Câu chuyện dưới cờ – Đường về Phật độ

Chuyên Mục: Câu chuyện dưới cờ 59 0

Đường Về Phật Độ

 

Phẩm chất cao thượng của Phật Tử không phải toát ra từ hình thức mặc dù các hình thức đẹp sẽ làm toát lên các khái niệm đẹp, ấn tượng đẹp có ích lợi cho tinh thần giáo dục Phật giáo. Một chữ Nhẫn suốt đời hành trì không xong thì bao hiểu biết về Phật Pháp cũng vô dụng bởi từ trong Nhẫn pháp chánh Định mới sanh; không tự nhắc nhở mình xóa bỏ được thành kiến ngã chấp ở trong khái niệm thì mang vác nặng nhọc khó có thể làm lộ hiện tâm bình đẳng, đường về Phật độ mãi còn mênh mông mơ hồ. Phật tử có thể tùy duyên mà có nhiều phương tiện  hướng dẫn đàn em xa rời các ác, nhưng xa rời các ác này để vương vào các niệm ác khác là hành theo tà đạo không phải Phật lý. Từ đó các điều về Bi-Trí-Dũng, Lục hòa… chỉ còn là khẩu hiệu, là hình thức. Huynh trưởng nói nhiều, nói hay mà không làm, không thực hành tu trì gây phản cảm cho mọi người và phản giáo dục cho đàn em. Hậu quả chắc chắn sẽ là khinh thường, bất kính, vô lễ, tan rã, và tác tệ. Nhiều khi còn tệ hại hơn nhiều người bình thường.

Chúng ta chỉ nhìn thấy các đối tượng, đối tác để khởi sinh các khái niệm tiếp theo, việc làm đối đãi tiếp theo chứ ít ai chịu nhìn thấy cái không thấy, tánh không luôn hiện hữu trong mọi sự biến động của sự vật nếu không có năng lực quán chiếu “Các Pháp đều Vô Ngã” tự mình từng thời khắc. Chúng ta chỉ nhìn thấy các “phàm tăng” với tâm hình thức phàm phu chứ không thể nhìn thấy các vị “thánh tăng” hiện diện trước mắt bởi vì tự mình còn kiến chấp Hữu hoặc Vô thế này, thế nọ – cho rằng thánh tăng phải như thế này thế nọ, nhiều khi có duyên đối mặt với các thánh tăng lại cho họ là những kẻ ngu, người khờ.

Ở đời có rất nhiều kẻ ngu, người khờ vì tham dục không khởi trong thế giới tham dục; không sân hận tranh chấp hơn thua giữa thế giới sân hận tranh chấp hơn thua. Chỉ vì ta có tâm tranh chấp, hơn thua, bè phái nên các vị này trở thành đối tượng tranh chấp hơn thua với ta – đâu biết ấy là sự “phản quan tự kỷ” khi mình đứng trước gương chỉ thấy bóng mình, “suy bụng ta ra bụng người”. Khi mình nhục mạ họ, họ im lặng; lúc mình bêu xấu họ, họ cười; mình lúc nào cũng ích kỷ chỉ chịu bỏ ra vì lợi lộc tính toán thiệt hơn trong khi họ không cầm nắm một thứ gì… thì mình cho là họ khờ vì mình đã quên “chư hành vô thường” cho nên trên đường cầu đạo mình khó có thể hội ngộ các vị “thánh tăng”.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm “Tùng địa dũng xuất” Bồ tát từ đất vụt hiện ra hàng hàng lớp lớp do Bồ tát hạnh, hành Bồ tát đạo cứu độ chúng sinh là vì họ đã dũng mãnh phá bỏ được các lớp vỏ tham, sân, si, mạn, nghi cùng các kiến chấp để thể hiện Phật tánh bình đẳng trong đại nguyện độ sanh. Nếu chúng ta cố gắng từng ngày, từng giờ phá mòn các lớp vỏ ấy đã đeo bám chúng ta từ muôn trùng sinh diệt đến nay thì không bao lâu ta cũng xuất hiện trong hàng Tùng địa dũng xuất ấy. Ngày nào còn tham dục, giận hờn, ghen tỵ, tranh chấp ngày ấy ta còn lạc lối trông rừng rậm, khói mù, trong phiền não với lưới nhân quả  bủa vây.

Không thể nào trông thấy con đường về Phật độ.

 

Đức Quảng

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi