Tâm tình với quý phụ huynh – Vu Lan PL 2561

Chuyên Mục: Câu chuyện dưới cờ 41 0

Tâm tình cùng quý Phụ huynh đoàn sinh

mùa Vu Lan Báo hiếu PL. 2561

 

Kính thưa quý Đạo hữu phụ huynh.

Như thông lệ, năm nay chúng ta lại hội ngộ trong mùa Vu Lan báo hiếu. Một năm qua, con trẻ thêm tuổi lớn khôn, còn chúng ta thêm tuổi càng thêm già nua héo hắt. Ví như nề nếp gia phong mà chúng ta giữ được; lễ nghĩa tôn sư trọng đạo nơi học đường mà chúng ta giữ được thì những ngôi chùa Phật giáo, các tổ chức Gia đình Phật tử sẽ nhẹ gánh lo. Những gánh lo về đạo đức, lễ nghĩa, lương tâm và… liêm sĩ đang dần vào hủy diệt trong thời kỳ hoàng hôn mạt pháp này. Một ngày chánh pháp còn trụ thế là một ngày nhân loại vơi bớt khổ đau – vì khi quý Phật tử nương náu cảnh thiền lâm sẽ tìm ra được những phương pháp phù hợp để tự mình giải tỏa bớt phiền não, thị phi trong đời. Một ngày Gia đình Phật tử còn tồn tại thì ngày đó có vô số trẻ biết quay về hội họp, tu học dưới mái chùa – được ướp tẩm những hương hoa đức hạnh – biết giữ gìn lương tâm, liêm sĩ khi đi vào nơi thế tục nhiễm ô. Nhưng những điếu tốt có khi không thể đứng vững trong một xã hội cộng đồng mà xu thế sân si, dục lạc cuồn cuộn dâng tràn thì tất cả các phẩm giá sẽ bị đảo lộn, biết bao người hôm qua danh thơm tiếng tốt mà hôm nay lại trở thành những phạm nhân thất thế, sa cơ. Có thể nói là nghiệp lực, là vô thường… nhưng sự sa ngã xảy ra quá nhiều khiến chúng ta bị mất niềm tin vào con người, và lũ trẻ bị mất phương hướng vì đường đi trước mặt dường như trải toàn chông gai, hầm hố.

Giữa biển trời mưa giông tối đen mù mịt như vậy các con thuyền đời làm sao nhìn được hướng đi trên sóng to gió lớn? Thì đây, các con còn có thể nương cậy vào tình thương chân thật của hai đấng sinh thành mà bước hai chân vững chãi trên mặt đất vào đời. Cho tới nay toàn nhân loại vẫn còn công nhận thành quả của những người mẹ tuy chân yếu tay mềm đáng được giúp đỡ nhưng có khả năng chin tháng mang nặng và bao lần đau đớn vì sinh nở vẫn mỉm nụ cười không sợ hãi, thương và lo cho đàn con suốt cuộc đời Mẹ.

Người mẹ già đầu tiên của Lạc Việt có tên là Âu Cơ (Âu là âu lo; Cơ là đói); làm sao nuôi 100 đứa con mà không lo đói! Trong khi người cha đầu tiên có tên là Lạc Long Quân (ghép họ mẹ và cha theo mẫu hệ gọi là họ Âu Lạc). Theo các nhà khảo cổ học VN, đất đai Âu Lạc từng trải qua cuộc biến thiên hơn 4000 năm trước, sau nạn đại hồng thủy một thời gian dài, nước biển đột ngột rút đi thấp hơn 6 m, để lộ ra một vùng bình nguyên bao la rộng lớn, có thể Lạc Long Quân làm một cuộc phiêu lưu dẫn 50 đứa con ra biển tìm nguồn lương thực và đất sống từ đây. Chúng ta có một bài hát sinh hoạt tên là Bà Râu ơi!:

Bà Râu ơi! Bà Râu ơi!

Cháu muốn lên thăm bà trên núi

Bà Râu ơi! Bà Râu ơi!

Cháu muốn lên vuốt ve râu bà

Bà oai hùng như bà Âu Cơ

Năm mươi con đang còn trên núi

Bà oai hùng như bà Âu Cơ

Năm mươi con đang sống đất bằng.

 

Từ đầu công nguyên, nước ta đã sớm có phụ nữ xưng vương là Trưng Nữ Vương hay bà Triệu Thị Trinh khởi nghĩa  đã chứng tỏ những người con gái, cháu bà Âu Cơ không chịu sống thấp hèn, công đức mở cõi về phương nam phải kể đến sự hy sinh thầm lặng của Ngọc Hân công chúa và Ngọc Vạn công nương là bắt nguồn từ tình nhân ái…. Thế nên văn chương Việt Nam từ đó có một người mẹ tên là “Mẹ Việt Nam” để gọi chung cho những người phụ nữ “chung thủy, đảm lược” dám vì các con, dám vì nước quên mình.

Công cha sinh thành là như trời bể, ngậm đắng nuốt cay, nhẫn nhục làm lụng nuôi con coi đó là một nghĩa vụ – bậc trượng phu ai lại chấp nê. Nhưng người có thể dung chứa bao che cả những điều lầm lỗi của con để  hằng đêm nước mắt vắn dài cầu nguyện mong sao con được  nên người thì tình mẹ vẫn hơn. Cả thiên hạ có thể chối bỏ con, phỉ nhổ con và con chỉ  có thể quay trở về trong vòng tay bình an của Mẹ.

Tình thương ấy như một ngọn đuốc sáng lên trong đêm tối, đã bao lần xây dựng lại đời con, xây dựng lại Đạo đức làm người.

Mùa Hiếu năm nay, đôi lời tâm tình với quý phụ huynh về chuyện xưa tích cũ và ước mong quý đạo hữu trân quý tình thương mình hiện có để làm hành trang cho con trẻ lớn khôn cùng mang tình thương ấy góp phần dựng xây nhân ái cuộc đời.

 

Đức Quảng

 

 

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi