Đức Thích Ca Thành đạo – Phước Châu

Chuyên Mục: Phật Pháp 55 0

Đức Thích Ca thành đạo không chỉ là một sự thành tựu vĩ đại,  một nhân cách hoàn thiện siêu việt, một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân thiên, cùng vạn loại chúng sanh.

Thái tử Tất-đạt-đa thuộc giai cấp Sát-đế-lợi, dòng họ Thích-ca, là con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da. Khi thị hiện voi trắng sáu ngà vào trong mộng của hoàng hậu Ma Da, Ngài đã thành tựu lục độ, sáu ba la mật của một vị Bồ tát đi vào thánh thai thọ thân người hiện hữu với thân năm ấm, sáu nhập và 18 giới như những người bình thường khác. Ví như các vị bồ tát từ các cõi khác nhau đến Ta bà không có thọ thân người thì không thể có những xúc thọ xác thực bình thường như con người. Như mỗi chúng ta, ai cũng có đủ các thiện căn đó để từ đây chúng ta có thể an tâm bước theo con đường siêu việt, giác ngộ như Phật Thích Ca. Nếu như Ngài không từ thân người mà giác ngộ, chúng ta sẽ cảm thấy sự bất bình đẳng giữa Bồ tát và chúng sanh và luôn nghi ngờ rằng khả năng giác ngộ thành Phật của nhân loại là một điều huyền hoặc. Chính Chánh niệm tỉnh giác hằng hữu trong tâm thức ngài  biểu hiện trong buổi lễ tịch điền, thấy thế gian là một trường tranh đấu. Đến khi đạo tâm lớn mạnh, an nhiên trong đời sống, không bị ngũ dục lung lay, Thái tử tìm cách thoát ra ngoài bốn bức tường bưng bít của ngai vàng điện ngọc để cảm nhận thực tế của cuộc sống đương thời và nỗi khổ lụy chung về sanh, già, bệnh và chết mà mọi người phải gánh chịu.

Ngài là một vương tử đích tôn nói ngôi của thành Ca-tỳ-la-vệ. Văn võ song toàn, lập gia đình sinh con cái khi đến tuổi thành thân, sống hạnh phúc êm đềm được bao bọc bởi kẻ hầu người hạ, đoàn ca vũ mỹ miều, lộng lẫy trong tiếng nhạc du dương cùng sơn hào hải vị của yến tiệc với đám tùy tùng đại diện thần dân túc trực, hầu hạ, chìu theo. Nói chung, đây cũng là một sự hiển thị về sự phát triển bình thường mang đặc tính ưu việt của một thân phận con người.

Bốn cửa thành hiển thị rõ ràng thế nhân sinh-già-bệnh- chết là điều không ai tránh khỏi Thái tử vẫn không sao quên được những nỗi đau buồn nhân thế và vòng quẩn quanh của kiếp sống. Cao sang, quyền uy cùng những sự quyến rũ của vật dục, tâm dục thường tình không thể kềm hãm nỗi một tâm hồn cao cả của nguyện lực Bồ tát muốn vươn tới những gì có ý nghĩa hơn, cao thượng hơn, đưa đến hạnh phúc thật sự và nẻo thoát cho mọi loài. Ngài tâu với Phụ hoàng xin phép rời thành, xuất gia tầm đạo. Vua Tịnh Phạn ngạc nhiên không hiểu được con mình còn thiếu món gì và đi tìm kiếm những gì khi ông đã tận lo cho thái tử đầy đủ? Thái tử trả lời là đi tìm con đường thoát khỏi nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết và mang đến hạnh phúc lâu bền cho chúng sanh. Phụ vương không chấp nhận thỉnh cầu này. Cuối cùng đêm mồng 8 tháng 2 năm ấy Ngài 19 tuổi (theo Bắc tông), Thái tử lúc đang đêm hoàng cung còn an giấc, âm thầm từ giã Phụ vương, vợ con, Hoàng thân quốc thích vượt thành đi về phía Nam đến dòng sông Anoma theo tiếng gọi thiêng liêng của giác ngộ và tìm cầu chân lý.

Giai đoạn này Ngài đã xuất thế gian gia – nghĩa là ra khỏi cảnh khổ trong căn nhà thế gian không còn luyến ái. Từ đây Ngài sống đời sống sa môn, bấy giờ người ta gọi Ngài là đạo sĩ Cồ Đàm (Gotama).

Đạo sĩ Cồ Đàm cầu đạo nơi đâu? Ngài bỏ ra 5 năm cầu đạo với những đạo sĩ trứ danh nhất thời bấy giờ như Alara Kalama, Uddaka Ramaputt (Uất Đầu Lam Phất).. Ngài được những bậc thầy đó thừa nhận là đã chứng đạt được những tầng bậc cao nhất về niềm tin, năng lực, thiền định, trí tuệ và an lạc mà chỉ có họ và Ngài mới từng kinh nghiệm. Sự hiển thị này cho thấy Ngài đã gặp những vị thầy cao tột vào thời đó chứ không phải một mình đi giữa mênh mông tìm kiếm.

