-Tùy duyên bất biến.
-Ăn theo thuở, Ở theo thì.
-Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
-Chỉ có sự đổi thay là không bao giờ thay đổi.
LỜI THƯA VÀO CHUYỆN
Trước hết, xin được thưa, đây là câu chuyện “trà đàm”, không mang tinh thần tranh luận, vì là anh em trong MỘT gia đình LAM, với lục hòa, tin yêu, ái ngữ …
THỜI ĐIỂM LỊCH SỬ
Thuở đó, khoảng 1948 – 1950, xã hội ta vẫn còn nặng tinh thần Khổng Nho, thiếu niên đến trường học đã gọi bạn học đồng môn là hiền huynh, cao huynh, và tự xưng là tiểu đệ, ngu đệ … thế mà cũng thanh thiếu niên đó theo mẹ đến Chùa Quán Sứ, được Sư Bác, Sư Ông giới thiệu vào Đoàn Đồng Ấu Phật Tử, Đồng Niên Phật Tử, và gọi Thầy giáo Đặng Văn Khuê là “Anh”, Anh Huynh Trưởng phụ trách Đoàn, thì là cả một sự canh tân trong Phật Giáo, chú trọng tới giáo dục thanh thiếu niên theo kịp tiến bộ của thế giơi, giống ‘Sì cút’, và gọi là Gia Đình Phật Hóa Phổ.
Thầy giáo Khuê dạy các em cô nhi trong chùa Quán Sứ, và lập Đoàn Đồng Ấu Phật Tử, cho phép các học trò gọi mình là “anh” xưng ‘em’, ngược lại, anh cũng tự xưng ‘anh’ và coi học trò như em, gọi ‘em’. Anh em trong một gia đình Phật hóa phổ, cải cách này được hưởng ứng rộng rãi.
LÀM ANH MUÔN NĂM
Đọc lại lịch sử Gia Đình Phật Tử, từ những năm khởi đầu trên cho tới 1975, trên sách, báo, biên bản, đều ghi là ‘Anh’, bất cứ chức vụ gì từ Ban Hướng Dẫn Trung Ương, tới BHD Miền, BHD Tỉnh, BHD Khuôn Hội, tới Ban huynh Trưởng Gia Đình … đều là Anh, Chị. Chỉ có vị Gia Trưởng là ‘Bác’. Điều này, nếu đi vào một buổi Lễ thực tiễn sẽ thấy, Ban Hướng Dẫn Trung Ương, các chức vụ đều được giới thiệu là Anh, trong khi Gia Trưởng một đơn vị nhỏ ở địa phương lại được gọi là Bác Gia Trưởng, có khi tuổi tác còn ít hơn cả các Huynh Trưởng nêu trên. Thời đó, không để ý, nhưng bây giờ nhiều vị đã trên 80 tuổi, có cháu nội, chắt nội, đọc lại biên bản, sách báo vẫn ghi mình là Anh, đồng ý là thời đó mình là Anh, nhưng cũng khi đó, các văn bản khác đều ghi là ‘Ông’, tối thiểu là nhận được một lá thư của ai đó gửi, bì thư cũng ghi là kính gửi ông cả, mình được xã hội trân trọng thế, mà, vì ở trong Gia Đình Phật Tử mình là Anh muôn năm, dù tuổi 80 hay hơn.
Đã có nhiều Trưởng trẻ phỏng vấn các Trưởng già, em gọi anh là anh, anh có ý gì không ? -Ồ ! Anh gần thất thập cổ lai hy rồi đó, hẳn anh có thế nào em mới gọi anh là anh chứ, mình trong ‘gia đình’ mà, nhưng … có câu chuyện tức cười là, mình thành Anh muôn năm, tới chùa, Thượng Tọa reo –A ! Anh Phan. Chú điệu cũng gọi : Anh Phan ! ôn kêu tề, rồi quay sang lễ phép chắp tay chào người học trò cùng đi với mình :- Dạ, chào ông, chào Đạo Hữu ! Hóa ra là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử thì được gọi anh thân mật, còn người khác thì được tôn trọng, khách sáo, ông, Đạo Hữu…
THOẠI, VĂN, VÀ NGÔN TỪ NGHI LỄ
Do đó, trong một buổi lễ, giữa Hội Trường, người ta gọi nhau là Trưởng, thay vì kính thưa các anh, các chị và quý vị quan khách. Ngôn từ của nghi lễ.
Trong biên bản, người ta ghi là Trưởng Trần Văn Mít Chủ Tọa, Trưởng Nguyễn Văn Xoài Thư Ký, thay vì Anh M chủ tọa, anh X thư ký … mấy chục năm sau, con cháu đọc lại, thấy cha anh mình được tôn trọng.
Trong giao tiếp nhân sự, dẫu một Oanh Vũ (8 tuổi) gọi một Trưởng (80) tuổi là anh, xưng em, càng thân mật trong một gia đình, không ai bắt bẻ, vì 50 năm Gia Đình Phật Tử hình thành, chúng ta đã quen tai, nhưng … một người đi chùa khách quan nghe, và thấy cảnh ấy họ sẽ thắc mắc, đặt nhiều dấu hỏi, nếu … em (cháu, chắt) Oanh vũ đó Thưa Trưởng và xưng em, cảnh phong đó mang một sắc thái đạo vị khác.
Cũng như thế, xin lỗi, cho phép tôi tỷ dụ cụ thể, Anh Nguyễn Quang Vui (giờ đã 70 tuổi) nói to, chúng tôi muốn gặp Trưởng Nguyễn Đình Nam, thay vì Anh Nguyễn Đình Nam, chính Anh Nam không nghĩ gì, nhưng đoàn sinh của Anh Nam thấy Trửơng của mình được một ông cụ trân trọng gọi bằng Trưởng, cũng như thế, Nghiễn có gọi Bác Nam, là thay mặt các con của Nghiễn đối với bạn của Bố mình. Cũng như thế, Cụ Vui có hỏi một Huynh Trưởng trẻ 20 tuổi, Trưởng tên gì ? Và hỏi một Đoàn sinh, em tên chi ? Thì hai câu hỏi đó đã xác định vị trí người đối thoại rồi.
Và … không còn xưng anh anh em em, mà chúng ta không là GĐPT, và không còn thắm tình Lam nữa phải không ? Thưa quý Trưởng và các em.
NHỜ TRƯỞNG, GIẢI TỎA ĐƯỢC TAM ĐẠI ĐỒNG TU
Thực vậy, có những gia đình, ba đời cùng đi chùa, cùng sinh hoạt trong Gia Đình Phật tử, Cha con gọi nhau là Anh em, rồi Ông Nội và cháu gọi nhau là anh em (?!), bà ngoại và cháu gọi nhau là chị em khi mặc áo Lam, sinh hoạt ở chùa, đi cắm trại … trường hợp đó rất … kẹt, chính vì người Việt Nam rất coi trọng tiếng xưng hô …
May quá, gặp trường hợp trên, Cha gọi con là Trưởng, xưng tôi, con thưa Cha là Trưởng xưng em, và ông nội với cháu, bà ngoại với cháu cũng vậy, vợ chồng gọi nhau là Trưởng … rất hài hòa, có thể nói từ ngày phục hoạt đầu những năm 1990, khi từ ‘Trưởng’ được đề nghị, đã dễ dàng được chấp thuận, vì nó giải quyết được những trường hợp trước mắt nêu trên, và tăng thêm đạo vị, cũng như không vì tiếng gọi nhau trang trọng, khách sáo, mà mất đi tình thân thương, tình Lam, Kính cựu như tân, đạo vợ chồng mà còn lấy cái lễ của người Á Đông đối xử với nhau, thì trong một đoàn thể, cái Lễ, cái kính, cái trọng là lời lẽ xưng hô lại làm mất đi cái tình hay sao, xin đừng cố chấp, bảo thủ, có những người bảo GĐPT phải theo truyền thống như thế này mới đúng, vâng, bây giờ mà mặc quần xoọc ngắn vào chùa như những năm 1950 – 60 thì ra sao ai cũng biết, ai cũng mặc quần tây dài cả, mà cứ cãi truyền thống là cái quần xoóc cơ, thực ra truyền thống lúc khởi thủy là quần đùi, đi chân đất, đội nón lá cơ, vả lại ở xứ lạnh mà không tùy duyên, mặc quần dài … là vô duyên ?!!.
TRƯỞNG, LÀ TRÁCH NHIỆM, LÀ GƯƠNG MẪU.
Vâng, mặc dầu anh là Huynh Trưởng, anh tự xưng anh gọi em, và đoàn sinh thưa anh xưng em, chúng ta thấy ngay cái tình thân, thân tình gắn bó keo sơn thật, nhưng nếu đoàn sinh Thưa Trưởng xưng em, thì người được thưa đó cảm thấy trách nhiệm mình nặng nề hơn là một ông anh, vì Trưởng, nhỏ là Đội Trưởng cũng đã trách nhiệm, gương mẫu hơn một người anh bình thường rồi, chưa nói đến Đoàn Trưởng, Liên Đoàn Trưởng, Gia Trưởng, Tộc Trưởng, Xã Trưởng, Thủ Trưởng, Tỉnh Trưởng, Bộ Trưởng, Quốc Trưởng … mà Trưởng có khi không phải là ‘xếp’ trực tiếp của mình, mình gọi Trưởng vì người đó đã Trưởng thành có nghĩa là mình tôn trọng anh ta, muốn anh ta làm gương cho đàn em, nhận trách nhiệm với đàn em …
Không vì không anh anh em em thân tình mà mất đi cái tình thân của gia đình Lam có phải không thưa Trưởng?!
ANH & EM, NHỮNG TÌNH HUỐNG CHẾT CƯỜI
1.-Đoàn sinh xưng em và gọi Chúng Trưởng là chị, đang nói chuyện thì Cha của Chúng Trưởng về, em này chào :- Thưa Anh ! Vì ông cũng là một Huynh Trưởng trong gia đình. Ở chùa, chắc không sao, nhưng tại nhà ông ta, bà vợ nhăn mặt vì một cô gái gọi con mình là chị, gọi chồng mình là anh, hai cha con nó trở thành anh em, chỉ vì chất GĐPT. Từ sau bữa đó, anh huynh Trưởng nghĩ ra, dặn nhỏ các em, khi tới nhà gọi Chúng Trưởng là Chị được rồi, nhưng gặp ông thì đừng chào Anh, mà thưa Trưởng.
2.-Ông Lân là Đoàn Trưởng, Anh Thảo là Đội Trưởng, đoàn sinh đến nhà hỏi vợ ông Lân :-Thưa Bác Anh Lân và Anh Thảo có nhà không ạ ? Bà vợ Ông Lân mới đầu còn ngần ngừ muốn cự, sau cười giả lả, ờ để chị xem xem anh em nó có nhà không !!! Bả giận hờn thay vì nói cha con họ, thì nói vậy. (Lân, Thảo, tên giả định)
3.-Nhà Chị Ba Cúc ở sau Chùa Bồ Đề gần cầu Hàng Xanh Gia Định, hàng ngày rất đông các huynh Trưởng tới thăm chị, lúc thì Tín Tân Nghiễn, lúc thì Quýnh Thiệu Trúc Hải, lúc thì Tông … ai cũng gọi Chị Ba, xưng em, và gọi các con của Chị Cúc là em xưng anh.
Ở Chùa khi đang sinh hoạt là chuyện bình thường, nhưng ở nhà là chuyện lạ với lối xóm, các em của mẹ hắn, hắn không kêu là chú hay cậu mà kêu anh ???
Lạ nữa là khách kêu chủ nhà là chị, con chủ nhà là em, vậy mẹ con hắn là chị em à ???
4.-Anh Bùi Thọ Thi khi làm Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Minh Tiến ở Phú Bình, thì Bùi Thọ Ánh là cháu gọi bằng chú là Oanh vũ, ở chùa kêu Anh Thi, ở nhà cũng quen miệng, Bố và bà Nội là Phật Tử ở gần chùa, biết tập tục của Gia đình Phật tử nên cười mà chấp nhận …
Nhưng khi Anh Thi sinh hoạt ở Giác Minh, thì có người cháu gọi bằng ông trẻ cũng sinh hoạt ở đây, về nhà cũng gọi ông trẻ là anh Thi, bố chú ta la rầy, Anh Thi phải giải thích tính gia đình trong tổ chức phật tử nó gần gũi nhau như thế, từ đó mỗi lần anh Thi tới nhà, thì người cháu Thưa Chú Thi và con anh ta Thưa Ông Trẻ, thì người Bố cười : -Thưa anh Thi mới đúng chứ con, chủ nhật ra chùa quỳ nhang ạ, dám gọi anh Thi là ông trẻ.
Vậy, từ Trưởng có thể giải tỏa các trường hợp này, nếu chúng ta đừng chấp nê, mà bao dung hòa nhập với các tiếng xưng hô phong phú của Gia đình Việt Nam, vừa thêm đạo vị, mà không vì thế mất đi cái tình anh em ./.
Tản mạn của Phúc Ân