Học Phật Pháp với nhạc sĩ huynh trưởng Hoàng Trọng Cang!
Mới thuở quen biết với Hoàng Cang, anh hay cười mà ít nói, nhưng lúc chịu nói thì nhiều chuyện và hay cười. Chuyện chúng tôi muốn hỏi có lẽ cũng giống như các anh chị khác muốn hỏi ! Đó là những bài hát, đường lối âm nhạc Gia Đình Phật Tử . Anh sáng tác những ca khúc ngắn này trên cây đàn Banjo hay Mandoline nên tiết tấu nào cũng nghe réo rắc âm thanh trémolo. Cho đến nay những bài hát bất hủ của anh vẫn vang đều trong giờ sinh hoạt. Một Nhạc sĩ mà không thấu đáo, vui thích về âm nhạc thì còn vui thích gì? Tuổi trẻ chúng tôi vẫn thường ngộ nhận như vậy. Cho đến một hôm anh Nguyễn KhắcTừ giới thiệu anh làm Huấn luyện viên cho trại Lộc Uyển (1984) với bài Tứ Diệu Đế. Anh nhận lời và trước khi giảng anh trình bày cho Ban Giảng huấn bài do anh soạn với bốn phần : KHAI – THỊ – NGỘ – NHẬP . Bốn phần này tương ứng với một dàn bài chia làm 4 phần, 4 số La Mã:
- Khai: Mở bày , đại cương
- Thị: Quan sát, hình thức bố cục,
- Ngộ: Nội dung, hành trạng, các phương pháp thực hiện.
- Nhập: Ứng dụng, thực tiễn, kết luận.
Khai,Thị, Ngộ, Nhập làm cho chúng ta liên tưởng câu nói của đức Phật trong phẩm tựa Kinh Pháp Hoa “ Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến ”. Có thể do ấn tượng này mà chúng tôi đã mau chóng thấu suốt những gì anh giảng dạy một cách rõ ràng , dễ hiểu . Trước nay huynh trưởng chúng tôi thường áp dụng loại dàn bài Danh, Tướng, Thể, Dụng của Hoà Thượng Thiện Hoa hay dùng trong Phật học phổ thông, nay thêm một cái Plants này nữa tuy ý tứ phân đoạn cũng giống nhau và diễn giải rõ tinh thần Phật Pháp hơn!
Nhưng thành kiến của chúng tôi bị bật gốc từ dạo ấy do đã nhìn thấy tính cách văn nghệ Phật Giáo có mặt trùm khắp trong văn chương, học thuật, thi ca, âm nhạc, nghệ thuật được diễn đạt lai láng, tràn trề đều xuất ra từ một nguồn Tâm . Anh làm bài ca vui tươi, trong sáng, an nhiên bao nhiêu thì khi giảng dạy Phật Pháp anh cũng tự tại an nhiên như vậy . Thập niên 1980, anh đồng hành với anh Ngô Mạnh Thu qua các trại huấn luyện tại chùa Phước Hải, GĐPT Giác Hạnh. Có thể anh Cang và anh Thu gặp nhau ở điểm này mà hai người vẫn thường có những tâm tình tương đắc, và cũng không lạ gì khi anh nhận làm cố vấn cho Ái hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm.
Anh đề nghị sự bắt đầu của một huynh trưởng là phải vững vàng trong căn bản Phật học; vì mình học làm.. Phật nên mình phải hết sức cố gắng, và anh sẽ ủng hộ hết mình. Anh nói là làm. Từ đó anh có mặt mỗi chiều chủ nhật để giảng dạy cho Huynh trưởng. Anh dạy mà không phải dạy ! Anh nói chuyện như giải bày, như tâm tình cùng đàn em; Chúng tôi học mà không cần phải cố nhớ! Anh nói, do nhân duyên, cái gì khế hợp, cái gì mình thích thì sẽ tự ghi nhớ thôi . Anh dạy chúng tôi cách thực hành Văn-Tư-Tu trong thực tế, nghe cho rõ để xem ý của đối tượng thật ra là muốn gì (mất một thời gian), suy nghĩ nhiều lần và dùng phương pháp tự đặt mình phản tỉnh, vào tình thế ngược lại ( mất một thời gian), Uốn lưỡi 7 lần trước khi phát biểu…. Anh nói, mình học Phật để tập làm vị Phật tương lai, nhớ điều này thì trong bất cứ trong tình huống nào phải tự soi xét tâm tánh mà buông bỏ, hỷ xả.
Nhưng đến những chỗ thiết yếu , anh bắt chúng tôi phải ghi chép cẩn thận và nên học thuộc lòng để sau này cần dùng đến như khi soạn bài hay hướng dẫn đàn em khỏi cần tìm kiếm mất công . Nhớ nhất là Ngũ phần Kinh, Cửu bộ kinh và Thập nhị Bộ kinh.
Ngũ bộ kinh là 5 hồi và thời gian Phật thuyết kinh tạng như Thời Hoa Nghiêm 21 ngày tại Bồ Đề Đạo tràng,Thời A Hàm 12 năm tại Lộc Uyển……..tương đối dễ nhớ.
Nhưng 12 phần giáo là nghệ thuật thuyết giảng chánh Pháp mà đức Phật ứng dụng khi giáo dục đại chúng thời phong phú , đa dạng vô cùng . Còn gọi là Thập nhị Đại thừa kinh , có nơi chỉ dùng có 9 phần nên gọi là Cửu Bộ kinh ,trong Cửu Bộ kinh, không có ba bộ Nidàna(Nhân duyên), Avadàna(Thí dụ) và Upadésa(nghị luận)
Chúng tôi vẫn nhớ nằm lòng cho đến nay :
1.Trường Hàng : Sũtra, Tu-đà-la, Pháp bổn : Là loại văn xuôi , thông thường đức Phật dùng lối văn chương này để thuyết Khế kinh.
– Khế kinh nghĩa là hiệp kinh, khế hợp với căn cơ, trí thức cuả Chúng sinh. Dù là hàng trí thức, học cao, hiểu rộng hay trung bình, hoặc thấp kém; những Phật tử đã hành trì lâu, hay mới tu tập. Ai nghe kinh, hoặc đọc tụng đều được lợi ích .
Loại Khế kinh này do Ngài A-nan giảng thuật lại sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, hợp lại thành một Tạng, gọi là Kinh Tạng.
2.Kỳ dạ : Geya, Ứng tụng hay Trùng tụng.
– Sau khi Phật giảng xong một vấn đề, hoặc một bài Khế kinh bằng văn xuôi. Ngài thấy có nhiều người chưa thật hiểu, ngài bèn lập lại bằng thể văn Kệ (Vers) cho thính chúng không chán và hiểu trọn vẹn, nên gọi là Trùng tụng. Lúc Phật đương thuyết Pháp có những thính chúng đến sau chưa nghe được khế kinh, nên nhân đó ngài thuyết lại bằng thể văn Kệ, do cách này mà gọi là Ứng tụng .
3.Hoà-ca-la-na :Vyakarana : Thọ ký .
Thọ : Nhận lấy; Ký : Ghi nhớ, ghi chứng, ký chứng. Đức Phật khi thuyết Pháp nhìn thấy trong tương lai có vị đệ tử nào đắc quả thành Phật hay Bích Chi Phật thời Ngài phán lời Tiên tri thọ ký cho các vị ấy.
4.Già-đà : Gàthà : Phúng tụng hay Cô khởi tụng.
Loại Thi văn, thi kệ do Phật tự xướng ra . Các vị đệ tử khi xưng tán đức Phậtcũng dùng loại Cô khởi kệ này .
- Ưu-đà-na : Udana : Tự thuyết.
Bài kinh, lời kinh do Phật tư thuyết, không có ai thỉnh giảng hoặc hỏi han gì. Trường hợp này được gọi là Chứng chuyển Pháp luân .
- Ni-đà-na: Nidàna : Nhân duyên.
Trong kinh điển do Phật thuyết có những chổ giải thích về căn bản của quả báo, giải từ gốc đến ngọn. Do nhân duyên gì mà có các hiện tượng ấy xảy ra ! Được gọi là Nhân duyên.
7. A-ba-đà-na: Avadàna : Thí dụ.
Lấy những điển tích có thật , hoặc câu chuyện tương tự do Phật đặt ra để so sánh giúp cho đại chúng dễ hiểu như Dược thảo dụ, Hoá thành dụ trong kinh Pháp Hoa.
8. Y-đế-mục-đa-dà : Itivrtaka : Bổn Sự.
Những việc làm, những kiến văn, sự cảm nhận, hiểu biết trong các tiền kiếp của Phật, do đức Phật thuật lại
- Xà-đà-già : Jàkata : Bổn sanh.
Chuyện tiền thân nhiều đời nhiều kiếp của đức Phật , do đức Phật thuật lại.
- Tỳ-Phật-lược : Vaipulya : Phương quảng.
Ý nghĩa sâu xa, rộng lớn, bí mật khó lường, thường gọi là kinh Đại thừa phương đẳng, như bộ kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.
- A-Phù-đà-đạt-ma : Adbhutahdarma : Vị tằng hữu.
Những chuyện hy hữu, chưa từng có, chưa từng thấy vượt khỏi sức tin tưởng và sức công nhận của người đời.
- Ưu-ba-đề-xá :Upadésa : Nghị luận .
Các bài thuyết Pháp trong kinh điển của Phật có những biện luận cao rộng, rành rẽ, tỷ mỹ.
Từ đó việc tu học của chúng tôi có tiến bộ thấy rõ, vì nhờ nắm được những phương pháp phân tích thể loại.. tuy xưa cổ nhưng chẳng lỗi thời chút nào. Đâu có khác gì các phép phân tích, bố cục, diễn bày, quy nạp, liên châu, loại suy, vô đề của thời văn chương hiện đại. Các em mình bơi trong biển Nhân minh không thấy bờ bến không phải vì tám vạn bốn ngàn Pháp môn quá nhiều hay phải rũi rong qua nghìn trùng kinh điển hoài không đến đích , mà vì không được học bơi căn bản từ lúc đầu và cứ ỷ vào phương tiện chẳng chịu bỏ buông .
Hôm nay, bao ngày tháng rồi Anh còn nằm yên trên giường bệnh, hơi vẫn thở ra vô vì trái tim anh chưa ngừng đập, nhưng sự vô tâm, vô cầu, vô niệm, vô tác của anh đang ở đỉnh vô thường- Đạo đã thênh thang , mênh mông thành Hư không tận cho đến khi tứ đại tan rã anh vẫn mãi nhoẻn miệng cười .
Đức Quảng