Kim cương năng đoạn – Đức Quảng

Chuyên Mục: Câu chuyện lửa tàn 93 0

“Kim cương năng đoạn”

 

Kính thưa quý anh chị,

Cùng các em thân mến.

Trong đêm thâu, giờ phút này chúng ta tuy rất mệt nhọc sau một ngày leo bám qua bao triền dốc, quần thảo cùng các chướng ngại vật  trong hang động, hầm hố, đồi nương… Chúng ta mới thử sức bền để biết cơ thể mình vận động bao lâu mới mỏi mệt cộng thêm sức chịu đựng của ý chí, phấn chấn bao lâu sau những lần quyết tâm vượt thắng những ghềnh đá và mồ hôi!

Trong bộ môn Hoạt động thanh niên Gia Đình Phật Tử, các bài tập đi bộ, leo núi, thang dây, gút thoát thân… đều có bài bản hướng dẫn rõ ràng từ thấp đến cao: Các phương pháp giữ thăng bằng khi đi bộ, leo lên các tam cấp, đường dốc; di chuyển người bị thương có cáng và không cáng. Nếu không biết leo dây trên gút đơn chiều thẳng đứng thì khó có thể xuống dây bằng gút thoát thân an toàn; chúng ta đưa người vật dụng qua cầu dây nhưng có cách nào dùng cáng treo kéo nạn nhân qua cầu an toàn không? Tôi đã từng thấy những pha thực tập cứu hộ trên không, trên sông, qua hẻm núi với những hình nộm có trọng lượng tương đương nạn nhân, phải lành nghề rồi mình mới dám đương đầu với những biến cố thực sự xảy ra quanh đời sống chúng ta. Hôm nay mình bày trò chơi lớn, Vì mang khái niệm là trò chơi nên chúng ta bỏ qua những sở học căn bản, khi thực hành chuyên môn cốt cho xong thì thôi. Thế nên khi làm huynh trưởng hướng dẫn bắt buộc chúng ta xem xét lại các vấn đề lại từ đầu về tri thức để có thể bổ sung sửa chữa thiếu sót khi tập huấn cho đàn em.

Vấn đề tu học cũng vậy. Sở học muốn tiến bộ thì không sợ hỏi, thường đặt vấn đề để giải tỏa các thắc mắc hoài nghi trong lòng. Học giả Vương Dương Minh có câu nói nổi tiếng: “ Sự học giống con thuyền đi ngược nước – không tiến ắt phải lùi” Thuyền đi trên dòng nước ngược ai dám dừng chèo! Luận Bảo Vương Tam muội cũng nói, sở học mà không khúc mắc thì  khó thể vượt bậc. Thế nên nếu ta trưởng thành trong gian nan và chấp nhận thử thách  thì sẽ rất điềm nhiên khi lên thác, xuống ghềnh.

Thời gian trước tôi có nói chuyện với những người thợ kim hoàn, họ nói trên đời này chưa có thứ gì bền và bén hơn kim cương, mũi khoan có đính kim cương có khả năng hủy phá hay xuyên thủng cả bạch kim huống gì thép cứng, ngay cả những giàn khoan khổng lồ phải dùng mũi khoan kim cương để giải quyết các địa tầng kim cương, thiết thạch. Tôi có hỏi nếu kim cương bền chắc như vậy thì người ta đã lấy cái gì để mài kim cương nhiều góc cạnh đẹp thế kia? Họ trả lời không chút ngần ngại: “ Dùng kim cương mài kim cương”.

Chúng ta đều biết nguồn gốc kim cương do chất than tạo thành, Carbon [C], hóa trị 4 – mỗi nguyên tử được liên kết với nguyên tử khác theo kiểu tứ diện, tạo thành các lưới 3 chiều gồm các vòng thành viên, mặt cắt càng nhiều viên kim cương càng lấp lánh. Dùng kim cương, khí cụ  vĩnh cửu để mài viên kim cương vĩnh cửu là một nguyên lý rất đơn giản nhưng không phải ai cũng quan tâm đến chuyện này- Nó liên quan đến chân lý của kinh Kim Cương do Phật thuyết cách đây hơn 25 thế kỷ. Nội ý nghĩa trong tựa kinh Kim Cang đã nói lên điều mà những người thợ kim hoàn rõ biết hơn chúng ta.

Kiến chấp của chúng sinh kiên cố như kim cương không có một thứ gì có thể hủy phá. Chỉ có Bát-nhã Kim cương  mới có công dụng, có khả năng phá sạch mọi kiến chấp. Kim Cang Bát Nhã ví như một tuệ kiếm làm bằng kim cương mới đủ sức dẹp tan tất cả kiến chấp sai lầm cố hữu, đã lôi kéo chúng sanh trầm luân muôn vạn ức kiếp rồi. Nếu không tận dụng cây kiếm Kim Cang Bát-nhã chặt đứt mọi xiềng xích kiến chấp, chúng ta khó mong thoát khỏi luân hồi. Diệu dụng kinh Kim Cang là ở đây. Tại sao phải dùng kim cương để hủy phá các kiến chấp, mê lầm của chúng sinh mà không dùng các loại thép cứng chắc khác? Xin thưa, bởi vì  các kiến chấp mê lầm của chúng sanh cũng cứng chắc, bền vững như kim cương vậy. Thế nên câu “ Kim cương năng đoạn (The Diamond Cutter)” có 2 nghĩa: Dùng Tuệ giác vô thượng làm kim cương để hủy phá cái ngang ngạnh, cố chấp của chúng sanh cũng cứng chắc như kim cương vậy. Lấy kim cương phá kim cương có phải là một nguyên lý Phật Pháp đã đi vào trong cuộc sống!

Trong kinh Kim Cương có đoạn: “Đức Phật độ vô số chúng mà không thấy có chúng sinh nào được độ..” Chỉ cần số đông chúng ta đình chỉ tạo tác ái dục, ái chấp – là đã có vô số chúng sinh được độ! Độ chúng sinh mà không thấy có chúng sinh nào được độ trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Ngày nào cái nhìn (chánh kiến) chúng ta thấy vạn loại chúng sinh Phật tính đồng không còn đẳng cấp, phân biệt, không trụ chấp vào sắc – thinh –hương –vị – xúc – pháp, ngày ấy hãy nói đến “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, không thì mang  lấy tâm nguyện kim cương ấy đi từ kiếp này qua kiếp nọ cho đến khi hủy phá được kim cương.

Chúng ta sinh vào thời mạt pháp, mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí mỗi phút đều có những chuyện đạo đức bại hoại, chiến tranh, tham tàn, tranh đấu, sân si, mê lầm… xảy ra trước mắt chúng ta, hoặc nghe kể lại, hoặc xem báo, xem truyền hình… nhiều khi chúng ta bi quan cho rằng không thể cứu vãn, nhiều người chờ mong đức Phật Di Lặc ra đời cho Thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Chúng ta phải hiểu rằng ngày nào còn chúng sanh mê lầm thì ngày đó còn có đức Phật giác ngộ hiện tiền, bởi vì Phật Pháp bất ly thế gian giác- Phật Pháp không do rời thế gian mà giác ngộ; ngày nào còn ma vương quấy phá thì ngày còn đức Phật làm Điều Ngự Trượng Phu hàng phục thiên ma dưới cội Bồ Đề, như lấy lửa thử vàng, lấy gian nan thử sức bền ý chí – Lấy kim cương trí tuệ Phật Đà mài kim cương cứng chắc của chúng sanh vậy.

Còn chúng ta, hãy trực diện với gian nan và chấp nhận thử thách, tôi luyện thành kim cương năng đoạn – đi cho chân cứng đá phải mềm- đi vào ngũ trược mà xây đời thanh cao, và đi với tâm kim cương bền chắc… cho đến khi nào an nhiên, vô ngại mới thôi.

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi