Vâng lời thầy, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, đã chỉ hướng đi cho Thiện Tài và dạy bảo phương pháp tu học : “Gần gũi và phụng sự các thiện tri thức, là nhân duyên tối sơ để thành tựu nhất thiết trí, do đó đừng bao giờ mệt mỏi với điều này”, rồi Ngài dặn lại: : “Muốn thành tựu Nhất thiết trí cần phải quyết định tìm đến chân Thiện tri thức,với những bạn hiền, đừng bao giờ mệt mỏi trong việc tìm bạn và không bao giờ xao lãng những điều khuyên bảo tốt đẹp của bạn hiền,cũng đừng bao giờ tìm tòi những khuyết điểm của bạn hiền.
“Đừng bao giờ tìm tòi khuyết điểm của bạn hiền” đây cũng là một thói thường tình, tìm học là học những cái cần thiết, những điều hay. Nếu hoài nghi về những khuyết điểm có thể nảy sinh thành kiến ngã chấp, thêm phiền não, thêm trói buộc và bị thoái tâm.
Thiện Tài đồng tử một mình một bóng giữa trời bao la, con đường cầu học còn xa ngút ngàn phía trước, và chí nguyện của Thiện Tài càng cao cả, tâm nguyện của Thiện Tài cũng lớn rộng như bầu trời mênh mông ấy.
Đi mãi, lần hồi cũng đến nước Thắng Lạc , ở đây có một ngọn núi cao tên là Diệu Phong . Đồng tử leo lên khắp mọi đồi núi , nhưng rừng thì rậm, núi thì cao. Từ ngày này sang ngày khác vẫn không tìm thấy bóng Thiện hữu. Mãi cho đến 7 ngày sau, duyên kỳ ngộ đã đến. Thiện tài mới thấy một vị Tỳ kheo đang thong thả thiền hành trên một ngọn núi bên kia, đó chính là đại sư Đức Vân . Thiện Tài vội vàng đến lễ bái ra mắt đem tâm nguyện chí thành xin được Thiện tri thức chỉ giáo.
Tại đây, nhờ sự hướng dẫn chí tình Thiện Tài đã được học hết tất cả các sở đắc của người thầy. Thiện Tài học được ở Đức Vân sự củng cố niềm tin, ý chí kiên trì. CHính đây là căn bản để Thiện Tài tiếp thu và ngày đêm tu tập một pháp môn mà nhờ đó có thể nhớ được các giáo pháp hết thảy chư Phật. Sau khi công năng thành tựu, Đúc Vân lại dạy cho Thiện Tài phát triển con mắt chánh tín. Bằng con mắt chánh tín Thiện Tài
Lần lượt chứng kiến được sinh hoạt hy hữu của vô số Phật khắp mười phương. Pháp môn cuối cùng mà Đức Vân truyền thọ là pháp môn Phổ Kiến, Thiện Tài thành tựu và có khả năng thấu suốt và ghi nhớ trọn vẹn hết thảy nguồn sáng trí tuệ vô biên của cõi Phật..
Thế nào là thành tựu Pháp môn Phổ kiến? Đó chính là thành tựu Tam Pháp ấn thấu tột lý Vô Thường – Vô Ngã – Niết Bàn; thấu tột lý Vô thường- Vô Ngã sẽ thấu suốt mười phương cõi Phật tức Niết bàn. Nếu thấu suốt Vô thường Vô Ngã thời cái nhìn với Tâm Bình đẳng tánh trí thì cái thấy khắp mọi chúng sanh đều là Phật hiện tiền.
Khi Hòa Thượng Thích Thanh Từ bàn về Ngài Vô Ngôn Thông, học trò Bách Trượng, và nói ngài đã giác ngộ khi đọc câu: «Tâm địa nhược Không, tuệ nhật tự chiếu». Nghĩa là đất tâm nếu trống không, thì mặt trời trí tuệ tự sáng. Tôi mới hiểu rằng Phật đã đi đến chỗ Không Tâm, tới Hư Vô, đã di chuyển trong Hư Vô, và di chuyển bằng Thân Ánh Sáng.
Vả lại, “Pháp giới của Phật vốn vô ngại, mà chính do vô minh, phân biệt của con người làm ra ngăn ngại. Pháp giới ấy vốn trùng trùng duyên khởi mà con người làm ra thành cá nhân và sự vật hạn cuộc, và cũng từ đó mà trùng trùng khổ đau”..
Con đường học hỏi Phật Pháp vẫn còn xa diệu vợi, giới hạn sở học của thầy Đức Vân chỉ chừng ấy. Ngài khuyên Thiện Tài nỗ lực tìm kiếm các Thiện tri thức khác và giới thiệu đến Hải môn gặp Tỳ kheo Hải Vân.
Hết núi cao chập chùng đến biển rộng bao la. Con đường xuất thế cũng là con đường nhập thế , phải có ý chí kiên cường mới hoàn thành hạnh nguyện của mình. Cái học của Bồ tát không phải chỉ là cái học ở sách vở, mà còn học từ những âm thanh vi vu của núi rừng, tiếng ầm ầm của thác đổ, tiếng gào thét của sóng vỗ biển gầm.
Thiện Tài đi tìm ngày này tháng nọ không biết mỏi mệt. Thiện tài đã đến được một quốc độ bên bờ biển đó là Hải Môn và gặp được Tỳ kheo Hải Vân. Thâm cảm tâm niệm chí thành khẩn thiết với mục đích tối thượng của Thiện Tài. Hải Vân tỳ kheo đón tiếp Thiện Tài niềm nở . Hải Vân hướng dẫn cho ThiệnTàii bồi dưỡng tâm nguyện bồ đề cho được vững chắc, hạt giống thiện phải được gieo rắc rộng rãi, vun trồng chăm bón luôn luôn. Ánh sáng trí tuệ phát sanh từ các tam muội (chánh định) phải được phát triển rộng lớn. Nuôi lớn phép bạch tịnh, phụng sự thiện tri thức không bao giờ biết mệt mỏi, không hề tiếc rẻ thân mạng mình. Bài học nhập môn củng cố Bồ đề tâm là ở đó, và cũng chính trên căn bản này Thiện Tài đã phát triển Tâm Đại Bi, cứu khổ giải nguy cho hết thảy chúng sanh, Tâm Đại từ đem nguồn vui đến cho tất cả mọi người. Tâm nhiêu ích hướng dẫn mọi loại hữu tình tránh xa đường dữ để được lợi ích ; Tâm ai mẫn bảo vệ cho những ai đang sợ hãi ; Tâm an lạc luôn luôn đem niềm vui an tịnh đến cho mọi người, và đến phát triển Tâm Vô ngại, Tâm Quảng đại, Tâm Vô biên, Tâm thanh tịnh Tâm trí tuệ…
Sau khi biết Thiện Tài đã phát triển đầy đủ các tâm nguyện như thế, Hải Vân mới lần lượt chỉ điểm cho Thiện Tài những kinh nghiệm tu tập của bản thân.
Tại đây sau 1200 năm ngồi nhìn mặt biển, quán chiếu tính chất bao la và sâu thẳm của nó, Hải Vân đã khám phá và chứng nghiệm một đặc tính cá biệt của biển, đồng thời cũng chứng nghiệm được đặc tính của Tâm và của những gì đang tồn tại, bởi vì một là tất cả – tất cả là một. Biển cả là nơi trú ngụ của vô số chủng loại chúng sanh từ loài nhỏ nhoi cho đến tất cả các loài cực kỳ to lớn ; lòng biển chứa đựng vô số kỳ trân bảo vật. Biển tiếp thu bất tận mọi nguồn nước mà lượng biển không hề tăng hay giảm. Như thế, thể tính của biển cũng là thể tính của hết thảy Phật Pháp. Một ngày kia đột nhiên từ lòng biển dâng lên qua muôn vạn lớp sóng cuồng một đóa sen vĩ đại kết tinh bằng mọi thứ ngọc ngà châu báu. Các loại Thiên Long, bát bộ quỷ, thần mang đến mọi thứ kỳ trân đến để chiêm bái hoa sen ấy. Nó xuất hiện từ sự huyễn hóa, từ bản chất mộng ảo của các pháp. Và trên đài sen ấy hiện ra một đấng Như Lai ngồi kiết già, cao lớn tới tận chóp đỉnh của thế giới hữu tình với muôn ngàn sắc tướng và đức tính bất khả tư nghị, Ngài đưa tay sờ lên đầu Hải Vân tỳ kheo, nói về pháp môn Phổ Nhãn chỉ cho thấy cảnh giới của hết thảy Như Lai, mở rộng con đường hành động của hết thảy Bồ tát. Trải qua 1.200 năm, Hải Vân thọ trì pháp môn này hàng ngày. Khả năng ghi nhớ tuyệt vời, thâu nhận tuyệt vời và đi sâu phân tích, lĩnh hội thâm uyên đến mức độ nhuần nhuyễn có thể triển khai, giảng lại cho người khác hiểu. Nhờ đó đã truyền thọ cho Thiện Tài pháp môn này. Khi Thiện Tài thành tựu pháp môn này thì Hải Vân lại cho biết những điều đã học, đã chứng đó, thật sự chưa đi vào đại dương Bồ tát, chưa đi vào biển cả đại nguyện, và giới thiệu Thiện Tài đi đến một Thiện tri thức khác mà học thêm.
Thế nào là thành tựu Pháp môn Phổ nhãn?Điều phục tâm dừng lại. Phá bỏ mọi thành kiến ngã chấp bằng các phép Quán và nhìn thấy sự huyễn hóa và bản chất mộng ảo của các Pháp “cái này có thì cái kia có”nên có sức nhìn thấu suốt trong Pháp giới.
Dừng lại, tức là đình chỉ sự vương mắc của Tâm. Nếu như Tâm dưng lại thì hiện tại và tương lai bằng không – không có thứ gì được sinh ra.
Như thực hành pháp Ngũ đình tâm quán:
- Quán niệm hơi thở: Đình chỉ vọng tưởng, đối trị bệnh tán loạn
- Quán bất tịnh: Đối trị lòng tham sắc dục
- Quán từ bi: Lắng sạch lòng hận thù
- Quán nhân duyên: Mọi sự tương duyên – diệt trừ mê muội.
- Quán giới phân biệt: Đối trị chấp ngã
Thiện Tài vừa đến cửa khẩu Lăng Già đạo thì tại đây đang có một thịnh hội. Từ xa Thiện tài đã thấy vô số loại chúng sanh, đủ loại chủng tộc, từ loài người, loài quỷ hiền, quỷ dữ, quỷ âm nhạc, quỷ bạo lực, cho đến cả quỷ ăn thịt, và cũng có các vị thiên thần, tất cả đang vây quanh Thiện Trụ. Đủ loại hình thái trên mặt đất, xe cộ lâu đài, tàng lộng cho đến vân vũ sấm chớp. Thiện Trụ vẫn đứng yên một chỗ mà đôi tay vẫn vươn bắt mặt trời, vẫn ở đó mà từng sát na chu du mười phương cõi Phật, nghe hiểu và nhớ vô lượng giáo pháp của Phật.
Thiện Tài đồng tử với lòng tràn đầy hỷ lạc, đên gia nhập đại hội rồi ở lại đây để được Thiện Trụ hướng dẫn tu tập, thành tựu pháp môn Vô Ngại Giải Thoát Thie6e5n Tài đã học được pháp « Dừng lại » ở Thiện Trụ tỳ kheo, chuẩn bị những bước nhảy cao để nhập dòng Như Lai. Thiện tài đã hiểu phải dừng lại như thế nào đó là hiểu rõ tự tánh Bồ tát giới.
Sau khi đã thành tựu sở đắc trong Đại thừa Bồ tát giới, Thiện Tài được Thiện Trụ giới thiệu đến tham vấn học hỏi với Di Già, một nhà ngôn ngữ học ở Kim cang thành. Trường ngữ học của Di Già, ở ngay giữa ngả tư đường, kế bên chợ, thật thích hợp cho một trường Ngữ học. Bồ tát ở ngay bên chợ, giữa phố thị ồn ào của sanh tử để giáo hóa chúng sanh. Thiện tài đến đúng lúc Di Già đang có khóa giảng cho 10.000 học viên, khóa giảng lấy tên là Luận tự chuyển trang nghiêm, tức là lắng nghe tiếng nói mà biết tâm lý đối tượng. Vì mỗi tiếng nói phát ra đều mang một ẩn nghĩa, chứa đựng một tâm linh, một khát vọng (ví dụ : tiếng A biểu lộ sự ngạc nhiên hay muốn ngăn chận tức khắc một điều gì. A ! hay Á ! biểu lộ cái đau đến ngạc nhiên, Ồ ! Biểu lộ ý thức đang ngược với tư duy của mình. Ơ ! Hay Ô ! khi được phát ra biểu hiện tiến kêu thống khổ.v..v..)
Đến cả tiếng chim ca ríu rít, tiếng suối chảy róc rách trong rừng núi, tiếng cuốc kêu trong đêm trường vắng lặng.. đều là những tiếng nói nhiệm mầu của thiên nhiên.
Thiện Tài bước đến dưới tòa sư tử cúi đầu sát chân Di Già đảnh lễ, cầu xin chỉ giáo con đường đi đến Phật thừa. Cảm nhận được tâm của Thiện Tài, Di Già rời tòa sư tử bước xuống váy lạy Thiện Tài và rải lên người của Thiện Tài các thứ bông hoa bằng vàng bạc, bột thơm vi diệu, ca ngợi sự phát tâm rộng lớn của Thiện Tài. Sự ca ngợi ấy tỏa ra thành những tia sáng chiếu rọi suốt đại thiên thế giới. Vô số chúng sinh nhận ánh sáng này, tập họp về nghe giảng pháp Luận từ chuyển trang nghiêm và đạt đến trình độ không thối chuyển nơi Vô thượng bồ đề. Sau đó Di Già dạy cho Thiện Tài về ánh sáng của Biện tài đà la ni. Từ đó Thiện Tài có thể nghe và hiểu rõ mật ngôn trong tiếng nói của thần linh, rồng rắn, thần điểu.. đến cả mật ngôn của các loài chủng tộc loài người, súc sinh, các loài ở địa ngục.v..v.. trong cả trăm ngàn thế giới. Sau khi học được pháp môn Biện tài đà la ni quang minh do Di Già truyền dạy, Thiện Tài thành tựu trí tuệ, thấu hiểu tất cả mọi mật ngôn hay chân ngôn, chứng Sanh quý trụ.
Nói cho đầy đủ Thiện Tài đồng tử trong hành trình cầu đạo tu đạo, học đạo có đến 53 lần được thọ giáo với 53 vị khác nhau. Trong đó có những lần tham cầu vo71`i các vị bồ tát Quán Tự Tại, Văn Thù Sư lợi, Phổ Hiền.. và một lần cầu đạo với Thắng Nhiệt Bà la môn. Thắng Nhiệt chuyên tu các pháp môn khổ hạnh, bốn phía lử đốt dâng cao như núi lớn, giữa núi lại có ngọn núi cắm đầy dao mác. Thắng Nhiệt leo lên được núi cao, nhảy được vào hầm lửa. Thắng Nhiệt bảo Thiện Tài hãy leo lên. Ban đầu Thiện Tài nghĩ đây là phép tu ngoại đạo không mang lại lợi ích gì cho con đường cầu đạo của mình nhưng bổng có tiếng trời Phạm Thiên vọng trên hư không : « Đây là một thử thách lớn đối với tâm không thối chuyển » Biết vậy nên Thiện Tài bình thản bước vào hầm lửa, leo lên núi dao một cách nhẹ nhàng tự tại. Lạ thay ! Thiện Tài lại cảm nhận được sự an lạc lạ thường.
Con đường cầu đạo, tu đạo, học đạo của Thiện Tài bắt đầu từ lời giáo hóa của Bồ tát văn Thù, chí hướng Bồ tát đạo khơi dậy (hạt giống giác ngộ sẵn có nơi mọi người, khi có tác động thì nảy mầm), lý tưởng Phật thừa được thúc đẩy mãnh liệt. Cử chỉ Bồ tát Văn Thù quay lại nhìn Thiện Tài trong tư thế một con voi chúa nhìn lại đàn voi của mình (là một động thái lân mẫn để dẫn dắt cứu độ chúng sinh) . Bồ tát căn dặn Thiện Tài phải quyết định tìm đến các Thiện tri thức. Thiện tri thức, cần có một tình bạn chân thành, một trái tim yêu thương hiểu biết, nên Thiện Tài có thể tìm học bất cứ ai. 53 bối cảnh mà Thiện Tài trải qua cũng là 53 giai đoạn trong quá trình tu chứng.
Sau khi được Văn Thù Bồ tát khai đạo, Thiện Tài đã vượt lên địa vị Thập tín của Bồ tát sơ cơ. Niềm tin về Phật pháp đã được xác lập, tin tưởng nhất định vào sự giác ngộ cuối cùng của mình và hướng sự nghiệp duy nhất của đời mình vào sự giác ngộ đó. Tiến thêm một bước nữa trong quá trình tu chứng tiếp theo là địa vị Thập Trụ, phát tâm an trụ vững vàng trong chí nguyện Phật thừa, đây là vị trí cao cả vượt lên trên thế gian. Biểu tượng là Thiện Tài leo lên đỉnh núi gặp Đức Vân là đám mây lành che mát thế gian Sự kiện 7 ngày mới gặp Đức Vân cũng có nghĩa là giai đoạn phát tâm an trụ phải thông thuộc Thất giác chi. Khi Thiện Tài từ giả Đức Vân để đi tìm một Thiện Tri thức khác, con đường trải dài chập chùng trước mắt xa xa núi xanh mây trắng là viễn tượng một thế giới bao la đã được chứng kiến nhưng chưa tùng sống thực trong đó. Cái được nhìn thấy và cái được sống thực không phải là hai lãnh vực riêng biệt chia cách nhau giữa ý niệm trừu tượng hay ấn tượng mơ hồ với thực tại cụ thể, cho nên cuộc hành trình của Thiện Tài cũng được gọi là cuộc hành trình chứng nhập pháp giới, tức là đi vào “Sự sự vô ngại pháp giới”. Giai đoạn Thiện Tài đến cầu đạo với Tỳ kheo Hải Vân cũng là giai đoạn Thiện Tài chứng Trì Địa trụ (Trụ thứ 2 trong Thập trụ). Thiện Tài đã phát 10 tâm. Sau khi đã an trụ trong sự phát tâm đối với Phật thừa thì cần điều tâm cho thuần thục để đưa đến sự TỰ LỢI và LỢI THA. Đến tham cầu học hỏi với vị nào thì cũng phải từ giã ra đi như quán trọ trên đường quê hương. Nhưng “quê hương nào mà không quán trọ, và quán trọ nào không là quê hương” . Bồ tát phát khởi Bồ đề tâm luôn luôn cất bước về những khoảng trời cao rộng, dấn thân vào lộ trình vô tận của luân hồi, nên ra đi mà như đã trở về, và người đã trở về vẫn là kẻ ra đi. Khổ đau của vô lượng chúng sanh thôi thúc bước chân hành giả nên không bao giờ có nét nhọc nhằn trên khuôn mặt. Bồ tát luôn luôn một nụ cười hoan hỷ trên môi. Cho nên khi đạt được giai vị bất thối chuyển vô thượng Bồ đề Thiện Tài còn đi, đi nữa và dừng lại tại nhiều quán trọ nữa.
Như khi Thiện Tài gặp Bà la môn Thắng Nhiệt, Thiện Tài đã an nhiên đi vào hầm lửa, trèo lên núi dao, chính là hình ảnh tiêu biểu cho hành trình đi vào Pháp giới hay sự tu chứng tự tâm. Chính là đi vào Ngũ dục mà vẫn được thảnh thơi; đi vào Ngũ trược với hạnh Bồ tát.
Thiện Tài đồng tử là tấm gương ngời sáng cho tất cả những ai phát nguyện dấn thân vào hành trình tu tập cầu Phật đạo.
Phước Châu