Chuyện kể về Anh Lương Hoàng Chuẩn

Chuyên Mục: Hồi ký 176 0

Những câu chuyện có liên quan đến…Lam sử:

Kỷ Niệm về Lương Hoàng  Chuẩn

Ủy viên Nam Oanh Vũ đầu tiên  GĐPT Viet Nam

Luong Hoang Chuan 2Z

 

Gia đình Phật Hóa Phổ bị tạm thời tan rã vào năm 1946 vì cuộc kháng chiến Việt Pháp. Đến năm 1948 thì được tái lập lại, Ban đầu là GĐPH Phổ HướngThiện đến năm 1950 thì có thêm ba, bốn gia đình nữa: Tôi không rõ anh Lương hoàng Chuẩn gia nhập vào gia đình nào. Đến khi thành lập Ban Hướng Dẫn Gia đình Phật Hóa Phổ để lãnh đạo các đơn vị cho thống nhất thì anh Chuẩn được đề cử làm ủy viên Đồng nam, chị Đặng Tống Tịnh Nhơn làm ủy viên Đồng nữ. Khi tôi và anh Phan Cảnh Tuân soạn đánh bản nội quy đưa ra cho quý anh chị thảo luận. Trong điều khoản tổ chức Ban hướng dẫn thì các Ủy viên được giữ nguyên, đến chức vụ ủy viên Đồng Nam – Đồng Nữ thì anh Chuẩn đề nghị thay đổi danh từ và chọn một mẫu chuyện tiêu biểu cho hai đoàn này,  quý anh chị đều đồng ý  giao cho anh Lương Hoàng Chuẩn và chị Đặng Tống Tịnh Nhơn nghiên cứu. Trong buổi họp sau anh Chuẩn trình bày là lấy mẫu chuyện chim Oanh Vũ trong kinh ứng dụng cho ngành Đồng nam và Đồng Nữ và đề nghị đổi danh xưng của Ngành Đồng là Ủy viên Nam Oanh Vũ và Nữ Oanh Vũ, phóng tác lại chuyện tiền thân chim Oanh Vũ Hiếu thảo  để kể chuyện, quý anh chị đều đồng ý. Thế là danh từ Oanh Vũ được sử dụng từ đó đến nay không thay đổi.
Về y phục của hai ngành này cũng do anh Chuẩn và chị Tịnh Nhơn vẽ kiểu. Đến năm 1951 hội nghị Gia đình phật tử các tỉnh miền Trung Việt Nam, Hà Nội, Hải Phòng họp tại Huế thông qua bản nội quy gia đình phật tử công cử Ban hướng dẫn GĐPT Trung phần.  Anh Lương Hoàng Chuẩn và chị Đặng Tống Tịnh Nhơn được đề cử mang chức vụ Ủy viên nam, nữ Oanh Vũ. Vài năm sau sở làm của anh Chuẩn được chuyển vào Đà Nẵng anh Chuẩn và gia đình cũng  vào Đà Nẵng an cư.

Tại Thành phố Đà Nẵng, anh Chuẩn đến sinh hoạt với GĐPT và được bầu làm Trưởng Ban hướng dẫn. Năm 1962 đơn vị tôi phục vụ cũng được đưa vào Đà Nẵng đóng ở làng Cẩm Lệ. Tôi phải theo đơn vị vào Đà Nẵng một mình (không có gia đình đi theo) Gặp lại anh Chuẩn, anh mời tôi cộng tác với anh trong Ban hướng dẫn, tôi không nhận vì còn làm ủy viên trong BHD/GĐPT Trung Phần nên ngày chủ nhật phải về Huế. Anh Chuẩn bảo ngày chủ nhật nào không về Huế thì về nhà anh ăn cơm để bàn công việc. Thế là mỗi tháng tôi ăn cơm ở nhà anh Chuẩn một hay hai bữa trưa chủ nhật.

Một hôm khi ngồi vào bàn ăn tôi thấy chị Chuẩn dọn ra nhiều món ăn tôi nói với chị là có tôi ăn cơm nên chị mất công nấu nướng. Chị bảo không phải vì có anh mà tôi thêm món ăn, thường như ngày chủ nhật nào tôi cũng thêm món ăn cho các cháu bồi dưỡng và có lẽ chị sợ tôi cho là đã làm phiền chị nên chị Chuẩn nói luôn: Anh cứ tự nhiên ngày nào không ra Huế thì về đây ăn cơm cho vui, anh ăn cơm tôi có lợi chứ không mất gì cả.

Tôi hỏi tôi ăn cơm mà chị có lợi chi? Chị bảo ngày chủ nhật nào cũng có người đến rủ anh Chuẩn đi công việc này, công việc nọ, anh đi lang bang nhiều khi không về ăn cơm, các cháu đi học, tôi ở nhà vắng vẻ có anh thì anh Chuẩn phải ở nhà sẽ ấm cúng hơn.

Một hôm nọ anh Chuẩn bảo tôi ở lại ăn cơm tối để cùng anh lên chùa xem mấy anh em tập vỡ kịch.

Tôi ở lại và lên chùa với anh vào khoảng 7 giờ tối- Đến chùa thì anh chị em đã diễn tập xong, dọn dẹp xong đang chuẩn bị ra về.

Khi họ thấy anh Chuẩn và tôi đến họ vỗ tay mừng và nói “Có anh Chuẩn và anh Quyền đến hãy ở lại để anh Chuẩn đãi chè” Anh Chuẩn hỏi “tập tành ra thế nào rồi mà đòi ăn?” anh em trả lời tập khá hơn bữa trước nhiều rồi. Anh Chuẩn bảo “thế thì được, tụi bây có ăn thì ăn mỗi đứa một chén thôi tao không có sẵn tiền” anh em cười dạ rân, nhưng mỗi người ăn tới hai hoặc ba chén. Gánh chè đã hết một nửa rồi mà mấy em còn đòi ăn nữa. Anh bảo “Thôi về nhà ăn cơm” rồi bảo chị bán chè tính tiền để anh trả. Tôi không nghe rõ là chị bán chè tính bao nhiêu!

          Nhưng khi Anh Chuẩn lấy ví tiền mở ra thì la to:

  • Chết chết !!! Tụi bây ăn hết cái quần tao rồi !!!

Mấy em cười ngã nghiêng rồi nói:

  • Cái quần anh còn mặt đó ai mà ăn hết được?

Anh nghiêm nghị nói:

–   Cái quần tao mặc đây đã cũ nên chị đưa tiền cho tao may cái khác, tao cho bây ăn chè phải trả hết tiền cái quần rồi!  mà thôi cũng được”.

Tất cả vỗ tay cười  ồ, ngay cả chị bán chè, cũng cười  , tay đang  dọn chén vào thúng mà làm rớt chén ra ngoài.

Nguyễn Xuân Quyền

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi