Tài liệu bậc Lực – Kinh Hoa Nghiêm – Phần 2 – Cửu hội thất xứ

Chuyên Mục: Phật Pháp 268 0
  1. NỘI DUNG TRIẾT LÝ KINH HOA NGHIÊM

Đức Phật đã long trọng tuyên bố với thế gian: “Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Đức Phật đã chỉ con đường sáng cho nhân loại đi theo và khai thị cho ai nấy biết rõ mỗi người đều có chủng tử Phật, và người nào cố gắng phát huy được cái mầm “Thiện” đó, hẳn nhiên (người đó) sẽ thành Phật

Điều này nói lên tầm mức quan trọng cùng khả năng trí tuệ siêu việt của con người, hơn hẳn muôn loài.

Kinh Hoa Nghiêm viết: “Nhân thị tối thắng, năng sinh nhất thiết chư thiện pháp cố” Con người là bậc rất cao, với ý chí tự chủ, con người có khả năng thành tựu được mọi sự tốt đẹp ở đời: Tự hoán cải vận mệnh mình, và có thể tạo được Niết bàn an lạc ngay trong hiện kiếp, chứ chẳng cần đi tìm Niết bàn ở bất cứ một nơi xa lạ nào.

  • Đức Phật cũng nói: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh”, tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Bằng tri kiến Phật, đức Phật tuyên bố Chúng sinh là Phật sẽ thành, cái thấy biết này thấu suốt vô ngại vượt qua không gian, thời gian. Ở thời hiện tại đức Phật nhìn thấy chủng tử Phật tánh ở mỗi chúng sinh; và ở thời tương lai, tất cả chúng sinh đều thành Phật.
  • Sự may mắn làm được thần người là cực kỳ hiếm có như đầu mũi kim đâm trúng hạt cải (châm giới giao đầu nan khải ngộ); như con “manh quy phù mộc dị kỳ thường” (con rùa mù nổi lên đụng khúc gỗ trôi giữa biển khơi), làm được thân người có đầy đủ năm căn và ý thức; lại còn có duyên may gặp, nghe và tu hành theo chánh pháp “ Nhân thân nan đắc Phật pháp nan văn”. Vị trí loài người cư ngụ giữa lục đạo luân hồi được gọi là cõi trung thiên, nên đức Phật Thích Ca được tôn xưng là Trung thiên giáo chủ. Cõi trời thì quá an nhàn vui sướng; cõi tam đồ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì quá u mê và khổ não. Cõi người thì có vui có khổ. Giữa trạng thái hạnh phúc và bất hạnh, con người có thể tinh cần tu học, sửa tâm an nhiên trước mọi phiền não, chướng duyên để “năng sinh tất cả chư thiện pháp” vượt qua khỏi mọi phiền não khổ đau mà thoát khỏi sinh tử đạt đến Niết bàn.

Theo Đại sư Trí Khải (536-697), và cũng là truyền thuyết của Đại thừa Phật giáo thì, sau khi Thành đạo Vô thượng Bồ Đề nơi Bồ đề đạo tràng, đức Phật thích Ca liên nhập đại định “Hải Ấn Tam Muội” thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm trong vòng 21 ngày để hóa độ hàng Thượng thừa Bồ tát. Điều này ghi rõ trong kinh Hoa Nghiêm: “ Ví như mặt trời mới mọc, ánh sáng chiếu soi các đỉnh núi, rồi mới rải xuống các thung lũng đồng sâu. Ánh dương quang tỏa chiếu sáng ngời, lần lượt soi từ cao đến thấp. Khi đã chứng ngô chân lý, Phật dùng trí tuệ Bát nhã phóng hào quang đến các vị Bồ tát trước, rồi đên hàng Nhị thừa (thinh văn, duyên giác), sau mới đến hết thảy chúng sinh”.

Trải 50 năm hóa độ, chư tổ đức đã đúc kết lại và chia thành năm thời kỳ: (Huynh trưởng phải học thuộc lòng)

  • Thời Hoa Nghiêm: 21 ngày, đức Phật giảng về huyền nghĩa “Nhất tâm chân như, pháp giới duyên khởi” tức thuyết minh về sự hình thành vũ trụ vạn hữu để hóa độ cho hàng thượng thừa Bồ tát.
  • Thời Lộc Uyển (cũng gọi là thời A Hàm): 12 năm Đức Phật giảng các bộ kinh A Hàm, thuyết về các pháp môn Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, 10 độ, 37 phẩm trợ đạo.. để độ cho hàng nhị thừa Thanh văn, Duyên giác.
  • Thời Phương đẳng: 8 năm, giảng dạy các Kinh Duy Ma Cật, Lăng già, Lăng giá, Lăng nghiêm, Kim quang minh, Thắng man… xiển dương giáo nghĩa Tánh Không (như Kinh Duy Ma Cật) để độ cho hàng Đại thừa sơ cơ phát tâm Bồ tát).
  • Thời Bát Nhã: 22 năm, Đức Phật giảng các bộ kinh Bát Nhã, kim Cương.. tức thuyên minh về chân ly Không của vạn pháp, để độ cho hàng quyền thừa Bồ tát.
  • Thời Pháp Hoa và Niết bàn: 8 năm, Đức Phật giảng các bộ kinh Pháp Hoa – Niết Bàn xác định giá trị Phật tánh của tất cả chúng sinh vốn sẵn có và sẽ thành Phật trong tương lai để độ chung cho các hàng thượng thừa Bồ tát, hết thảy trời người, chúng sanh, kể cả các hàng xiển đề (không có niềm tin, không có căn lành).

Bộ kinh Hoa Nghiêm có mục đích khai hiển phần giác ngộ của đức Phật nên thể tài và cung cách thuyết giảng, bố cục có nhiều điểm độc sáng, không thứ lớp như các kinh sách khác. Trong kinh công việc chính nơi đạo tràng không do một mình Phật Thích Ca điều khiển vì Phật chỉ ngồi nhập vào Hải ấn tam muội, và mọi hoạt động đều do chư Bồ tát và thiên thần diều hành, xử lý. Duy có hội thứ 7 tại điện Phổ Quang Minh đức Phật làm hội chủ và giảng kinh; Trong hội thứ 9 tại rừng Thệ Đa, đức Phật cùng hàng Thiện hữu làm hội chủ.

Học kinh Hoa Nghiêm nên ghi nhớ câu: “ CỬU HỘI THẤT XỨ” – 9 HỘI VÀ 7 CHỖ KHÁC NHAU, các nơi và các đề tài đức Phật và chư Bồ tát thuyết giảng Kinh Hoa Nghiêm.

  • Hội thứ nhất: Diễn ra tại Bồ Đề đạo tràng do Bồ tát Phổ Hiền làm hội chủ. Giảng về y báo và chánh báo của Như Lai, gồm có 11 quyển và 6 phẩm: Phẩm 1: Thế chủ Diệu Nghiêm, phẩm 2: Như Lai hiện tướng; 3:Phổ Hiền tam muội; 4: Thế giới thành tựu; 5: Hoa tạng thế giới; 6:Tỳ lô giá na.
  • Hội thứ nhì: Diễn ra tại điện Phổ Quang Minh do Bồ tát Văn Thù là hội chủ giảng về pháp môn Thập tín gồm 4 quyển, 6 phẩm. Phẩm 1: Như Lai danh hiệu; 2: Tứ thánh đế; 2: Quang minh giác; 4:Bồ tát Vấn Minh; 5:Tịnh Hạnh; 6: Hiền Thủ.
  • Hội thứ ba: Diễn ra tại cung trời Đao Lợi do Bồ tát Pháp Tuệ là hội chủ, giảng về Thập Trụ gồm 3 quyển, 6 phẩm. Phẩm 1: Thắng Tu di đỉnh; 2: Tu di đỉnh thượng kê tán; 3: Thập Trụ; 4: Phạm hạnh; 5: Sơ phát tâm công đức; 6: Minh pháp.
  • Hội thứ tư: Diễn ra tại cung trời Dạ Ma thiên do Bồ tát Công Đức Lâm là hội chủ giảng về Thập hành gồm 3 quyển, 4 phẩm. Phẩm 1: Thăng Dạ ma thiên; 2: Dạ ma trung cung kệ tán; 3: Thập hạnh; 4: Vô tận tạng..
  • Hội thứ năm: Diễn ra tại cung trời Đâu Suất do Bồ tát Kim Cương Tràng là hội chủ, giảng về Thập Hồi hướng gồm 12 quyển, 3 phẩm (1. Thăng Đâu Suất thiên. 2: Đâu Suất trung cung kệ tán. 3: Thập Hồi hướng.
  • Hội thứ sáu: Diễn ra tại cung trời Tha hóa tự tại thiên do Bồ tát Kim Cương Tạng là hội chủ giảng về Thập Địa, gồm 6 quyển và 1 phẩm Thập Địa.
  • Hội thứ bảy: Diễn ra tại điện Phổ Quang Minh do đức Như Lai là hội chủ, giảng về pháp môn Đẳng giác – Diệu giác, gồm 13 quyển 11 phẩm: (1.Thập Định. 2. Thập Thông. 3.Thập Nhẫn. 4. A Tăng Kỳ. 5.Thọ lượng. 6. Chư Bồ tát trụ xứ. 7. Phật Bất tư nghì pháp. 8. Như Lai Thập thân Tướng Hải. 9. Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức. 10. Phổ Hiền Hạnh. 11. Như Lai Xuất Hiện.)
  • Hội thứ tám: Tái diễn tại điện Phổ Quang Minh do Bồ tát Phổ Hiền là hội chủ, giảng về 2000 Hạnh Môn, gồm 7 quyển, 1 phẩm, là phẩm Ly Thế Gian.
  • Hội thứ chín: Diễn ra tại rừng Thệ Đa do đức Như Lai và Thiện Hữu đồng là hội chủ, giảng về Quả Pháp Giới, gồm 21 quyển, 1 phẩm, là phẩm Nhập Pháp Giới.

( Trong suốt hội thứ 9, phẩm Nhập Pháp giới, nhân vật chính là Thiện Tài đồng tử, vượt qua 100 thành, ấp, tụ lạc; tham học với 53 vị Thiện tri thức (Ngũ thập tam tham), tượng trưng cho 53 giai đoạn tu hành: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, và Đẳng giác, Diệu giác đến Phật quả, nghĩa là từ khi sơ phát Tâm bồ đề đến lúc thành tựu Phật quả.)

Tìm hiểu về Thất xứ, nơi diễn ra Hội Hoa Nghiêm:

  1. Bồ Đề Đạo Tràng: Nơi đức Phật nhập đại định “Hải Ấn tam muội”
  2. Điện Phổ Quang Minh: Ngôi điện này ở bên Bồ Đề Đạo Tràng thuộc nước Ma Kiệt Đà (3 lần)
  3. Cung trời Đao Lợi: Một trong 6 cõi trời Dục giới.
  4. Trời Dạ Ma: Một trong 6 cõi trời Dục giới.
  5. Trời Đâu Suất: Một trong 6 cõi trời Dục giới.
  6. Tha hóa tự tại thiên: Một trong 6 cõi trời Dục giới.
  7. Rừng Thệ Đa: Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên.

Theo Phật học tự điển Đoàn Trung Còn, điện Phổ Quang Minh gần Bồ Đề đạo tràng, thuộc nước Ma Kiệt Đà (điều này có nhiều trước tác không lưu ý nên không tính là ở cõi Ta bà). Như vậy, hội Hoa Nghiêm có 5 lần diễn ra tại cõi nước Ấn Độ.

Quý anh chị Huynh trưởng đúc kết được gì qua CỬU HỘI THẤT XỨ?

  • Đức Phật ngồi tại Bồ Đề Đạo Tràng nhập vào đại định Hải Ấn Tam muội để vận hành một Hội Thượng Phật Hoa Nghiêm hoành tráng diễn ra, từ cõi Ta bà đến khắp các cõi trời Dục giới. Hội thứ nhất và Hội thứ 9 diễn ra tại Bồ Đề Đạo Tràng và rừng Thệ Đa; Có 3 hội thứ nhì, thứ bảy và hội thứ tám đều diễn ra ta điện Phổ Quang Minh thuộc cõi Ta bà; Còn các hội khác đều diễn ra tại các cung trời Dục giới.
  • Hội thứ nhất giới thiệu. Kể từ Hội thứ nhì giảng về Thập Tín; Hội thứ Ba, giảng về Thập Trụ; Hội thứ tư giảng về Thập Hạnh; Hội thứ năm giảng Thập Hồi Hướng; Hội thứ sáu giảng về Thập Địa (Cộng là 50 cấp); Hội thứ 7 giảng về Đẳng Giác, Diệu Giác và Hội thứ 9 giảng về quả Phật (Cộng thêm 3 là 53 cấp). Tổng hợp lại tại hội thứ 9 bằng phẩm Nhập Pháp giới của Thiện Tài đồng tử.

 Phước Châu

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi