảo, mưu mô chiếm đoạt. Nhờ chánh pháp người tu học sẽ tự hối, ngừng tay; người bị mất cũng tự quán về vô thường, nhân quả để thong dong, càng tích cực tạo nhiều điều thiện hơn nữa. Phạm trù trộm cắp càng rộng ra thêm ở thế giới hiện đại như sở hữu trí tuệ, tác quyền, ý tưởng… thật ra, trong luật nhân quả báo ứng đều có báo trong những sự kiện mà ngày xưa không cho là trọng tội này. Liều thuốc thần trị bệnh xan tham, keo bẩn là bố thí – Bố thí để thoát sự nghèo khó chật vật trong đời sống. Bố thí để buông bỏ Tài dục trong Ngũ dục, cái thứ mà người ta cho là tối quan trọng trong cuộc sống, nguyên nhân gây bao khổ đau, tội lỗi của nhân loài.

Giới thứ ba là Không tà dâm – hơn 25 thế kỷ trước cổ nhân đã nhìn ra sự tác hại của tà dâm. Tà dâm là hành vi ái dục không chính đáng, không thuận tình, thuận lý để cho lửa ghen hờn, sân si bốc cháy, làm đau khổ đổ vỡ hạnh phúc của một nhà, một thành trì, một nước. Sắc dục là đặc tính ràng buộc si mê trong Ngũ dục, do dục tính trỗi dậy không tự điều khiển trước sắc dục nên gây ra lỗi lầm, đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình.

Trong dân gian có câu: “Có chồng mà lại lấy trai – chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu” Thực ra, khi người ta ngoại tình bất kể trai hay là gái, lén lút vụn trộm thì tâm thức cũng đã bị “cưa hai nấu dầu” rồi! Tâm trạng bị chia làm hai chỗ với lòng lo lắng sợ hãi bất an như đang bị nấu trong chảo dầu sôi vậy!, phải sống hồi hộp, dối gian qua ngày hoặc chìm đắm trong sự si mê của lò luyện ngục.

Sát – Đạo – Dâm là ba nghiệp từ Thân, phạm vào ba giới này thì thân thể nhiễm ô, không được thanh tịnh, khó thể tinh tấn. Ái dục lại là nguồn gốc, cội rể của sự đau khổ nên những Phật tử thọ Bát quan trai giới và giới xuất gia đều phải xa lìa ái dục.

Trưởng giả Duy Ma Cật nói: “ Chúng sinh bệnh là do si ái, bồ tát bệnh là do chúng sinh bệnh…” Chí nguyện của chư Phật và bồ tát là độ tận, dứt trừ mọi căn bệnh từ vô minh, ái  thủ cho chúng sinh. Có thể bây giờ là thời mạt pháp, chúng sinh càng điên đảo thì bồ tát càng khó độ, nhưng dù khó độ thì cũng quyết độ cho bằng được (chúng sinh dị độ)

Điều luật thứ thứ tư trong GĐPT: “Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm” chính là khuyến tấn Phật tử kiểm soát mọi hành vi, ngôn ngữ, ý nghĩ sao cho thanh tịnh.

Nói dối, là thể hiện sự không ngay thật, ý cong quẹo thì lời nói không thật gây ra bao tội lỗi từ khẩu nghiệp nên điều luật thứ thứ ba GĐPT nhấn mạnh: “Phật tử trau giồi trí tuệ tôn trọng sự thật” chúng ta có thể chọn thái độ im lặng hoặc là nói thật, tránh những hậu quả gây ra thị phi gây phiền não, oán sầu cho người khác làm tâm ý quen với sự phê phán bất tịnh trên đường tu hành. Trong thập thiện có phân tích rõ 4 điều về khẩu nghiệp: Nói dối, nói lời độc ác, nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều đều có những quả báo về khẩu nghiệp.

Giới thứ năm là không uống rượu, dù là một giọt! Sau này thêm không sử dụng các chất say, kích thích, vì tác hại của chúng. Nếu vì bệnh mà phải uống dược chất có rượu thì phải xin phép đại chúng… trong đời sống tu hành, thiền tịnh, rượu hay các chất gây kích thích sẽ làm mất cân bằng, động loạn tâm thức khó vào chánh định làm ý bất tịnh khó trừ diệt phiền não khổ đau.

