CHIÊM BÁI BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG
Sáng sớm nơi Bồ Đề Đạo tràng.
Đại hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam-Thế giới tổ chức ba ngày tại Trung Tâm Viên Giác. Từ ngày 7/11 đến ngày 11/11/2004. Chùa Viên Giác cách Tháp Đại giác chỉ vài trăm mét. Cứ bốn giờ rưỡi sáng là quí Anh chị em các phái đoàn do quí Thầy hướng dẫn đi bộ ra cội Bồ Đề để tụng kinh, bái sám, lễ lạy và kinh hành quanh tháp đại giác. Gia Đình Phật tử được lễ lạy liên tiếp ba ngày và tiến hành các Phật sự như rước ánh sáng đại hùng về đại hội, lễ thí phát gieo duyên lành xuất gia cho vài huynh trưởng Âu châu, và lễ tấn phong cấp Dũng cho anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu bên toà kim cang, cũng dưới cội Bồ Đề này.
Rước ánh sáng từ Kim cương tòa về đại hội
Các huynh trưởng Gia đình Phật tử cùng các Đạo hữu mặc áo tràng lam đi bộ đến Tháp Đại giác, không khí se lạnh và nhiều sương mù. Đâu đó từng nhóm ba, bốn người bản xứ nghèo nàn ngồi quanh đống lửa đốt bằng bất cứ thứ gì cháy được để sưởi ấm, mùi cỏ khô quyện lấy mùi phân bò khô ấm đọng trong sương. Vài con chó nằm ngồi an nhiên giữa đường không cần tránh xa hay sủa khách bộ hành. Trời khuya mà nhiều người ăn xin chầu chực, có vài em bé trai đôi chân bị tật co quắp trườn đi bằng hai tay rất nhanh tạo ra những vầng bụi cát xông lên, miệng luôn niệm những câu “Amita Budd “ theo âm Trung Hoa, có lẽ họ tưởng chúng tôi là Phật tử người Hoa! Vài người niệm “ A Di Đà Phật “ lơ lớ tiếng Việt mình vì họ biết Trung tâm Viên Giác là chùa Việt !!! Mới đầu chỉ có vài bé trai hai chân teo cứng , co quắp lẽo đẽo xin ăn thì không có gì là ngạc nhiên nhưng ba ngày ở đây chúng tôi phát giác là những bé này có đến vài mươi em! Mới biết rằng do tình trạng nhà nghèo đông con nên cha mẹ chúng đã bẻ gãy đôi chân khi chưa tròn tuổi để sau này chúng tự vào đời sớm nuôi sống bản thân! Nghe qua sự kiện này thật xót xa cho thân phận trẻ em nơi xứ Ấn.
Cảm giác đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên bậc tam cấp bước vào Đạo tràng là sự rung động tâm hồn qua âm thanh trầm hùng làm rung chuyển đất đai (bass) chầm chậm tán tụng đức Thích Ca Mâu Ni phát trên máy phóng thanh, chúng tôi lắng nghe, dường như là phối hợp cả một dàn hợp xướng:
“ Buddha Saranam Gachchami – Dhammam Saranam Gachchami- Shangham Saranam Gachchami!” lâu lâu lại có sự phụ hoạ của các giọng bè nam- nữ theo ngữ điệu Ấn Độ, luyến láy trên từng câu chữ như âm nhạc của chư thiên phụ hoạ làm tăng thêm niềm cảm khái rung động lâng lâng. Theo tinh thần sưu khảo Gia đình Phật tử, tôi tìm hiểu ba câu niệm trên máy phóng thanh này có ghi trong trụ đá nơi Bồ Đề Đạo tràng, nghĩa là: Con về nương tựa Phật – Con về nương tựa Pháp – Con về nương tựa Tăng già. Vì lúc đức Phật Thành Đạo tuần thứ sáu chưa có Tăng già, hai vị thương gia Miến điện Tapussa và Bhalika đi ngang qua cúng dường nên trụ đá chỉ ghi hai câu niệm trên mà thôi.
Tất cả Phật tử đều cởi bỏ giày dép bên ngoài để bước vào bên trong khuôn viên Bồ Đề Đạo tràng, trời còn sớm nên các shop nhận giữ giầy dép chưa mở cửa (giữ giày phải đóng tiền) các phái đoàn tập trung giầy dép vào một góc trước cửa vào bên trong. Tháp đại giác vàng rực trong ánh bình minh, tiếc rằng mùa này đại tháp đang trùng tu nên hình thể không được chân phương cho lắm.
Chúng tôi đứng ở trụ đá kỷ niệm do vua Asoka dựng nên, đặc biệt là chu vi vài bước từ trụ đá này một vầng khí ấm lan toả từ nền gạch lên cao rất dễ nhận biết khi chúng ta bỏ vớ ra và đi chân trần, bên ngoài thì lạnh toát – bán kính bên trong khoảng 1m thì ấm áp . Sự ngạc nhiên này lan truyền rất nhanh nên các anh chị cứ đi tới đi lui ở quanh trụ đá.
Trung tâm Đại Tháp Bồ Đề ( Mahabodhi ) nhô lên cao khoảng 52m sừng sững giữa một thung lũng nhỏ, tượng trưng cho đại định kiên cố của Phật Thích Ca dưới cội Bồ Đề, con đường gạch hoa sạch đẹp, mát lạnh dưới đôi chân trần từ từ thấp dần, đại chúng sẽ chiêm ngưỡng được tượng kim thân Phật Thích Ca màu vàng ngồi trong tư thế kiết già tay trái gác lên đùi, tay phải buông xuôi, bàn tay trong thế ấn địa xúc mặt hướng về hướng đông ngự bên trong bảo tháp. Nghe thầy Hạnh Nguyện nói là bức tượng này có bề dày lịch sử trên 1700 năm và tác giả điêu khắc bức tượng này do Di Lặc Bồ tát thị hiện- sau một thời gian bị chôn vùi đã được tìm thấy và phục chế ….. các vị sư người Nepal, Tibet, An Độ, Bhutan, Việt Nam …. đã ngồi tụng niệm sẵn đó tự bao giờ ! Có nhiều vị đảnh lễ gieo năm vóc, sát thân mình trên một tấm ván hình chữ nhật láng bóng vì lễ lạy trườn xấp nhiều lần bên ngoài đại tháp. Các vị đều nhất tâm, thiết tha thành kính, bên cạnh là những hành giả trùm tấm nhựa nằm ngủ trên tấm ván ấy sau khi đã hết thời lễ lạy mỏi mệt lúc khuya .
Chúng tôi đảnh lễ Kim thân xong tuần tự ra hành lễ dưới cội Bồ Đề, thân Bồ Đề to khoảng năm, bảy ôm tay, tàng Bồ Đề phủ rộng ra khoảng mươi mét trĩu xuống dưới những cây trụ chống làm giá đỡ khá cao. Rất nhiều người ngồi quanh cây Bồ đề để chờ… lá rụng đem về thờ kính. Phật tích được bao bọc bởi một bức tường ciment vuông vắn chỉ chừa cửa vừa đủ cho một người đi vào đi ra, bên trong bức tường là Kim cương toà bằng sa thạch do vua Asoka lập, là nơi đức Phật ngồi đại định bên cạnh cây Bồ Đề. Chúng tôi sắp hàng tuần tự đi vào, ai nấy cung kính “đụng trán” vào thân Bồ Đề đại thụ, tiện tay nhiều người đã lấy một nắm đất dưới cội cây linh thiêng đem về thờ cúng.
Đảnh lễ cây Bồ đề
Một hôm, sau bữa ăn Đại đức trưởng đoàn đã “ khuyến cáo “ chúng tôi: “ Mấy người quản lý khu Bồ Đề Đạo tràng yêu cầu quí Phật tử đừng có lấy đất dưới cội Bồ Đề nữa, vì lấy như vậy cây Bồ Đề sẽ chết. Hai năm trước cây Bồ Đề này gần chết vì bị lấy đất dưới cội cây – hàng trăm, hàng ngàn người mỗi người lấy một vốc đất thì lấy gì mà nuôi cây sống! Phải nhờ hội bảo vệ thực vật quốc tế chăm sóc thường trực nên cây mới còn tồn tại đây” Trong chúng tôi nhiều người bật cười thích thú vì cái “Đạo lý” đơn giản này. Mỗi người lấy một nắm đất thì núi cũng phải đổ!
Bên ngoài cội Bồ Đề có đôi dấu chân Phật rất lớn, to khoảng 10 lần hơn dấu chân bình thường điêu khắc trên đá được che kiếng bảo vệ.Truyền thuyết, khi Thích Ca thành đạo đã đứng lên đi khỏi cây Bồ đề, chư thiên từ trên cao nhìn thấy bèn hỏi nhau “ Không biết ông Cồ đàm kia đã chứng đạo chưa mà đã thấy ông rời khỏi cây Bồ đề? Như để trả lời cho chư thiên, đức Phật đã vận thần lực bước kinh hành ấn sâu bước chân xuống đá còn lưu dấu đến ngày nay, còn gọi là “Đường kinh hành quí báu”
Đường kinh hành quí báu – Đức Phật ấn sâu đôi chân xuống đá khi kinh hành
Các Phật tử mua Hoa súng và đặt lên lồng kiếng cúng dường. Đến giờ chúng tôi vẫn chưa biết hình sắc của Hoa sen Ấn như thế nào, có giống như Sen ở nước ta hay không ? Vì những người bán hoa chào mời “ lotus ! lotus ! “(hoa sen) khi đưa ra những bó hoa súng làm chúng tôi ngạc nhiên. Những đoá hoa súng này cọng to dài và cánh hoa lớn hơn hoa súng ở nước ta nhiều – chúng tôi thấy có hai loại, màu trắng và hồng tím trắng, phút giây liên tưởng đến tiền thân Công chúa Da Du Đà La mua sen gửi người cúng dường đức Phật mà gieo duyên lành với Thái Tử Sĩ Đạt Ta! Những chú bé Ấn Độ rao bán hoa sen chạy tung tăng đón đầu chúng tôi từ bên ngoài rào, chị Cam Hằng Nga lắc đầu không mua thì chúng van nài nhờ chị đem hoa vào cúng Phật giùm. Chị nhận lời. Tôi liền kể chị nghe câu chuyện nàng bán hoa gởi bồ tát cúng giùm thêm ba cành hoa sen mà sau này được kết duyên với thái tử Tất Đạt Đa do công hưởng tâm thành phúc đức. Chị tuy lớn tuổi nhưng rất xinh xắn, chắc đứa bé kia muốn gieo duyên với chị đây! Chị cười và rất hoan hỷ nhận hoa cúng dường của đứa bé kia.
Cách phía trước Đại tháp không xa uy nghi toà tháp Animes Lochan trắng toát nhô lên. Chỗ này , đức Thích Ca đã ngồi quán sát trong tuần thứ hai sau khi thành Đạo mặt hướng về cội Bồ Đề .Hiện trong tháp đang chứa ba tạng kinh Hoa Nghiêm bằng chữ Tây Tạng nên các vị sư Tây Tạng khi đến chiêm bái thường hướng về tháp này tụng kinh, hành lễ.
tháp Animes Lochan
Giữa Bồ Đề Đạo tràng Ấn Độ linh thiêng. Nơi đây đức Phật chứng Đạo vô thượng , cũng nơi này đức Phật mở Pháp hội Hoa Nghiêm suốt 21 ngày . Chúng tôi tưởng chừng như chư Thiên 33 tầng trời tán tụng và 1.250 vị La hán đoanh vây, cùng sám nguyện với chúng tôi, hơn trăm người Gia Đình Phật tử Việt Nam – thế giới hội về đồng thanh xướng lên câu kinh quen thuộc : “ Đệ tử kính lạy , đức Phật Thích Ca ……” Ôi! Bánh xe Pháp đang chuyển động , 60 năm Gia đình Phật tử mới có một lễ hội hoành tráng trọng đại này, ai cũng thừa nhận là mình có phúc duyên lớn nên sen trắng tình lam mới hẹn ngày trùng hoan cùng dự đại hội, cùng đi hành hương nơi đất Phật hôm nay.
Đại tháp có 4 cạnh vuông vức, mỗi cạnh là 40m. Khi phái đoàn Gia đình Phật tử kinh hành, nhiễu ba vòng quanh Đại Tháp thì các vị sư Phật giáo Ấn Độ trang nghiêm trong y nguyên thủy màu “ hoại sắc “( nâu sậm và đỏ sậm) đối diện với cội Bồ Đề tụng kinh Phạn qua máy phóng thanh, các đoàn cư sĩ Phật tử Srilanka, India trong trang phục màu trắng ( giới cư sĩ bạch y ) cầm cờ Phật giáo hay tràng hoa vạn Thọ, hoa sen kinh hành . Trời hồng dần lan toả từ phương đông, bên kia dòng Ni Liên Thuyền cách đó vài cây số. Theo ước tính của chúng tôi : Vị trí cội Bồ Đề phía tây bắc, toà ngồi Đức Phật nhìn ra sông Ni Liên là hướng Đông và sao Mai mọc lên cũng từ phương đó.
Bên hông phải cửa vào chánh điện đại tháp có hình tượng bồ tát Quán Thế Âm trong thân thiên tử gắn trên vách tháp, nghe nói Phật tử nào đứng cách xa khoảng 10m trang nghiêm, thành kính nhắm mắt đi tới mà chạm vào được thánh tượng thì nguyện ước sẽ được thành tựu. Vài người trong đoàn cũng cung kính thực hành như vậy, nhưng chỉ số ít người đi thẳng chạm vào được tượng bồ tát mà thôi.
Bức phù điêu bồ tát Quán Thế Âm bên hông phải đại tháp
Ngả rẽ thứ hai từ đại Tháp dẫn chúng tôi đến một hồ nước lớn toạ lạc phía nam của đại tháp, có hình tượng đức Thích Ca ngồi giữa hồ, có tên là hồ rồng mù (Muchalinda) Ngài toạ thiền nơi đây trong tuần thứ sáu sau khi giác ngộ được rắn thần hổ mang chúa, xoè mang ra hai bên rất rộng che mưa cho đức Phật. Tôi thắc mắc hỏi người quản lý Ấn Độ: “Tại sao tên gọi Muchalinda lake này có nghĩa là Hồ Rồng Mù?” Ông ta chỉ vào con rồng và nói: “Cause that Naga was blinded – Tại con rồng đó bị mù”, thế là… huề vốn!
Hồ Rồng Mù
Đi bộ khoảng 5 phút đoàn Gia đình Phật tử đến thăm Đại hồng chung Việt Nam cầu nguyện cho Thế giới Hoà Bình do những nghệ nhân xứ Huế đúc và Phật Giáo Việt Nam nơi hải ngoại cúng dường cùng vận động để tôn trí Đại hồng chung ở đây. Trong khuôn viên còn có đại hồng chung của Nhật Bản, nhưng chuông này đánh bằng cách kéo viên sắt tròn bên trong cho vang tiếng giống như chuông của các thánh đường Catholic.
Cách đó không xa hiện diện công trình hòn non bộ Ngũ Hành Sơn, núi non hoa lá cũng do bàn tay nghệ nhân Huế Đô sang thực hiện.Giây phút tưởng chừng như đã về đứng giữa Việt Nam.Trong khuôn viên lại chia ra nhiều khu vực để các quốc gia xây dựng bảo tháp cúng dường, tạo thành những quần thể khác nhau qui hướng đại tháp trung tâm. Những tượng Phật nhỏ tôn trí trong các bảo tháp đó, lâu lâu cũng bị người ta trộm đi đem ra ngoài bán lấy tiền.
Đến ngày thứ ba xe của phái đoàn qua sông Ni Liên thuyền để nhìn về Đại tháp xa tít. Sông Ni Liên mùa này nằm trơ những bãi cát vàng rất rộng và dài chỉ có vài con lạch nhỏ giữa dòng và người ta tắm rửa giặt giũ trên những lạch nước đó, đàn bò cả trăm con đứng, nằm dọc ven sông – Ngôi làng mang tên mục nữ Sujâta 2500 năm trước dâng sữa cúng Phật cách đó không xa.
Xe bus chạy qua cầu bắc ngang dòng sông Ni Liên
Đại Đức Hạnh Nguyện kể chuyện : “ Lẽ ra ban đầu đức Phật Thiền Định bên này sông nhưng do sức đại định rung chuyển quá mạnh gây chấn động lỡ đất làm các loài run sợ, nên vị Thổ thần bản xứ hiện lên cung thỉnh đức Phật di chuyển qua vùng đất cứng chắc nhất ở khu vực bên kia sông để thiền định , là chỗ đại tháp và cội Bồ Đề bây giờ – chỗ ngồi ấy còn có tên gọi là Kim cương toà và thế ngồi kiết già (hoa sen) còn có tên là Kim cương toạ từ đó. Loại cỏ mà chú bé tên Cát Tường (Svastica) cúng cho Phật trải làm toà ngồi hiện nay vẫn được bảo tồn ở Ấn Độ.
Tất cả những bài học về Lịch sử đức Phật Thích Ca đã sẳn có nơi tâm hồn những người áo Lam xa xứ . Hôm nay về đây để chứng thực bài học những năm xa xưa thật là xúc động đến tột cùng . Những khi chắp tay cầu nguyện bên Cội Bồ Đề chúng tôi cầu mong cho lý tưởng Bồ đề kiên cố, cho quê hương được yên bình quy Phật, Cho Phật giáo Việt Nam, cho Gia đình Phật tử được nhất thống vững bền để chánh Pháp hoằng truyền sâu rộng đến tuổi trẻ Việt Nam trên toàn thế giới mai sau.
Đức Quảng
Tháng 11/ 2004