Thăm chùa Phước Hậu – Trà Ôn
Hôm nay, lần đầu tiên tôi đến viếng thăm Tổ đình Phước Hâu Trà Ôn, Vĩnh Long.Vị thế ngôi chùa Chùa Phước Hậu có mặt trước giáp với Quốc lộ 54, mặt sau giáp sông Hậu (Thời trước mặt trước nhìn ra sông – cổng sau mới là đường quốc lộ), dòng sông mênh mông như vòng tay Mẹ Sông (Mekong), tàu, thuyền, xà lan, ghe nhỏ.. qua lại không dứt nên tiếng sóng vỗ bờ cũng dạt dào.
Tuy là lần đầu tiên đến với ngôi chùa, nhưng sao tôi nghe như mình về lại! Khi vừa thấy tượng của Ngài Thích Thiện Hoa thếp vàng đã cũ, ngồi hiền hòa trong bảo tháp lòng tôi bổng dạt dào sống lại những ngày đầu sóng, ngọn gió của Phật Giáo Việt Nam. Thầy ơi! Con đã về đây! Nhưng thầy ngồi đó mỉm miệng cười và im lặng. Có thể khi tôi bày tả nỗi niềm của người Phật tử từ những cơn Pháp nạn năm xưa, các em các thế hệ sau này sẽ không thể cảm thấu hết, nhưng nếu các em vững tin, một niềm tin nương tựa chắc chắn vào một người cha vì đàn con vô ngại hy sinh, một người thầy sẵn sàng xăn tay áo xông vào nhà lửa để cứu độ đàn con bất kể nguy nan, bất kể thị phi, mà tâm vẫn an nhiên vô ngại, thì lòng tôn kính những vị thầy đạo cao đức trọng này không bao giờ lay chuyển. Suốt đời, thầy Thiện Hoa vẫn là gương hạnh mô phạm mẫu mực, từ hòa, khiêm ái mà tôi đã noi theo.
Từ lúc Ngài làm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang cho đến Trưởng ban Giáo dục của Giáo hội Tăng Già Nam Việt đến sau này làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo từ năm 1966 Ngài luôn dũng tiến không ngừng trong sứ mệnh giáo dục và hoằng pháp, dù trước cảnh tình chiến tranh đất nước hay Giáo hội phân hai. Lúc Thầy nằm bệnh phải giải phẩu ở bệnh viện Đồn Đất, cả nhà tôi theo dõi tin tức qua chư Tăng và báo chí, khi thầy qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, đã khỏe lại thầy đã nói: “Tôi mong Việt Nam có ngày ngừng bắn để dân chúng hưởng một mùa xuân thanh bình..” Đâu ngờ 2 ngày sau do những cơn nấc làm vết thương giải phẩu bị vỡ, rồi Ngài viên tịch ở tuổi 55, ngày 20 tháng chạp năm Nhâm Tý (23/1/1973). Và mùa xuân Quý Sửu 1973 năm đó, hai bên Nam Bắc đã ký kết hiệp định đình chiến như Ngài mong mỏi.
Do duyên lành, thiếu thời tôi được nhiều lần đi lại diện kiến quý thầy nơi Tổ đình Ấn Quang, văn phòng tạm của GHPGVN Thống nhất, của Hội đồng lưỡng viện, Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo, những vị lãnh đạo đều an trú trong những tăng phòng nho nhỏ trên tầng lầu chùa Ấn Quang. Lý tưởng Dân Tộc – Đạo Pháp trong tôi có lẽ được huân tập nơi đây. Từ đó tôi biết từ bỏ mọi sự vui chơi thời tuổi trẻ, không sa vào dục lạc cuộc đời, không biết vui khi thấy dân mình buồn, tập tành hỷ xả từng giây từng phút để cho miền an lạc không bị mây đen che phủ, biết dừng lại khi thấy con đường sản sinh u mê ám chướng… Chính là thuộc lòng câu châm ngôn trong Bài học ngàn vàng của thầy Thiện Hoa: “Phàm làm việc gì trước phải nghĩ đến hậu quả”, biết từ chối các cơ hội trong đời loạn thế, biết buông bỏ những gánh nặng ưu tư để “chịu nghèo mà giữ đạo” Tuy nhiên, tôi là người của thế tục, căn bản là phải lo cơm áo, gạo tiền, có gia đình phải chăm lo, nếu lo được rồi thì san sẻ lo cho Gia đình Phật tử, chẳng mong cầu gì thêm.
Hôm nay về đây, nhìn thấy bia đá có khắc ghi lời Bài học ngàn vàng đó, đứng riêng hẳn bên Vườn Kinh Pháp Cú trong khuôn viên chùa, Gần đó có bia đá ghi mười hạnh Phổ Hiền, liền khơi dậy tâm tư, chợt nhớ tiếng nói và bóng hình thầy đã dạy bảo năm nào. Ngài ngồi oai nghi như Voi chúa trong thập nguyện Phổ Hiền “Nhất giả lễ kính chư Phật – Nhị giả xưng tán Như Lai – Tam giả quảng tu cúng dường”… ba điều đầu tiên là Phật tử cần làm để rèn luyên tín tâm tu hành và giữ gìn mối đạo, nếu chưa thiết lập được ba điều căn bản này sẽ nghiêng ngã trước sự vọng đọng của Ma vương, rồi nhớ đến bộ Phật học Phổ Thông mà Ngài đã kiên trì biên soạn. Dễ hiểu,dễ học và dễ nhớ để tu hành, còn gọi là Cây thang giáo lý, Phật pháp từ thấp đến cao, từ sơ cơ đến đại học, từ phiền não đến an lạc… Trong Phật Học Phổ Thông, Ngài đã khen ngợi cách soạn bày và giảng dạy của Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và tự nhận là đã áp dụng theo phương pháp này để biên soạn. Ở nhà của ACE có bộ Phật học này chưa? Nếu chưa có thì phải thỉnh cho được, còn có máy vi tính thì search(tìm) trên Internet, các thư viện Phật giáo. Học Phật thời nay rất là tiện lợi hơn xưa nhiều, nhưng phải cần có lòng cầu học, tìm tòi học hỏi thêm kiến văn để mà tu hành cho bản thân và làm lợi cho đàn em. Đối với Gia Đình Phật Tử vụ và học sinh Bồ Đề, Thầy thật đặc biệt ưu ái, một thời khó khăn đất nước Thầy đã nhận chức Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Danh dự, đã soạn thảo những bài giáo lý dạy trong GĐPT và sách giáo khoa cho học sinh các trường Bồ Đề. Thời gian trụ thế tuy ngắn ngủi, phật sự đa đoan mà Ngài đã để lại cho Phật giáo Việt Nam một kho tàng giáo pháp kỳ vỹ, một gương sáng về đạo hạnh, kiên định mà từ hòa, giản dị, khiêm tốn mà rạng rỡ uy nghi.
Phật học phải xây dựng nền móng kiên cố, tỏ pháp mới kiến tánh ngộ đạo. Ngày nào chúng ta hiểu được ý nghĩa của câu “vô thượng thậm thâm vi diệu pháp” – rất thâm sâu mà cũng rất vi diệu, do không tinh tấn tu trì mãi không liễu ngộ được Phật pháp, tâm không định thì không thanh tịnh, không thấy được trí tuệ Phật Đà. Pháp bảo của Ngài để lại, văn phong bình dị mà kính cẩn trang nghiêm, tác phong hành đạo của những nhà mô phạm xuất trần, một đời vì chúng sinh cứu độ. Như một viên ngọc như ý, vào đêm đen thời tỏa sáng, thả vào hư vô thì như mặt trời treo giữa hư không, thả vào đại dương thì sóng yên gió lặng, đưa vào lửa hồng thời hóa ao sen. Lại nhớ đến bài thơ nổi tiếng của thiền sư Ngộ Ấn mà ngày xưa anh Nguyễn Khắc Từ thường đọc cho chúng tôi nghe:
Thị tịch
Diệu tính hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị can.
Dịch nghĩa
Diệu tính rỗng không, khó lòng níu tới
Nhưng khi tâm rỗng liền biết (diệu tính) cũng chẳng khó gì
Giống như ngọc đốt trên núi cao màu vẫn tươi nhuần mãi
Như hoa sen nở trong lò lửa mà sắc vẫn tươi, chưa hề khô.
Thật không ngờ ngôi chùa Phước Hậu đã lần lượt xuất sinh các vị Cao tăng thạc đức từ thời Phật Giáo chấn hưng cho đến hiện tại. Những bậc Cao tăng kỳ vĩ như Tổ Khánh Anh ngày xưa, hay Hòa Thượng Thanh Từ ngày nay.. cũng từ nơi ngôi chùa nho nhỏ này ra đi để để góp phần xây dựng chung một tòa nhà Đạo Pháp thống nhất kiên cố, phục hồi Thiền phái Yên Tử Trúc Lâm.. các vị ra đi có khi không quay về lại nhưng những dấu xưa còn lưu lại nơi đây, một thời Phật Giáo chấn hưng tại miền Nam, như triều dâng pháp vũ. Tàng lá cao xum xuê vườn rợp mát, tháp Đa Bảo, vườn kinh Pháp Cú trong khuôn viên chùa bên dòng Hậu giang mênh mông, đẩy đưa những giọng hò, tiếng hát chơn chất, giản đơn, bình dị của một miền phù sa, đồng bằng phì nhiêu sông nước Cửu Long.
Đức Quảng