Bán “cái nghèo”
Kính thưa Quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Có người nghèo cùng, khốn khổ hỏi đức Phật rằng: “ Làm sao cho con hết nghèo?” Đức Phật trả lời: “Bán cái nghèo đi!”. Bán cái nghèo bằng cách Bố Thí, đó là cách nương theo luật Nhân Quả mà biến cái nhân xấu thành thành quả tốt. Chính lòng ích kỷ, keo kiệt, không chịu giúp người làm tâm hồn mình nghèo; chính sự tham lam, bòn rút, vơ vét, lừa lọc làm mình bị mất mát, bất an… bình thường đã nhận chịu những quả xấu như vậy, huống chi có những người ra tay trộm cướp, lừa đảo gây bao tổn hại cho người.
Đức Phật Thích Ca trong nhiều đời, nhiều kiếp trước khi thành Phật đã từng bố thí thịt cho chim ưng để cứu mạng chim bồ câu; đã từng hiến nhục thân trong kiếp kình ngư để cứu dân làng đang dẫy chết vì đói; đã từng bố thí hết gia tài sự sản… cho nên khi tái sinh trong loài nào đều làm vua loài đó, sinh ra trong kiếp nhân thiên đều là bậc thiên chủ, quốc vương, thái tử, đại thần của cải tiền tài vô lượng… muốn nghèo cũng khó!
Hôm tháng bảy vừa rồi, một vị đại thí chủ phát tâm bố thí lương thực cho những người ăn xin, nghèo khổ không đủ ăn mặc. Người nghèo khổ tụ tập về chen lấn nhau xin phiếu rất đông. Có vài người tôi quen biết có nhà cửa và buôn bán làm ăn đàng hoàng nhưng sao lại đi xin! Tôi có hỏi thăm chuyện vãn cùng những người đó thì được biết: “ Mỗi ngày buôn bán cực khổ từ sáng đến khuya bất quá chỉ lời trăm ngàn, còn một phần bố thí của bà nọ là 150.000$ không xin uổng quá!” À, ra vậy! Lợi hại đều được tính toán cả rồi. Tôi kể câu chuyện đức Phật bảo phải bán nghèo đi thì mới được giàu có cho mấy người đó nghe. Bà đại thí chủ kia đang bán cái nghèo của bà bằng cách bố thí-nếu như những người thực sự nghèo khổ đến xin thì được no đủ, còn mấy người đang no đủ đến xin thì chẳng khác gì “mua cái nghèo” của bà nọ.
Nếu có người bán nghèo tất có người mua nghèo, nghèo nàn tâm hồn làm cho mình sợ đói phải tích lũy của cải bằng cách lấy thêm của người, nhân lúc lương thực thiếu khó, đời sống dân chúng lầm than thay gì trợ giúp lại đầu cơ tích trữ đấy giá gạo lên cao… về tâm thức họ đang tạo lập cảnh giới của Ngạ Quỷ. Bà Thanh Đề trong kinh Vu Lan Bồn:
“ Lòng bỏn xẻn tiền căn chưa dứt
Sợ chúng ma cướp giật của bà
Cơm chưa đưa đến miệng đà
Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu”
…..
Có khi nào chúng ta hỏi trong thế giới hiện đại với hệ thống liên lạc cực kỳ nhanh chóng như hiện nay lại có hàng triệu người, nhất là các em bé châu Phi chết vì đói khát, dịch bệnh, chiến tranh…. Chết từng giờ, từng ngày ngay trước mặt Liên Hiệp Quốc mà không thể nào cứu trợ được! Những em bé da bọc xương, đầu to, bụng bự chết đói chết khát trên đồng khô hay sa mạc. Phải chăng đó là cảnh giới của Ngạ Quỷ nơi trần gian!
Nói như thế để chúng ta thấy mình có thức ăn, có áo mặc là diễm phúc lắm rồi. Trong khi mình ngồi trong nhà ăn uống thừa mứa, đổ bỏ có biết đâu ngoài hè em bé đang nằm mơ được bát cơm no. Tuy nhiên, ở xã hội này lòng từ bi đã bị lạm dụng nhiều người coi việc đi ăn mày là một cái nghề hái ra tiền mau chóng. Thưa với các anh chị em, những người ăn mày kiểu đó thật sự đã bị “ què quặt” trong tâm hồn, đánh mất lương tâm, lòng tự trọng nên mới thể hiện trong hành vi “xin ăn”. Có phải trong thế giới này đầy dẫy những loại người như thế, dù khố rách áo ôm hay đeo cravate sang trọng. Vì tranh ăn, vì danh lợi người ta đã dẫm đạp lên tình huynh đệ, đồng loại không chút xót thương, biến các vùng đất địa thanh lương thành nơi vấy nhiễm.
Còn chúng ta, phải hằng gìn giữ và tận lực làm trong sạch các nơi ô nhiễm đó trở lại thanh lương địa như thời nguyên sơ. Chư Bồ Tát cũng đã đời đời kiếp kiếp làm việc này cho đến khi nào vòng luân hồi trong sáu nẻo ngừng quay.
Đức Quảng