Niềm tin – Đức Quảng

Chuyên Mục: Câu chuyện dưới cờ, Văn Thơ 126 0

Niem tinA

 

Niềm Tin

“Niềm tin” phát xuất từ Tín căn, từ Đức Tin thường hiện diện trong mỗi người. Phật tử khi đã thực sự tin rằng chỉ có nương tựa vào Tam bảo mới giải trừ được phiền não, khổ đau và vượt thoát khỏi sinh tử, luân hồi thì phải sống chí cốt với niềm tin ấy mà thực hành những điều phật dạy một cách chí thành thì mới có thể chuyển hóa phiền não thành an vui, chuyển hóa nơi ngũ trược ác thế thành Niết bàn tịch lặng. Uy lực của Tín căn rất lớn, khi phát khởi có thế làm rung chuyển núi non, đại hải, uy lực này gọi là Tín lực – Hai chi phần thuộc 37 phẩm trợ đạo trong bài pháp Tứ Diệu Đế, Phật thuyết đầu tiên khai ngộ cho 5 anh em Kiều Trần Như tại Lộc Uyển.

Ngũ căn gồm: Tín căn – Tấn căn – Niệm căn – Định căn – Tuệ căn, khi phát khởi sẽ chuyển động thành Ngũ lực chuyển hóa tự bản thân tạo nên từ lực chuyển hóa và cải thiện được hoàn cảnh. Không có niềm tin vững chắc thì không thể phát ra Tín lực; Tín lực không phát thì 4 căn còn lại cũng không thể tăng thêm chút diệu dụng nào! Tâm thức vọng động và nhiễm ô sẽ cho ta đến quả báo trầm luân đau khổ tùy thuộc vào ba nghiệp thân, khẩu, ý gây tác hại cho người như thế nào thì sẽ quay trở lại làm khổ chính mình như thế ấy. Trước khi phải thật tin vào một ai đó, thần tượng nào đó thì ta phải tâm niệm pháp ấn đầu tiên: “Chư hành vô thường”, không có một thứ gì trên thế gian này tồn tại lâu dài – con người thì sinh, lão, bệnh tử; sự vật thì thành, trú, hoại, không – tất cả đều bị quy luật này làm cho thay đổi càng về lâu dài, càng bị méo mó, dị dạng.. Như các Phật tử phải thường quán xét các câu kệ trong kinh Kim Cương:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán

(Tất cả các pháp hữu vi như mộng huyễn, như bong bong nước, như sương rơi như sấm chớp- lúc nào cũng phải quán như vậy)

Như khi nâng một cành hoa, hoa đẹp rồi hoa sẽ tàn; như khi một con chó xinh, chó xinh rồi sẽ sớm lìa xa; như khi gần gũi những người thương yêu, thương yêu cách mấy rồi cũng phai tàn, hờn giận, lìa xa… do quán như vậy nên sự thích muốn không khởi, lòng tha thiết bớt nhiệt thành – cho dù người thân yêu lìa xa, bị con người gian dối, thần tượng có sụp đổ thì vẫn không tự đánh mất niềm tin, không bị thất vọng vì mình đã tin người quá mức. Thế nên đức Phật đã khuyên là đừng cả tin vào bất cứ một thứ gì, hay đặt niềm tin vào một ai đó.. nếu không thật sự là tự tin vào mình.

Bắt đầu tập sống với đức tin của chính mình bằng những nguyên tắc sống từ những ngày mới lớn là phải “giữ lời hứa”, gieo niềm tin cho người khác bằng cách  “Tôn trọng sự thật” – một là im lặng; hai là phải nói thật, không lộng ngôn, ngoa ngữ, nói mà không làm. Ra đời, chuyện giao dịch làm ăn rất cần một chữ “Tín”, thì trong GĐPT chữ Tín ấy càng rất được coi trọng hơn – một huynh trưởng mà thất tín thì chính đã tự phá hoại sự tôn nghiêm nơi mình –  một lần bất tín thì trăm lần bất tin! Phải chắc tin vào nhân quả để xa lìa các “nỗi sợ” mà thanh thản trong tấm lòng tùy hỷ, bao dung; phải chắc tin vào phúc báo để biết mình không từng thực hiện hạnh bố thí nên có khi nghèo kém phải chạy lo từng bữa nuôi gia đình. Và điều quan trọng nhất là phải thật tin vào pháp ấn thứ hai: “Chư Pháp Vô Ngã” để tự mình dẹp tan thói tự hào, kiêu căng, ngã mạn mà sống đơn giản khiêm hạ hơn.

Trong kinh Kim Cương bày ra 4 cái chấp: Chấp Ngã – Chấp Nhân – Chấp Chúng sinh tướng – Chấp Thọ Giả tướng, thì cái Chấp Ngã là đứng đầu để khởi sinh ba tướng còn lại; cũng giống như trong 10 phiền não, Tham – sân – si – mạn – nghi là 5 món độn sử vô minh khó mà dẹp trừ; Kiêu mạn, hay Ngã mạn là món chính yếu để cho tham, sân, si lung lạc, nghi hoặc mất niềm tin. Nhìn lên đức Phật nghe Phật nói: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, đi trong niềm tin kiên cố không gì lay chuyển nổi là tự mình phải bước đi không ngừng (Tấn lực); chánh niệm không bị ảnh hưởng bởi cảm thọ và tưởng tư – giây phút hiện tại và 10 năm, hay 100 năm sau đều lắng diệt trong một niệm (Niệm lực); đình chỉ mọi sự tự tác ý và thanh thản đối diện mà tùy duyên, không tìm kiếm, không cưỡng cầu, tuy đi ngược theo dòng chảy mà lại nhập vào thánh quả (Định lực), chừng bất thối chuyển thời đạt đến pháp ấn thứ ba “ Niết bàn tịch tĩnh”, chính là Huệ lực phá chư ám, thoát ra từ cõi phiền não tối tăm.

Nếu đã chọn đi trên chánh đạo, hà tất phải tin vào các con đường vòng khác! Tuy nhiên, chỉ có một nửa niềm tin (nửa mùa), không chịu mở rộng lòng thương; không chịu nhẫn nhục, nhường nhịn, và không chịu xả ly, chúng ta rất khó mà đi tiếp trên đường đạo.

Đức Quảng

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi