Đời Sống Trại – Chương III

Chuyên Mục: Tác phẩm 198 0

CHƯƠNG BA

I/ Trách nhiệm của Đời sống trại đối với Trại sinh:

Trách nhiệm đối với trại là thuộc tập thể Ban quản trại xuyên qua Trại trưởng nhưng người thay thế Trại trưởng để điều hành trại chính là Đời sống trại, anh ta chịu trách nhiệm đối với Ban quản trại qua Trại trưởng. Vì vậy, mọi vấn đề phát sinh trên đất trại Đời sống trại đều có thể tuỳ nghi giải quyết. Đối tượng chính của Đời sống trại là tập thể Trại sinh, vì Trại sinh và sống cho Trại sinh. Vì vậy, nói riêng Đời sống trại cần lo lắng cho Trại sinh cả hai mặt:

  1. Về vật chất:

a, Về ăn uống: “Có thực mới vực được đạo”, có người cho rằng: cuộc sống của Trại sinh trên đất trại là phải sống kham khổ, kham nhẫn. Phải để cho Trại sinh thiếu thốn nhiều mặt là dụng ý để huấn luyện sức chịu đựng về thể xác của Trại sinh.

Chúng tôi cho rằng đây là quan điểm sai lầm, bởi vì chúng ta đang là những người huấn luyện và Trại sinh là đối tượng đang được huấn luyện.

Làm thế nào để tạo điều kiện hoàn thành 2 nhiệm vụ trao truyền và tiếp thu.

Dĩ nhiên cuộc sống trên đất trại là một cuộc sống rất tương đối về vật chất. Làm sao có đầy đủ các yêu cầu cho Trại sinh? Tuy nhiên, không phải vì vậy mà Ban quản trại không quan tâm lo lắng những yêu cầu mà khả năng của Ban quản trại có thể giải quyết được. Ví dụ, trong những bữa ăn hằng ngày của Trại sinh, trường hợp nhà bếp nấu cơm vừa khê, vừa nhão hay nồi cơm ngon nó chẳng tốn thêm đồng nào. Nhưng Ban quản trại biết quan tâm thì phải có ý kiến chính ngay nhà bếp cẩn thận trong nấu nướng. Vì vậy, mọi người đều không thể sử dụng được, và sau đó sẽ có ảnh hưởng đến sức khoẻ của Trại sinh trong ngày hôm ấy.

Trách nhiệm chăm sóc Trại sinh về vật chất là trách nhiệm chủ yếu của Đời sống trại.

Hằng bữa, hằng ngày, Đời sống trại phải quan hệ mật thiết với ban hoả thực trại. Có ý kiến trong các thức ăn hàng ngày. Cố gắng vận dụng để tăng thêm phần dinh dưỡng cho Trại sinh. Ngoài ra, sau một ngày sinh hoạt, gợi ý cho Trại sinh tham gia ý kiến trên các mặt hoạt động, nhất là về ẩm thực. Vấn đề này cũng cần phải tế nhị, khi đề cập đến chuyện ăn uống, Trại sinh thường không muốn nói ra nhưng trong lòng thì rất muốn nói. Đời sống trại phải tế nhị, nên gợi ý để Trại sinh ghi vào mảnh giấy, muốn góp ý gì tuỳ ý, không cần phải biết ý kiến này của ai, thành phần Trại sinh nào v.v…

Nhờ vậy, sau một ngày, Đời sống trại sẽ có nhiều ý kiến trên các mặt hoạt động để tổng kết báo cáo trong buổi họp của Ban quản trại, phát huy các mặt ưu điểm và khắc phục ngay các mặt khuyết điểm. Đồng thời, buổi tập hợp vào sáng ngày mai Đời sống trại loan báo một số nhận xét chung ấy và cho Trại sinh cảm thấy thoải mái hơn. Bên cạnh đó Đời sống trại cũng có những nhận xét này phải thật chính xác và đề nghị Trại sinh khắc phục nếu thấy cần thiết.

b, Về ngủ nghĩ: Giờ ngủ nghĩ của Trại sinh cần được bảo đảm tôn trọng. Nếu cần phải thêm vào giờ nghỉ của Trại sinh thì Đời sống trại phải bù vào ngay, trừ phi gặp lại một vài trường hợp khá đột xuất và vì quyền lợi chung của trại. Chỗ ngủ nghĩ cũng phải tương đối thoải mái dù ở trong lều hay là ở chỗ tập thể.

c, Về các yêu cầu khác: Một số yêu cầu khác tuy không trực tiếp đến đời sống, như là: hố tiểu, cầu tiêu, nhưng lại có tầm mức quan trọng. Trại huấn luyện của GĐPT, có cả nam lẫn nữ. Vì vậy, Ban quản trại phải đặc biệt quan tâm đến các yêu cầu này với Trại sinh nữ.

Nhìn chung, Đời sống trại cần thường xuyên kiểm tra Trại sinh trong các giờ ngủ nghĩ. Có thể có một vài Trại sinh không ngủ được, không ngủ được cũng có nhiều nguyên nhân. Hoặc là để trò chuyện, trao đổi với nhau, hoặc là vui mừng quá, hoặc là lo lắng quá. Dù ở trong trường hợp nào thì Đời sống trại cũng nên tìm hiểu để biết nguyên nhân. Nhất là số Trại sinh vì quá lo về kết quả học tập đâm ra mất ngủ. Gặp trường hợp này, Đời sống trại cần làm cho họ an tâm, miễn là cố gắng hết sức mình trong học tập.

2, Về sức khoẻ của Trại sinh:

Ngoài việc chuẩn bị dụng cụ cá nhân của mỗi Trại sinh, trong đó mỗi người đều có một vài loại thuốc cấp cứu. Ban quản trại cũng chuẩn bị hộp cứu thương, trong đó, các loại thuốc trị tiêu chảy, kiết lị hay cảm sốt hầu như hộp thuốc nào cũng có. Ngoài ra, còn có các thứ bông băng, thuốc sát trùng, thuốc đỏ dự phòng cấp cứu. Đời sống trại chú ý đến các Trại sinh vắng mặt trong giờ học tập, bởi vì thường là lý do bệnh. Đời sống trại thăm hỏi sức khoẻ, tìm cách trị liệu. Có Trại sinh, dù bệnh nặng nhưng không muốn rời khỏi đất trại, sợ mất đi cả khoá huấn luyện. Tốt hơn hết, mỗi trại huấn luyện, nhất là các trại huấn luyện dài ngày và đông người tham dự nên mời một Huynh trưởng có nghiệp vụ chuyên môn phụ trách thuốc men và sức khoẻ của Trại sinh. Nếu trong đội ngũ Huynh trưởng có bác sỹ hoặc thầy thuốc dân tộc lại càng đảm bảo sức khoẻ cho toàn trại. Ngoài ra Đời sống trại cũng cần biết rõ địa chỉ một trạm xá, phòng cấp cứu gần địa điểm trại nhất, dự phòng cấp cứu gần địa điểm trại nhất, dự phòng có những trường hợp bất trắc xảy đến.

3, Về học tập:

Phần này rất quan trọng, bởi vì tổ chức trại chỉ vì mục đích trao truyền những kiến thức chuyên môn, những kinh nghiệm sống động để Trại sinh sau khi tiếp thu có thể trở thành một Huynh trưởng có tương đối đầy đủ khả năng để phục vụ cho tổ chức mà nó đã chứa đựng trong các nội dung bài giảng, đảm bảo phần cơ bản về lý thuyết. Cho nên việc giảng dạy ở trại này khác với trại khác, tuy là một cấp trại giống nhau. Việc giảng dạy còn tùy thuộc vào đối tượng của Trại sinh. Cho nên, trước tiên Đời sống trại nắm vững trình độ của Trại sinh, rồi theo dõi nội dung của mỗi Giảng viên nhận xét theo khả năng tiếp thu của từng thành phần Trại sinh để có những đề xuất cho Ban giảng huấn.

Mặt khác, trong sinh hoạt cuối ngày, Đời sống trại gợi ý để Trại sinh tham gia ý kiến về khóa học, các nội dung môn học, phương pháp trình bày nội dung của mỗi Giảng viên. Như chúng tôi đã nói đến, Trại sinh thường không mạnh dạn phê phán Ban quản trại, đó là chưa kể đến một vài trường hợp chú ý của Ban quản trại. Giá như trong số Giảng viên, có thể có người không vui mấy khi nghe người khác phê bình mình, như vậy sẽ có mặc cảm với nhau. Đời sống trại chỉ đề nghị với Trại sinh ghi ý kiến vào một mảnh giấy mà không cần đề tên học. Bởi vì mục đích của việc này là để mọi người mạnh dạn phát biểu cả mặt tốt lẫn mặt xấu của cá nhân hay tập thể, nhờ vậy mà Đời sống trại nắm vững được những mong muốn của Trại sinh. Nhiệm vụ của Ban quản trại là đáp ứng tất cả những yêu cầu chính đáng của Trại sinh và đó cũng là sứ mệnh của những người đi trước, thay mặt cho tổ chức đào tạo thế hệ kế thừa. Nếu có một vài Trại sinh trình độ còn non thì Đời sống trại cần tìm cách giúp đỡ, phụ đạo thêm cho Trại sinh đó. Bằng nhiều cách trấn an họ.

Tóm lại, Đời sống trại là người thay mặt cho Ban quản trại chăm sóc, lo lắng cho Trại sinh về mọi mặt để có thể thực hiện mục đích của trại, để có thể đưa kết quả trại đạt đến mức cao nhất.

II/ Đời sống trại với “Nội quy kỷ luật trại”:

Trại nào cũng có nội quy kỷ luật của nó. Nội dung này là luật pháp của trại mà mỗi người đều phải tuân thủ. Những thành viên của Ban quản trại phải có tính tuân thủ cao nhất để làm gương tốt cho Trại sinh.

Thường thì Trại sinh đến với đất trại, đồng thời cũng có sẵn tính chấp hành kể cả phải chịu đựng tất cả thử thách trại đặt ra.

Nội quy kỷ luật được đặt ra không phải là để áp dụng đối với  những đối tượng vi phạm mà là để ngăn ngừa những trường hợp có thể vi phạm, nó hoàn toàn mang tính giáo dục hơn là để đe dọa, trừng trị.

Cho nên, người Đời sống trại cần phải hướng dẫn giải thích thật kỹ để cho mỗi thành phần Trại sinh nắm vững những vấn đề đặt ra trong nội quy kỷ luật. Một trại huấn luyện thành công là trong đó không có trường hợp vi phạm nào xảy ra.

Nếu có trường hợp vi phạm, Đời sống trại cần có những nhận xét tinh tế, xem đối tượng cố ý vi phạm hay vô tình, xem đối tượng là thành phần nào trước khi áp dụng nguyên tắc.

Việc áp dụng kỷ luật trại cũng có nhiều cách khác nhau. Có người thì cần làm rõ vai trò của mỗi bên. Một bên là thay mặt Ban quản trại áp dụng kỷ luật đối với đối tượng vi phạm, chừng như muốn tỏ rõ uy quyền của người đang áp dụng luật pháp trại, mặt khác, muốn đối tượng vi phạm thấy mình càng nhỏ nhoi hơn nữa. Chúng tôi cho rằng, thái độ này không được chính xác, và làm mất đi phần nào ý nghĩa giáo dục. Vấn đề là làm sao để đừng có các mặc cảm tự ti và mặc cảm tự tôn. Vấn đề là làm sao vận dụng những trường hợp ấy mang ý nghĩa giáo dục, huấn luyện. Tác phong của Đời sống trại là phải hiểu rằng mình vốn đã có một số quyền lực tương ứng với vai trò chức năng, phần Trại sinh vi phạm, trừ trường hợp đặc biệt, cá biệt nào đó, còn hầu hết các đối tượng vi phạm thường mang tâm lý lo âu, sợ hãi. Làm sao có thể xóa được tâm lý sợ hãi của người vi phạm là việc làm trước hết và cần thiết của Đời sống trại đúng nghĩa. Đời sống trại không cần phải lớn tiếng, kể cả, không cần phải tỏ ra gì hết khi đứng trước đối tượng vi phạm, bởi vì tâm lý của người vi phạm là sẵn sàng chịu đựng những lời khiển trách nặng nề của Ban quản trại qua Đời sống trại. Theo tôi nghĩ, dùng thái độ kẻ cả, tỏ ra có uy quyền và nặng lời trách móc là có phần thừa, không cần thiết lắm vì sự kiện đã xảy ra. Vấn đề là làm sao qua sự vụ, qua thái độ của Đời sống trại, tỏ ra là con người luôn luôn khoan dung, dễ tha thứ để không phải lần này mà những lần sau không còn tái phạm. Nói như vậy, không có nghĩa là không nhắc nhở người vi phạm thấy rõ hơn lỗi lầm của họ, để cùng nhau góp thêm vào ý nghĩa giáo dục của vấn đề đó mới là cần thiết. Và sau cùng, là phải xóa tan ngay những mặc cảm phạm tội, xem như chưa có vấn đề gì xảy ra cả.

Thái độ giải quyết như thế, sẽ gây một ấn tượng sâu sắc cả đôi bên, khó mà quên nổi.

Chúng tôi xin đề cập đễn một vài khía cạnh nhỏ của việc áp dụng kỷ luật trại. Có một vài trường hợp vi phạm, người phụ trách kỷ luật tự đặt ra hình phạt ngay tại chỗ rồi cứ áp dụng bất cứ đối tượng nào, nam hay nữ, có khi đối tượng không thể thi hành trọn hình phạt, một là do sức khỏe, hai là do đôi khi tự ái bị xúc phạm, đối tượng vi phạm trở nên liều lĩnh và như vậy là đã thất bại đối với người đang áp dụng kỷ luật. Sở dĩ có những trường hợp đáng tiếc như thế là do người áp dụng kỷ luật chỉ biết tỏ ra mình là người đang có uy quyền mà quên đi ý nghĩa của giáo dục, huấn luyện. Tất cả những hiện tượng diễn ra trên đất trại đều phải vận dụng vào phương pháp giáo dục và tất cả những hiện tượng ấy đều phải khoát lên mình ý nghĩa của giáo dục.

III/ Đời sống trại với trò chơi:

Trò chơi là một môn giải trí, vừa là phương pháp giáo dục đối với các hạnh tuổi. Riêng đối với tuổi thanh thiếu niên trong GĐPT, trò chơi nếu được nghiên cứu kỹ, vận dụng chính xác nó sẽ mang tác dụng giáo dục lớn và mang ý nghĩa giáo dục cao.

  1. Trò chơi lớn:

Trò chơi lớn là trò chơi được vận dụng trong địa bàn lớn, thời gian lâu mà trong các trại huấn luyện thường tổ chức để tổng kết khoá học, trắc nghiệm một phần nội dung lý thuyết cùng những kinh nghiệm thực tiễn. Vì tính chất quan trọng của nó nên chúng ta cần phải chuẩn bị thật chu đáo.

a, Đề tài trò chơi:

Một đề tài hấp dẫn, có ý nghĩa sẽ có tác dụng cho Trại sinh, qua đề tài trò chơi, Trại sinh có thể có những khái niệm về nội dung của nó. Nhất là những đề tài được vận dụng vào lịch sử. Vì vậy, chọn và nghiên cứu đề tài, nội dung trò chơi là một việc làm cần thiết đối với người có nhiệm vụ tổ chức một cuộc chơi lớn.

b, Câu chuyện:

Câu chuyện phù hợp với nội dung và tiến trình của cuộc chơi, làm cho Trại sinh hình dung được họ sẽ làm gì và phải đi từ đâu đến đâu. Nói đến câu chuyện thì phải nói đến người kể chuyện. Người kể chuyện mới thật là quan trọng. Ngôn ngữ phải rõ ràng, nói năng mạch lạc, diễn đạt hấp dẫn, phù hợp với tiến trình và kế hoạch chung. Con người này xuất hiện là cuộc chơi bắt đầu. Xuất hiện đúng lúc và đúng vai trò của câu chuyện. Cho nên chúng ta có thể hóa trang, bằng cách nào đó, tạo được bất ngờ thì cuộc hơi càng hấp dẫn. Gây cho Trại sinh có tâm lý nôn nao muốn nhập cuộc ngay là thành công bước đầu của trò chơi.

c, Bố trí nhân sự:

Muốn tổ chức một cuộc trò chơi lớn là phải có kế hoạch rõ ràng, kỹ lưỡng. Phân công người phụ trách phù hợp với kế hoạch đã được đặt ra. Chọn người phục trách đúng vai trò, đúng khả năng và uy tín. Nếu chúng ta sắp đặt nhân sự không tốt, chỉ cần một điểm có diễn biến xấu thì đã ảnh hưởng đến trò chơi và kết quả của nó có thể bị đe dọa.

d, Quán triệt kế hoạch và nội dung:

Sau khi đã bố trí xong, người điều khiển tổng quát cuộc chơi phải thuyết trình kế hoạch và nội dung cuộc chơi để mọi thành viên trong ban tổ chức thông suốt tình hình chung, nắm vững nhiệm vụ của mỗi người đã được phân công. Nếu có bản sơ đồ của địa hình, địa thế trong đại bàn cuộc hơi sắp diễn ra lại càng tốt.

e, Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết:

Trong cuộc chơi cần có những dụng cụ gì đều phải có ngay. Thí dụ: Cuộc chơi vượt sông thì phải có ghe, xuồng đề phòng bất trắc, leo núi thì phải chuẩn bị dây thừng… Có những cuộc chơi địa bàn rộng vượt qua nhiều chướng ngại nguy hiểm, chúng ta phải lường trước các biến cố xấu có thể xảy ra để đưa vào dự phòng trong kế hoạch và giải quyết kịp thời. Kiểm tra và theo dõi thật sát các thành viên tham dự. Chuẩn bị một số phương tiện để chuyên chở những người kiệt sức, hoặc xảy ra tai nạn bất thường và trên đường di chuyển.

Trên đây là một số công việc chuẩn bị rất cơ bản cho một trò chơi lớn. Bước chuẩn bị rất cơ bản cho một trò chơi lớn. Bước chuẩn bị đầy đủ chừng nào thì trò chơi lại dễ đạt kết quả tốt.

  1. Trò chơi nhỏ:

Thật vậy, trò chơi nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng lớn trong các sinh hoạt thanh niên. Nó quyết định sinh khí của trại. Ngoài tác dụng giải trí tạo không khí vui tươi, hồn nhiên cho mọi người, trò chơi nhỏ còn là một phương pháp giáo dục tuổi trẻ về nhiều mặt, trò chơi nhỏ đáp ứng được yêu cầu tâm lý hiếu động của tuổi trẻ.

Trong các tài liệu huấn luyện các cấp, khóa giảng về môn học này đã được nói đến nhiều khía cạnh, từ những vấn đề “thô” đến những vấn đề “tế” của nó.

Tuy trò chơi nhỏ có nhiều ảnh hưởng đối với lứa tuổi thanh niên, nhưng phải điều khiển như thế nào để được hấp dẫn, để đạt được mục đích của nó? Đây là một việc làm tốn nhiều công phu.

Một Đời sống trại thiện xảo, luôn luôn chủ động không khí trại, là một Đời sống trại không những phong phú trò chơi nhỏ mà phải là một Huynh trưởng có nghệ thuật điều khiển cao.

Vấn đề này mới nghe qua tưởng là đơn giản, nhưng sự thật lại rất công phu và phức tạp. Bất cứ Huynh trưởng nào cũng có nhiều lần điều khiển trò chơi, nhưng điều khiển hấp dẫn, đáp ứng được tâm lý trẻ và thành công thì rất ít. Đó là chưa nói đến, trò chơi nhỏ không chỉ là để giải trí, thay đổi không khí mà nó còn mang tính giáo dục trẻ rất phong phú, điều mà một Huynh trưởng nào cũng cần phải quan tâm là đạt đến mục đích của trò chơi. Muốn có nhiều trò chơi nhỏ chúng ta cần phải:

a, Sưu tập trò chơi:

Sưu tập trò chơi nhỏ cúng có nhiều cách:

– Tìm tòi trong các sách hoạt động thanh niên của các tổ chức thanh niên xuất bản.

– Trong các hoạt động của các đơn vị bạn, của tổ chức hướng đạo v.v…

– Ngay trong các trại huấn luyện, là nơi tập trung nhiều thành phần Huynh trưởng  và nhiều khả năng khác nhau. Mỗi Trại sinh từ các địa phương khác nhau nên sẽ xuất hiện nhiều trò chơi bổ ích.

b, Chọn lọc trò chơi:

Trò chơi nhỏ thì nhiều nhưng không phải trò chơi nào cũng có thể áp dụng. Nếu biết trò chơi nhỏ in thành sách thì có thể chúng ta có thể xuất bản hàng loạt cuốn như thế. Tôi còn nhớ, hồi ở Huế, tôi mượn một cuốn “Play boy scout” dày chừng 500 trang, nhưng khi lọc ra chỉ chừng 100 trò chơi có thể dùng được. Vì sao như vậy? Tác giả thường viết một loạt trò chơi gồm nhiều trò chơi tương tự. Thí dụ: Một trò chơi giáo dục về thị giác thì gồm nhiều trò chơi giống nhau, vả lại, tổ chức hướng đạo nước ngoài thì cách chơi cũng khác hơn chúng ta, tâm lý, sinh lý cũng khác nhiều.

Việc chọn lọc trò chơi là lọc ra mỗi loại như thế vài trò chơi tiêu khiển. Điều đáng lưu ý là trò chơi nào phù hợp với hoàn cảnh sinh hoạt, có khoảng trống phù hợp với chúng ta.

c, Lồng vào trò chơi một mẫu chuyện:

Trò chơi sẽ mang thêm nhiều ý nghĩa, khi chúng ta lồng vào một mẫu chuyện làm nội dung chủ yếu của nó. Những người sắp dự cuộc chơi, sau khi nghe mẫu chuyện kể họ sẽ hình dung được tiến trình của trò chơi. Mẫu chuyện kể cũng cần phù hợp với tâm lý của tuổi trẻ. Đối với tuổi thanh thiếu niên chúng ta dựa vào tâm lý ưa xông pha, mạo hiểm, hiếu thắng; từ đó, chúng ta chọn mẫu chuyện thích ứng. Đối với tuổi thiếu nữ, không thể dùng những trò chơi bằng sức mạnh mà phải dùng những trò chơi nhẹ nhàng và tế nhị khai thác tâm lý của các em.

d, Xếp loại trò chơi:

Mỗi loại trò chơi đều có tác dụng riêng của nó. Loại thì vận dụng thị giác, loại thì về thính giác, vị giác v.v… Có loại thì chơi trong phòng, loại thì chơi ở ngoài trời, loại ở khoảng trống rộng v.v… Trong cuốn sổ tay của Huynh trưởng hay của Đời sống trại, các trò chơi đều đã được xếp loại. Đối với trại huấn luyện các trò chơi trong phòng thường được sử dụng luôn, vì ở giữa 2 khóa giảng cần có thời gian giải trí, vui nhộn để quân bình giữa các giác quan. Khi cần đến loại nào, chỉ cần lật đến trang đó là có ngay.

e, Biến hóa trò chơi:

Dù có rất nhiều trò chơi, nhưng ngày một ngày hai rồi cũng cạn dần. Do vậy, từ một trò chơi chúng ta có thể biến ra thành nhiều trò chơi khác nhau nhưng vẫn có cùng mục đích. Biến hóa trò chơi là làm cho ngân hàng trò chơi không bao giờ cạn, không bao giờ cũ. Việc làm này, đòi hỏi Đời sống trại đầu tư nhiều chất xám. Có khi một câu chuyện nào đó, chúng ta sáng tác, sắp xếp thành trò chơi. Ngay cả một “Hồi” Tam Quốc Chí cũng trở thành một trò chơi rất hấp dẫn.

Trại huấn luyện Huyền Trang 4 trung ương tổ chức ở Quảng Tín (Miền Vạn Hạnh) năm 1974. Chúng tôi đã vận dụng một hồi Tam Quốc vào trò chơi nhỏ.

Trước đó một hôm, tôi tuyên bố Đời sống trại sẽ mời mỗi Trại sinh uống nước chanh, đồng thời tôi không cho nhà bếp mang nước lên phòng. Sau khóa giảng buổi sáng liên tục, Trại sinh coi mòi đã mệt mỏi. Lúc đó tôi xuất hiện kể chuyện Tam Quốc chỉ để anh chị em giải trí. Tôi kể chặng Tào Tháo bị Viên Thiệu đánh thất điên bát đảo ở Vị Thúy. Tướng sĩ của Tào Tháo đang bôn tẩu đến độ người mệt, ngựa mỏi, dọc đường không gặp khe suối, sông ngòi gì cả, người lẫn ngựa vừa đói lại vừa khát. Tào Tháo đang được các tướng lãnh hộ tống rút lui, thấy tình cảnh của tướng sĩ như vậy, trước mắt Tào Tháo hiện ra một cánh rừng, Tháo liền lấy roi ngựa chỉ về hướng ấy: “A! Đằng kia có rừng mơ”. Nghe Tháo nói vậy, mọi người đều vui mừng. Trong lúc khát đến lả người, nghe thấy tiếng “Mơ” liền bị phản xạ, phần họ nghĩ rằng ráng đến nơi, ta sẽ ăn một lúc mấy quả cho đã khát. Từ đó hạch nước bọt tiết ra và không còn khát như trước. Kể xong, tôi lấy một quả chanh vàng tươi đã có sẵn trong túi, se tròn bỏ vào miệng cắn nhai ngon lành và cho Trại sinh biết đây là rừng mơ của Tào Tháo “Hỡi tướng sĩ! Hãy vào rừng hái mơ mà ăn”. Vừa nói tôi bảo Trại sinh hãy nhìn thẳng vào mặt mình, bắt một bài hát ngắn. Có anh chị nào bắt được đâu vì đang ngậm miệng nuốt nước miếng. Nhất là các chị, vừa nuốt miếng lại vừa mắc cỡ. Trại sinh thua Đời sống trại trận này đau quá. Trong lúc Trại sinh phải theo dõi 2 khóa học liên tục, đã thấm mệt, tôi đến với Trại sinh trong thời điểm ấy là đúng lúc. Kể chuyện Tam Quốc thật hấp dẫn, Trại sinh nghe thoải mái là đáp ứng được tâm lý. Thế mà anh chị em Trại sinh đó, đến nay mỗi lần gặp lại tôi vẫn còn nhớ rõ trò chơi ấy.

Đây là một trong những trò chơi nhỏ thuộc loại vận dụng, sáng tạo.

g, Phật hóa trò chơi:

Ngoài mục đích của trò chơi nhỏ là giáo dục các giác quan, dùng nó để trắc nghiệm tâm lý, tình cảm và khả năng bén nhạy, tính thông minh của Đoàn sinh, chúng ta sử dụng trò chơi như là những bài học Phật pháp nữa. Vì vậy, nói “Chơi mà Học, Học mà Chơi” là theo nghĩa ấy. Có những bài giáo lý thuần lý thuyết, Đoàn sinh tiếp thu cũng khó khăn vì môn học này cũng khô khan quá. Trường hợp gặp người giảng hay, có nhiều kinh nghiệm và rành tâm lý thì có thể giảng dạy tốt. Còn những, một số Đoàn sinh sẽ ngắp dài, không tiếp thu được nội dung.

Để bổ sung phần này, vận dụng trò chơi nhỏ phục vụ cho bài học giáo lý, nó vừa thích hợp với tâm lý hiếu động của tuổi trẻ nhưng lại tiếp thu giáo lý mà có khi Đoàn sinh không biết mình đang học giáo lý.

3, Nghệ thuật điều khiển một trò chơi nhỏ:

Như chúng tôi đã nói, điều khiển nhưng thành công thì lại ít người. Đây là lĩnh vực nghệ thuật nếu chúng ta không chịu đầu tư nhiều chất xám thì không đạt được đâu. Có rất nhiều Huynh trưởng điều khiển trò chơi nhưng lại không hấp dẫn, không linh hoạt mà lại nhạt nhẽo quá chừng, có khi còn hết sức gượng gạo, sống sượng nữa. Muốn điều khiển thành công, trước hết chúng ta phải nắm vững tâm lý Trại sinh, đa số là những Trại sinh nhanh nhẹn , năng động, hoạt bát, có khả năng phản xạ. Thành phần này rất thích hợp với những trò chơi mạnh, linh hoạt. Thành phần thứ 2 ít thích hoạt động, phong thái chừng mực, loại thứ 3 là loại không thích chậm chạp, nhưng thường thì số lượng rất ít. Loại này, có khi lại rất thích hợp với những trò chơi nhận xét, giáo dục giác quan.

Sau khi phân loại Trại sinh, nếu là thành phần hiếu động, tháo vát chiếm đa số, Đời sống trại cần áp dụng các trò chơi linh hoạt, mạnh. Số Trại sinh (rất ít) không thích hợp với loại trò chơi như thế, chúng ta vẫn để cho tất cả cùng tham dự cuộc vui nhưng Đời sống trại chú ý đến các Trại sinh không ưa động này. Làm thế nào trò chơi bắt đầu là phải loại họ ra khỏi trò chơi. Có khi như vậy họ cảm thấy vui. Không thích động nhưng lại thích người khác hoạt động. Khi đó, trong vòng tròn chỉ còn lại thành phần linh hoạt thì thế nào cuộc chơi cũng rất hào hứng.

Trên đây, là bước đầu, lọc đối tượng dự cuộc chơi, số Trại sinh có khả năng phản xạ này ai cũng tưởng rằng họ sẽ khó mà vi phạm luật chơi, nhưng kỳ thật, thành phần này lại rất dễ vi phạm luật chơi nếu Đời sống trại thật tinh tế, thông minh một chút. Trò chơi được hấp dẫn là có nhiều người sai phạm luật chơi, hoặc bị Đời sống trại gạt một cách không khó khăn. Không thể nào người điều khiển trò chơi lại thất bại trước tập thể tham dự, có nghĩa là không ai phạm luật chơi cả, và như thế là tập thể bị động lại thắng người chủ động.

Dù cho tập thể có khả năng phản xạ nhanh nhẹn cách mấy thì cũng chỉ chống đỡ một vài chưởng lực mà thôi. Nếu Đời sống trại tung ra một lúc nhiều đường chưởng bí hiểm thì không cách nào đối phương chịu nổi.

Chúng tôi nói tung nhiều đường chưởng là như thế này: Thường thì một trò chơi chỉ khai thác và giáo dục một giác quan hoặc nhiều lắm 2 giác quan nếu gặp đối tượng dự chơi cừ, Đời sống trại chỉ cần tổng hợp 3 hay 4 trò chơi khác loại vào một trò chơi. Có nghĩa là làm cho Trại sinh phải cùng một lúc vận dụng cả mấy giác quan. Họ lo phản xạ tay chân thì sẽ quên mất phản xạ thính giác, có loại cừ hơn nữa thì cũng chỉ có khả năng phản xạ vài giác quan mà thôi. Đời sống trại vận dụng tối đa như thế thì không thể có người nào chống trả nổi. Đây là một trò chơi rất bí hiểm mà cũng có tính bí truyền nữa, Không dễ gì tìm được một người điểu khiển nhuần nhuyễn loại trò chơi nhỏ tổng hợp này. Nếu người điều khiển đã đạt đến mức độ này có thể gọi anh ta đã đạt đến nghệ thuật điều khiển trò chơi nhỏ đến mức thượng thừa.

Một trò chơi nhỏ không phải chỉ có chơi một lần. Nếu vận dụng đúng mức, đúng lúc, đúng chỗ thì suốt thời gian trại, trò chơi ấy có thể lập đi lập lại nhiều lần nhưng Trại sinh không bao giờ chán cả.

Chúng tôi có một số kinh nghiệm về mặt này. Trong một trại Huyền Trang, chúng tôi thông báo cho Trại sinh biết rằng, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, khi chúng tôi điều khiển, mỗi lần nghe đến tiếng ngồi thì nói xuống và ngồi xuống thật nhanh. Nghe tiếng đứng thì nói dậy và cũng đứng dậy thật nhanh. Đó là phần đơn giản, mới xem ra thì thật là đơn giản và nhạt nhẽo, buốn tẻ. Trong trường hợp này, muốn nó trở thành linh động chúng tôi đặt ra điều kiện:

– Trong suốt thời gian trại, ai vi phạm nhiều lần sẽ bị trừ điểm hoạt động thanh niên. Nhờ vậy nên mỗi Trại sinh đều phải chú ý.

– Trong suốt thời gian trại, ai vi phạm nhiều lần sẽ bị trừ điểm hoạt động thanh niên. Nhờ vậy nên mỗi Trại sinh đều phải chú ý.

– Chúng tôi vận dụng thiên “du kích”, một trong 13 thiên Binh Pháp của Tôn Võ Tử. Địch nhiều ta đánh, địch ít ta đánh. Địch mạnh ta rút, địch yếu ta tiến, địch sơ ý ta đánh úp. Hư hư, thực thực, thực mà hư, hư mà thực. Mọi người cứ ngỡ rằng mình đang dự cuộc chơi, nhưng chúng tôi thì cứ lung lạc người chơi, kể chuyện, nói giáo lý, ôn tập các khoá giảng đánh lạc hướng Trại sinh. Mặt khác học cũng phải chú ý nghe vì nội dung lung lạc ấy cũng rất hấp dẫn. Đến độ, có sức hút rồi, chúng tôi nhắc đến một trong hai tiếng ấy (đứng, ngồi). Chỉ có người nào phản xạ cực nhanh mới làm đúng mà thôi. Đó là chưa nói bước vận dụng tinh vi nữa là sử dụng một âm thanh gần như một trong hai tiếng “đứng”, ”ngồi”. Chắc chắn sẽ thắng người chơi.

Được gọi là người điều khiển thắng cuộc chơi có nghĩa là tập thể tham dự cuộc chơi vi phạm kỷ luật chơi nhiều nhất. Và cũng nhờ vậy nên trò chơi rất linh động. Có một điều cũng cần ghi nhớ là người điều khiển trò chơi không phải để dáp ứng cho người điều khiển mà là yêu cầu của số đông, chơi lúc nào? Giải trí lúc nào? Đó là việc nhận xét của Đời sống trại. Vận dụng trò chơi loại nào? Sáng sớm khác với buổi trưa, trò chơi buổi trưa khác với xế chiều… Giải quyết hết các câu hỏi trên đây là đạt đuợc “Tam tài” (thiên thời, địa lợi và nhân hoà). “Tam tài” đã được thì thành công trong điều khiển, không đạt được “tam tài” thì chỉ thành công một phần, có khi phải chuốc lấy thất bại.

Một khi người điều khiển trò chơi nhỏ đạt đến nghệ thuật cao thì ý tưởng cái gì lớn có ảnh hưởng lớn, cái gì ý tưởng nhỏ có tác dụng nhỏ có thể không chính xác. Trên thực tế, tuy là trò chơi nhỏ, nhưng đã thành công trong điều khiển rồi thì nó có tác dụng lớn mà chúng ta không thể ngờ được.

Ngoài ra, Đời sống trại cần phải khơi dậy tâm lý nôn nao, chờ đợi và hồi hộp. Tâm lý này sẽ giúp vào thành công trong lúc điều khiển. Tạo sự bất ngờ cũng là yếu tố cần thiết và dễ dẫn đến thành công.

Giải trí đúng thời điểm, đúng lúc thì chấm dứt trò chơi cũng phải đúng lúc, đúng thời điểm. Khi mà không khí hào hứng đạt đến điểm cao nhất. Dù cho Trại sinh vẫn còn đòi hỏi tiếp tục, nhưng Đời sống trại nắm vững tâm lý cho chấm dứt ngay cuộc chơi, chuyển qua công việc khác thật bình thường xem như chưa có cuộc vui nào cả.

Dù món ăn thật ngon nhưng đừng bao giờ cho ăn đến độ nhàm chán, chỉ lấp lững nửa vời thì mọi người còn ấm ức tiếc nuối. Vì vậy, “…Tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”. Một bản nhạc hay, chấm dứt nửa chừng làm cho tính giả tiếc nuối hơn là nghe trọn bài.

Tôi xin kể lại 1 trò chơi làm điển hình. Trại huấn luyện Huyền Trang Đà Nẵng năm 1965, tôi được chọn là Đời sống trại, anh Bạch Hoa Mai làm phụ tá, nhắc đến tên anh Mai tôi không tránh khỏi những tiếc thương, vì 2 chúng tôi có thể nói là cặp bài trùng trên đất trại và bất khả chiến bại. Hai chúng tôi có 2 khả năng bổ sung cho nhau mà người khác không thể có được. Nay thì tôi còn đây với một thân xác nhiều bệnh hoạn sau nhiều năm biến cố của cuộc đời mình, còn anh Mai thì đang ở một phương trời xa. Đối với chúng tôi, dù không gian thời gian có ngăn cách, nhưng tình cảm tôn giáo không thể nào ngăn cách chúng tôi. Mỗi lần nhờ nghĩ về anh tôi cảm thấy như mình đang thiếu một cái gì đó tôi không nói ra được.

Chiều hôm đó, dưới rặng dương xanh mát ở chùa Sơn Trà nằm bên bờ biển xanh thẳm, anh Mai điều khiển trò chơi “Sấp, ngửa”.

Trại sinh chia 2 phe bằng nhau, một “Sấp”, và một “Ngửa” đứng hàng ngang. Mỗi bên đều có điểm số, sau lưng mỗi phe có một vạch đích suốt chiều ngang sân chơi. Anh Mai dùng đồng tiền liệng lên không, lúc rơi xuống, nếu là sấp thì phe sấp quay lưng chạy về phía đích, phe ngửa rượt theo đánh vào số trùng với mình. Ai bị đánh trúng là bỏ cuộc chơi. Trò chơi đang hào hứng, tôi đứng đằng xa thấy vui cùng đến tham gia điều khiển. Tôi xin phép anh Mai để tiếp tục điều khiển.

Lần này tôi không dùng đồng tiền liệng “Sấp, Ngửa” (vận dụng thị giác) vì tôi nhận xét một hàng ngàng dài khoảng 30 mét nhưng chỉ một đồng tiền, người ở xa không trông thấy được. Tôi cho Trại sinh biết rằng, bây giờ thay vì dùng mắt nhìn thì phải dùng tai để nghe. Tôi nói gì mặc tôi. Mỗi khi nghe sấp thì “Sấp” chạy, và ngược lại.

Lần này tinh tế hơn nên chỉ vài lần là loại gần hết, chỉ còn lại 2 Trại sinh.

Tôi tiếp tục vận dụng nữa, phóng một đòn quyết liệt là sử dụng một tiếng mà âm thanh na ná với một trong 2 tiếng sấp – ngửa. Cả 2 người đều hoảng lên, ai cũng tưởng mình rượt người kia nên họ cụng vào nhau mà cười đến chảy cả nước mắt.

Cho nên, sự thất bại của Đời sống trại là một phần thất bại của trò chơi.

IV/ Khoá giảng của Đời sống trại:

Trên đất trại, thời gian của khoá giảng dài nhất là 2 giờ, Trong thời gian này, nếu gặp Giảng viên dạy hấp dẫn, thu hút thì cùng một lúc Trại sinh vừa tiếp thu nội dung, vừa học tập thực nghiệm. Nhưng gặp một Giảng viên không hấp dẫn thì Trại sinh sẽ dễ chán nản, nhất là thời điểm gần trưa, có khi có nhiều Trại sinh ngủ gục. Thất bại của người nói là khi mình nói mà có người nghe lơ đểnh, ngủ gục.

Nhưng khoá giảng của Đời sống trại, trong chương trình huấn luyện thì không bao giờ có, nhưng thực tế thì khoá giảng này dài nhất và bất cứ lúc nào. Đời sống trại luôn luôn nhận xét tinh tường, thường xuyên góp ý thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm để Trại sinh tiếp thu. Một điều sai lầm trên đất trại của cả 2 phía đều là những bài học của Đời sống trại, là nội dung của khoá giảng. Trại sinh vừa có mặt ở đất trại là đã theo dõi nội dung, khoá giảng của Đời sống trại. Đến giờ bế giảng cũng là khoá học của Đời sống trại. Trong thời gian huấn luyện, lúc nào cũng có thể là khoá giảng của Đời sống trại. Nhờ những bài học thực tiễn này sẽ soi rọi vào phần lý thuyết mà Trại sinh đã chú tâm theo dõi.

Trước kia, chúng tôi đặt nặng vai trò của Đời sống trại. Ở đây, qua phần này, chúng ta thấy rõ vai trò đó quan trọng đến mức nào?

Trại sinh thường chú ý đến các hoạt động trên đất trại của Đời sống trại để học tập các kinh nghiệm. Đời sống trại là người thay Ban quản trại để áp dụng nội quy, kỷ luật Trại sinh một cách nghiêm chỉnh nhưng với thái độ bao dung, khoan hoà. Hình phạt có khi nặng nề nhưng lời nói thì luôn ái ngữ. Vui  vẻ mà không “nhờn”. Không khi nào tạo mặc cảm này hay mặc cảm khác đối với cá nhân hay tập thể nào, kể cả những người vi phạm kỷ luật.

Tóm lại, chúng ta chỉ lo là Đời sống trại chưa đủ khả năng, kinh nghiệm và nghệ thuật, chứ khoá giảng của Đời sống trại có bắt đầu nhưng chẳng bao giờ kết thúc.

V/ Sổ tay của Đời sống trại:

Đời sống trại muốn điều khiển một cách chính xác, trước hết phải có “Sổ tay” của mình. Tất cả những sự việc sẽ làm đều được ghi vào sổ tay. Tất cả những nhận xét cả Ban quản trại lẫn Trại sinh đều ghi vào “Sổ tay Đời sống trại”.

Những vấn đề gì sắp được trình bày trước Trại sinh hay Ban quản trại đều phải được suy nghĩ, nhận xét sâu sắc trước khi đưa ra tập thể hay cá nhân.

Lần tập hợp này sẽ nói việc gì? Giải quyết như thế nào? Đều được ghi chép phán đoán thật chính xác. Nội dung phải đáp ứng được yêu cầu chung và phù hợp với tình hình, không khí trại. Không khí trại đang trên đà đi xuống mà nét mặt của Đời sống trại chẳng khác chi anh chàng bắt ếch hụt thì quá thê thảm. Nói năng thì nông cạn, hời hợt, nhận xét thì không tinh tường, chính xác thì làm sao để Trại sinh mến phục.

Sử dụng sổ tay Đời sống trại là làm cho Đời sống trại không khi nào lúng túng trước mặt Trại sinh, không lúng túng trong công tác điều hành trại. Chứng tỏ phần nào phương pháp làm việc của Đời sống trại.

Thời gian trên đất trại thật là quí báu, hết việc này đến công việc khác. Khoá giảng này xong lại đến khoá giảng khác. Mỗi lần tập họp chỉ vỏn vẹn có mấy phút. Nếu chúng ta không chuẩn bị truớc những điều muốn nói, nói đến đâu thì có thể không đảm bảo được thời khoá biểu chung. Thế mới thấy sự cần thiết của “Sổ tay Đời sống trại”.

 

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi