Báo ảnh GĐPT – Bộ môn Nhiếp ảnh

Chuyên Mục: Nhiếp Ảnh 43 0

Nhiếp ảnh ngày nay, đã trở nên thông dụng vô cùng, từ thời kỳ máy cơ cho đến kỹ thuật số (digital) với dung lượng lớn, nhưng chúng ta chưa có một chương trình phù hợp để phát triển  một trong những bộ môn văn nghệ GĐPT này. Loại hình nghệ thuật này tuy không mới mẻ gì nhưng chúng ta đã không quan tâm suốt nhiều năm mà lợi thế của nó có thể làm ra nhiều điều tiện ích! Việc đầu tiên của Ban Văn Nghệ thực hiện là sưu tầm và lưu trữ những bức ảnh ngày xưa để làm nền tảng và truyền thống phát triển .

Những bức ảnh bình thường như  chụp lưu niệm  những sinh hoạt lễ, trại, hội nghị, đại hội, Chu niên … cũng có tính cách thời sự, có thể tường thuật một phóng sự  kèm theo vài bức ảnh minh hoạ là một việc không mấy khó khăn với các dụng cụ săn ảnh kỹ thuật số thời nay. Nhưng trong những bức ảnh đó có một số ít  ảnh  đạt các điều kiện về bố cục, góc độ, ánh sáng  và sức sống …. Ngay trong khoảnh khắc  “xuất thần” của đối tượng  người chụp đã  nắm bắt được sự rung động nhịp nhàng này  để biến nó thành “mãi mãi” là cách nói theo nghệ thuật. Thiền sư  Hương Hải có đề 4 câu thơ diễn tả được cái khoảnh khắc  xuất thần  đó :

Nhạn quá trường không

Anh trầm hàn thủy

Nhạn vô lưu tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi  tâm.

Nhạn không có ý soi mình vào đầm nước; nước cũng không có lòng giữ bóng hình nhạn bay qua, nhưng Nhiếp ảnh, Hội hoạ có thể lưu ảnh, lưu tích  cái khoảnh khắc “hiếm hoi” ấy trong hai câu thơ đầu của Thiền sư.

Ngoài  chân dung và hình tượng của chư Phật, Bồ tát, vĩ nhân, và các bậc đàn anh, đàn chị hữu công ra, chúng tôi không cố ý để giới thiệu một cá nhân nào hiện diện trong các bức ảnh – nếu có chỉ là cái toả sáng tự nhiên của một tập thể , sức sống của Gia đình Phật tử theo góc độ của nhiếp ảnh .Xem qua quyển kỷ yếu 50 năm GĐPT xuất bản nơi hải ngoại – kỳ công nhất là các tác giả đã sưu tầm và hội tập lại rất nhiều bức ảnh đương thời để hậu thế có thể mường tượng ra được từ chân dung đến các hoạt động  của những ngày xa xưa cách nay hơn nửa thế kỷ. Ngày nay, cũng có những trưởng đang  sưu tập những bức ảnh cũ như thế để hoài niệm, để trưng bày quá khứ hoạt động của đơn vị mình. Đứng riêng một khía cạnh nghệ thuật nhiếp ảnh, ban văn nghệ chỉ trình bày “cái sức sống, cái hồn” của bức ảnh  để  giới thiệu  trong  tuyển tập Nhiếp ảnh hôm nay và ý định “triển lãm” ảnh GĐPT mai này.

Anh Phat 41z

Những điều tiện ích do nhiếp ảnh đưa đến thì rất nhiều: Giới thiệu các thiết kế hiện thực trong kiến trúc Phật giáo và GĐPT; giới thiệu đường nét các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc; giới thiệu các hoạt động sân khấu, lửa trại, trò chơi nhỏ, trò chơi lớn, vũ điệu cộng đồng …. Mà nếu không qua nhiếp ảnh người nghe sẽ không thể mường tượng hết được.

Nay chúng tôi xin mạn phép giới thiệu một tập báo ảnh  dự định sẽ cùng thực hiện với sự cộng tác của các ủy viên văn nghệ, những nhà nhiếp ảnh Gia đình Phật tử sẽ cộng tác phát hành ở một thời hạn mà chúng ta sẽ quyết định sau (3 tháng, 6 tháng hay 1 năm/lần) tập trung những bức ảnh có sức sống để ra tờ báo ảnh, cũng dành thời gian để trình bày các bộ môn văn nghệ  khác (kiến trúc , Âm nhạc, sân khấu, kịch nghệ, biên đạo múa, thi văn, trò chơi nhỏ, trò chơi lớn, sử dụng nhạc cụ….) và từng bước khai phá kỹ thuật Video clip, home video để quảng bá hoạt động của Gia Đình Phật Tử. Đây cũng là là diễn đàn chung của các nghệ sĩ GĐPT mà trong đó nhiếp ảnh  và hội hoạ sẽ giữ vai trò minh hoạ.

Nhu cầu của giới trẻ hiện nay đòi hỏi và trông mong nhiều vào sự đổi mới sinh hoạt  để lôi cuốn được tuổi trẻ đến chùa và bản thân các em  sẽ được học hỏi, tham gia hoạt động nhiều hơn. Thật sự, chúng ta chưa khai thác và tận lực thúc đẩy mạnh mẽ các tiềm năng trong các bộ môn văn nghệ GĐPT, không thể an phận với các kiểu sinh hoạt thụ động trong khi tài nguyên trong kho tàng văn nghệ lúc nào cũng sẵn sàng  trông chờ vào sự hợp sức của mỗi chúng ta.

☼ Ban Văn Nghệ

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi