Nếu không có tình thương – Đức Quảng

Chuyên Mục: Câu chuyện dưới cờ 129 0

Nếu không có tình thương.

Kính thưa quý anh chị,

Cùng các em thân mến.

Trong thời đức Phật tại thế có xảy ra những sự kiện con giết cha để soán ngôi như Hoàng Tử Lưu Ly xứ Ba La Nại giết vua cha Ba Tư Nặc; A Xà Thế thành Hoa Thị giết Tần Bà Sa La vương. Theo Phật Giáo những người dám giết cha, giết mẹ, làm chảy máu thân Phật, giết hại bậc La Hán, phá hoại hòa hợp Tăng là những tội trọng, sau khi chết phải bị đọa vào ngục vô gián, bị hành hình không ngơi và không được luân hồi. Trong lịch sử Ấn Độ cũng có nhiều trường hợp soán ngôi, giết cha xảy ra như thái tử Lưu Ly giết vua cha Ba Tư Nặc để đoạt ngôi, hay vua Shah Jahan (1592-1666) tàn bạo xây dựng ngôi đền Taj Mahal bị hoàng tử con giam cầm đến chết. Thật ra, vì danh vị quyền lợi mà thảm cảnh con cái giết cha để đoạt ngôi đã từng xảy ra trên khắp các trang lịch sử…thế giới

Cho nên khi kể hay diễn lại cảnh câu chuyện A Xà Thế giết cha đoạt ngôi chúng ta phải rất cẩn thận vì tính cách tàn bạo nhẫn tâm của một người con bất hiếu nếu thành công thì hiển lộ toàn thể tâm tính bất hiếu rất xấu ác, dù là trên sân khấu – ảnh hưởng không tốt đến các em, hay những người không hiểu chuyện sẽ “bám” lấy cái gương xấu của những người bất hiếu cực trọng mà biện bạch cho hành vi sai trái của mình. Hành trạng này làm phản tác dụng trong giáo dục đạo hiếu. Một người con bất hiếu xã hội chỉ có thể chê trách, phỉ nhổ và pháp luật vẫn chỉ xử án bất hiếu là ngược đãi – cảnh cáo, phạt nhẹ như bình thường – khác với bên trong là sự suy bại, sụp đổ về lương tri, đạo đức để rơi vào một trạng thái sâu thẳm u mê của Vô gián địa ngục.

Nguyên tiền thân A-xà-thế là một vị tiên tu trên rừng núi, gặp vua Tần-bà-sa-la hiếm muộn con trai nên đến cầu khẩn – Đạo sĩ nói sau này ông sẽ làm con của vua Tần Bà, vua nghe rất mừng nhưng lại nóng lòng thúc gấp đạo sĩ mấy lần không được bèn hạ lệnh dùng thuốc độc ép chết lão tiên. Đạo hạnh ông ta còn thấp kém nên dù đầu thai làm Thái tử con vua mà oán nghiệp nặng lòng, lại nghe theo lời Đề Bà Đạt Đa rắp tâm trả thù giết chết vua Tần Bà Sa La mà chiếm lấy quyền hành. Mặc dù sau đó ông tỉnh ngộ quy y đức Phật và chuyên tâm hộ pháp nhưng vì mang tội ngũ nghịch nên không thể dự vào hàng thánh chúng. A Xà Thế tại vị 32 năm và cũng bị con giết và soán ngôi trở lại.

Tại sao theo định luật Nhân quả vua Tần Bà giết Đạo Sĩ thì chỉ mang nghiệp sát nhân còn A Xà Thế giết vua Tần Bà sa la lại mang một nghiệp nặng trăm ngàn lần hơn! Vì vua Tần Bà giết đạo sĩ chỉ đơn thuần là sát nhân giả tử (giết người đền mạng), còn A Xà Thế giết vua Tần Bà Sa La chính là giết hại người sinh thành ra mình. Một con người mà dám giết hại cha ruột chính là vì mất hết lương tri, mất hết tình thương, và mất hết sự tôn kính – mất ba thứ này thì con người không còn nhân tính, chẳng khác gì dã thú, mà chúng ta  lại thường nghe rằng: “hùm dữ không ăn thịt con”

Có thể cái “gút” nằm ở tại chỗ này, dù trăm đời nghìn kiếp thiên hạ cố kết oán hờn, căm giận nhau nhưng khi gặp nhân duyên được làm cha mẹ, con cái, chồng vợ… với nhau là cơ hội tốt để tháo mở cái oán kết đó bằng tình thương, phi tình thương thì không có một thứ gì có thể hóa giải nỗi lòng hận thù. Bởi vì trên đời này không ai thương con bằng cha mẹ, sinh thành dưỡng dục và nuôi con trong những điều kiện mà cha mẹ cho là tốt nhất, có nhiều khi phải làm những điều bất thiện để lo cho con cái chu toàn. Cả thiên hạ, loài người có thể bạc đãi con nhưng cha mẹ vẫn mở rộng vòng tay bao dung tha thứ chờ đón con về khi trời giông to bão lớn. Con cái được nuôi lớn trong tình thương ấy để làm người, làm người phải có lương tri, phải có tình thương. Chính cha mẹ đã cung cấp cho con cái các nguyên tố thuần khiết ấy.

Nếu loài người không còn lương tri, không có tình thương thì chỉ còn lại chiến tranh và địa ngục. Nhưng “Nước mắt thường chảy xuống” nên không ai dám bảo đảm rằng sau này con cái sống tử tế, hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ nếu không hưởng được một nền giáo dục đạo đức đích thực để có khi tranh thắng với “nghiệp báo” mà hối ngộ quay đầu. Nền đạo đức ấy đề cao ân đức cha mẹ cao sâu như trời bể, không thể nào, không cách nào trả nổi ân đức cao dày này.

Chỉ có Đức Thích Ca mới tuyên nói: “Gặp thời không có Phật tại thế, thờ cha kính mẹ chính là thờ Phật vậy!” Thế nên, giết cha, giết mẹ, giết Phật, giết bậc La Hán, phá hoại sự hòa hiệp của Tăng chúng chỉ có những người mất hết nhân tính, không có tình thương  mới dám phá bỏ thành trì đạo đức để ra tay. Cảnh giới của ngục Vô gián sẽ hiện khởi khi con người không còn nhân tính, không phải là “người” nữa.

Đối với chư Phật và các vị La Hán, cha mẹ hay người thân chưa bao giờ chết – chỉ là trong vô minh luân hồi chuyển kiếp đâu đó trong Lục đạo mà thôi. Như Ngài Mục Kiền Liên sau khi đắc Thiên nhãn thông nhìn thấy mẹ tái sinh trong thế giới Ngạ quỷ chịu đói chịu khổ; Ngài còn nhìn thấy được cả bảy đời cha mẹ về trước cùng được cứu độ trong đại lễ Vu Lan Bồn. Từ nhỏ Thái tử Tất Đạt Đa chưa lần gặp Mẹ nhưng sau khi thành Đạo đã lên cung trời Đao Lợi vì thánh mẫu mà thuyết giáo đại thừa. Ngày Tịnh Phạn Vương băng hà đức Phật cũng thấy vua tái sinh lên cõi trời Tịnh Cư hưởng phước…..

Còn chúng ta nay vẫn u mê trầm luân trong kiếp người và bao nhiêu kiếp trong tương lai không được làm người nữa do lòng tham giận, sân si, kiêu mạn không trừ diệt được, chỉ có chư Phật, chư Bồ tát dõi theo chúng ta để tìm phương cứu độ chứ mình làm sao biết được kiếp sau như thế nào? Nên vâng lời Phật dạy “Chư ác mạc tác – chúng thiện phụng hành” để kiếp lai sinh hưởng được thiện báo, giảm bớt tai ương.

Thì đây đức Phật đã chỉ con đường Từ – Bi – Hỷ – Xả: Lòng từ của cha, tình thương của mẹ, hoan hỷ dẫn dắt con cái hướng thiện; xả buông sự cố chấp mà tha thứ bao dung…  nếu chúng ta không nề gian nan nguy khó miệt mài đi trong im lặng tận cùng với 4 vô lượng tâm ấy thời sẽ thoát được sinh tử luân hồi rồi được dõi nhìn những người thân thương của mình đang hóa hiện vô cùng trong khắp cõi hằng sa thế giới.

 

 

Đức Quảng

 

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi