Trò chơi Phật hóa – Bắt đầu

Chuyên Mục: Trò chơi Phật hóa 293

Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục Phật giáo – Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Bộ môn Phật Pháp tuy được xem là phương tiện thiết  yếu nhưng các bộ môn Hoạt động thanh niên, Văn nghệ, Hoạt động xã hội cũng là những công cụ trợ huấn đắc lực để tạo sự cảm thông, nhóm chứa, huân tập chánh Pháp vào những tâm hồn của trang lứa Thanh, Thiếu, Đồng niên.TuaA

Trò chơi, là một sự kiện tự lợi, lợi tha mang đặc tính giáo dục cao trong cộng đồng xã hội, điểm giao hoà sinh động của những nền văn hoá Đông-Tây, kim-cổ gộp lại mà trong đó, sự chan hoà tánh ý, tinh thần bình đẳng về đồng sự và lợi hành tạo nên những sức mạnh của sự hợp quần, đoàn kết trong tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Vì lợi ích như thế nên Sir Baden Powell, người sáng lập phong trào Hướng Đạo đã không ngại ngần xưng tụng: “ Trò chơi là phương tiện giáo dục hữu hiệu mà người điều khiển là một nhà giáo dục đại tài.”

Đối với một Lam viên, điều khiển một trò chơi nhỏ không phải là khó. Một em Đầu đàn Oanh Vũ, một em Đội, Chúng trưởng Thiếu nam hay Thiếu nữ, thậm chí một em đoàn sinh cũng có thể điều khiển một trò chơi nhỏ! Tuy chưa thể đánh giá được rằng các em có thành công trong mục tiêu giáo dục hay không nhưng có thể nhận biết trò chơi có thể tạo được không khí sinh động, vui tươi thoả thích hoà đồng. Đối với các đoàn thể xã hội, bao nhiêu đó đã tạm gọi là đạt mục đích giáo dục-vì cái thời khắc mà các em được giải trí lành mạnh là các em không bị sa đoạ trong các thứ vui chơi đắm nhiễm khác của cuộc đời, có một thời người ta gọi trò chơi nhỏ là “những nắp hơi an toàn trong đời sống ”.

Khi các phong trào sinh hoạt cộng đồng, các đoàn thể xã hội, Tôn giáo, và học đường dâng cao, những khóa tập huấn về sinh hoạt – trò chơi theo một hệ thống nghiên cứu – tham khảo – Ứng dụng và huấn luyện thành một kỹ năng được trang bị cho những người làm trưởng.

Đối với Gia Đình Phật Tử, trò chơi được trân trọng như một pháp khí hỗ trợ tu học! Không thể nào vừa học xong bài Ngũ giới lại ra chơi trò “Bắn súng ” hay hát vang các bài “ chiều nay đi câu cá và đem giỏ theo bắt cua ”; Vừa được giảng giải Đạo Phật là Đạo Hoà Bình mà ra chia nhóm ra chơi  “Thụt Canon hay Bắn tàu ”, trong khi những trò chơi này đang thịnh trong sinh hoạt cộng đồng xã hội, hoặc những trò chơi Nam Nữ “xúc chạm” nhau hơi nhiều!

Từ đó, nhu cầu về Phật hoá trò chơi đã phát triển theo khuynh hướng chuyên biệt GĐPT: Phật hoá từ Tôi bảo sang Phật bảo; Phật hoá từ  Nào đoàn ta tiến sang chuyện Thích Ca Thành Đạo…

Và cũng từ đây, sự phân định giữa một trò chơi cốt để tiêu khiển, giải trí lành mạnh và một trò chơi mang tính Phật hoá, giáo dục Phật giáo càng lúc càng rõ hơn. Tuy nhiên, chánh Pháp vô lượng môn nên có những trò chơi mặc dù không đề cập gì đến Phật Pháp nhưng nếu mang đầy tính nhân bản, như thật thì xem như đã được Phật hoá rồi, vấn đề này cũng rất cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Một trò chơi nếu muốn thành công phải hội đủ những điều kiện, phía người chơi về số tuổi, trình độ hiểu và hành, hoàn cảnh-tâm trạng hiện thời, sân chơi phù hợp… nhưng điều tất yếu là khả năng của người điều khiển có giải thích rõ ràng nội dung trò chơi cùng am tường các điều kiện trên để ứng biến làm sao cho sự tươi vui, sinh động hay lặng yên, trang trọng làm lan truyền sự rung động, thức tỉnh hàng loạt trong tâm hồn các đoàn viên, khiến  ai nấy đều đồng lòng hưởng ứng. Sự sinh động lại

đòi hỏi những kinh nghiệm quí báu và sự quan tâm, nghiên cứu các phương thức hữu hiệu  để các trưởng có thể vầy một cuộc chơi được thành công như ý.

Quyển tuyển tập Trò Chơi Phật Hoá này ra đời với ước mong góp phần nhỏ nhoi trong việc xác định phương hướng giáo dục theo tinh thần Phật Giáo qua những trò chơi đã phổ biến khắp trong, ngoài nước, có những trò chơi đã phát huy công dụng với toàn thể nên đã trở thành bất hủ với thời gian.

Tuyển tập này do sự cộng tác, góp ý của nhiều ACE, những sự thiếu sót xin tu chỉnh ở những quyển kế tiếp.

Và bây giờ, Trò chơi xin được bắt đầu!

Bài Viết Liên Quan