Điều luật thứ 5: “Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo”. Đối với oán hờn từ tập nhiễm, tích lũy các đời kiếp trước làm buồn khổ trong đời này phải dụng tâm Từ bi để khoan dung tha thứ; các việc xảy ra trong hiện tại phải tập buông bỏ vô chấp mới thấy Bồ đề tâm có sức chứa vô lượng (tứ vô lượng tâm) – Từ bi hỷ xả tăng trưởng thì đường Đạo mới dũng tiến thênh thang vô ngại.

Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 2:

“Một thời đức Phật ngự trong vườn Cấp Cô độc, nước Xá Vê, bấy giờ đức Phật bảo các Tỳ Kheo:

– Ta dùng Thiên nhãn thanh tịnh nhìn thấy chúng sanh sinh ra chết đi, chết đi sanh ra, sắc đẹp sắc xấu, thiện hoặc ác, chỗ lành hoặc chỗ dữ tùy theo nghiệp mà chúng sinh đã tạo ra. Ta thấy những sự kiện ấy đúng như thật, không hư dối. Nếu có chúng sanh nào làm ác, nói ác, nghĩ ác, phỉ báng Thánh hiền, tà kiến, thì do nhân duyên ấy, khi chết chắc chắn đi vào chỗ dữ, sinh nơi địa ngục. Nếu chúng sinh nào làm lành từ thân, miệng, ý, ca ngợi bậc Thánh hiền, không có tà kiến, do nhân duyên này, khi chết người ấy sẽ đi vào chỗ tốt, sanh nơi cõi trời.

Như khi mưa lớn, lúc ban đầu trút xuống, giọt nước rơi xuống, hoặc chỗ thấp hoặc chỗ cao, nếu có người đứng yên một chỗ, để ý thấy rõ những hạt mưa rơi xuống khi chỗ thấp khi chỗ cao; như bọt nước sinh ra rồi mất đi, nếu có người đứng một nơi quan sát thấy bọt nước mưa thoạt sinh rồi thoạt diệt, thấy rõ ràng.

Như ngọc lưu ly tự nhiên sinh ra không có tỳ vết, tám góc xâu qua sợi dây hoặc xanh, vàng, đỏ, đen, trắng, người có mắt nhà nghề nhìn biết rõ ngọc lưu ly tốt xấu rõ ràng.

Như hai nhà có chung một cổng ngõ, nếu có người đứng một chỗ thấy người ra vào qua cổng ngõ ấy rõ ràng. Cũng như người đứng trên lầu cao nhìn người qua lại hoặc ngồi nằm, chạy nhảy bên dưới, đều thấy tất cả một cách rõ ràng.

Ta cũng thế, bằng Thiên nhãn thanh tịnh, nhìn thấy chúng sanh khi sinh lúc chết, hoặc xấu hoặc đẹp, qua lại chỗ lành chỗ dữ tùy theo nghiệp mà chúng sinh ấy đã tạo. Ta thấy sự kiện ấy đúng như thật, không sai lệch, nếu chúng sanh nào làm ác, nói ác, nghĩ ác, nói xấu bậc Thánh, có tà kiến, khi chết, chúng sinh ấy chắc chắn sinh vào chỗ dữ, địa ngục. Nếu chúng sinh nào làm lành, nói lành, nghĩ lành, không nói xấu bậc Thánh, có chính kiến, do nhân duyên ấy, khi qua đời, người ấy chắc chắn sinh vào chỗ lành, cõi trời hoặc cõi người.”

 

Kinh Di giáo đức Phật có dạy: “Chúng sinh phạm giới khi chết sẽ sa vào trong loài Ngạ quỷ, Súc sinh, hay Địa ngục như tên bắn, khó mà cứu độ”. Vậy sao chúng ta không tự tỉnh thức và tu hành từ giữ giới ngay lúc này!

 

Đức Quảng

 

 

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi