Câu chuyện về Nhân duyên

Chuyên Mục: Câu chuyện dưới cờ 141 0

Pháp thoại với Trại bay Xá Lợi Phất:

Hôm nay tôi sẽ nói với các em về Ngài Xá Lợi Phất, bậc đệ nhất trí tuệ trong thập đại đệ tử của đức Phật. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là 2 bạn đồng tu thuộc dòng dõi Bà La Môn giáo. Cả 2 người đều đắc được ngũ thông và có nhiều đệ tử theo học đạo, nhưng hai người rất khát khao cầu học được một thứ tuệ giác vô thượng có khả năng vượt thoát được luân hồi sinh tử thường tình nên ngầm ước hẹn với nhau rằng nếu người nào học được nguồn đạo vô thượng đó thì phải truyền lại cho nhau.
Lúc đó đức Phật Thích ca đang khai đạo tại vườn Lộc Uyển và 5 anh em Kiều Trần Như là những vị Tăng đầu tiên gồm: A Nhã, Kiều Trần Như, Ma ha Nam, Thập Lực Ca Diếp và Ắt Bệ. Một hôm Xá Lợi Phất gặp đại đức Ắt Bệ đang đi khất thực với dáng điệu thong dong, tự tại, người đạo hạnh thường tìm cầu đạo hạnh nơi người khác huống chi Ắt Bệ lúc đó đã chứng quả A La hán, đắc lục thần thông. Ắt Bệ nói với Xá Lợi Phất bài kệ:
Vạn pháp do duyên sinh
Lại cũng do duyên diệt
Thầy tôi là đức Phật
Thường dạy tôi như thế.
Nghe xong, Xá Lợi Phất cảm thấy đất trời rúng động, nghe như sấm sét đang dậy bên tai, lập tức khai thông được chướng ngại cuối cùng mà đắc lục thần thông! Như chúng ta biết giáo phái Bà La Môn do dân tộc Aryan German từ Âu Châu di cư sang đã mang theo kinh điển Vệ Đà (Vedas) là suối nguồn văn minh của Ấn Độ lưu truyền hơn vài ngàn năm trước J.C – trong đó kể câu chuyện huyền thoại về vị thần Vishnu (Tỳ Thấp Nô) nằm trên biển sữa mà thành lập vũ trụ, từ rốn của Vishnu hiện ra vị thần Brahma là đấng tạo hóa tạo ra vạn loại và thần Shiva là tay chiến thần chuyên môn hủy diệt… Giáo lý, kinh điển, thần quyền của đạo Bà La Môn tạm gọi là đầy đủ dựa trên công phu tu luyện của mỗi người nên những hành giả Du già (Yogist) đều có thể chứng đắc đến ngũ thông, song huyền thoại về sự thành lập vũ trụ mãi mãi là một dấu hỏi lớn ám ảnh những người đại trí. Nếu thần Vishnu lập ra vũ trụ thì ai đã sinh ra thần Vishnu???Phap thoai 9
Cho nên bài kệ của Ắt Bệ đã mở con mắt “tuệ nhãn” cho Xá Lợi Phất với cái nhìn thấu suốt tam giới và vũ trụ thiên hà. Xá Lợi Phất quay về kể chuyện này với Mục Kiền Liên và Mục Kiền Liên cũng ngay lập tức chứng được Lục thần thông. Hai người mang hết các đệ tử tự nguyện đến vườn Lộc xin xuất gia và được đắc pháp vô sanh, dự vào hàng A La Hán. Xá Lợi Phất được tôn xưng Trí tuệ đệ nhất, và Mục Kiền Liên được tôn xưng thần thông đệ nhất.
Những người đắc ngũ thông tuy mở được thiên nhãn nhìn thấy các cõi khác từ quỷ thần A Tu La đến chư thiên trên các cõi sắc giới nhưng vẫn phải luần quẩn trong sinh tử luân hồi sau khi chết và thần thông cũng không còn, khác với các vị A la hán đã mở được tuệ nhãn nhìn thấu suốt ba cõi sáu đường, diệt được khổ đế mà chứng quả vô sanh, làm chủ được luân hồi sinh tử; như Ngài Uất Đầu Lam Phất tuy có thể nhập Phi phi tưởng xứ định, chứng  đắc ngũ thông nhưng không thoát khỏi đường sinh tử do thiện ác báo ứng.
Khi nói về nhân duyên, là nói đến sự cấu tạo phức hợp tự nhiên, nhiều yếu tố đơn giản nhưng duyên khởi thì trùng trùng, mà tất cả lại không do một chủ thể nào, hoặc không có chủ thể nào tự quyết định được – do hội đủ duyên mà thành nhỏ như vi trần mà lớn như địa cầu, mặt trời, mặt trăng cũng vậy, đó là đặc tính “Vô Ngã” mà đức Phật đã nhìn thấy và chứng ngộ.
Nhưng phải công nhận thực thể nhân duyên rất mầu nhiệm, như sự cấu tạo của một trái tim. Hơn 2000 năm sau người ta tìm cách “làm nhái” trái tim hay các bộ phận khác trong các công trình của “tạo hóa” để thay thế nhưng cũng không được vẹn toàn! Có thể thay thế gan, thận, động mạch, tĩnh mạch, mao quản…để trị bệnh song tất cả đều giới hạn trong sức người và trí thông minh hạn hẹp.
Tuy nhân duyên rất mầu nhiệm nhưng tất cả cũng phải tuân theo một định luật bất biến là sinh- lão- bệnh- tử hay thành- trụ -hoại- không. Có đó rồi mất đó không có một sự vật nào được tồn tại “mãi mãi”. Hôm nay các em có thể nói thân này là của em, tiền này là của em, nhà này là của em…nhưng thực tế khi chúng ta bỏ thân này thì chính ta cũng không giữ được tự thân mình làm sao lại chấp nhứt các thứ ấy là của ta được!
Đó chính là đặc tính Vô Ngã mà đức Phật và tăng đoàn đã từ bỏ tất cả để sống với một sự thật “tuyệt đối” – hòa vào toàn thể vũ trụ không hai, không khác.
Cuộc đời đức Phật Thích Ca sinh dưới gốc Vô Ưu; thành đạo dưới cội Bồ Đề và nhập diệt dưới hai gốc cây Sala. Có bao giờ đức Phật mong muốn trở về vườn Cấp Cô Độc hay  vườn  Lộc Uyển rộng lớn hoặc trở về cố hương là thành Ca Tỳ La Vệ để nhập diệt?

Không! Ngài đã sống rất tùy duyên, do duyên và đến cuối thọ mạng vẫn không thủ đắc một thứ gì gọi là của mình hay cho mình.
Bây giờ chúng ta hãy chắp tay hồi hướng một bài pháp kệ đã mở bừng con mắt tuệ của các Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.

Đức Quảng

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi