Nói với quý đạo hữu phụ huynh – Mùa Vu Lan PL. 2562

Chuyên Mục: Câu chuyện dưới cờ, Phật Pháp 48 0

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam mô Vu Lan duyên khởi đại hiếu Mục Kiến Liên bồ tát.

Mùa Vu Lan lại đến, quý phụ huynh và gia đình Phật Tử lại có một cơ hội, một mối duyên lành để gặp lại nhau đây, dưới mái chùa này,  sau khi hành lễ báo hiếu mẹ cha, tri ân thầy tổ, chúng ta sẽ cùng quan tâm một vấn đề là giáo dục đạo Phật đối với tuổi trẻ.

Kính thưa quý đạo hữu, đạo Phật từ thời đức Phật đã có  những chương trình giáo dục ý thức cho trẻ thơ từ rất sớm, 700 năm sau đức Thích Ca nhập diệt do tình hình xã hội phát triển đa dạng nhiều hệ tư tưởng mà bộ A Tỳ Đàm và kinh Hoa Nghiêm đã ra đời. Phật giáo đã diễn tả sự hình thành tiền ngũ thức của một bé thơ một cách trọn vẹn theo chiều hướng thiện qua hình ảnh của Thiện Tài đồng tử. Tuổi trẻ thật vô tư, tuổi trẻ chưa nặng gánh lo, đi chạy nhẹ nhàng không vướng bận. Nhưng tuổi trẻ của Thiện Tài phải trải qua trăm thành, bước lên 51 cấp để thành tựu được ý thức cho đến khi trưởng thành. Đời sống gia đình, xã hội, học đường huân tập cho các em những điều từng trải để tăng trưởng nhận thức hay hoặc dở, song hành theo đó giáo dục Phật giáo sẽ đánh thức ý chí tự chủ tiềm tàng trong mỗi chủng tử hiện hành theo trạch pháp, chọn pháp môn tu phù hợp. Càng bước càng tinh tấn, càng tinh tấn càng hỷ xả, khinh an đi thẳng đến chỗ thành tựu trí diệu giác.

Ví dụ như đời sống của các chú điệu, sa di nơi thiền môn, từ quyển “Tỳ Ni nhật dụng” đến “An ban thủ ý”, trong mỗi hành vi đều quán tưởng sự nhiếp tâm trọn vẹn từ ý thức, từ ý thức tự thân đến ý thức giữa mình liên hệ cùng chúng sinh không khác, không hai, là thực hành hạnh bồ tát đi vào chúng sinh, lấy chúng sinh làm tịnh độ.

Cho nên, phương pháp thực hành sổ báo hiếu và việc thiện, hay sổ dũng, sổ hạnh cũng đều là những phương pháp nhiếp tâm, quán tưởng để nuôi dưỡng ý thức và làm cho nhận thức sớm thành tựu, thành tựu vững chãi trong chánh niệm.

Chữ Hiếu, vốn là mạch sống trường lưu của dân tộc Việt Nam và Phật giáo, nên  dù các học thuyết, tư tưởng phong kiến bị sụp đổ thì chữ hiếu vẫn tồn tại, không những không mất đi mà còn tỏa sáng hơn các hạnh khác, bởi vì cả thế giới xưng tán về nhân bản thì tình thương của cha mẹ là tuyệt đối, là suối nguồn dào dạt từ nơi sơn khê sâu thẳm đến tận mênh mông.

Nói đến cha mẹ là nói đến cho đi không tính toán và không mong báo đáp. Thí dụ như chín tháng mẹ mang con trong lòng như một bà chủ nhà cho thuê chỗ trọ, phải giữ gìn, chịu nhiều gian khó lo toan mọi bề cho đến khi bé ra đời; rồi ba năm nhũ bộ, cho đến thời kỳ hiện đại tân tiến này người ta vẫn tôn vinh sữa mẹ đứng đầu trong các nguồn sữa – Nhưng muốn con hiếu với cha mẹ ông bà thì phải dạy, phải giáo dục từ nhỏ. Bắt buộc bản thân huynh trưởng phải thân giáo làm gương, mình không hiếu thì làm sao khuyên con mình sống hiếu! Điều này mấy chục năm nay tổ chức Gia đình Phật tử đã làm và làm rất tốt. Cũng như ngày hôm nay, con cái được quỳ trước cha mẹ, xin lỗi, đảnh lễ, dâng quà.. Mai sau có việc gì bất ý thì tình thương con cái đối với cha mẹ sẽ được thắp sáng bởi những giọt nước mắt chân tình hôm nay.

Đức Quảng

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi