Bên cầu sông Kwai
Thời trung học, chúng tôi say sưa nghe và hát theo những ca khúc vang bóng một thời, trong đó có nhạc phẩm “Bên cầu sông Kwai” – The Bridge on the River Kwai của Malcolm Arnold . Bộ film có cùng tên với bài hát sản xuất năm 1957 , liên tiếp đạt 7 giải Oscar và được lưu trữ quốc gia tại Mỹ như một sử liệu về điện ảnh. Khi khởi bước hành trình xuyên biên giới bằng đường bộ qua ngả Cambodia – Thailand, tôi mới phát hiện địa danh cầu sông Kwai ẩn hiện trên bản đồ ngay tại biên giới Thailand – Myanmar, tuyến đường xe lửa đi qua song Kwai do tù binh quân đội Đồng minh bị Bộ tư lệnh quân Nhật ép thiết kế, xây dựng một cây cầu kiên cố để quân Nhật vận chuyển khí tài, lương thực năm 1942, đầu Thế chiến thứ 2, và cầu này đã bị du kích quân và quân đội Đồng minh phá sập ngay trong chuyến vận chuyển đầu tiên.
Kế hoạch hoạt động năm 2015 BHD Quảng Đức Sài Gòn có đề nghị tổ chức một chuyến tham khảo xuyên biên giới trong kỳ trại Linh Sơn tháng 10 năm đó, như BHD Sài Gòn đã từng tổ chức xuyên biên giới du khảo Angkor wat, Cambodia năm 2013. Tôi ghi lại những sự kiện này để thấy GĐPT Sài Gòn đã sớm mở một bước ngoặt mới trong quá trình phát triển Gia đình Phật tử tại quê nhà là hội nhập cùng hải ngoại ra thế giới sau nhiều năm chịu sự “bế quan tỏa cảng”, mà không cần nương vào sự hỗ trợ tài lực bên ngoài. Trước năm 2000, muốn cầm một quyển passport (hộ chiếu) trên tay để ra nước ngoài cực kỳ khó khăn. Bây giờ, cửa biên giới đã mở, ta còn ngần ngại gì? Ít tiền thì đi đường bộ, ngủ nhà trọ, ăn cơm bụi, di chuyển theo bản đồ lộ trình, rèn luyên ngoại ngữ giao tiếp… đó không phải là phong cách trại mạc Gia đình Phật tử sao!
Bấy giờ là năm 2013 tại Sài Gòn. Khi tôi trình bày và diễn tả lịch sử về điạ danh cầu sông Kwai. Thật là bất ngờ! Hình như ít ai biết, mà có biết thì cũng chỉ nghe loáng thoáng đâu đó. Dù sao tôi cũng chỉ là một trong các trưởng soạn thảo kế hoạch, nên cũng không chắc là kế hoạch của mình có được chấp thuận không, nên chỉ khuyên các huynh trưởng trẻ về search trên Google từ khóa cầu sông Kwai để biết về câu chuyện ly kỳ trong Thế giới chiến và lưu ý nhất là các thành viên phải làm Passport, giá cả lúc đó là 200.000$, hoặc Passport còn hiệu lực trên 6 tháng, tính từ khi ta qua biên giới. Giá vé xe Bus đi từ sài Gòn đến Phnom Penh và từ Cambodia qua biên giới Poipet vào Bangkok, Thailand xem ra tương đương với giá xe bus đi Saigon – Huế, ăn cơm bình dân tính ra khoảng 1US$/bữa ăn; ngủ trọ qua đêm khoảng 3-5 US$… đi tham quan thì tùy theo chặng đường mà bao xe hay mua tour.. Song, do thời gian chuẩn bị không lâu nên BHD Sài Gòn tuyên bố không thể thực hiện, và cái chuyến đi cầu sông Kwai kỳ này sẽ do GĐPT Chánh Định, chùa Trấn Quốc Q.10 tổ chức cùng các thân hữu GĐPT bạn tham gia. Theo quy định, GĐPT Chánh Định có xin phép BHD Quảng Đức Sài Gòn và thông qua Đại diện Trung ương Miền Quảng Đức là anh Thiện Tịnh Lê Văn Nghệ vào thời điểm đó.
Thực ra, trong chương trình đã đề ra 3 điểm chính yếu:
- Hành trình đường bộ qua ba nước Việt Nam – Cambodia – Thailand. (Fielwork -Du khảo)
- Hành hương qua các chùa tháp Phật giáo tại Bangkok, (Pilgrimage-Hành hương)
- Du lịch Pattaya và đảo San hô -( Backpacking tour -Du lịch Ba lô)
- Du khảo cầu sông Kwai tỉnh Kanchanabury cách Bangkok 130 km về hướng tây.(Fielwork -Du khảo)
Trước ngày đi khoảng hai tuần Thái Lan còn bị nổ bom khủng bố ở đền Hindu Erewan và bến cảng Sathorn với số thương vong không nhỏ làm các thành viên vài người chùn bước..
Chương trình vẫn được tiến hành nhưng thay vì ở lại Bangkok chương trình lên phương án 2 dự định sẽ đi thuyền trên sông Chiao Praya thay vì đi trên bộ và sau đó sẽ chuyển về bờ biển Pattaya-Thailand nếu tình trạng xấu vẫn tiếp diễn!
Từ 6h sáng ngày 30/8, tập họp ở bến xe Phạm Ngũ Lão, có hai thành viên sẽ đợi ở Cộng Hòa. 7h 15’ xe xuất phát tất cả đã an vị trên xe, thẳng tiến Mộc Bài, đoàn du khảo chính thức với 15 thành viên trong đó có 7 thành viên là GĐPT Chánh Định :
1/ Anh Đức Quảng Nguyễn Hoàng Phụng.
2/ Chị Diệu Quỳnh Dương Thị Mai
3/ Anh Thiện Hiếu Nguyễn Lương Chung Ly
4/ Chị Diệu Huệ Phạm Thị Duy Vỹ
5/ Chị Diệu Chánh Đỗ Minh Phương
6/ Em Thiếu nữ Nguyễn Thị Minh Lý
7/ Em Nhật Giang Lê Hoàng Hải
8/ Đạo hữu Phước.
Cùng 7 thành viên khác từ các nơi:
9/ Chị Bình Nguyên (Gia Định)
10/ Chị Thu Vân ( Thiện Hoa 2)
11/ Chị Diệu Hoàng ( Thiện Hoa 2)
12/ Chị Xuân Bông ( Nha Trang)
13/ Thục Định (Bình Thuận)
14/ Ngô Văn Hải (Quảng Nam)
15/ Chị Ánh Loan (Quảng Nam).
Do đã từng qua lại Thái Lan bằng đường bộ nhiều lần công với nhiều ngày tháng tìm hiểu cập nhật và tham khảo mọi vấn đề liên quan đến trại trên mạng Internet, từ địa điểm tham quan, đến giá cả xe, các tour tham quan, gueshouse, motel… giá cả ăn uống ……. để chọn lựa và tính toán sao phù hợp với trại phí của trại đã đề ra.
Hành trình của chuyến đi êm ả rời khỏi biên giới Việt Nam – đặt chân vào địa phận Cambodia, chúng tôi ăn sáng uống cà phê ở một quán ăn sát biên giới VN và Cambodia. Khỏang 14h30 trưa ngày 30/8 chúng tôi đến thủ đô Phnom Penh, xe đưa 15 người chúng tôi về đến trạm xe đi Bangkok và gởi hành lý tại đây, cả đoàn lội bộ ra chợ gần đấy ăn trưa. Theo hành trình, đoàn sẽ ở lại tham quan tượng đài Độc lập, đi dạo chợ , ăn chiều sau đó sẽ lên xe (đi đêm) tiếp tục đến Poipet biên giới giữa Cam và Thái. Ăn cơm trưa xong chúng tôi tham quan chợ Olympic – rồi cả nhóm kéo ra uống cà phê ở một quán trước chợ, công nhận cà phê ngon y như ở quê nhà và giá cũng rẻ như vậy, 2000 real một ly, tương đương 11.000đ VN. Sau đó lại lên tuk tuk về công viên Độc Lập tham quan, ngắm cảnh và chụp hình. Khoảng 17h chiều cả đoàn từ từ đi bộ về nhà xe, và đến một quán ăn ở gần đấy với giá cả phù hợp, ăn tối nhanh chóng để chuẩn bị lên xe di chuyển tiếp. 21h, chúng tôi được lên 2 xe trung chuyển ra bến, xe giường nằm của Cam đi trong đêm đến 5:30 sáng ngày 31/9. Đến biên giới Poipet, trời còn mờ mờ, nhà xe bảo mỗi người một dollar sẽ điền hết giấy tờ ra khỏi Cam và nhập vào đất Thái. Đến khi xếp hàng làm thủ tục ra khỏi Cam mọi người càng thêm bất mãn, chỉ riêng pastport màu xanh lá của VN là bị các nhân viên cửa khẩu Cam bắt đưa 100bath hoặc 3 dollar, Diệu Hoàng không chịu đưa ,họ không cho làm thủ tục bảo đứng qua một bên, Thục Định đi trước đưa 2 đô, không chịu phải đưa đủ 3 dollar, đến Diệu Quỳnh chỉ đưa hai họ cũng không chịu, chị nói lớn “ Tao chỉ có 2, không có 3”(I have only two, have not three) cuối cùng họ cũng phải chịu, từ đó cả đoàn còn lại chỉ mất 2đ. Đặc biệt có hai người đi đầu là Hải và anh Phước, không bị mất đồng nào – chắp tay và nói đi chùa, cho qua!! Các người Tây ba lô đi sau rất bất bình cho việc này, khi Diệu Hoàng đứng đó không chịu đưa, họ ủng hộ và nói “mày cứ đứng tụi tao sẵn sàng chờ mày”. Không hiểu quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cam” như thế nào mà họ lại nhằm người VN mà “đì” dữ vậy ?????!!!!!! Đài Độc Lập tại thủ đô Pnom Penh
Chúng tôi tiếp tục làm thủ tục nhập Thái, qua đến Thái đã có nhân viên nhà xe đón đoàn để chở về Bangkok (BKK). Sau 4 tiếng chúng tôi đến Khaosan road. Vất vả đi tìm và thuê một guesshouse (nhà khách). Phòng ốc ở đây rộng rãi thoáng mát sạch sẽ, giá cả phù hợp với tiêu chí của trại và đặc biệt hành lang trước các phòng rất thông thoáng , những tối về sau chúng tôi ngồi tụ tập, họp hành, tán dóc uống cà phê đến thật khuya, sau khi đi dạo khắp phố Khaosan, lang thang ở các chợ, siêu thị Seven Eleven để mua quà cho bạn bè và người thân …rồi người thì post hình mới chụp trong ngày lên Facebook, có người thì ngồi trong phòng, nhóm nọ ngồi ở hành lang khi lầu hai lúc lầu ba, mỗi người một máy Điện thoại kẻ post, người like ì xèo. Thấy có người like, tưởng …ai dè toàn phe ta, chúng tôi đã có những thời gian thật thoải mái và vui vẻ hết biết! Ở quanh phố Khaosan chúng tôi tìm ra những địa điểm ăn uống khá lý tưởng, ăn được, giá phải chăng. Sau khi ăn trưa trễ xong, một số về lại gueshouse nghỉ ngơi, một số quyết tâm khám phá BKK quanh vùng Khaosan – Cả nhóm thả bộ dọc theo đường phố tìm hướng ra con sông lớn – mà chúng tôi đã nhìn thấy khi xe chở vào Khaosan- các thành viên trẻ này không bỏ lỡ một giây nào để ghi lại mọi hình ảnh của mỗi bước chân đi qua trên đất Thái – Chúng tôi lên cầu, từ đây có thể nhìn thấy toàn cảnh con sông Chiao Praya dài rộng mênh mông, những tàu thuyền di chuyển qua lại, dòng xe cộ ngược xuôi trên đường – mặt trời đã ngả về Tây, chúng tôi thong thả trở về – Diệu Hoàng dẫn chúng tôi vào một con đường tắt về rất gần Khi vào mướn phòng ở đây, receiption nói nếu khách cần yên tĩnh thì ở đây không đạt chuẩn, nhìn quanh nghe ngóng chúng tôi thấy có ồn ào gì đâu, nên vẫn cứ OK!
Đến hơn 7h tối chúng tôi đi ăn, ra đến đường lớn tá hỏa tưởng đi lầm chứ! Đường giờ bỗng hóa thành chợ bày bán đủ mọi thứ quần áo giày dép, quà lưu niệm, thập cẩm đồ ăn uống, đặc biệt có nhiều xe bán toàn loại đồ ăn thật kinh khủng: bò cạp đủ loại lớn nhỏ, sâu bọ, con nhọng, rít…… ai muốn chụp hình thì tốn một dollar, tất cả đều được chiên vàng hấp dẫn, nhưng nhìn ghê thật, không biết dân bản xứ hay khách du lịch nào thích thú với món ăn này đây, riêng đoàn mình thì chẳng ai hảo cả! Các quán cà phê, nhà hàng, bar….hiền lành ban ngày, giờ bày bàn ra 2/3 đường – mà bàn là những thùng phi lớn, ghế cao phù hợp, nhạc rap, rock… mở hết công suất, khách trong quán đứng lên nhảy múa cuồng loạn, khách đi đường ngang qua cũng tự nhiên nhún nhảy, thật khó tưởng tượng có hai thế giới trong một con đường, chỉ cần thay đổi thời gian! Và giờ thì chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa ồn ào mà hồi chiều người receiption nói, có một quán bar ở ngay đầu hẻm gueshouse, mở nhạc công suất 100% suốt đêm đến 3,4h sáng luôn, cũng may khi vào phòng đóng cửa chúng tôi chỉ nghe âm thanh đì đùng thoang thoáng mà thôi !
Chợ Khaosan về đêm
trước Nhà trọ ở Khaosan
Sáng ngày 1/9 thực hiện chủ đề “Hành hương Bangkok” Chúng tôi cầm cờ Phật giáo và cờ Sen trắng lên đường, tất cả đồng phục nghiêm trang tề chỉnh, nữ với áo dài lam tha thướt, nón lá nghiêng nghiêng, phái đoàn vừa ra đến đường là mọi người chào hỏi ngay “Chào Việt Nam” người Thái thật hiếu khách và có vẻ thân thiện với VN. Chúng tôi làm lễ khai mạc tại một công viên ngay đầu đường Khaosan, cờ Phật giáo và Sen Trắng tung bay trên đất Thái, ấm áp trang nghiêm. Có vài huynh trưởng ngại khi thấy mình cầm cờ, đồng phục rộn ràng, không biết cảnh sát Thailand có khó dễ chi không! Anh P giải thích đây là một đất nước tự do và quanh đây đâu đâu cũng có “mắt thần” tức là camera treo khắp nơi công cộng, mình phải cầm cờ Phật giáo để cho những tay quan sát biết rằng đây là một đoàn thể Phật giáo là họ sẽ không thắc mắc hỏi han gì!
Lễ Khai mạc tại công viên Khaosan
Hôm nay đoàn sẽ đi hành hương bằng thuyền dọc theo bờ sông Chao praya, đón xe tuk tuk đến bến thuyền, có vài trục trặc nho nhỏ khi đi thuyền tư nhân không an toàn nên trưởng đoàn quyết định mua vé bao trọn ngày đi trên thuyền lớn công cộng.
Thuyền ghé bến đầu tiên, đoàn đến trung tâm thiền hành, đó là một trường đại học Phật giáo, buổi trưa trong không khí trang nghiêm tĩnh lặng, cả đoàn vào tĩnh tâm lễ phật, ở đây có rất nhiều thùng tùy hỷ lớn, nhỏ xếp thành hàng dài trước điện Phật, mỗi thùng dành riêng cho mỗi một vị sư khác nhau hoặc một mục đích khác như từ thiện, cúng dường hoặc xây dựng Tam bảo ….
Cả đoàn thả bộ đến Hoàng Cung ở gần đấy – Từ ngoài đi vào phía bên trái là một ngôi chùa dành riêng cho Hoàng gia đến lễ Phật, vé vào tham quan chung cho cả Hoàng cung và Chùa của hoàng gia là 500bath một người – Cả đoàn quyết định chỉ tham quan toàn cảnh bên ngoài và chụp hình ở mọi góc cạnh, trời nắng chang chang cháy da, chói mắt nhưng vẫn cứ chụp liên tục; Rời Hoàng cung, trở về thuyền để đến chùa có tượng Phật 5 tấn rưỡi vàng. Chúng tôi lên đúng bến vào China town, gặp một dãy phố ăn uống – đoàn vào ăn trưa, sau đó hỏi thăm đường đến chùa Phật vàng 5.5 tấn –Đoàn phải đi bộ qua cả dãy phố Tàu rộng lớn như một đại lộ khoảng 7 cây số đên một cái chùa mà không phải chùa Phật Vàng, nhưng mình đi hành hương mà, gặp chùa thì vào lễ Phật. Đoàn tiếp tục di chuyển đến Wat Traimit ở gần đấy, cả đoàn vào chánh điện lạy Phật.Chùa này đặc biệt có hai chánh điện – Đây còn gọi là chùa Tam Hữu (Traimit?) do ba người bạn thân người Hoa xây chùa, khi xây xong thì không đủ tiền đúc tượng nên đã đến một làng nọ có chùa bỏ phế không người chăm sóc xin thỉnh tượng Phật ở đây về, khi xe cẩu tượng về đến khuôn viên chùa thì dây cẩu bị đứt, tượng rớt xuống đất vỡ lớp ngoài hiện ra bên trong là tượng vàng nguyên chất và cũng không làm sao di chuyển vào chánh điện được; Nghe tin làng nọ đòi lại bảo tượng nhưng lúc ấy hoàng gia can thiệp xây dựng Chánh điện tại chỗ tượng Phật rớt xuống để thờ, và trở thành Quốc Bảo. Wattraimit từ đó có đến hai chánh điện. Đoàn vào lễ Phật nơi chánh điện của chùa Traimit, trong này cũng tôn trí một tượng Phật màu vàng to gấp mấy lần tượng bằng vàng 5,5 tấn, lòng đã cảm thấy mãn nguyện rồi nên không ai mua vé để được lạy tượng Phật vàng đó nữa!
Đoàn lên Tuk tuk trở về một bến thuyền gần đấy.
tiếp tục bắt thuyền để đến Wat pho, lên thuyền chỉ đi hai phút là đến chùa, nơi đây có hình tượng Phật nằm dài tư thế nhập diệt, dài đến 49m, dọc theo sau lưng của Phật, nằm sát tường có để một hàng dài những bình bát bằng đồng, Phật tử phát tâm thường đổi thành tiền xu cúng dường vào từng bát, hèn gì khi vừa bước vào chánh điện chúng tôi cứ nghe tiếng leng keng vang lên đều đều. Lạ một điều là trong khuôn viên chùa giờ đây đã xuất hiên nhiều tượng hộ pháp như Tứ thiên vương, điều này trước đây chưa từng có ở các chùa Nam tông!
Chùa trong Hoàng cung
Lúc này trời đổ mưa thật lớn, tất cả ngồi lại chờ ngớt mưa mới trở về thuyền, đồng hồ gần 17h 15’, trời vẫn mưa, phải nhanh chân thôi, thấy thuyền đang đậu tại bến mọi người cấp tốc lên thuyền, nhưng thuyền chạy một lát mới phát hiện nó đang trên đường đi chứ không phải về, lại phải lên bến kế tiếp để đón thuyền về, mọi người đều ướt át, nhưng nhờ công dụng của chiếc nón lá Việt Nam nên cũng đỡ nhiều. Thuyền chạy về bến đầu tiên cũng mất hơn 20’
Bắt xe “Tuk tuk” ở Bangkok
Sau khi ăn tối, ai mệt thì về khách sạn, nhóm còn lại tiếp tục khám phá khaosan road về đêm, đi đến đâu cũng ghi hình, giá cả quần áo, giày dép, quà lưu niệm ở đây cũng không rẻ, nhưng Seven eleven, thì mọi người ra vào thường xuyên để mua các thứ cần thiết nước, cà phê, bánh kẹo…..tụ họp chuyện gẫu, lên net… ở góc nhà nghỉ vui vẻ, ồn ào cho đến khuya. Sáng mai chúng tôi sẽ đi Pattaya.
7h30 sáng ngày 2/9, Chủ đề của chuyến đi hôm nay có tên “Du lịch Pattaya” nên các thành viên tự do lụa là quần áo đẹp đủ màu sắc lên đường. Khoảng gần 12h chúng tôi đến Pattaya, tiếp tục mua vé tàu qua đảo San hô (Coral island), thuyền đi từ từ để ngắm cảnh biển cũng là một thú vui nên chúng tôi chuyến du khảo kỳ này chúng tôi đã thực tế mọi cái từ phương tiện di chuyển, đến ăn uống, gueshouse, cái nào rẻ hơn nhưng vẫn ok thì sẽ chọn…… hèn gì tây ba lô họ đi du lịch được khắp nơi với túi tiền vừa phải, hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục có nhiều chuyến du khảo trong tương lai, đi khắp nơi với chi phí khả dĩ!
Sau 50’ vượt biển mênh mông chúng tôi đến đảo San hô, ăn cơm trưa rồi lần mò ra bãi tắm. Hôm nay thứ tư nên các khu vực dành cho du khách nằm nghỉ trên biển phải đóng cửa để cho các đội vệ sinh họ làm việc – do sự hướng dẫn của một ông người Nga rất thân thiện chúng tôi đã biết “tự phục vụ” mình từ cái thay đồ, xếp hành lý không tốn tiền (vì không có ai phục vụ), rồi cùng nhau hòa mình với biển nước trong vắt nơi đây, cát mịn màng, nước biển ấm áp và trong vắt nhìn xuyên suốt lớp cát dưới chân, chúng tôi tưởng như mình đang bơi ở một hồ bơi nào đấy!
Trở lại bến tàu Pattaya đã 18:20 nên không thể đi chiêm ngưỡng Phật bằng vàng chạm trên núi đá của Trân Bảo Phật Sơn nên chúng tôi quyết định quay về Bangkok để đi chợ đêm. Về lại BKK khỏang 8h tối chúng tôi ăn tối và sau đó chia thành hai nhóm một nhóm về gueshouse, một nhóm đi chợ đêm, nhưng chợ này chỉ mở đến khoảng 10- 11 h thôi, chúng tôi đi chợ như chạy giặc vì đi đến đâu người ta cũng chuẩn bị dọn hàng vào. Mỗi người cũng chỉ mua được một ít đồ và nắm giá cả thị trường, vì ở đây họ đều ghi giá tương đối, chỉ cần trả xuống một chút là mua được. Nhóm mua sắm về đến nhà gần 12h đêm, phố Khaosan vẫn đầy người; Tất cả mọi người cần mua sắm đều lo lắng vì chưa mua đủ mọi thứ để làm quà cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp …..!!!
7h30 Sáng 3/9, cả đoàn thẳng tiến đến cầu sông Kwai, nằm ở biên giới Thailand-Myanmar thuộc tỉnh Kanchanaburi chiếc cầu đã đi vào lịch sử thế kỷ trong đệ nhị thế chiến với thời gian kỷ lục 16 ngày do tù binh quân đội đồng minh thi công, và bị du kích quân Myanmar đặt mìn phá sập lúc Nhật đang chuyển lô hàng vũ khí đầu tiên bằng xe lửa qua cầu vào năm 1942. Có bộ film nổi tiếng “The bridge on the river Kwai” đoạt giải Oscar từ năm 1961 được quay tại đây. Thời tuổi trẻ chúng tôi lần nào film này ra rạp là đều bị “cháy vé”. Chuyến đi này, chúng tôi tiếp tục hợp đồng trực tiếp với Bác tài hôm qua, trẻ tuổi chỉ khoảng hơn 30, rất dễ thương, nói tiếng Anh lưu loát. – Trong khi ăn sáng trên đường đi chúng tôi đọc được tờ nhật báo Thái rằng nghi can khủng bố được camera nhận dạng ở BKK đã bị bắt – Chẳng ai quan tâm đến chuyện này nhiều – Xe ghé tham quan chợ nổi trên sông nước (Floating market), diễn ra trên một dòng kênh đào như thủy lợi ở nước mình, cả đoàn tha hồ ghi lại những hình ảnh của chợ nổi xứ người, họ buôn bán trên thuyền, trên đất liền bên này và bên kia, bề rộng của con sông có chỗ cho 4 chiếc ghe cùng buôn bán, qua lại, chợ nổi này cũng buôn bán đủ thứ quần áo, mũ nón, túi xách du lịch, bánh kẹo, trái cây, quà lưu niệm vv…và vv…….Khoảng 10h chúng tôi đến cầu sông Kwai – Tham quan viện Bảo tàng, hình ảnh từ thời chiến tranh giữa Thái và Myanmar – thường thì quân Myanmar thắng nên Thái Lan đã có những cuộc dời đô giống như Campuchea.. và những chứng tích từ thời chiến tranh thứ chiến thứ II (1939-1945), những cung kiếm, giáo mác, những khẩu súng trường thời xa xưa chỉ bắn được một viên đạn, tái lập hình ảnh chiếc cầu gỗ được xây dựng bởi những tù nhân chiến tranh, rồi bị đánh phá để ngăn chặn chuyến tàu của quân Nhật chở đầy vũ khí xâm nhập với âm mưu thôn tính Ấn Độ…….Hàng ngàn ngàn, vạn vạn con người đã đổ máu và ngã xuống ở đây, máy hình chớp lia, chớp lịa.
(Còn tiếp)