Trong lịch sử truyền tin nhân loại – dường như các châu lục trong thời cổ đại đã cùng phát triển các loại hình truyền tin tương đồng với nhau, rõ nét nhất là người Trung Quốc cổ đại đã sớm xây dựng nên Vạn Lý trường thành khởi từ thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên-CN) và hoàn chỉnh vào đời Tần Thỉ Hoàng đế (214 trước CN) rồi kết thúc vào triều đại nhà Minh – cứ cách vài dặm là lập nên một phong hỏa đài để đốt khói lửa truyền tin khi có biến; đồng thời cũng xây dựng nên những Dịch trạm để những người đưa tin đổi ngựa , lúc khẩn cấp thì hỏa tốc suốt ngày đêm. Ban đêm khi muốn truyền tín hiệu ở xa vài dặm người ta đốt đèn lồng lên và phát tín hiệu bằng cách che đèn và mở ra theo quy ước thời đó như sử dụng đèn pin phát tín hiệu morse ngày nay.
CHÂU U VƯƠNG
NỔI LỬA “ĐÀI TIN” TRÊU GẠT CHƯ HẦU
Năm 781-771 trước Tây lịch
Châu U Vương họ Cơ, tên Cung Niết, là một hôn quân mất nước thời Tây Chu(781-771). Ông được nước Bao (Còn gọi là “Hữu Bao”, Tên một nước chư hầu của Trung Hoa thời cổ đại, nay thuộc huyện Miễn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Hoa) hiến tặng một mỹ nữ tên BaoTự, một cô gái tuy rất xinh đẹp nhưng chưa bao giờ nở nụ cười. U Vương rất sủng ái Bao Tự nên tìm đủ mọi cách để mong có được nụ cười của nàng nhưng cuối cùng vẫn không được như ý nguyện. Có người hiến kế rằng: “Thiên hạ đã thái bình, các đài lửa báo tin cũng đã tắt hết, nếu như nay cho khói lửa nổi lên trên đài báo tin, các nước chư hầu sẽ lập tức kéo binh đến, bấy giờ hoàng hậu nhất định sẽ cười”. Thế là, U Vương liền cho nổi khói mịt mù trên đài báo, quân chư hầu thấy thế nghĩ là U Vương đang có nạn, liền tức tốc kéo quân ứng cứu. Bao Tự vừa thấy cảnh ngàn vạn binh mã khí thế hùng hổ kéo đến, bèn thích thú nhoẻn miệng cười. Đến nơi, quân chư hầu bèn hỏi U Vương: “Đã xảy ra chuyện gì?” Vương đáp rằng: “Chỉ vì muốn hoàng hậu cười thôi”. Chư hầu đành tức giận ra về.
Về sau, Thân Hầu mượn quân của Khuyển Nhung tiến đánh U Vương, lần này Vương
cho nổi lửa đài báo, thế nhưng không một bóng quân chư hầu nào đến giúp. Cuối cùng Vương thất trận bị giết ở núi Li. Tây Chu bị diệt vong, Đông Chu thành lập, kiến nghiệp tại Lạc Dương
Trường thành ở Trung Quốc đã tồn tại 25 thế kỷ, trong quá khứ, nó là công trình quân sự, là cảnh tượng chiến tranh ly biệt, được Đặng Trần Côn diễn tả trong Chinh phụ ngâm, bà Đoàn Thị Điểm dịch:
Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
Đó chính là cảnh tượng người ta đốt lửa trên phong hỏa đài để cấp tốc loan truyền tin giặc đến ngoài biên ải, tin đến triều đình rất nhanh, nhà vua tức khắc ra lệnh xuất chinh.
Thời Tam Quốc, Quan Vân Trường say chiến thắng đánh phá quân Tào Tháo rời xa Kinh Châu, dặn phải đốt Phong hỏa đài khi phát giác quân Đông Ngô có dấu hiệu động binh. Quân Ngô giả thuyền buôn phục kích các Phong hỏa đài để chiếm Kinh Châu làm Quan Vân Trường phải sa cơ bị quân Đông Ngô bắt và bêu đầu.
Trong lịch sử lập quốc Hoa Kỳ, những bộ lạc người da đỏ hoang sơ ban ngày thường dùng khói để truyền tín hiệu đơn giản theo quy ước:
- Ban ngày dùng khói:
Đốt lửa lên cho cháy đều rồi bỏ cỏ khô và lá, rơm ẩm ướt để tạo khói. Lây cái mền nhúng nước thật ướt đậy khói lại. Muốn cụm khói to thì giữ mền lâu; muốn cụm khói nhỏ thì giữ mền mau giở ra cho khói bay lên từng hồi; Quy ước như sau:
- Ba cụm khói to liên tiếp nhau bay lên chầm chậm: CỨ TIẾP TỤC (giở mền ra đếm từ 1-2 giây, đậy lại đếm từ 1- 6 giây, làm như vậy 3 lần.
- Một luồng khói bay lên không ngừng: DỪNG LẠI (Ngưng lại và giở ra trong 6 giây)
- Những cụm khói nhỏ xen lẫn những cụm khói to là NGUY HIỂM (Áp dụng cả 2 cách khói nhỏ giở mền mau, khói to giở mền lâu xen kẽ nhau)
- Ban đêm dùng lửa:
- Đốt lửa cho cháy đều và dùng mền ướt che hướng mình muốn truyền tin
- Ánh sáng ngắn (tích) khoảng 2giây; ánh sáng dài (te) khoảng 6 giây.
Kỵ nhất ban đêm mà dùng còi hiệu, làm chó sủa, gây ồn ào xóm làng
Đèn pin hay đèn bão cũng có thế sử dụng ban đêm để truyền tin.