Câu chuyện lửa tàn – Về lại Lộc Uyển – Đức Quảng

Chuyên Mục: Câu chuyện lửa tàn 68 0

Về lại Lộc Uyển

Đêm nay, giờ phút vui vầy đến đây đã tàn theo ánh lửa. Tôi được chị trại trưởng ủy nhiệm nói Câu chuyện Lửa Tàn với quý ACE.

Trại Lộc Uyển bắt đầu cuộc đời huynh trưởng Gia Đình Phật Tử. Phật giáo đã bắt đầu từ vườn Lộc cách đây gần 3000 năm. Khởi chuyển Pháp luân độ 5 anh em Kiều Trần Như với bài pháp Tứ Diệu Đế – Pháp Tứ đế từ đó là tâm yếu của đạo Phật. Muốn đạt được pháp yếu này ngoài sự nhận diện cuộc đời là phiền não khổ đau để tìm cầu đời sống tỉnh thức (Khổ đế) ta cần phải vượt qua thập đại phiền não làm chướng ngại thân tâm. 10 phiền não này (chính là Tập đế) biến thành 10 vạn ức cõi nước thời quá khứ ngăn che niết bàn tự tâm trong kinh A Di Đà. 10 phiền não này hóa thành 10 đạo ma binh ngăn che ánh sáng tuệ giác của đức Phật dưới cội bồ đề… Tham – sân – si – mạn – nghi chính là vô minh độn sử khó thể trừ diệt khi chúng ta còn chút gì gọi là chấp ngã, chấp nhân. Thế nên trước khi bước vào Tàng kinh các mỗi chúng ta được trao cho ba cái chìa khóa gọi là “Tam pháp ấn”: Chư hành vô thường – Chư Pháp vô ngã – Niết bàn tịch tĩnh. Luận kinh không được rời ba chìa khóa này, liễu nghĩa cũng không rời ba chìa khóa này, kẻo đi mải không biết đường ra lại lọt vào mê lộ.

700 năm sau đức Thích Ca nhập diệt, những bộ kinh điển đồ sộ như Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cương, Trung Quán… ra đời, nhằm luận giải huyền nghĩa của pháp Tứ diệu đế bằng những huyền nghĩa khác, như mỗi một nhà ảo thuật nuôi thêm một nhà ảo thuật để biểu đạt một thực tướng của vạn hữu… vốn tự tâm sinh! Chúng ta tu hành, đi một vòng lớn, có khi hết cả một đời rồi thấy mình về lại Lộc Uyển, nghe lại bài pháp Tứ diệu đế về tiêu Ngã, diệt Mạn, dứt hết các Nghi tình.. Chúng ta thấy thần biến vô biên thân khi nhìn ra Thân kiến trong bài tựa Thủ Lăng Nghiêm “Lúc bấy giờ, Thế Tôn từ nơi nhục kế phóng ra hào quang trăm báu, trong hào quang phóng ra hoa sen báu ngàn cánh, có Hóa thân Như Lai ngồi trong hoa sen báu. Trên đảnh phóng mười đạo hào quang trăm báu, mỗi mỗi đạo hào quang đều thị hiện Kim Cang Mật Tích nhiều như số cát mười sông Hằng hà, tay đỡ núi, tay cầm chày, khắp cõi hư không. Ðại chúng ngước lên xem, vừa kính yêu vừa lo sợ, xin Phật thương xót che chở, nhất tâm lắng nghe đức Như Lai nơi Vô Kiến Ðảnh Tướng của Phật phóng ra hào quang tuyên thuyết Thần Chú”; Chúng ta lại thấy Trung Đạo hiện diện nơi Thiên kiến để điều chỉnh sự chấp thủ hay tà kiến, và rời bỏ Giới cấm thủ kiến để.. chuyển Thức thành Trí, và thấu biết phía sau lưng là phương Tây vốn yên tịnh, dù cách xa mười vạn ức cõi nước nhưng đúng là gần bên!

Nói về Ashoka đại đế với Trại A Dục là nói về một vị Chuyển luân vương không tiền khoáng hậu trong vòng 3000 năm nay. Sau trận chiến Kalinga nhà vua đã thả hết nô lệ trong khi gần 2000 năm sau tệ nạn mua bán nô lệ trên thế giới vẫn còn. Trong pháp dụ của nhà vua khuyến cáo dân chúng trước khi đốt đồng, cỏ rơm phải khéo xem xét các loại côn trùng có thể bị chết cháy trong khi thời nay khi luộc nghêu, ốc, cua tôm vẫn không thấy là phạm sát giới nghiêm trọng! Cách đây hơn 20 thế kỷ, các bệnh viện thú y chăm sóc loài vật do triều đại Ashoka xây dựng khắp đến Pakistan, Ai Cập… Nhà vua quay 180 độ từ một nhà chinh phục tàn ác vĩ đại biến thành nhà truyền giáo và hộ trì đạo Phật vượt ra khỏi lục địa, hải đảo xưa nay chưa từng có.

Để khuyến tấn các Trại sinh A Dục thấy rõ sự tranh đấu giữa cuộc đời để kiếm được chén cơm manh áo, để đạt danh lợi quyền hành, tự nhiên là phúc mà khiên cưỡng là họa nếu khởi từ độn sử Tham sân si. Thay vì xông vào đời với tốc độ tương ưng,  thì chúng ta giảm bớt tốc độ đó để quay về hộ pháp vệ đạo, hướng dẫn đàn em làm lợi ích cho đời. Giáo dục tuổi trẻ theo tinh thần Phật giáo là mục đích chung của những Phật tử được gọi là “Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam”

Khi đức Phật độ 5 anh em Kiều Trần Như tại Lộc Uyển, Như Lai có kể, ngay tại vườn Lộc này thuở xa xưa hàng ngàn năm trước, có con Nai chúa tên là Hoàng Thọ cứu bầy. Năm trước, lần đầu tiên trại huynh trưởng Sài Gòn tuy là lần đầu tiên lên chùa Di Đà Bảo Lộc nhưng địa danh Bát Nhã vốn đã nổi tiếng do Pháp nạn năm xưa. Năm nay chúng ta lại quay trở về vùng đất Di Đà dù đất trời tầm tã, nhưng ta vốn đi tìm nguồn tự tại vô biên nên chẳng ngại gì! Chứng tỏ ta với đất vốn có duyên lành từ muôn kiếp trước.

Cũng như Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, khởi đi từ Trại sơ cấp Lộc Uyển, hẹn một ngày về ngồi lại Lộc Uyển ngời ánh Đạo mầu.

Đức Quảng

Bài Viết Liên Quan

Thêm phản hồi