Đời Sống Trại – Chương II

Chuyên Mục: Tác phẩm 293 0

CHƯƠNG HAI

I/ Đi vào nhiệm vụ cụ thể của Đời sống trại:

Trong chương trình và qui chế huấn luyện của GĐPT, có rất nhiều Trại huấn luyện nhưng chưa hề thấy có Trại huấn luyện“Đời sống trại”. Đời sống trại là một con người không phải huấn luyện là làm tốt ngay. Vì vậy, bài bản của nó cũng không có.

Trong tập sách nhỏ này, chúng ta chỉ đưa ra một số công việc mà chúng tôi đã thực hiện trong các Trại huấn luyện mà tôi đã nhận nhiệm vụ Đời sống trại.

Gặp nhiều duyên lành nên hồi Ban Hướng Dẫn TƯ tổ chức một trại A Dục, 4 trại Huyền Trang thì tôi đều được phân công làm Đời sống trại hết 4 trại (3 trại Huyền Trang, 1 trại A Dục). Đó là chưa nói đến rất nhiều Trại huấn luyện ở địa phương và liên tỉnh.

Nhờ vậy, chúng tôi mới có được một số kinh nghiệm về phương pháp làm việc của một Đời sống trại.

  1. Thời gian chuẩn bị:

Còn tùy thuộc vào quyết định tổ chức của Ban Hướng Dẫn. Chuẩn bị như thế nào, chuẩn bị cái gì và chuẩn bị  nội dung gì còn tùy thuộc vào tính chất của mỗi trại.

Mỗi loại trại, Đời sống trại sẽ chuẩn bị nội dung khác nhau nhưng không ngoài những công việc rất cơ bản:

a, Chuẩn bị chu đáo cho trò chơi lớn:

– Chọn lựa đề tài và nội dung trò chơi.

– Bố trí nhân sự.

– Khảo sát địa hình nơi diễn ra cuộc chơi.

– Các thứ cần thiết phục vụ trò chơi.

– Tiên liệu những trở ngại và cách tháo gỡ.

b, Chuẩn bị một số câu chuyện dưới cờ.

c, Chuẩn bị một số trò chơi nhỏ cần thiết cùng với đầy đủ dụng cụ phục vụ trò chơi.

d, Nghiên cứu đối tượng Trại sinh.

Riêng mục nghiên cứu đồi tượng Trại sinh này chúng tôi nghĩ rằng cần triển khai thêm một số ý kiến: Đời sống trại là người sống thường trực trên đất trại, là con người cần phải gần gũi với các thành phần Trại sinh. Qua sự quan hệ, tiếp xúc trên đất trại Đời sống trại hầu như là chủ động. Trước khi tiếp xúc, Đời sống trại phải nắm vững đối tượng Trại sinh này thuộc thành phần nào? Trình độ đến đâu? Nhờ vậy mà nội dung tiếp xúc thiết thực, thích hợp và giao hòa.

Muốn phân loại đối tượng trong bước chuẩn bị là nghiên cứu hồ sơ Trại sinh. Sau khi tổng kết sơ bộ, Đời sống trại báo cáo tình hình với Ban quản trại để duyệt lại nội dung huấn luyện, lưu ý đến các giảng viên để khai triển nội dung phù hợp với khả năng, trình độ của Trại sinh.

Nắm vững được thành phần Trại sinh có nghĩa là nắm vững nhiệm vụ thiết thực của Ban quản trại.

Thông thường thì thành phần Trại sinh trong GĐPT có những thành phần sau:

– Ở cấp đại học? – Trung học?

– Số Trại sinh là công chức, nhà giáo?

– Số Trại sinh lao động chân tay?

– Số lượng nam, nữ?

– Thành phần tuổi tác?

  1. Ngày nhập trại:

– Quan hệ với khối hành chánh để nắm vững số lượng Trại sinh.

– Bố trí nơi ăn, nơi học, nơi ngủ nghỉ, cầu tiêu, giếng nước v.v… Nếu có Trại sinh nữ dựa theo số lượng, Đời sống trại nhờ một chị trong Ban quản trại sắp xếp cho họ.

  1. Cuộc gặp gỡ đầu tiên trên đất trại:

Đây là tiếng còi tập họp đầu tiên của Ban quản trại trên đất trại. Nó tác động khá sâu sắc đối với tâm lý Trại sinh. Là cuộc gặp gỡ giữa Trại sinh và Đời sống trại. Giới thiệu với Trại sinh  gạch nối giữa Ban quản trại và anh chị em. Trại sinh đến tập họp mang theo hành trang trại. Trong cuộc gặp mặt này, có mấy công việc của Đời sống trại:

– Điều chỉnh đồng hồ chung để lấy giờ của trại.

– Chia thành đội, chúng, đoàn (đã chia sẵn).

– Thông qua cho Trại sinh biết:

  • Hiệu lệnh tập họp.
  • Thời khóa biểu.
  • Nội qui của trại.
  • Thông bào phần nghi thức khai mạc.

Nhận xét đầu tiên của Đời sống trại đối với Trại sinh là xem xét hành trang của Trại sinh, tâm tính Trại sinh biểu hiện 1 phần nơi đó (gọn gàng, luộm thuộm, ngăn nắp, có tổ chức …) cũng có trường hợp, gặp vài dây balo lòng thòng, Đời sống trại dùng uy quyền của mình cắt tại chỗ. Thái độ này chúng tôi chưa đồng ý bởi lẽ đây là trại huấn luyện. Trước hết cũng không cần phải dùng uy quyền quá sớm, xét thấy cũng đừng bao giờ phải sử dụng uy quyền. Chưa nói đến kết quả cắt vài sợi dây balo cũng không hẳn để dụng tâm sửa chữa đối tượng mà chỉ để thỏa mãn tâm lý của Đời sống trại muốn tỏ ra… Vả lại, có khi đưa đến sự lo âu, phiền não của Trại sinh đó, trường hợp đối tượng không phải là chủ nhân của chiếc balo đang mâng trên vai. Thay vì vậy, Đời sống trại vẫn tỏ thái độ khoan hòa, nhắc nhở, điển hình. Vấn đề là từ sau đó đến suốt thời gian trại có còn diễn ra các hiện tượng ấy không sau cái lần để ý nhận xét.

Tất cả nội dung của cuộc gặp gỡ này đều được Đời sống trại ghi chú trong quyển sổ tay (chúng tôi sẽ bàn đến “Sổ tay của Đời sống trại”).

II/ Lễ khai mạc:

Hồn của trại được ôm trọn trong 2 nghi lễ của trại. Đó là giờ khai mạc và giờ bế mạc trại. Trước giờ khai mạc, cần xây dựng không khí vui tươi thanh thản và sau đó không khí trang nghiêm phải trở về với lễ khai mạc để toàn trại cử hành nghi lễ của GĐPT, để Trại sinh tiếp thu nội dung diễn văn khai mạc trại của Trại trưởng, để Ban quản trại ra mắt trước Trại sinh.

Lễ khai mạc thì nghiêm trang thanh tịnh, lễ bế mạc thì tạo không khí thiết tha, lưu luyến (nhưng không phải là “âu sầu” đâu nhé!) Trong đời của một Trại sinh, ít ai nhớ mãi hình ảnh của lễ khai mạc, nhưng chúng ta nhớ mãi những hình ảnh của lễ bế mạc.

Tôi đã thấy nó chuyển động trước đó một vài hôm qua từng tập lưu bút lưu hành trên đất trại, trong phòng học v.v… Tình cảm của Trại sinh đã nảy nở và giao hòa trong thời gian trại, làm sao không triển nở tình cảm đó được, khi anh em cùng sống với nhau trong một tổ chức, cùng một khóa học, cùng một lều, v.v…

Tôi đã thấy, dù Trại sinh đã lớn tuổi như trại Huyền Trang, vẫn có những hạt nước mắt long lanh trên khóe mắt của các chị, tôi cũng đã nghe những lời hẹn hò tha thiết khi Trại sinh trao đổi với nhau trước giờ bế mạc, những ước mong trại cứ kéo dài ra mãi… tất cả những hiện tượng ấy đã cho chúng ta thấy rõ một khung cảnh giờ bế mạc.

Trong những giây phút ấy, Đời sống trại đóng vai trò khá quan trọng qua khung cách điểu khiển, qua ngôn ngữ biểu hiện… Nếu để Trại sinh vui nhộn trước giờ bế mạc là một sai lầm nghiêm trọng.

Tạo không khí trên đất trại là một việc làm khá tinh vi và tế nhị của Đời sống trại. Người Đời sống trại nào chủ động được công việc này là chủ động được cả trại và dễ đưa đến thành công. Chủ động không khí chỉ một lúc, một ngày mà suốt cả thời gian trại. Nếu Đời sống trại, hay Ban quản trại không chủ động được không khí trại nó sẽ gây chòng chành trong các sinh hoạt. Sự sinh hoạt trên đất trại không lấy được thế quân bình thì chẳng khác nào chiếc ghe chở nặng một bên rất dễ chìm.

Đời sống trại là người lái con thuyền chở cuộc sống Trại sinh trên đất trại, cần phải tập trung tư tưởng , trí tuệ để điểu khiển, xem đây cũng là một thứ tác phẩm như hội họa, như âm nhạc, như một bài thơ v.v… mà người nghệ sĩ dồn mọi tâm huyết cho tác phẩm của mình hoàn thành.

Cần tạo niềm tin đối với Trại sinh. Khi mà niềm tin đã được xây dựng thì mọi việc cũng dễ thành công. Tin tưởng đến độ, tuy Trại sinh chưa đến đất trại nhưng vừa nghe được anh A hay chị B sẽ là Đời sống trại của mình, Trại sinh cũng đã cảm thấy lòng mình vui lên và mong mõi chóng đến ngày nhập trại.

III/ Lễ bế giảng:

Khác với lễ nghi khai mạc, lễ bế giảng không quá trang nghiêm nhưng thiết tha lưu luyến. Không vui nhộn nhưng lắng sâu. Bên ngoài tuy không nói với ai một lời nhưng ai nấy đều cảm thấy lòng mình gợn lên tình cảm lưu luyến, thương tiếc cho những ngày trại chóng qua.

Nếu một nhạc công đang trình diến ca khúc, với những âm tiết rộn rã ban đầu như gửi cả hồn mình vào đấy chừng nào thì trước khi kết thúc thì lời ca, âm hưởng không tắt ngang đột ngột mà âm hưởng sẽ ngân dài, ngân dài đến chấm dứt, với bao nhiêu luyến tiếc.

…”Rồi mai đây Bắc Nam đôi đường,

Ngày giờ đây khắc sâu can trường…”

Không phải anh chị nào cũng có thể xây dựng một không khí, một bối cảnh để cho mọi người đều có thể “khắc sâu can trường”, mà phải nói đây cũng là một loại nghệ thuật trong tổ chức và điều khiển. Dựng được không khí này không phỉa chỉ có lời nói và tiếng còi mà mỗi mỗi dáng dấp, phong thái của người điều khiển, với đôi mắt của người điều khiển cũng phải làm sao để thu hút mọi người cuốn theo nữa.

IV/ Đức tính của Đời sống trại:

Một số vấn đề như tôi đã đặt ra trên đây, để hoàn thành trách nhiệm của một Đời sống trại, chúng tôi nghĩ rằng anh ta cũng phải hội đủ một số đức tính cần thiết và trong thái độ hết sức khiêm tốn, dè dặt và tế nhị.

  1. Tác phong:

Tác phong gồm có 2 phần: Tác phong bên ngoài như ăn mặc, đi đứng, nói năng v.v… và tư cách bên trong. Tất cả tác phong này luôn luôn phải được giữ gìn thận trọng. Không khí khi đến với tập thể mà giữ gìn thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Đoàn phục không chỉ tươm tất gọn gàng mà phải đúng Nội quy quy định, không thêm không bớt.

Hàng trăm con mắt đang nhìn vào Đời sống trại để đánh giá tầm mức và giá trị của người điều khiển. Đoàn phục gọn gàng giúp cho con người điều khiển xoay sở nhanh nhẹn.

Thái độ cư xử của Đời sống trại đối với Trại sinh luôn luôn khiêm tốn, nhã nhặn, hòa nhã, lễ độ và tế nhị. Đối với người lớn tuổi dù cấp nhỏ hơn mình, chúng ta phải kính trọng tuổi tác. Chúng tôi còn nhớ, trong một chuyến tháp tùng với Ban Hướng Dẫn TƯ ra thăm các tỉnh miền Trung. Khi đến Phan Thiết, tôi gặp anh Hải, tuổi lớn hơn tôi rất nhiều, tóc bạc phơ, tôi liền bắt tay lên chào ảnh trước khi ảnh chào tôi, thấy vậy, anh Hải vội vã chào, anh vừa chào tôi vừa xin lỗi. Tôi nói với anh Hải rằng, tôi chào trước là chào tuổi tác của anh, còn anh chào tôi ngoài cách giao tế còn là tôn trọng lẫn nhau là việc khác.

Đối với cấp dưới, hoặc người nhỏ tuổi, Đời sống trại luôn hòa nhã, nghiêm túc nhưng khoan hòa, bao dung… biết tôn trọng lẫn nhau, thân thiết trong tương giao.

Tư cách của người Huynh Trưởng cũng cần phải được đảm bảo như là những đức tính biểu hiện cho đạo đức cơ bản của người Phật tử.

  1. Trình độ và khả năng:

trước hết là trình độ tương đối để có thể tiếp thu giáo lý đạo Phật, để có thể nghiên cứu ở một số lĩnh vực khác, để có thể tự trau dồi và học hỏi thêm những kiến thức chuyên môn và kiến thức tổng quát.

Về khả năng cũng bao gồm nhiều mặt: khả năng chuyên môn, khả năng điều khiển, khả năng ngôn ngữ (nói năng) và khả năng giải quyết các vấn đề xảy ra trên đất trại.

  1. Kiến thức chuyên môn và kiến thức tổng quát:

Về kiến thức chuyên môn của Đời sống trại là phải có những hiểu biết chắc chắn về các lĩnh vực trong GĐPT, phải nắm vững các văn kiện pháp qui của tổ chức.

Chỉ có từng ấy kiến thức chuyên môn chưa đủ. Người Đời sống trại hay một Huynh trưởng còn phải tiến tới tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các vấn đề khác trên các lĩnh vực khác nhau. Thường xuyên tham khảo, đọc sách báo… có những vấn đề bình thường thấy chẳng liên quan gì đến một Trại huấn luyện nào cả, nhưng một lúc nào đó, trong điều khiển, nó sẽ trở thành rất cần thiết. Ngay cả những lúc trao đổi, trò chuyện, tiếp xúc giữa các Trại sinh với nhiều thành phần khác nhau. Trong mối tương giao ấy nó sẽ tác động qua lại, một mặt chúng ta trao gởi những gì mình biết đến với anh chị em khác, mặt khác cúng trong tương giao ấy, chúng ta sẽ tiếp nhận thêm một số kiến thức trên nhiều lĩnh vực bổ sung thêm các hiểu biết của người Đời sống trại.

Tiếp xúc một Trại sinh ở nông thôn, dĩ nhiên anh ta có những kiến thức cơ bản về nông nghiệp, về mặt này chúng ta sinh trưởng ở thành thị.

  1. Tế nhị, thông minh, nhạy bén và tháo vát:

Đây là những đức tính có phần “Tế” hơn. Có lẽ tính thông minh và tế nhị thì không thể huấn luyện mà được. Nó thuộc về bẩm tính, nhưng một Đời sống trại nếu thiếu nó thì cũng khó mà hoàn thành trách nhiệm của mình.

Chỉ cần nhìn một cái liếc mắt, nửa vành môi của Trại sinh, Đời sống trại phải hiểu ngay Trại sinh có những mong ước gì? Có những vấn đề Đời sống trại không cần nhắc đến một cách trực tiếp mà chỉ cần gián tiếp, để Trại sinh tự suy nghĩ và tự hiểu. Có những lỗi lầm của cá nhân hoặc tập thể, đôi khi khỏi cần Đời sống trại nhắc nhở đến mà chỉ cần gợi ý là mọi người hiểu ngay. Có những vấn đề đã gợi ý nhưng đối tượng vẫn chưa thấy rõ, chúng ta đi xa hơn một chút vào vấn đề, chứ không nên trực chỉ vào ngay

Một vấn đề khác cũng khá quan trọng nếu chúng ta không quan tâm, có khi làm đổ vỡ cả công trình huấn luyện. Đó là đừng bao giờ gây cho Trại sinh nỗi bất an, lo lắng và sợ hãi.

Chúng tôi nghĩ rằng, nơi nào, mà mọi nguời đang có mặt ở đó còn lo lắng, còn bất an và sợ hãi thì nơi đó mọi người chưa sống trọn nghĩa sống với nhau và như vậy cũng có nghĩa là chúng ta chưa sống đúng với giáo lý nhà Phật.

Tháo vác, lanh lẹ là những đức tính cần thiết của một Đời sống trại, người Đời sống trại thay mặt Ban quản trại điều khiển trại, có lý nào lại dùng một con người “duổi ruồi, không bay” do bản tính hay do bệnh hoạn. Mà phải là một người giải quyết các vấn đề nhanh chóng gọn gàng, sâu sắc. Tuỳ mỗi trường hợp để giải quyết khéo léo, nhưng cần phải khách quan.

Có trường hợp, Đời sống trại hợp tác với Trại sinh hoặc hội đồng Trại sinh để giải quyết. Có trường hợp, Đời sống trại đứng về phía Ban quản trại để giải quyết và phải tỏ cho Trại sinh thấy rằng giải quyết như  thế nào chính xác, không thể giải quyết cách nào khác hơn, nhưng cũng có những vấn đề Đời sống trại dung hoà để giải quyết … Điều mà chúng ta nên tránh là chúng ta không nên sử dụng quyền hạn để giải quyết vấn đề. Bắt người dưới phải chấp hành quyết định của cấp trên, bắt Trại sinh phải tuân hành quyết định của Ban quản trại. Chúng tôi đã thấy thực tế là đã có sự lạm dụng quyền hành này hết sức thê thảm. Chúng tôi đã thấy một vài nơi Trại sinh chấp hành vô điều kiện những điều của Ban quản trại đặt ra, không cần phải giải thích. Có người cứ ngỡ rằng chủ trương như vậy là để giáo dục cho Trại sinh tính chấp hành lệch lạc của cấp trên, giáo dục tính kỷ luật cho Trại sinh nhưng họ không ngờ rằng làm như vậy là đi ngược lại với giáo lý đạo Phật, đi ngược lại các phương pháp đào tạo giáo dục con người.

Giáo lý đạo Phật không dạy chúng ta chỉ biết “tin” mà không vần “hiểu”. GĐPT chúng ta cũng không bao giờ muốn đào tạo nên những Đoàn viên chỉ biết chấp hành vô điều kiện mà không cần đến khả năng sáng tạo của bản thân, không phát huy khả năng trí tuệ, nhất là trước hết cần phải “hiểu” rồi mới “tin” và sau đó là “hành”. Đường lối giáo dục của GĐPT là Văn – Tư – Tu kia mà.

  1. Nghệ thuật điều khiển:

Bàn đến những hoạt động trên đất trại, bàn đến những khả năng của một Đời sống trại mà không nói đến khả năng điều khiển hay nói một cách khác mang tính văn nghệ là “Nghệ thuật điều khiển” là còn thiếu sót. Nghệ thuật điều khiển hay nói cách khác là tài năng điều khiển để hoàn thành cái nghề Đời sống trại là một trong những khả năng thể hiện trên các mặt hoạt động trong tập thể nói chúng và trong Trại huấn luyện nói riêng là cần thiết.

Nhìn vào khả năng điều khiển của Đời sống trại, Trại sinh đã đánh giá sơ bộ về trình độ, về các khả năng khắc của con người ấy. Mặt khác, đấy là những bài học không có nội dung đối với  Trại sinh.

Chỉ một vài động tác cầm còi, thổi còi nó cũng đã mang tính nghệ thuật rồi. Cuộc đời Huynh trưởng, ai cũng cầm còi và thổi cồi nhưng đạt đến nghệ thuật của các động tác ấy thì không mấy ai? Đã là người thợ, ai cũng có thể hoàn thành sản phẩm của mình, những sản phẩm ấu có hấp dẫn người tiêu thụ hay không là một vấn đề khác. Đó chính là nghệ thuật, hay nói theo thuật ngữ Phật giáo đó là “thiện xảo”.

Động tác điều hiển cũng mang tính nghệ thuật của nó, từ một thủ lệnh, từ phát âm của tiếng còi, từ sự di chuyển bước đi và vị trí của người điều khiển trong một đội hình nào đó, nhất nhất đều phải quan tâm. Chúng tôi không dám bàn nhiều về nghệ thuật vì sợ rằng nói nhiều làm mất mát tính nghệ thuật của nó, mà chỉ kết thúc mục này bằng: Nếu chưa đạt được nghệ thuật điều khiển thì chúng ta chưa vội nhận lãnh vai trò Đời sống trại.

  1. Động tính và tịnh tính của Đời sống trại:

Mỗi khi nói đến hay nghĩ đến vai trò của Đời sống trại, chúng ta đều hình dung trước mắt một con người nhanh nhẹn, tháo vác, linh động. Một con người nói năng hoạt bát, lưu loát, duyên dáng và có khá nhiều kiến thức…

Quả thật, cuộc sống trên đất trại rất sống động, không lúc nào vắng lời ca tiếng hát và các hoạt động khác. Chỉ có những lúc vào kháo giảng chỉ còn lại tiếng nói của giảng viên, hay trong giờ ngủ nghĩ thì không khí trại mới trở về im lặng.

Với cuộc sống như thế, người Đời sống trại không thể không quay cuồng, làm cho trại có được sinh khí nhưng không phải vì thế mà người Đời sống trại chỉ biết hoạt động liên miên. Dẫu rằng, cuộc sống trên đất trại là như thế, nhưng đời sống của Đời sống trại đòi hỏi phải mang tính quân bình. Có nghĩa là ngoài những lúc “động” còn phải có thời gian để “tịnh”.

Hai thái độ trong Phật giáo qua câu: “Nói năng như Chánh Pháp, Im lặng như Chánh Pháp.” đã gây ngộ nhận cho nhiều Phật tử. Phần nói năng như Chánh Pháp có thể ai cũng hiểu, nhưng im lặng như Chánh Pháp thì có người chưa hiểu rõ. Nói “Im lặng như Chánh Pháp” là nói chúng ta, ngoài các sinh hoạt hằng ngày hãy để thời gian tu tập “Tứ Niệm Xứ” là “Im lặng như chánh pháp”.

Một Đời sống trại, muốn có những đề tài mới luôn luôn phong phú cần phải hành “Tứ Niệm Xứ”. Nếu không, những khả năng của anh, không chóng thì chầy nó sẽ cạn nguồn, như cổ thụ lâu ngày không còn nhựa để sống nữa.

Ở đây, chúng tôi muốn vận dụng phương pháp tu tập truyền thống Phật giáo này trong lĩnh vực sinh hoạt, điều khiển trại của Đời sống trại. Và đó cũng là vấn đề thực tiễn của giáo lý.

Trong y học dân tộc, ba yếu tố nuôi dưỡng sinh mệnh con người là: Tinh, Khí và Thần. Ba yếu tố này có ảnh hưởng qua lại và bổ sung cho nhau. Tinh thịnh thì ảnh hưởng tốt cho Khí và Thần. Thần thịnh thì ảnh hưởng tốt cho Khí và Tinh. Khí thịnh thì ảnh hưởng tốt cho Tinh và Thần. Người Đời sống trại hoạt động nói năng nhiều và suy nghĩ nhiều nên có phần hao tổn Khí và Thần. Như vậy, anh cũng có thể bị đe dọa. Cho nên, trong thời gian trại, hằng ngày phải dành thời giờ để tĩnh dưỡng. Phương pháp tịnh dưỡng và khoa học nhất là hành “Tứ Niệm Xứ” hay nói rõ hơn là hành Thiền định. Trong lúc hành thiền, ít ra chúng ta đã điều được Khí, bổ sung cho Khí đã bị hao tổn, mất mát trong các giờ hoạt động, đồng thời, để cho người Đời sống trại xét lại tự thân, kiểm soát được tâm vốn đã dong ruỗi nhiều. Kiến thức nhiều nó chỉ biểu hiện về chiều rộng, muốn vận dụng những kiến thức ấy về chiều sâu không gì tốt hơn là hành Thiền quán.

Trong lúc điều khiển, với một lực lượng không tương ứng: một bên dù là người đang điều khiển nhưng cũng chỉ một mình, một bên là đối tượng đang được điều khiển nhưng lại là một tập thể. Đời sống trại dù là một người có trang bị đầy đủ, có nghệ thuật nhưng cũng có những lúc “Mãnh hổ nan địch quần hồ”. Do đó, Đời sống trại luôn luôn tỉnh giác, tập trung trí tuệ để lấy thế chủ động, nếu không thì đối phương đang chực chờ đánh ngã chỉ huy.

Vì vậy, dù đang vận dụng nhiều nguyên tắc điều khiển nào, Đời sống trại đều phải làm chủ hoàn toàn, khắc chế và áp đảo vòng tròn ngay từ những giây phút đầu, đừng để đối phương có thể đủ thì giờ xoay xở, chống trả hoặc bằng mọi cách gây cho đối phương (những người đang được điều khiển) luôn luôn ở thế bị động.

Trại có sinh khí, vui nhộn không phải nhờ những trò chơi nhiệt nào và một vài câu hài hước của Đời sống trại, vì anh ta không phải là một anh “Hề” trên sân khấu. Có khi không cần nhiệt náo nhưng cũng vui. Hiểu nhau đã vui rồi, thái độ hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau cũng đủ vui rồi, gặp nhau cũng đủ vui rồi. Cần xây dựng một thứ tình cảm giữa Đời sống trại và Trại sinh như tình cảm của cặp tình nhân. Họ có dự cuộc vui lúc nào đâu nhưng gặp mặt nhau thì không còn nhớ, còn mong, thế là đủ vui.

Chúng tôi sẽ bàn đến mục nghệ thuật điều khiển trò chơi, dùng nó để khắc chế Trại sinh và chủ động trong điều khiển.

V/ Xây dựng không khí trại:

Đây là công việc khá quan trọng và rất cần thiết cho cuộc sống Trại sinh suốt thời gian trại và là nhiệm vụ chủ yếu của Đời sống trại.

Tùy theo thời gian huấn luyện của tại để Đời sống trại xây dựng không khí trại. Công việc này cũng không hẳn đơn giản đâu. Chúng tôi nghĩ rằng: xây dựng không khí trại cũng phải phù hợp với chủ quan và khách quan, nó phải hợp tình, hợp lý. Một bài luận văn có mở đề, có thân bài, có bố cục… Đời sống trại trên đất trại cũng tương tự như thế.

Không khí trại phải đi từ thấp đến cao, Đời sống trại không nên dựng không khí quá vui nhộn quá nhiệt náo trong lúc trại mới diễn ra ngày đầu tiên. Chúng ta lại càng không quá vui nhộn, náo nhiệt trước giờ bế mạc… guồng máy trại vận hành tốt là ngày đầu tạo cái ”trớn” cho trại. Kể từ ngày thứ hai, Đời sống trại có thể tập trung dựng sinh khí của trại. Muốn như thế nào cũng được. Nhưng đến ngày cuối cùng thì Đời sống trại chủ động đưa không khí trại trở về với khúc nhạc cuối của ca khúc, chuẩn bị cho đoạn chấm dứt.

Khi trại đã có sinh khí, Đời sống trại cần giữ vững sinh khí, đừng để bị giao động mà phải giữ thật thăng bằng. Không khí trại đã thăng bằng thì nhiệm vụ của Đời sống trại có phần thoải mái hơn những ngày đầu. Chẳng khác gì em bé thả diều, chỉ vất vả khi chánh diều đang chao đảo, khi diều đã ở độ thăng bằng thì chúng ta không cần điều khiển chỉnh dây cước nữa.

Tâm lý Đời sống trại, ảnh hưởng quan trọng đến không khí trại. Không khí trại lại có ảnh hưởng đến tâm lý Trại sinh. Do vậy, giữ tâm lý Đời sống trại được thăng bằng là nhiệm vụ không riêng gì anh ta phải tỉnh táo kiểm soát tự thân mà cả Ban quản trại, nhất là Trại trưởng phải quan tâm, chăm sóc, bồi dưỡng mọi mặt cho Đời sống trại, người thay thế mình để giải quyết mọi việc và động cơ đưa trại đến thành công.

Tôi đã thấy một vài Trại trưởng, ngoài các buổi họp hành Ban quản trại là ký giấy tờ của văn phòng trại chứ rất ít quan tâm đến không khí trại, góp ý với Đời sống trại trên lĩnh vực chuyên môn này. Thái độ chăm sóc người Đời sống trại cả hai mặt tinh thần và vật chất là rất cần thiết.

  1. Về vật chất:

Trước nay, đời sống của Huynh trưởng, trước hết là hy sinh cho tổ chức GĐPT, lo lắng đào tạo thế hệ mai sau. Thường thì các sinh hoạt, tổ chức luôn luôn thiếu hụt, nên các anh chị có khi phải bỏ tiền túi mình để lo việc chung. Khi đến với trại, mỗi người đều tự lo cuộc sống của mình. Từ những yêu cầu nhỏ đến lớn. Gặp một Đời sống trại có khả năng kinh tế thì đời sống của anh ta trên đất trại có đầy đủ yêu cầu. Nhưng gặp một Đời sống trại mà đời sống riêng tư đang gặp nhiều khó khăn, chắc chắn là không có đủ những yêu cầu cần thiết. Một vấn đề rất nhỏ nhưng lại cần thiết là trường hợp Đời sống trại là người “ghiền” Cà-phê, nhưng lại không có đủ để tự dùng suốt trong thời gian trại. Người Trại trưởng tinh tế và giỏi về tâm lý lãnh đạo sẽ chú ý đến những việc đại loại như thế cho Đời sống trại mà còn cung cấp loại cà-phê đúng “Gu”. Khi nhận món quà này, cùng một lúc có hai tác dụng: một là Đời sống trại có thể “nhâm nhi” tương đối thoải mái, hai là Đời sống trại sẽ ghi nhận tình cảm đặc biệt mà Trại trưởng đã chăm sóc cho mình là những khích lệ quý giá.

Suốt 45 năm hoằng hóa độ sanh, lúc nào Đức Phật cũng khích lệ các đệ tử của Ngài trong việc tu tập, xác chứng những thành quả tu tập của đệ tử làm cho các vị đệ tử của Ngài tăng trưởng niềm tin vào sự nghiệp giải thoát. Đây là một trong những thái độ rất phù hợp với khoa tâm lý giáo dục.

b/ Về tinh thần:

Ngoài một vài yêu cầu về vật chất, tinh thần của Đời sống trại cần phải thoải mái trong thời gian trại. Từ các mối quan hệ giữa Đời sống trại và Ban quản trại, giữa Đời sống trại và Trại sinh đều diễn ra thật tốt đẹp. Một vài quan điểm của Trại trưởng và Đời sống trại cần phải hòa điệu với nhau để tăng phần hưng phấn cho Đời sống trại trong thời gian điều hành trại. Sự quan hệ giữa Đời sống trại và các hành viên khác trong Ban quản trại cũng quan trọng không kém. Nói tóm lại, sự hỗ trợ tinh thần và vật chất cho Đời sống trại có một đời sống quân bình cả hai mặt trong thời gian trại là một việc làm đáng được quan tâm. Đời sống trại có an tâm trong cuộc sống hằng ngày mới có đủ khả năng lo lắng đến đời sống hằng ngày mới có đủ khả năng lo lắng đến đời sống của Trại sinh, làm cho toàn trại có một sợi dây liên đới trách nhiệm giữa mỗi thành viên trong Ban quản trại.

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi