Lục Tướng:
Trong pháp giới, mỗi pháp đều có đủ 6 tướng: Tổng tướng-Biệt tướng, Đồng tướng-Dị tướng, Thành tướng-Hoại tướng.
Tổng đối với Biệt; Đồng đối với Dị; Thành đối với Hoại.
- Tổng tướng: Là tướng bao quát toàn thể một vật hay một vật nào đó.
- Biệt tướng: Là tướng đặc biệt của mỗi một bộ phận cấu thành toàn thể sự vật đó. Nhiều biệt tướng cọng thành một Tổng tướng. Đã có Tổng thì có Biệt, nếu không có Biệt thì cũng không có Tổng. Trong Biệt tướng lại có Đặc dị tính; trong Dị tướng có Sai biệt tính.
Ví dụ, sư tử là tổng tướng. Tổng tướng là tướng chung (universal). Năm căn của sư tử (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tượng trưng cho biệt tướng. Biệt tướng là tướng riêng (particular). Tổng tướng do biệt tướng làm ra. Biệt tướng hợp lại thành tổng tướng.
- Đồng tướng: Là tướng giống nhau của một số vật. Đó cũng là tính dung hòa không ngăn ngại, không chống đối nhau của mọi vật.
- Dị tướng: Là tướng riêng biệt của vật này, vật khác. Hình tướng của mọi vật tuy có khác nhau, nhưng về mặt lý tính thì không có sai khác.
Theo kinh Hoa Nghiêm, thì không có một ngăn ngại, mâu thuẫn nào giữa Đồng và Dị, và giữa Dị và Dị
Dị là Sự, có nghĩa là mọi vật, mọi việc riêng rẽ nhau. Đồng là Lý hay là Nhất, mà Lý là Thể của Sự nằm trong Sự. Tất cả sự vật trên đời này không có thực thể đồng nhất bất biến, mà chỉ là một hiện tượng của nguyên thể hay chân thể, tức là Lý mà thôi.
Khi nhìn một Tổng tướng là cái nhà – Biệt tướng là các nhân tố để làm thành cái nhà. Tuy là từng viên gạch khác nhau, từng tấm ván khác nhau nhưng có một cái gì đó làm cho những cái khác nhau đến với nhau để làm thành một cái tổng quát. Trong cái đồng có cái dị và trong cái dị có cái đồng. Từng viên gạch, từng tấm ván là những cái khác nhau. Nhưng khi những cái khác nhau tới với nhau hòa hợp lại với nhau và làm thành một cái gọi là đồng tướng (sameness). Tất cả đều là nhà, nhìn vào viên gạch nào cũng thấy nhà mà nhìn vào tấm ván nào cũng thấy nhà. Tất cả những cái trong nhà, những chi tiết, những yếu tố, những mảnh nhỏ đều là nhà, không có cái nào không là nhà. Cái nào cũng có đồng tướng, tại vì nó là một phần của nhà, nó là nhà.
- Thành tướng: Là tướng thành tựu của nhiều bộ phận hợp thành sự vật.
- Hoại tướng: Là sự tan rã một sự vật lớn thành nhiều phần tử nhỏ.
Thành hoại là quy luật tất yếu do nhân duyên, mỗi sự mỗi vật trong Tổng-Biệt tướng đều trải qua từ Dị tới đồng – Đồng Đồng-Dị Dị mà hình thành, mà tan rã.
Khi nói Tổng-Đồng-Thành là đứng về phương diện toàn thể viên dung, bình đẳng của bản thể; Khi nói đến Biệt-Dị-Hoại là đứng về phương diện hiện tượng , trong đó mọi sự vật đều phơi bày riêng rẽ hình tướng khác nhau. Vạn hữu trong vũ trụ tựu trung đều gồm 2 tính cách Bình đẳng và Sai biệt.
Ba tướng Tổng-Đồng-Thành đều có tính cách viên dung, vô sai biệt; Ba tướng Biệt-Dị-Hoại đều có tính cách sai biệt bất bình đẳng và ngăn ngại nhau. Hết thảy mọi pháp trên thế gian này đều có đủ 6 tướng nói trên, không một pháp nào lại không viên dung tự tại, bởi thế nên gọi là 6 tướng viên dung.
Vạn vật đều gồm đủ 2 nghĩa: Sai biệt (trên mặt hiện tượng); và bình đẳng-vô sai biệt (trên mặt bản thể). Không một pháp nào lại không có đủ cả hai mặt hiện tượng và bản thể. Hai lẽ ấy không lúc nào rời nhau, một ẩn bên trong; một hiện ra ngoài, bao bọc lấy nhau, trong-ngoài cùng là một vật. Và trên thực tế thì bên ngoài (hiện tượng) tức là bên trong (bản thể). Chân như tức là Vạn pháp-Vạn pháp tức là Chân như. Lý tức Sự; Sự tức Lý theo tư tưởng Bất nhị.
Thập Huyền môn:
Mười đặc tính huyền diệu, được đại sư Pháp Tạng (thời nhà Đường) trong một tập luận có nhan đề là “Chú Kim Sư Tử Chương”.Trong toàn bộ kinh Hoa Nghiêm 80 quyển chữ Hán, các pháp Phật được rải ra như muôn hoa đủ màu sắc, nhưng tuyệt nhiên không có tên nào giống như bộ luận của các tổ sư thuộc tông Hoa Nghiêm cả, nhờ tài khéo léo của các vị tổ thuộc tông này lấy ý mà đặt tên cho các pháp đó rồi viết thành những bộ luận để triển khai những lý sâu xa, bí ẩn, nhiệm mầu nên tông Hoa Nghiêm mới được rộng truyền hậu thế. Riêng về Thập Huyền Môn có một nguyên ủy như sau:
- Đồng Thời Cụ Túc Tương Ưng Môn :
Các pháp trong vũ trụ đều vô ngã, vô thường, dung thông vô ngại. Thời gian, không gian, động lực, sự sống v.v…cùng một lúc đồng thời tồn tại, tương tức, tương nhập, tương sinh, tương diệt, không có pháp nào có tự tướng riêng biệt, độc lập cả. Trong khi nêu lên một pháp gì, đồng thời có đủ ngay các pháp khác trong đó, muôn pháp đều ảnh hưởng lẫn nhau theo thế giây chuyền trùng trùng điệp điệp.
Đồng thời xuất hiện, đã đầy đủ ý nghĩa không cần phải truy nguyên, suy diễn theo ý người, cũng như ý ta để cố tạo ra một sự đồng cảm, đồng điệu nào. Vì mọi sự chuyển động từ sinh đến diệt trong những hoàn cảnh thời gian nào đều duyên nhau không rời.
Thí dụ khi thầy Pháp Tạng chỉ vào con sư tử và nói “Sư tử vàng”, thì vàng và sư tử đồng thời thành lập. Cả hai đều tròn đầy và không thiếu thốn. Cái này gọi là đồng thời cụ túc tương ứng môn.
Cụ túc là đồng thời cùng một lúc, như sư tử vàng hiển hiện thì sư tử và vàng có mặt cùng một lúc, tương ứng với nhau, không tính cái nào có trước cái nào có sau thì gọi là cụ túc tương ứng môn.
Trong thời gian đồng thời có không gian, có động lực và có sinh hoạt sống chết, có nhân quả, nghiệp báo v.v.. Nếu quả đất ngừng quay, hay mặt trời không chiếu sáng nữa thì lập tức không còn không gian thời gian và phương hướng, vì con người đã căn cứ vào sự xoay vần của địa cầu chung quanh mặt trời mà làm ra lịch, tạo ra đồng hồ để đo thời gian. Nếu không còn ngày đêm thì không còn sự Sống và không gian sẽ trở thành một bãi hoang lạnh điêu tàn…
Trong kinh có một hình ảnh hồi xưa Đức Thế Tôn hay dùng, đó là hình ảnh giao lô. Giao lô là những cây sậy dựa vào nhau. Lô là cây sậy.
Đức Thế Tôn thấy ba cây sậy chụm lại thì đứng vững không ngã xuống được. Nếu lấy đi một cây thì hai cây kia rớt xuống. Lấy đi bất cứ cây nào trong ba cây thì hai cây còn lại sẽ rớt xuống. Sự đứng vững của cây này tạo thành sự đứng vững của hai cây kia. Chúng ta không thể nói cây này đứng vững được rồi thì mới tới cây kia. Không có sự vững chãi của cọng lau này trước rồi mới có sự vững chãi của cọng lau kia sau. Sự vững chãi của mấy cây lau xảy ra đồng thời.Tương ứng là hưởng ứng với nhau cùng có một lúc.
2..Nhân Đà La Võng Cảnh Giới Môn.
Nhân đà la là phiên âm chữ Indra tức lấy Phạm Cung La Võng của Cung Trời Đế Thích làm ví dụ.Vì trên cõi trời này có một tấm lưới rộng lớn, trong đó mỗi mắt lưới được gắn nhiều hạt minh châu. Mỗi viên ngọc sáng ngời tỏa chiếu ánh thật xa, hạt nọ phản ánh sáng hạt kia lấp lánh thành một cảnh sắc huy hoàng tráng lệ. Đây là hình ảnh nói lên ý nghĩa mọi vật trong vũ trụ đều liên quan mật thiết với nhau.Mỗi động tác của từng cá nhân gây ảnh hưởng đến các cá nhân khác trong cộng đồng xã hội đều phải gánh chịu. Không một lời nói, một việc làm nào lại chẳng gây ảnh hưởng dây chuyền ít nhiều đến phần tử khác. Một cái vẩy tay hay một tiếng động nhỏ cũng có thể phát sinh ra luồng điện lực làm rung chuyển cả bầu khí quyển lan tới các vì tinh tú rất xa trong không gian vô tận.
Trong mỗi bộ phận chi tiết như mắt, tai… của sư tử, cho đến mỗi sợi lông của sư tử đều có sư tử vàng. Sư tử có mặt (đi vào) trong từng sợi lông, đồng thời mỗi sợi lông chứa đựng tất cả sư tử. Mỗi sợi lông đều có vô biên sư tử, và vô biên sư tử đều có mặt trong mỗi sợi lông sư tử. Cứ như thế mà trùng trùng vô tận (lớp này lớp khác đi về vô tận) như là lưới châu của vua trời Phạm thiên. Cái này gọi là Nhân Đà La Võng Cảnh Giới Môn.
Để Võ Tắc Thiên hoàng đế hiểu được điều này, thầy Pháp Tạng đề nghị làm một nhà kiếng hình tám mặt (bát giác). Thầy đưa hoàng hậu vào trong nhà kiếng, trên tay bà cầm một ngọn nến. Khi nhìn vào một tấm kiếng bà thấy rõ ràng trong đó không chỉ có một ngọn nến (đèn cầy). Khi đèn cầy phản chiếu thì nó gởi hình ảnh đó sang mặt kiếng kế bên và tất cả các mặt kiếng khác. Mặt kiếng bên lại phản chiếu lại, rồi đi vô lại và phản chiếu sang các mặt khác. Điều này cũng xảy ra cho các mặt khác… Như thế không biết bao nhiêu ngọn nến mà kể, không thể dùng toán học (mathematics) mà đếm được. Đó là trùng trùng vô tận.
Giáo lý Hoa Nghiêm cho rằng Vũ trụ chẳng khác nào một sân khấu khổng lồ, trong đó có vô số những sức mạnh chằng chịt, và vô số những phần tử trùng trùng điệp điệp tác động hỗ tương tạo thành những bức tranh muôn màu hòa hợp.
- Bí Mật Ẩn Hiển Câu Thành môn
Các pháp thâu nhiếp lẫn nhau, trong Ẩn có Hiển, trong Hiển có Ẩn Trong lý tương tức, tương nhập của các pháp, có pháp ở trong, có pháp ở ngoài, nhưng trong ngoài cùng một thể Tính. Sức mạnh bề ngoài của một sự vật tàng ẩn một mầm yếu đuối bên trong.
Khi nhìn sư tử chỉ thấy sư tử mà không thấy vàng, trong trường hợp này sư tử hiện ra, vàng thì ẩn dấu đi. Khi nhìn vàng chỉ thấy vàng mà không thấy sư tử, trong trường hợp này vàng biểu hiện còn sư tử ẩn đi. Nếu biết nhìn hai cái một lượt thì có thể thấy được tất cả đều ẩn hay tất cả đều biểu hiện. Ẩn nghĩa là bí mật, là dấu đi; hiển nghĩa là biểu hiện ra, là hiển trước. Đó gọi là bí mật ẩn hiển câu thành môn.
Tám vạn bốn nghìn pháp môn Phật dạy, có pháp nặng về phần tướng, có pháp nặng về phần tính, nhưng Tính-Tướng bất nhị, các pháp đều cùng chung một mục đích, giải thoát con người khỏi vòng luân hồi đau khổ.
Câu nói “Tâm là Phật, Phật là Tâm” hàm ý nghĩa: Ẩn và Hiển đều thành. Dụ như ánh sáng của trăng, nơi này nhìn như trăng khuyết mà nơi khác lại thấy trăng tròn trịa, viên mãn…
Những hình thức tụng kinh, niệm Phật, lễ bái, cúng dường, bố thí, xây chùa, dựng tháp, in kinh, thực hành hạnh đầu đà… tức là những sự tướng bên ngoài phát ra từ lý thể bên trong, kết quả sẽ đưa tới sự chứng đắc pháp nọ, pháp kia, hay được sinh về những cõi tịnh độ. Phật pháp không ly thế gian tướng và niết bàn không ở đâu xa, nó vẫn tàng ẩn trong nếp sống hiện tiền, ngay tgtrong tâm thức mọi người trong thế gian này.
- Vi Tế Tương dung An Lập Môn
Một pháp có thể dung chứa bao gồm nhiều pháp khác, gọi là tương dung: Một và nhiều lẫn lộn nhau, gọi là an lập. Một vật nhỏ nhiệm gọi là vi tế. Vũ trụ cực đại được cấu bởi những lân -hư – trần hay nguyên tử cực tiểu. Toàn khối cực vi là Chân Không của vạn pháp. Thực tướng của các pháp là vô tướng.Chân thể của nó là vô thể. Cái cực đại và cái cực tiểu dung thông vô ngại bên nhau.
Vi tế có nghĩa là cái nhỏ nhất. Khoa học vật lý đi tìm cái nhỏ nhất gọi là hạt cơ bản (elementary particle) để coi thế giới này được làm bằng chất liệu căn bản nào. Họ chẻ vật chất ra tới mức nhỏ nhất, nguyên tử rồi tới hạ nguyên tử (subatomic). Họ tìm ra điện tử (electron), trung hòa tử (neutron), dương tử (proton). Và họ vẫn cố gắng tiếp tục chẻ nữa.
Vàng và sư tử hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc một hoặc nhiều, hoặc thuần hoặc tạp, hoặc hữu lực hoặc vô lực, hoặc này hoặc kia, thì chủ và bạn chiếu sáng cho nhau, lý (bản thể) và sự (hiện tượng) đều (đồng thời) biểu hiện, tất cả đều dung nhiếp nhau. Chúng được an lập mà không làm chướng ngại nhau cho tới lằn mức vi tế nhất. Cái này gọi là Vi Tế Tương Dung An Lập Môn.
Thầy Pháp Tạng nêu ra tám cặp: vàng và sư tử, ẩn và hiển, một và nhiều, thuần và tạp, hữu lực và vô lực, cái này (thử) và cái kia (bỉ), chủ và bạn, lý và sự. Những cặp chống đối nhau đều ở trong một sự thực là nó dung nhiếp nhau, chứa đựng nhau.
Trong kinh Hoa Nghiêm có nói tới hạt. Thầy Pháp Tạng, ngoài Kim Sư Tử Chương có sáng tác một số tác phẩm khác trong đó có Bách Môn Nghĩa Hải Hoa Nghiêm Kinh (biển nghĩa lý qua một trăm cánh cửa của kinh Hoa Nghiêm). Thầy Pháp Tạng chia tác phẩm ra mười chương, mỗi chương có mười đoạn. Trong đoạn thứ hai có nói: Mỗi hạt mà mình cho là nhỏ nhất có thể ôm lấy tất cả vũ trụ. Nó có trong nó tất cả. Nó không cần phải tìm hiểu những hạt khác làm gì tại vì trong nó có đầy đủ hết rồi. Cũng như bông hoa không cần phải đi tìm hiểu mặt trời vì trong bông hoa đã có mặt trời rồi. Trong kinh nói rõ ràng là hạt bụi này không cần phải đi tìm hiểu hạt bụi khác, trong nó có đủ hết rồi.
- Thập Thế Cách Pháp Dị Thành Môn
Sư tử là pháp hữu vi, sinh diệt trong từng phút giây. Trong mỗi sát na có chia thành ba thời, quá khứ, hiện tại và vị lai và mỗi thời đều chứa đựng quá khứ, hiện tại và vị lai. Tất cả đều có ba lần ba làm vị trí, do đó lập thành chín thời. Chín thời này gom lại thành một pháp môn (cửa ngõ của pháp) duy nhất. Tuy là chín thời nhưng mỗi thời đều có tướng cách biệt. Vì tất cả đều được thành lập một cách dung thông vô ngại nên tất cả đều có mặt chung trong một niệm (khoảnh khắc thời gian). Cái này gọi là Thập Thế Cách Pháp Dị Thành Môn.
Trong giấc mơ mà ta thấy được những việc quá khứ, hiện tại và vị lai đều xuất hiện. Cùng một lúc con người đùa giỡn với chính mình trong những khoảng không gian và thời gian khác nhau. Con người ở kiếp này chịu ảnh hưởng của kiếp trước và nhiều kiếp trước nữa, không những chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh trên mặt đấtmà còn phải chịu ảnh hưởng của vũ trụ không gian. “Vạn vật đồng nhất thể”. Những vũ trụ tuyến do các tinh cầu phát ra cực mạnh và lan đến ta, đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ta nhiều hay ít. Trong vũ trụ, mọi sự kiện đều tương đối và giả danh cả.Trong lý vô ngã, vô thường, không gì ngắn bằng một đời người, và không gì dài hơn một vài phút ngóng đợi người thân.
Thi sĩ Tản Đà, trong một giây phút nhập thần, ông đã viết những câu thơ bất hủ :
“Người đời thử ngẫm mà hay,
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!
Còn ai, ai tỉnh hay mê?
Những ai thiên cổ đi về những đâu!..”
- Chư Tạng Thuần Tạp Cụ Đức Môn
Nếu mắt của sư tử thu nhiếp toàn thân của sư tử thì toàn thân sư tử trở thành mắt của sư tử. Nếu tai sư tử thu nhiếp toàn thân sư tử thì toàn thân sư tử trở thành tai sư tử. Nếu các căn sư tử đồng thời thu nhiếp được nhau (toàn thân của sư tử) thì căn nào cũng có đầy đủ trong tự thân, và vì vậy cái nào cũng là chung (tạp) và là riêng (thuần) cùng một lượt, và cái nào cũng trở thành một kho tàng viên mãn. Cái này gọi là chư tạng thuần tạp cụ đức môn.
Chân lý này nói ý nghĩa Thuần và Tạp, Chủ và Khách, Tâm và Vật, Tính và Tướng, Lý và Sự, Chất lượng và năng lượng, Vật chất và Tinh thần, hay Bản thể và Hiện tướng …đều dung thông vô ngại, khiến cho cái nọ trở thành cái kia, cái kia trở thành cái nọ, không còn mâu thuẩn với nhau, do đó mà mọi sự xích mích đều có thể giải tỏa, mọi bất đồng đều có thể tiêu tan, không còn phân biệt Ngã và Phi ngã, không còn cái ta nào hơn cái ta của toàn thể sự vật chung quanh mà ta ý thức được. Mỗi chúng sinh là một phần tử của toàn thể.Mỗi chúng sinh đều có phật tính, điểm linh quang của toàn khối Chân Như. Vậy, chúng sinh này với chúng sinh khác chỉ là một, không khác. Xã hội với cá nhân đều liên quan mật thiết với nhau, không thể hy sinh cá nhân cho đoàn thể, cũng không thể hy sinh đoàn thể cho cá nhân. Hai bên đều là Chủ, là Bạn cho nhau để cùng sinh tồn, biến dịch..
- Nhất Đa Tương dung Bất Đồng Môn
Hết thảy vạn pháp dù “một”hay “nhiều”cũng đều dung thông với nhau cả. Đặt một ngọn đèn ở giữa mười tấm gương bao quanh nó, ta thấy xuất hiện trong mỗi tấm gương ánh sáng của vô số ngọn đèn, ngọn nọ ngọn kia chiếu lẫn nhau. Mối tương quan, tương dung, tương tức, tương nhập chằng chịt giữa vật nọ vật kia nói lên ý nghĩa: Một là hình ảnh của tất cả. Tất cả là hình ảnh của Một cái cực tiêu là hình ảnh của cái cực đại thu hẹp lại.
8 .Chư Pháp Tương Tức Tự Tại môn
Một là tất cả. Tất cả là một. Trong pháp giới, về mặt hình tướng thì vạn hữu sai biệt không đồng đều, nhưng về mặt thể tính thì mọi vật đều bình đẳng như nhau. Vật lớn, vật nhỏ thể chất giống nhau, vì tất cả đều là hợp tướng của điện tử hay nguyên tử. Lớn nhỏ, rộng hẹp chỉ là những danh từ tương đối, vì không có vật nào tuyệt đối lớnhoặc tuyệt đối nhỏ. Đối với Phật thì đại thiên thế giới tức 1.000.000.000 thế giới như Thái dương hệ của chúng ta cũng chẳng lớn gì, vì trong vũ trụ bao la vô cùng tận, nó chỉ là một hạt cát nhỏ trong những đống cát của sông Hằng, như khoa Thiên văn học ngày nay đã từng chứng minh. Vì thế mà Đức Phật đã dạy: “Trên đầu sợi lông hiện ra mười phương quốc độ, ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân”. Ý Phật muốn nói đến lý bình đẳng, tuyệt đối, vô sai biệt giữa các pháp trên trần thế. Sự sai biệt giữa lớn và nhỏ không còn nữa nếu ta từ bỏ được lối nhìn sự vật ở bên ngoài, chỉ hướng tầm mắt nhìn vào bản thể bên trong mà quan sát sẽ thấy rõ sự sự vật vật trong khắp pháp giới đều viên dung, bình đẳng, tự tại, vô ngại.
Các giác quan và mỗi đầu sợi lông sư tử đều do vàng mà thu nhiếp được toàn thân sư tử. Cho nên cái gì trong sư tử cũng triệt để thu nhiếp mắt của sư tử. Mắt là tai, tai là mũi, mũi là lưỡi, lưỡi là thân, mỗi căn đều được thành lập, không có gì làm chướng ngại. Cái này gọi là Chư Pháp Tương Tức Tự Tại Môn.
Cái này là cái kia, cái kia là cái này. Nước là sóng, sóng là nước. Vàng là sư tử, sư tử là vàng. Cái này là cái kia, chúng ta là nhau. We interare, water and wave interare.
- Duy Tâm Hồi Chuyển Thiện Thành Môn
Mọi sự vật hiện hữu trong cuộc đời đều bắt nguồn từ “Như lai tạng tính thanh tịnh chân tâm“mà kiến tạo nên. Tâm làm chủ tất cả. Cho nên trong kinh nói: Tâm tạo chư Như lai, nhược bằng nghịch chuyển “tức thị sinh tử”; mà thuận chuyển thì “sinh tử thị niết bàn”. Chân Tâm (Phật tính) vốn không sinh, không diệt, không tăng, không giảm, không nhơ, không sạch. Bản thể của Chân Tâm là trong sáng tròn đầy, chu biến khắp pháp giới bao la. Tâm là chủ động tất cả.
Vàng và sư tử hoặc ẩn hoặc hiển tùy trường hợp, hoặc một hoặc nhiều, thật ra cả hai đều không có tự tánh, tất cả đều xoay quanh và biến chuyển theo tâm. Dù nói về sự hay về lý (bản thể hay hiện tượng) thì cả hai đều do tâm mà có sự thành lập và có cái vị trí của mình. Cái này gọi là Duy Tâm Hồi Chuyển Thiện Thành Môn.
Sư tử không có tự tánh mà vàng cũng không có tự tánh. Tướng, tánh là từ tâm chúng ta mà ra. Giống như khi ta chơi nhạc vậy, chơi ra một bản nhạc rồi thôi, bị vướng vào một bản nhạc thì tâm trạng bị kẹt.
Do Tâm mới có Lý và Sự. Do Tâm mới có vạn hữu sinh thành và biến dịch. Vậy Tâm là chính yếu. Đây là lập trường căn bản của bộ kinh Hoa Nghiêm chủ trương “Nhất thiết duy tâm tạo”. Pháp môn “Duy Tâm thối chuyển thiện thành” cũng có ý nghĩa: các pháp đều tương tức vô ngại hay Tâm tức Cảnh, Cảnh tức Tâm, khi Cảnh tịch thì Cảnh là Tâm, khi Tâm chiếu thì Tâm là Cảnh. Tịch và Chiếu chỉ là hai mặt của một đồng tiền.
- Thác Sự Hiển Pháp Sinh Giải Môn
Thác là vay mượn, sự là cái gì đó, thác sự là vay mượn một cái gì đó. Hiển pháp là làm sáng tỏ bản chất các pháp, sinh giải là giúp cho người ta hiểu được. Thác sự hiển pháp sinh giải có nghĩa là mượn một sự việc hay một hiện tượng nào đó để làm sáng tỏ bản chất của các pháp, để giúp người ta hiểu rõ hơn tự tánh của các pháp.
Nhờ quan sát hiện tượng giới mà ta nhận thấy rõ chân lý “Vạn vật đồng nhất thể” và vì vạn pháp đều vô ngã, vô thường, duyên sinh nên các pháp đều không có ranh giới nhất định và gây chướng ngại cho nhau (mà) còn dung thông, dung nhiếp lẫn nhau để tạo nên vũ trụ có trật tự nhịp nhàng, theo chiều hướng tiến bộ về nẻo chân, thiện, mỹ, tự tại giải thoát.
Đứng về mặt bản thể thì, vũ trụ là một khối duy nhất, viên mãn, bất biến, tự tại vô ngại, bình đẳng và bất khả phân. Nhưng trên bình diện Hiện tượng thì sự sự, vật vật lại có những bộ mặt sai thù phân biệt. Tuy nhiên, Bản thể và hiện tượng chỉ là hai bộ mặt của một thực tại tuyệt đối được mệnh danh là TÂM hay CHÂN NHƯ Vạn hữu, trăm sai ngàn biệt, đều do từ một nguồn Tâm (chữ Tâm viết hoa) này mà sinh khởi và ở đó thì không gian và thời gian đều dung thông làm một, và sự Sống tràn lan bất tận vô thủy vô chung.
Đứng về mặt hiện tượng thì vạn hữu trong vũ trụ đều làm nhân duyên đắp đổi lẫn cho nhau, trùng trùng duyên khởi và ảnh hưởng lẫn nhau để cùng tồn tại hay cùng hủy diệt. Những « thế giới chủng » « thế giới hải » trong kinh Hoa Nghiêm, chính là quan niệm về Thiên hà (galaxie) và siêu thiên hà (Metagalaxie) mà khoa Thiên văn học ngày nay đã công nhận vậy.
Phước Châu