Câu chuyện đầu ngày
Sức Trẻ nối tiếp.
Hôm nay đứng trong hậu tổ chùa các em có thấy những bức bích họa trên vách vẽ cuộc đời và đạo hạnh của liệt vị Tổ sư? Gần nhất là từ Tổ Đạt Ma là sơ tổ đến Tổ Huệ Năng là Lục tổ Thiền Trung Hoa. Các em hãy nhìn hình vẽ một vị sư già đang đứng bên rừng thông cùng với con hạc cao lớn kia như trông ngóng ai đó! Đó là đệ tứ Tổ Đạo Tín đang trông vị Tài Tòng Đạo Giả ra đi hẹn một cuộc tái sinh. Câu chuyện do Hòa Thượng Trúc Lâm diễn dịch như thế này:
Một hôm, Tổ ĐạoTín đi viếng núi Long-Phong gặp một vị sư già trồng cây tòng trên núi, thời mới gọi tên là Tài Tòng đạo giả. Vị sư ấy hỏi Tổ rằng:
– Đạo Pháp của Như-Lai có thể cho tôi nghe được chăng ?
Tổ đáp:
– Tuổi ông đã già, dù có nghe được cũng không hoằng hóa kịp. Nếu có tái sanh được thì ta cũng nán chờ.
Đạo giả nghe dạy rồi từ tạ đi xuống núi. Đến huyện Huỳnh-Mai, thấy một cô gái đang giặt áo ở bờ sông, ông chào và hỏi:
– Nhà cô ở gần xa, cô vui lòng cho tôi nghỉ nhờ được chăng ?
Cô đáp:
– Tôi còn cha mẹ không dám tự quyền, mời Sư vào nhà hỏi cha mẹ tôi là hơn.
Ông bảo:
– Vậy cô có bằng lòng không cho tôi biết ?
Cô đáp:
– Riêng tôi bằng lòng. Đạo giả nghe cô hứa chịu, bèn trở về núi ngồi ngay thẳng viên tịch.
Cô gái kia là con út của nhà họ Châu, sau khi hứa lời với Đạo giả rồi, không bao lâu có thai. Cha mẹ cô thấy chưa chồng mà có thai, là làm ô nhục gia phong, quyết định đuổi cô đi. Cô đang tuổi trẻ mà mang phải cái nợ giữa đường, sống bơ vơ không chỗ nương đỡ, phải đi kéo chỉ mướn nuôi miệng qua ngày.
Đến ngày, cô sinh ra một đứa con trai xinh xắn, nhưng vì sự kỳ dị không chồng có con, nên cô đành đem thả xuống sông.
Sáng ngày, cô thấy đứa bé ngồi xếp bằng trên mặt nước, khí sắc tươi tỉnh lạ thường.Cô vừa lấy làm lạ vừa xót thương nên bồng về nuôi dưỡng. Đến bảy tuổi, đứa bé gặp Tổ Đạo-Tín giữa chợ bổng xanh mặt khiếp sợ bỏ chạy về nhà đóng chặt cửa lại, tổ đuổi theo thằng bé đến trước cửa nhà đập cửa đùng đùng hỏi:
- Có ai trong nhà không hãy mở cửa ra!
Đứa bé càng sợ la to:
- Không có ai trong nhà hết.
Tổ tiếp tục đập cửa và hét to hơn:
- Không có ai vậy ai lên tiếng đó?
Đứa bé bổng rùng mình như nhớ lời hẹn ước năm xưa bèn mở cửa ra diện kiến với thầy mình,
sau được Tổ xin về cho xuất gia đặt tên là Hoằng-Nhẫn. Hoằng-Nhẫn có nghĩa là mẹ nhẫn nhục nuôi con, cũng có nghĩa Tổ Đạo-Tín nhẫn chờ đứa bé khôn lớn truyền pháp. Theo truyện nầy, Tổ Hoằng-Nhẫn là thân sau của Tài Tòng đạo giả.
Các em nên biết tuổi trẻ và sức trẻ của các em rất có lợi lạc cho việc tu hành, nếu để đến già mới học Phật làu thông thì Tinh – Khí – Thần đã tàn lụn, cũng không còn sức lực nhiều để hoằng truyền chánh Pháp, như Tài Tòng đạo giả đã kiến tánh khi gặp tứ tổ những sức già thì làm được chuyện gì, nên phải hẹn một cuộc tái sinh lấy sức trẻ để thực hiện chí nguyện bản hoài của chư Phật.
Bác Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập Gia Đình Phật Tử cũng có nói: “Không có gì thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai. . .” Các em hôm nay đứng dưới mái chùa này chính là góp phần vào sự thành tựu tiếp nối công nghiệp chấn hưng đạo đức nước nhà hơn 70 năm về trước.
Đức Quảng