Tuổi trẻ đến chùa
Kính thưa quý anh chị,
cùng các em thân mến.
Nói về tuổi trẻ đến chùa tu học, cách nay mấy ngàn năm có Thiện Tài đồng tử xuất hiện trong kinh Hoa Nghiêm phát tâm vượt đường xa tuần tự leo lên 53 cấp tu học thành bậc chánh đẳng chánh giác.
Các em ngành đồng lưu ý! Đồng tử tên gọi Thiện tài chỉ trạc độ tuổi các em, từ 12 tuổi trở xuống sống trong thế giới vô lo và hay mơ ước, không có mang vác những gánh nặng cuộc đời nên tâm trí rỗng rang dễ tu tập hơn người lớn. Cũng trong thời đức Phật tại thế có quốc vương Hữu Xứng và hoàng hậu Thắng Man chủ trương dạy tu tập theo phương pháp đại thừa cho trẻ nhỏ từ 6, 7 tuổi. Quan niệm thời đó cách nay đã 25 thế kỷ không hề có sự nhận xét rằng vấn đề đi chùa chỉ dành cho người già, nhàn rỗi như thời nay. Phật giáo Nam tông vẫn giữ gìn truyền thống cố cựu là đánh giá đạo đức thanh niên qua sự trường trải tu hành trong một thời gian phát tâm xuất gia tu học ngắn hạn và dài hạn. Đệ ngũ tổ Thiền Trung Hoa được đệ tứ tổ Đạo Tín trao truyền tâm ấn, y bát của đức Phật cũng trong độ tuổi rất trẻ; Thiền sư Thần Hội yết kiến Lục tổ đối đáp sâu xa lúc 14 tuổi…
Thế nên, các em vào chùa từ thuở nhỏ để được giáo dục Phật Pháp là điều cần thiết, cần thiết cho tự thân vững chãi khi mai này đối diện với cuộc đời, cần thiết cho gia đình khi biết cách sống hiếu hạnh và hòa thuận với anh chị em trong nhà, cần thiết cho xã hội khi đà phát triển và cách sống thực tế vội vàng đang phi nhanh như hỏa tiễn. Ở những nơi đó con người đang buông tay cho dục vọng hoành hành.
Ở nơi đó, các em tuổi mới lớn đang bị cuốn hút vào những tiện dụng, tiện nghi cùng nuôi lớn tâm lý hưởng thụ mà kiêu sa nóng vội, thiếu kiềm chế, mất tự chủ sẵn sàng gây tổn thương cho tình thân, mất hạnh phúc trong hiện tại và gây nên những cuộc đổ vỡ sau đó. Khi người vợ nóng nảy thiếu tự chủ gây xúc phạm người chồng nặng nề tức là đã nhóm lên ngọn lửa sân hận trong các đối tượng và rồi…chiến tranh, địa ngục, chia ly…hiện ra ngay trong đời sống.
Chỉ có chánh Pháp mới có khả năng dẹp tan phiền não, chỉ có giọt cam lộ từ lòng khoan dung hỷ xả mới rưới tắt được các nỗi khổ đau. Khi khổ đau không hiện hữu, ấy mới chính là an lạc, hạnh phúc đích thực. Thế thì, khi các em đến chùa, vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử chính là rèn luyện các kỹ năng về tự chủ, tự kiềm chế và sáng suốt dẹp tan các não loạn sinh ra tự nơi mình. Mình có sáng suốt thì mới có thể hướng dẫn cho người khác sống sao cho an lạc hạnh phúc mà địa ngục xuất hiện trong đời sống này kết quả thường là do ba nghiệp thân, khẩu, ý mà ra.
Địa ngục tiếng Hán dịch là vô lạc, khả yếm, khổ khí, khổ cụ, hữu và vô.
Sáu nghĩa trên ý nghĩa như sau:
Vô lạc: không có niềm vui; Khả yếm: chỉ cảm thấy đau khổ; Khổ khí: không khí làm người ta cảm thấy đau khổ; Khổ cụ: dụng cụ tạo nên đau khổ. Hữu là có, vô là không: Sự cố chấp giằng co giữa các bên không ai chịu nhường ai qua ý tưởng chủ quan, qua khẩu thiệt tranh cãi, và qua hành vi dục động của toàn thân, có khi sử dụng cả hung khí sẵn sàng gây tổn hại cho nhau.
Bất kỳ nơi nào có một trong sáu yếu tố trên thì đó chính là nơi địa ngục xuất hiện. Và sự xuất hiện của một yếu tố sẽ kéo theo sự xuất hiện của năm yếu tố còn lại.
Từ đó đi đến sự thống khổ, bi quan, chán nản, dằn vật, chia tay, ly thân, ly dị, hình tù… không những tự mình gây ra địa ngục đau khổ mà còn gây thêm khổ đau cho con cái và lục thân trong hiện tại và sau này.
Thế nên sau này các vị thiền sư giáo dục Phật tử những phương pháp thực tế hơn thay vì giảng thuyết những bài kinh cao sâu, cụ thể như phải học cách lắng nghe để hiểu, tức là thực hành sự quan tâm đến người khác, đặt vị trí mình vào hoàn cảnh người khác để cảm nhận, để thông cảm và thương nhau thật lòng. Nếu mình sống giả trá thì sẽ được đáp trả lại bằng sự gian trá, đó cũng là một định luật bất biến về nhân quả.
Cho nên, các em phải đến chùa từ ngày thơ trẻ để được huân tập, xông ướp những chất liệu chánh lý từ Phật Pháp, học những phương pháp hữu hiệu để trị liệu những căn bệnh phiền não bất hạnh trong hiện tại và tương lai.
Đức Quảng