Ngài thấy thất vọng với những mục đích tối hậu các vị này đều rơi vào Sắc ái trú địa hay Hữu ái trú địa của các cõi trời Sắc, Vô sắc, nghĩa là sự hưởng thụ cao tột hơn thế gian và Dục ái trú địa. Sau khi hết phúc rồi cũng bị trôi lăn trong các nẻo luân hồi sanh tử. Nên sau đó, Ngài quyết định tự mình dấn thân trong một cuộc hành trình vô định để đốn phá Vô minh trú địa, tìm ra chân lý nhiệm mầu. Cuộc vượt thoát đột phá này gọi là “Xuất phiền não gia”, đoạn trừ mọi phiền não, chấp trước.

Theo niềm tin phổ biến thời đó, những vị xuất gia thoát tục cần tu tập khổ hạnh như các mới chứng đạo quả cao sâu. Ngài đến Khổ hạnh lâm, xứ Ưu-lâu-tần-loa, bên dòng Ni Liên Thuyền cùng với 5 người bạn đồng tu (5 anh em Kiều Trần Như) Hành giả Cồ Đàm trải qua nhiều phương pháp tu khổ hạnh tột bực được mô tả trong kinh Mahasaccka Sutta như: nghiến răng, đè lưỡi, tập trung cắt đứt tư tưởng, nín thở, nhịn ăn, mỗi ngày chỉ ăn hạt gạo, hạt mè … và chịu đựng sự bức bách đau đớn khôn cùng nơi thể xác. Vóc dáng cường tráng, phương phi của vương tử Tất-đạt-đa, một thời là hiện thân vương tử của kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, sau sáu năm tu khổ hạnh chỉ còn lại tấm thân gầy trơ nắm xương da cùng hơi thở thoi thóp như sợi tơ mong manh.

Cho đến khi Ngài nhận bát vàng đựng sữa với mật ong dâng cúng của nàng Sujata, con gái của Nadaca, vợ của trưởng giả Senani cảm thấy sức lực phục hồi dường như là tái tạo. Ngài quyết định thay đổi phương pháp tu hành, lìa xa cực đoan thiên chấp, gìn giữ thân mình để còn tiếp tục hành trình.. Năm anh em Kiều Trần Như nghĩ rằng Ngài đã thối lui hạnh nguyện nên bỏ đi. Không thối chí, một mình một bóng, Ngài đến tắm nước sông Ni-Liên-Thuyền, thả bát vàng xuống sông để xác tín chí nguyện, rồi nhận bó cỏ kiết tường do một chú bé cạnh bờ sông dâng cúng, mang gốc cây Tất Bát La trải bó cỏ ngồi thiền và tự phát nguyện lớn:

“Ta ngồi tòa này, nếu không chứng thành đạo quả, quyết không đứng dậy”

Sau 49 ngày đêm thiền định, quán sát không gián đoạn, vào đêm cuối cùng khi nhìn sao mai mọc, Ngài chiến thắng tất cả ma quân, tượng trưng cho những tầng lớp vô minh của tâm thức từ vô thủy, chứng được Lục thông, Tam minh, chứng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác – dẹp tan phiền não – xuất tam giới gia – phá tan vô minh trú địa và thành Phật với danh hiệu Thích-ca-mâu-ni. Cây Tất-Bát-La trở thành cây Bồ-đề (cây Giác ngộ) và đất xung quanh cây Bồ-đề trở thành thánh địa gọi là Bồ-đề Đạo Tràng. Năm ấy Ngài 30 tuổi (theo Bắc tông).

Chuyện cách đây đã hơn 26 thế kỷ, ở tại Bồ-đề Đạo Tràng, Gaya (Ấn Độ), Bồ Tát Tất-đạt-đa chứng đắc quả vị tối thượng trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni. Ánh đạo vàng Ngài phát huy ra sáng soi vạn loại trải qua mấy ngàn năm. Ngày nay, những người con Phật khắp năm châu đang hướng về Bồ-đề Đạo Tràng để kỷ niệm ngày Phật Thành Đạo. Sự kiện Phật thành đạo có ý nghĩa lớn lao đối với Đạo Phật: Toàn cõi nhân thiên đã chính thức xuất hiện vị Trung thiên Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni để dắt dẫn chúng sanh hướng về nẻo giác.

Nhân ngày kỷ niệm Phật thành đạo Phật lịch 2564 và chào năm mới 2021 đã đến. Dù địa cầu nhân loại đang trôi lăn trong hoại kiếp, những thảm họa liên tục xảy ra khắp các quốc gia; sau hơn một năm dịch bệnh tấn công toàn thế giới mà chưa có dấu hiệu ngưng lắng, riêng Việt Nam đón nhận thêm những trận cuồng phong bão lũ kinh hoàng miền Trung thống khổ, những thạch trụ thiền lâm lần lượt gãy đổ, hiển thị những lời vàng  trong kinh Bát đại nhân giác mà  chư Phật tử vẫn thường niệm tưởng đã sáng soi tâm thức: “Thế gian vô thường – quốc độ nguy thúy – Tứ đại khổ không – ngũ ấm vô ngã – tâm thị ác nguyên – hình vi tội tẩu..” , mà dứt khoát xa lìa mọi dục lạc tiến tu, với chí nguyện đi trọn hành trình này trong cơ hội làm được thân người, cơ hội được nghe Phật Pháp  tròn một kiếp sống nhân sinh.

Hiểu rõ ý nghĩa Thành đạo là điều kiện tiên quyết để tiếp nối bản nguyện của chư Phật mười phương. Một thân phận con người Bồ tát Thích ca đã thành đạo, sự thị hiện của Ngài để lại cho quần sanh bao ý nghĩa, bao diệu dụng không thể nghĩ bàn.

Ngài đã từng là một vị Bồ tát thành tựu sáu Ba la mật (Bố thí, Trì giới, nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ) nay dưới cội Bồ đề ngài đã chứng thành Đạo quả với 10 Ba la mật (Phương tiện – Nguyện – Lực – Trí Ba la mật) vượt lên trên các bực A la hán, Bích Chi Phật, Bồ tát hạnh và đạt được sự hoàn hảo của Thập địa để thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Một lộ trình vượt thoát Vô minh để chứng quả Phật Đà. Đến đây có thể giải thích cho hàng Phật tử hiểu vì sao chúng ta không dừng nghỉ ở vị trí A la hán hay Bích Chi Phật để được gọi là Thành đạo.

Ngày nay chúng ta có thể cảm thán về đức Thích Ca thành đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Ngài mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại, chúng sanh đều có khả năng thành đạo như Ngài. Trong khoảng thời gian 49 năm còn lại của đời mình, Ngài soi rọi Ánh Đạo Vàng đến khắp muôn phương và hiển thị rõ ràng rằng: “Nếu cõi đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã chẳng xuất hiện ở thế gian.” Ngài thị hiện đản sinh là ” Vì an lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người” (Tăng Chi bộ kinh I).

Từ đây chúng ta đã thấy rõ con đường đi tới như chú bé Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm đi vào Pháp giới vô cùng gian nan để đến được lầu các Tỳ Lô giá na. Chú bé ấy đã đắc thành quả Phật với sự tu học nơi vô số các vị Thiện hữu tri thức mang hạnh nguyện Bồ tát vào đời.

Suốt quãng đời giáo hóa, Ngài không ngớt nhắc nhở chúng ta qua bao lời dạy nời kinh điển ghi lại: “Các con hãy tự mình cố gắng, Đức Như Lai chỉ là bậc Đạo Sư,” hay “Hãy tự mình làm ốc đảo, làm nơi nương tựa cho chính mình” và “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.” Đạo Phật chú trọng ở thực chứng, thường tự điều chỉnh tâm trạng thoát khỏi thiên kiến để đi trên Trung đạo, con đường đưa đến tuệ giác, đến tri kiến, đến sự tỉnh thức, Niết-bàn. Phật tử phải là người biết dứt trừ phiền não, cảm nhận an lạc, giải thoát, thăng hoa trong từng bước chân, từng hơi thở của cuộc sống hàng ngày. Phật dạy tất cả chúng sinh đều có: Phật tánh, Niết-bàn tự tánh, Viên giác diệu tâm, Chân như thật tánh, Bản lai diện mục, Như lai tạng … tùy thời mà có những tên gọi khác nhau. Chúng ta mãi trầm luân sanh tử vì chúng ta như những cùng tử mang viên ngọc trong chéo áo mà không hề hay biết để đi lang thang, “bụi đời” ăn mày khắp trong thiên hạ.

Quan trọng hơn hết là chúng ta phải nhận chân được sự Thành đạo chẳng qua là một sự trở về. Vị trí đứng ở “bờ bên này” dẹp tan vô minh ám chướng cũng tức là qua “bờ bên kia” cực kỳ thanh tịnh, trang nghiêm.

Trên tất cả là Ngài đồng hóa địa vị của một vị giáo chủ với môn đồ trong lời dạy quan trọng bậc nhất mà Ngài từng để lại: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Phật tánh bình đẳng và Bình đẳng tánh trí trong mọi người là cơ sở quan trọng để sau này Ngài thâu nhận một cách rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội: thiếu niên, Người Vô Não hung ác, phụ nữ, kỷ nữ, người hạ tiện, ngoại đạo, hoàng tộc … vào trong giáo đoàn. Bước đi kỳ vỹ phá tan sự phân biệt bất bình đẳng từ một xã hội nhiều giai tầng “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn”. Đức Phật đã nêu cao nhân phẩm mọi người. Sự việc Ngài đã cởi bỏ áo gấm tột bực cao sang của một Thái tử để khoác lên mình y cà sa hoại sắc, cầm bát đi khất thực tận hang cùng, ngõ hẻm của đời sống là một sự hòa hợp lớn lao, phá tan thân kiến. Ngài là nhân tố tích cực quyết định trong việc cải sửa cái thành kiến khinh thường của vua Tịnh Phạn thành Ca Tỳ La, vua xứ Câu-ly.. đại diện cho tầng lớp cao quý nhất thời bấy giờ, đối với những người đi “khất thực” này. Con người nên được sống trong sự bình đẳng, hòa ái, tương trợ để hạnh phúc và giải thoát.

Suốt trên đường thành đạo và hoằng pháp đức Phật đều hướng về nội tại, và dạy cho các hàng Phật tử quán chiếu thâm sâu nhằm chuyển hóa “Phiền não tức bồ đề, sanh tử tức Niết-bàn.” Hoa sen Niết-bàn vô nhiễm, nở ngay trong vũng bùn lầy thế gian ô trược. Phật ra đời ngay trong lòng thế gian đau khổ và lìa chúng sanh là không có Phật. Cũng một con đường ấy nhưng mê là chúng sanh, ngộ là Phật. Với phàm phu, cõi đời này đầy rẫy ma chướng, ngũ trược ác thế nhưng với thánh nhân đây là Tịnh độ, là Phật quốc trang nghiêm, nghĩa là: Tâm tịnh, Phật độ tịnh. Khi cõi Phật hiện tiền thời các pháp giới còn lại đều thanh tịnh trang nghiêm.

Ngài chuyển pháp luân ở Vườn Lộc Uyển, an cư kiết hạ nhiều năm nơi Trúc Lâm tịnh xá hay khu vườn rộng lớn Kỳ thọ – Cấp-cô-độc viên… Ngài đã không dừng lại trên đường hoằng pháp và Viên tịch trên tại xứ Câu-thi-na hoang sơ, không hề sở hữu bất cứ một trú địa nào.

Phật thành đạo còn mang một ý nghĩa căn bản cho việc thiết lập một nền giáo dục liên tục và toàn diện. Nền giáo dục cần phải đặt trên nền tảng của chuyển hóa, hướng thượng tinh thần, tâm thức con người. Tâm là chủ quyết định cho mọi hành động của con người. Con người là chủ thể xã hội. Vậy một nền giáo dục đích thực phải bắt đầu từ việc chuyển hóa tâm: “Tâm bình thế giới bình – Tâm tịnh thì quốc độ tịnh”.

Do đó, sự tu học của chúng ta là sự bắt đầu dừng lại mọi tạo tác do lòng thích muốn của Dục giới; sự mong cầu nhàn hưởng sung sướng về sắc ái, hữu ái của cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới để chuyển hóa cái nhìn thành Bình đẳng tánh trí trong vạn loại chúng sanh. Từ đó ta có thể hiểu ra cái nhìn ưu ái của Ngài với tòa kim cang tọa trải bằng loại cỏ cát tường, hay trong tuần thứ hai sau Thành đạo đức Phật đã hướng về cây Bồ đề thiền định để tri ân…

2600 năm trước là thế giới cổ đại; Ngài và tăng đoàn cũng thuộc về cổ đại, gần 3000 năm thế giới đã trải qua bao cuộc đổi thay. Chúng ta đang thừa hưởng gia tài của đấng Cha lành để lại. Chúng ta đang lần theo dấu vết hành trình Ngài  bằng cách về ngồi lại nơi Bồ đề đạo tràng tâm thức của mỗi chúng ta. Những gì thuộc về thế gian đều là vô thường, các pháp hữu tình hay vô tình cũng vậy. Ánh sáng của Tuệ giác Phật Đà đã nhìn thấy tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành, có thể là vũ trụ hữu hạn này biết bao lần thành-trụ-dị-diệt mới đến giai đoạn chúng sanh thành tựu này, nhưng đối với các bậc đại nhân, điều này nhanh hơn nhiều lần tốc độ ánh sáng, trong một sát na nguyện lực cùng hòa hợp trọn vẹn với thể tánh nhất như.

Phước Châu PL. 2564

 

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi