Nhằm hỗ trợ cho các học viên bậc Lực năm thứ Tư và thứ Năm hiểu rõ hơn về bộ kinh Đại Thừa Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Dựa theo tài liệu tu học do BHD Trung Ương GĐPT ban hành:
- Giới thiệu Kinh Hoa Nghiêm (Theo tài liệu bậc Lực)
(Những hàng có gạch dưới là Tài liệu bậc Lực – không có gạch dưới là giảng rộng – các học viên cần học thuộc những câu có gạch dưới))
Hoa Nghiêm tiếng Phạn là Avatamsaka. Có nghĩa là đóa hoa thanh khiết tuyệt đẹp nhất trần gian, ngát hương khắp mười phương các cõi pháp giới.
Kinh Hoa Nghiêm gọi cho đủ là kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (Buddhāvataṃsaka Mahàvairocana Sutra). Từ ngữ “avatamsaka” theo nghĩa đen, ở đây không có nghĩa gì đặc biệt, nhưng theo nghĩa bóng, có nhiều nghĩa đáng chú ý: diễm tuyệt (tuyệt đẹp), hạnh phúc, ánh sáng (quang minh).
Những mỹ từ nêu trên vừa làm đẹp hình thể và đức tính của con người, nhất là từ “ánh sáng”. Theo Phật, tam thiên, đại thiên thế giới này được hình thành bằng ánh quang minh, thân Phật là thân ánh sáng.(Khái niệm về hạt ánh sáng, chùm ánh sáng, tia sáng, ánh sáng bắt nguồn từ đây)
Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Là bộ Kinh điển Đại Thừa trọng yếu hiển bày ý nghĩa tuyệt vời về nhân hạnh quả đức của Phật Đà như tràng hoa trang nghiêm rộng lớn viên mãn, vô tận, vô ngại, qua các vị Bồ Tát lớn như Phổ Hiền, Văn Thù, Di Lặc…sau khi thành đạo tại các nơi như Bồ Đề Đạo Tràng …
Từ “Đại” ở đây chỉ cho đại dụng hay tổng thể; Đại là bất tư nghì giải thoát cảnh giới, là nhất chân pháp giới, cũng chính là chân tâm, là tự tánh, là Phật tánh sẵn có trong mỗi chúng sanh mà Thiền Tông vẫn gọi là bản lai diện mục. Đức Phật đắc đạo, thấy được tổng thể sự vật, thấu rõ chân lý. Đại là tổng thể, từ tổng thề phân ra thời gian. Thời gian luôn di chuyển và không gian luôn biến động, chúng luôn tác động lẫn nhau, cũng như chi phối tất cả sự vật. Mọi vấn đề đều phát sanh từ thời không của không gian- của “Đại”- là thể tánh bao gồm tất cả (hữu vi, vô vi, hữu tình, vô tình).
“Phương” là chiều đứng; “Quảng” là chiều rộng, cộng lại là vũ trụ. Hay thời gian và không gian hợp lại tạo thành vũ trụ và sự sống muôn loài, sự vật vận hành, tức vũ trụ biến đổi, xoay vần đều không nằm ngoài thời không.
Ngoài ra. “Phương” là tướng đại, là bản thể tự tánh vốn đầy đủ vô lượng trí tuệ đức năng mà thông thường chúng ta gọi là tánh đức.
“Quảng” là dụng đại. Dụng này có hai nghĩa là bao trùm và biến khắp pháp giới.
Phương Quảng là nghiệp dụng phổ biến tất cả (hiệu dụng cao sâu và rộng lớn không cùng tận).
Đại Phương Quảng là số lượng siêu việt (số lượng không thể tính đếm bằng hình thức)
của nghiệp dụng không cùng tận.
“Phật” là quả đại, là quả giác viên mãn, gọi tắt của từ Phật Đà dịch nghĩa là Giác hoặc Trí. Phật Đà là Pháp thân Phật thường hằng, bất biến, hay từ tổng thể (đại) phát sinh ra thành Báo Thân và Ứng Hóa Thân, Phật tùy duyên cứu độ chúng sanh. Đó là hiện hữu của Như Lai bất động mà biến hóa lợi ích không cùng.
Hoa Nghiêm ví dụ cho Phật ở nơi nhân địa mà vạn hạnh như Hoa, dùng Hoa này mà trang nghiêm quả đại nên gọi là Hoa Nghiêm.
Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có thì cái kia có; cái này không thì cái kia không, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với tâm là một, vạn pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chân lý Phật tánh, thông suốt pháp giới vô ngại, thể nhập bất tư nghì giải thoát hạnh môn.
Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng sanh thấu suốt cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng dưới nước (kính hoa thủy nguyệt). Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm, trùm khắp tất cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể năm gọn trong một hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của tâm thu nhiếp tất cả. Tất cả là một, một là tất cả. Đó là bản tánh vô ngại của tâm. Bản tánh chân tâm thấu suốt vạn pháp hữu tình và vô tình; Lấy toàn thể pháp giới làm lượng; Lấy xứng tánh bất tư nghì giải thoát làm thể. Đó là ý nghĩa căn cốt của kinh Hoa Nghiêm.
Để đi vào Phẩm Nhập Pháp giới Kinh Hoa Nghiêm, xin thường xướng tụng 2 bài kệ sau đây có thể đại diện cho cả bộ kinh Hoa Nghiêm:
- Bài kệ thứ nhất:
Nhược chơn dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ứng quán Pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo
Nghĩa:
Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật tam thế
Phải quán tánh pháp giới
Tất cả do tâm tạo
- Bài kệ thứ hai:
Nhược nhơn dục thức Phật cảnh giới
Đương tịnh kỳ ý như hư không
Viễn ly vọng tưởng cập chư thủ
Linh tâm sở hướng giai vô ngại
Nghĩa:
Nếu người muốn biết cảnh giới Phật
Ý căn thanh tịnh như hư không
Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ
Khiến tâm khắp nơi đều vô ngại
Như vậy, nội dung chủ yếu – yếu chỉ của Hoa Nghiêm là “Nhứt thiết duy tâm tạo và nhất tâm chân như pháp giới duyên khởi”. Nghĩa là các pháp đều từ chân tâm bản giác sinh ra. Kinh Hoa Nghiêm chủ trương lấy tâm làm chính, không gì ngoài tâm mà có thể hiện hữu tồn tại, nên nói “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” và trong đây cốt yếu là tìm ra mối liên hệ mật thiết giữa tâm và vật đều đồng một thể “Tâm Phật cập chúng sanh tâm vô sai biệt” (tâm Phật và tâm chúng sanh không có sai biệt). Dưới sự điều động của Lô Giá Na Phật hình thành một pháp giới tánh đó là “Pháp giới trùng trùng duyên khởi”.
Ngay trong thế gian này, nếu hành giả phân biệt được chân vọng, khử trừ được điên đảo vọng tưởng, khiến cho tâm thanh tịnh để cùng thực tại nhất như, đó là giải thoát, là thế giới Hoa Nghiêm.
Vạn vật, xum la vạn tượng, trùng trùng duyên khởi thể hiện muôn ngàn tướng sai biệt, do sự chấp thủ chúng ta dễ dàng biết rõ các đặc tính riêng của chúng. Thí dụ như đặc tính của lửa là nóng, tính của nước là ẩm ướt, tính của đất là dày chắc, tính của gió là lay động. Do ngũ uẩn có khả năng tập chứa tích lũy nên khi các tướng xuất hiện ta liền nhận diện và phân biết được, nên gọi là nhất thiết duy tâm tạo. Nếu ta nhận biết các hình tướng và các đặc tính sai biệt đều là hư huyễn, không thật, do công phu hành trì để tâm ý thanh tịnh, ta càng nhận diện ra chúng, không qua đặc tính của các tướng nữa, mà là thể tánh của pháp giới vốn không tịch. Trong ruột của hạt cải vốn “không có gì” – cái “không có gì” là thể tánh chung của hư không, nên hạt cải có thể thu nhiếp cả vũ trụ là vậy. Kiến tánh chính là thấy cái tánh, không chấp vào hình tướng và vọng thức sai biệt đi theo chúng qua khả năng nhận diện, suy tư, đối đãi.. từ ngũ uẩn.
Bởi thế, nếu kinh Bát nhã tiêu biểu cho tư tưởng Phật pháp đại thừa về Lý chơn không vô ngại, thì kinh Hoa Nghiêm đại biểu cho tư tưởng Phật pháp Đại thừa về lý hữu hóa duyên sanh của vạn pháp.
Phước Châu