Bảy tuần sau khi Đức Thích Ca thành Đạo – Đức Quảng

Chuyên Mục: Hồi ký, Phật Pháp 48 0

Tháng 11 năm 2004, chúng tôi lần đầu tiên đặt chân đến Bồ Đề Đạo Tràng. Hơn 25 thế kỷ thánh địa này đã trở thành một vùng trũng thấp và sông Ni Liên Thuyền đã bị thời gian đất bồi cao lên trôi dạt ra xa. Tôi ngồi xuống băng đá nghe gió reo trên những tàng lá Bồ Đề vi vút những tiếng lao xao trong lời tán tụng trầm ấm từ loa phóng thanh hợp xướng những lời Pâli nguyên thủy “ Buddhamm Saranam Gacchami…” [Con về nương tựa Phật..] Dharmam Saranam Gacchami [Con về nương tựa Pháp]…. , dường như Pháp âm vẫn vang theo vòm lá và 1.250 vị A La Hán vẫn đoanh vây dù đã qua gần 2600 năm vật đổi sao dời!

Nhưng không, chúng ta cùng dạo qua những trụ đá để xem chúng ghi lại sự kiện gì tiếp theo sau khi Thế Tôn Thành Đạo. Đây là trụ đá thứ nhất: Cội Bồ Đề (Nơi Thành Đạo) Thái tử Siddhartha thành đạo vào năm 623 trước Công nguyên vào ngày trăng tròn tháng Vaisakha khi ngồi dưới cội Bồ Đề này. Pháp khí hay Kim Cương Tòa đặt dưới cội cây Bồ Đề là trung tâm điểm Ngài thiền tọa giác ngộ.

Suốt thời gian bảy ngày đầu tiên sau khi Thành Đạo Đức Phật ngồi không lay động dưới tàng cây Bồ Đề để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát (Vimutti Sukha).

Còn đây là trụ đá thứ  hai:

Nơi Thiền Quán: Sau khi Thành Đạo Đức Phật đã thiền định tại đây trong tuần thứ nhì quán chiếu về phía cây Bồ Đề (Có nơi còn ghi là quán chiếu tri ân cây Bồ Đề đã che chở suốt thời gian Ngài vào đại định) Vua Asoka xây một cái tháp chỗ này tên: Animisalocana Cetiya. Có thể lúc này đức Thế Tôn đã nhận diện sự tương quan mật thiết của chúng sinh vạn hữu, gần nhất là hơi thở của Ngài và hơi thở của cây Bồ Đề chuyển động quang hợp không ngừng cùng gắn bó không rời nhau dưới con mắt và đời sống của tuệ giác.

Trụ đá thứ ba:

Vì Đức Phật không rời nơi trú ngụ mà vẫn còn quanh quẩn ở cội Bồ Đề nên chư Thiên lúc bấy giờ còn nghi ngờ, không biết Ngài đã đắc Quả Phật chưa. Đức Phật biết được tư tưởng ấy, đã dùng oai lực thần thông tạo một “đường kinh hành quý báu” và lưu lại những dấu chân Chankramenar, dọc theo hành lang phía Bắc của đại tháp khi đi nên đã lưu lại trên các bước (ratana camkamana) suốt trọn tuần..

Biết chư Thiên nghi ngờ Đức Thích Ca đã thành đạo chưa? Ngài kinh hành ấn bàn chân sâu xuống đá.

Trong tuần lễ thứ tư:

Đức Phật ngự trong “bảo cung” (ratanaghara, cái phòng bằng ngọc, trong ý nghĩa “cái phòng quý báu”) để suy niệm về những điểm phức tạp của Thắng Pháp (Abhidhamma, giáo lý cao siêu). Kinh sách ghi nhận rằng khi Ngài suy tưởng về lý Nhân Quả Tương Quan (Patthana), bộ khái luận thứ bảy của Tạng Thắng Pháp,A-tỳ-đàm, tâm và thân Ngài trở nên hoàn toàn tinh khiết và do đó phát tủa ra một vầng hào quang sáu màu.

Trụ đá thứ năm:

Trong tuần thứ năm, Đức Phật ngồi dưới cội Ajapala trứ danh, chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát (vimutti sukha). Vào cuối tuần, khi Ngài xuất ra khỏi trạng thái siêu thế ấy có một vị Bà-la-môn ngã mạn (huhumka jakita) đến gần chào hỏi theo lễ nghi rồi nói: “Này Tôn Giả Gotama (Cồ Đàm), đứng về phương diện nào ta trở thành một thánh nhân (Brahmana) và những điều kiện nào làm cho ta trở thành thánh nhân?”

Để trả lời, Đức Phật đọc lên bài kệ:

“Người kia đã xa lánh mọi điều xấu xa tội lỗi, không còn ngã mạn (huhumka), đã thanh lọc mọi ô nhiễm, thu thúc lục căn, thông suốt các pháp học và đã chân chánh sống đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy được coi là thánh nhân (Brahmana). Đối với người ấy không còn có sự bồng bột, dầu ở nơi nào trên thế gian.”

Tuần Thứ Sáu

Từ cây Ajapala Đức Phật sang qua cây Mucalinda và ngự tại đây một tuần lễ để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến. Trời sẫm tối dưới lớp mây đen nghịt và gió lạnh thổi suốt nhiều ngày. Vào lúc ấy Mucalinda, mãng xà vương, từ ổ chun ra, uốn mình quấn xung quanh Đức Phật bảy vòng và lấy cái mỏ to che trên đầu Ngài. Nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động đến thân Đức Phật. Đến cuối ngày thứ bảy, thấy trời quang mây tạnh trở lại, Mucalinda tháo mình trở ra và bỏ hình rắn, hiện thành một thanh niên, chấp tay đứng trước mặt Đức Phật.

Tuần thứ sáu nơi “Hồ Rồng mù”

Trụ đá thứ bảy

Vào tuần thứ bảy, Đức Phật bước sang cội cây Rajayatana và thiền định ở đó . Khi ra thiền có hai thương buôn Miến Điện là Tapussa và Bhallika dâng cúng bánh mật lên Phật, nghe pháp và xưng tán: “Con về nương tựa Phật – Con về nương tựa Pháp – (Tăng già lúc đó chưa có).

Đến trụ đá thứ bảy thì chúng tôi mới chợt hiểu ra tiếng niệm từ loa phóng thanh vang rền tại Bồ Đề Đạo tràng là tiếng niệm được phát ra từ hai vị thương buôn Miến Điện hơn 2500 năm trước – Sau này chỉ thêm câu Quy y Tăng Già thôi “Shangham Saranam Gacchami” Có đi tận nơi với tinh thần cầu học trong tinh thần huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, ghi nhận, sưu khảo chúng ta mới có dịp chạm vào sự thật mà cảm ứng tâm linh dào dạt tận buồng tim.

 

 

Đức Quảng (biên soạn)

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi